ac7e6ba17838dc170ae043e1e064eb012af60fc2.jpg

Nhu cầu về đất đai đã buộc Chính phủ Singapore phải thúc đẩy đầu tư trực tiếp vào các nước trong khu vực, bao gồm cả các khu công nghiệp ở Việt Nam và Trung Quốc, và phát triển các cụm công nghiệp-dân cư ở các nước láng giềng Malaysia và Indonesia. Một trong những cơ sở quốc phòng của Úc mà Singapore đã tiếp cận trong nhiều năm qua là căn cứ huấn luyện Shoalwater Bay ở bang Queensland, có diện tích lớn gấp ba lần Singapore.

Thỏa thuận quốc phòng của Singapore là một chủ đề nhạy cảm trong khu vực kể từ khi nước này trở thành một nước cộng hòa độc lập vào năm 1965; không chỉ vì quốc gia nhỏ bé này chi tiêu nhiều tiền cho quốc phòng hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở khu vực Đông Nam Á, mà còn vì nước này thường đề cập đến những vấn đề nhạy cảm trong các thỏa thuận với các nước láng giềng. Việc Singapore theo đuổi tư lợi của mình là một câu chuyện cảnh báo mà Úc lẽ ra đã phải chú ý trong các thỏa thuận quốc phòng và ngoại giao với Singapore.

Vào giữa những năm 60 của thế kỷ trước, Singapore đã khiến Mỹ “đủ thất vọng” khi đe dọa, mời Liên Xô vào Singapore. Cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, Singapore còn mời nhóm cố vấn của Lực lượng vũ trang Israel tới để giúp xây dựng lực lượng vũ trang Singapore - mặc dù bản thân Singapore có dân số Hồi giáo đông và được bao quanh bởi hai quốc gia Hồi giáo.

Chỉ vì lợi ích thương mại, Singapore đã thiết lập mối quan hệ với giới chức giàu có Indonesia và giới quân sự Myanmar mà một số người cho rằng đây chẳng qua là hình thức rửa tiền. Và kể từ những năm 1970, lực lượng vũ trang Singapore đã nhận được sự hiếu khách của Đài Loan, thậm chí ngay cả khi một số thế lực trong Chính phủ Singapore có mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc. Lực lượng không quân Singapore đã được đào tạo ở Đài Loan trong nhiều thập kỷ và nước này cũng đang sử dụng không gian rộng lớn của Úc ở Tây Úc và Queensland.

Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần phải lưu ý rằng thỏa thuận quốc phòng của Úc với Singapore không phải là không có rủi ro. Singapore không phải là một đối tác trung lập có giá trị đối với Úc. Tại thời điểm này, cả Úc và Singapore đang không ngừng nỗ lực để điều tiết thỏa thuận của họ với Mỹ và sự phụ thuộc kinh tế của họ vào Trung Quốc. Rõ ràng, hai nước đang có chung tâm trạng lo ngại chính sách ngoại giao và quân sự ngày càng hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc.

Nhưng nếu việc Trung Quốc tiếp tục tăng cường cải tạo đất ở Biển Đông mà không phải gánh chịu hậu quả, và tự giúp mình thoát khỏi những vấn đề kinh tế hiện nay, các nhà hoạch định chính sách Úc nên thừa nhận khả năng rằng Singapore có thể “quay ngoắt” mà không thèm đếm xỉa mong muốn của Úc hoặc những cam kết trước đó, cũng giống như nước này từng sẵn sàng “quay ngoắt” trong những năm 60 của thế kỷ trước.

Trong thỏa thuận quốc phòng và chính sách đối ngoại của mình, lịch sử Singapore đã cho thấy rằng nước này sẵn sàng tham gia các kế hoạch có nguy cơ rủi ro cao để giúp củng cố an ninh và tìm kiếm những vùng đất mới cho mình. Họ sẵn sàng trả giá cao cho an ninh và vùng đất mới – chẳng hạn như Singapore mới đây cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD vào các cơ sở đào tạo quân sự của Úc. Nhưng cần phải hiểu rằng Singapore coi khoản tiền này trên tinh thần “mua” chứ không phải “thuê”. Singapore có thể là người hưởng lợi chính từ CSP, nhưng vẫn có những lợi ích vô hình và hữu hình đối với Úc. Rõ ràng, khoản tiền này là lợi ích hữu hình nhất, và không có nó thỏa thuận sẽ không có được sự tiến bộ. Singapore đến nay vẫn được coi là “người bạn” tốt nhất của Úc ở châu Á. Và Úc không có quá nhiều bạn bè có mối quan hệ tốt như vậy.

Úc đã rất thiện chí với Singapore trong một thời gian dài mà không có nhiều triển vọng nhận lại được điều tương tự. Úc là quốc gia đầu tiên công nhận nền độc lập của Singapore và đã giúp ổn định đất nước non trẻ này. Bây giờ mọi thứ đã thay đổi đáng kể. Singapore hiện triển khai một chính sách đối ngoại rất tinh vi, cân bằng giữa mối quan hệ quốc phòng với Mỹ và mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc. Ngay cả khi duy trì thỏa thuận quốc phòng với Đài Loan, Singapore đã quản lý mối quan hệ với Trung Quốc rất tốt. Không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi Singapore cũng đang nghiêm túc chi một khoản tiền lớn khi gửi một số người tốt nhất và sáng giá nhất đến Trung Quốc để học tập và nghiên cứu. Vì vậy, ngành ngoại giao và quốc phòng của Úc cần phải tỉnh táo trước việc Singapore theo đuổi lợi ích riêng của mình với sự bất thường, khó đoán. Trong CSP, những rủi ro là có thật và không nên xem nhẹ. Điều quan trọng là Úc phải thận trọng khi tăng cường hợp tác quốc phòng với Singapore.

Tác giả Michael Barr là Phó Giáo suw tại Trường Lịch sử và Quan hệ Quốc tế, Đại học Flinders. Bài viết đăng trên tờ Diễn đàn Đông Á”.

Vũ Hiền (gt)