Tuy nhiên kết quả của cuộc chiến tranh này sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc nắm giữ vị thế nào và Ấn Độ ngăn chặn ý định của đối phương ra sao. Rõ ràng là Trung Quốc tìm kiếm một cuộc chiến mạnh mẽ để khẳng định các đòi hỏi của họ về chủ quyền ở Biển Đông; mở rộng các đòi hỏi lãnh thổ tới toàn bộ vùng Arunachand Pradesh và không chỉ giới hạn ở vùng Tawang Tract; và đưa hàng nghìn lính ngụy trang làm công nhân tới vùng Giamu và Casơmia do Pakixtan chiếm đóng (PoK). Kể từ khi dính líu vào từng vấn đề mà Trung Quốc coi là “lợi ích cốt lõi” của họ, Ấn Độ cần phải biết rằng tới một thời điểm nào đó nước này sẽ trở thành một đối tượng để Trung Quốc dạy một “bài học thứ hai” như đối với Việt Nam. “Bài học thứ nhất” đối với Ấn Độ đã được Trung Quốc đưa ra vào năm 1962 bởi “chính sách cấp tiến” của Niu Đêli trong vấn đề Himalaya và Việt Nam đã nhận được “bài học” vào năm 1979 vì đã phá vỡ kế hoạch của Trung Quốc ở Campuchia, nơi chế độ diệt chủng Khơme Đỏ, đồng minh của Bắc Kinh, từng sát hại gần 3 triệu người Campuchia và hàng trăm người gốc Việt Nam được biết tới với cái tên “những cánh đồng chết”. Việc chế độ diệt chủng này bị Việt Nam đánh đuổi khỏi Phnôm Pênh đã khiến Bắc Kinh bị bẽ mặt. Trung Quốc đã trả đũa bằng cách tấn công các huyện thuộc hai tỉnh miền Bắc Việt Nam là Lào Cai và Cao Bằng với hơn 20 đợt tấn công và thực hiện chính sách tiêu thổ, trong đó tất cả các cơ sở hạ tầng đều bị quân đội Trung Quốc phá hủy trước khi rút về bên kia biên giới. Việc Ấn Độ ủng hộ Việt Nam và các nước ASEAN ở ven Biển Đông trong vấn đề thăm dò các nguồn tài nguyên ở đáy vùng biển này như khoáng chất, dầu khí, và đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước này khiến Bắc Kinh nổi giận. Cả Ấn Độ và Việt Nam đều bác bỏ đòi hỏi của Trung Quốc yêu cầu ngừng thăm dò các mỏ dầu ở khu vực tương tự đã gây phản ứng gay gắt từ phía Trung Quốc. Ấn Độ đã tiếp tục làm cho Trung Quốc nổi giận thêm bằng việc cho phép Đạtlai Lạtma, thủ lĩnh tinh thần của người Tây Tạng phát biểu tại một đại hội phật giáo thế giới ở Niu Đêli và bị cáo buộc là “bàn tay nước ngoài” làm tăng số vụ tự thiêu và đánh bom tại một số nơi ở khu tự trị Tây Tạng cũng như ở vùng đại lục chống sự thống trị của người Hán và sự diệt chủng về văn hoá. 

Sự trả đũa 

Bởi vậy, Ấn Độ có lý do để lo ngại rằng Trung Quốc trả đũa để thể hiện sự bá quyền khu vực và quy chế cường quốc toàn cầu của họ và vai trò lãnh đạo cộng đồng phật giáo ở nước ngoài. Về ngắn hạn, Tawang có nhiều khả năng trở thành mục tiêu tấn công đầu tiên của Trung Quốc không phải chỉ vì Trung Quốc tự nhận chủ quyền đối với thành phố này từ lâu nay, mà là thành phố này sẽ tạo cho quốc gia vô thần đặt một chân vào cánh cửa của một cộng đồng tôn giáo có tầm quan trọng về mặt địa lý ở Nêpan, nơi Phật sinh, Ấn Độ nơi Đức Phật giảng đạo, và toàn bộ khu vực Đông Nam Á, nơi Phật giáo được coi như quốc đạo. Dường như cuộc tấn công của Trung Quốc sẽ không chỉ hạn chế ở khu vực Tawang Track mà có thể được mở rộng tới một số điểm dọc vùng Himalaya nhằm kiềm chế Ấn Độ can dự ngay lập tức ở một vùng và ngăn chặn quân đội Ấn Độ chuyển quân tăng viện từ khu vực này sang khu vực khác. Rất có thể cuộc tấn công sẽ bắt đầu từ Tawang như một động thái tượng trưng về quyền bá chủ đối với cộng đồng Phật giáo. Tín hiệu về hướng tấn công này thể hiện qua việc các tổ chức phi chính phủ của Trung Quốc phát động các nỗ lực tư nhân nhằm nâng cấp và khôi phục khu vực Lumbini, nơi Đức Phật giáng sinh ở Nêpan cho thấy tầm quan trọng của biểu tượng Phật giáo đối với Chính phủ Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng và kế hoạch chi phối toàn cầu. Một trong các điểm kích thích sự phiêu lưu của Trung Quốc là thung lũng Chumbi, có hình thù giống như con dao găm ngăn cách giữa bang Sikkim của Ấn Độ và Butan. Khu vực này có độ cao khoảng 350m trên mực nước biển, khí hậu ổn định và điều quan trọng nhất nó là cửa ngõ dẫn tới hành lang Siliguri Coridor, nối toàn bộ khu vực Đông Bắc với phần còn lại của Ấn Độ thông qua bang West Bengal . Kiểm soát được khu vực này sẽ giúp Trung Quốc trực tiếp tiếp cận Bănglađét và chỉ cách nước này khoảng 50km. 
Động thái trên sẽ có tác dụng cắt đứt toàn bộ miền Đông-Bắc khỏi phần còn lại của Ấn Độ và chứng tỏ với Nêpan, Bănglađét và Butan rằng Ấn Độ chỉ là “con hổ giấy” và sẽ là không khôn ngoan nếu liên kết hoặc ủng hộ Ấn Độ. Nêpan hiện đã phải phục tùng Trung Quốc căn cứ vào việc nước này đang làm hài lòng Bắc Kinh bằng việc tăng cường tuần tra dọc biên giới giáp Trung Quốc để ngăn chặn những người tỵ nạn Tây Tạng vào hoặc ra khỏi khu tự trị Tây Tạng, và bằng cách đó nỗ lực và cắt đứt một trong những hành lang mà Bắc Kinh cho rằng những người Tây Tạng nổi loạn thường sử dụng để tăng cường các hoạt động chống Trung Quốc. Người ta tin rằng Nêpan đã trao cho Trung Quốc rất nhiều người bị họ chặn bắt. Đại bộ phận những người này làm nghề trồng trọt, chăn nuôi và buôn bán, những người bán sản phẩm của họ xuống miền Nam Himalaya, nơi tập trung đông dân và là các thị trường lớn đối với các sản phẩm của họ. 

Hoạch định chiến lược 

Cuộc tấn công qua thung lũng Chumbi sẽ giống như cuộc tấn công của Trung Quốc về hướng Tezpur ở bang Assam hồi năm 1962. Dân thị trấn này đã được một nhân viên thu thuế yêu cầu sơ tán và tinh thần của dân tộc Ấn Độ bị suy sụp. Một cuộc tấn công qua Chumbi sẽ có những tác động đặc biệt nguy hiểm đối với Ấn Độ bởi niềm tin vào câu châm ngôn của ông Mao Trạch Đông về quyền bá chủ được thể hiện bằng “bàn tay” cao nguyên Tây Tạng với 5 ngón tay gồm Ladakh, Nêpan, Sikkim, Butan và Arunachand Pradesh. Tiếp cận Bănglađét qua thung lũng Chumbi sẽ ngắn hơn và có lợi đối với Trung Quốc hơn là qua hành lang dự định Irrawaddy tới tỉnh Kra của Malaixia thông qua Mianma, được coi là hành lang thay thế ngắn hơn và nhanh hơn để chuyển dầu mỏ mua từ bán đảo Arập nhiều dầu mỏ qua Ấn Độ Dương về Trung Quốc. Tuyến đường sắt và đường bộ qua thung lũng Chumbi sẽ tạo cho Lhasa, thủ phủ khu tự trị Tây Tạng khả năng tiếp cận trực tiếp vịnh Bengan với khoảng cách 1.500 km. Cùng với động thái trên, Trung Quốc hoàn toàn có thể thực hiện một số hoạt động điều quân để tăng cường vị trí của họ tại vùng PoK. Điều đó sẽ trói lực lượng Ấn Độ tại vùng Giamu và Casơmia đồng thời giúp mở rộng sự có mặt về quân sự của Trung Quốc ở khu vực này của vùng Himalaya mà họ đã xây dựng tuyến đường Karakoram chạy xuyên qua. Bắc Kinh có ý định kéo dài tuyến đường này tới cảng Qwada ở tỉnh Baluchistan song song cùng với một tuyến đường sắt sẽ nối cảng này với tỉnh Tân Cương của Trung Quốc. Hiện đã có từ 4.000-9.000 lính Trung Quốc ngụy trang dưới danh nghĩa kỹ sư và công nhân đang nâng cấp tuyến đường Karakoram với các cơ sở chính tại khu vực Gilgit. Khi Trung Quốc quyết định hành động, họ sẽ không hề do dự bởi đã có quá nhiều tín hiệu về sự suy giảm khả năng giải quyết bằng phương pháp hòa bình. Ấn Độ đang đứng chắn trên con đường bá quyền của Trung Quốc và sẽ bị tổn thất cực kỳ tồi tệ nếu không chặn đứng được các mũi tấn công trên quy mô lớn ở khu vực giữa sông Brahmaputra và sườn phía Bắc của dãy Himalaya . Quan hệ không ổn định với Nêpan có xu hướng tỏ ra là một “gót chân Asin” đối với Ấn Độ và việc bảo vệ Butan cần phải được tăng cường mạnh thêm ngoài Nhóm huấn luyện quân sự Ấn Độ (IMTRAT) hiện triển khai tại nước này. Tại Sikkim, quân đội Ấn Độ triển khai trực diện với Trung Quốc và có tinh thần chiến đấu cao, đã ăn miếng trả miếng với lính Trung Quốc vào năm 1987, khiến Trung Quốc đã bị tổn thất lớn. Các hành động tương tự như vậy cần phải được thực hiện ở bất kỳ địa điểm nào dọc Tuyến kiểm soát thực tế (LAC) dài hơn 3.400 km ở vùng Himalaya. Việc thành lập thêm 2 sư đoàn lính sơn cước ở khu vực bang Arunachand Pradesh là diễn biến đáng hoan nghênh sau hàng thập kỷ bị xao nhãng. Ấn Độ cần thành lập thêm ít nhất 5 sư đoàn để dành riêng cho việc bảo vệ trục thung lũng Chumbi cũng như bang Sikkim, Butan, đường biên giới Ấn Độ-Nêpan và vùng Ladakh để có thể chặn đứng các cuộc tiến công của Trung Quốc theo hướng này. Hiện Ấn Độ còn rất ít thời gian để chuẩn bị và Trung Quốc có thể phát động các cuộc tấn công phủ đầu nhằm tạo thế bất ngờ trong khi Ấn Độ chưa kịp chuẩn bị đối phó./.

Theo Tạp chí “Các vấn đề chiến lược” (19/2)

Lê Sơn (gt)