US-president-Barack-Obama-001-300x180.jpg

Trước thềm chuyến thăm Việt Nam vào cuối tháng 5 của Tổng thống Mỹ Barack Obama, các quan chức và nhà phân tích ở Washington lẫn Hà Nội đều nói về việc liệu Mỹ có nên dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam hay không, vốn được áp đặt khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975. Vấn đề này càng trở nên cấp thiết khi quan hệ song phương ngày càng nồng ấm hơn, cũng như xét tới các lợi ích chung giữa Mỹ và Việt Nam trong việc duy trì an ninh trên Biển Đông.

Chính quyền Obama đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vào tháng 10/2014 trong một nỗ lực giúp Việt Nam cải thiện các năng lực an ninh biển và để đáp lại những cải thiện “khiêm tốn” trong thành tích nhân quyền của nước này. Các quan chức Việt Nam từ đó đã kêu gọi dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm này. Đối với Hà Nội, việc duy trì lệnh cấm có nghĩa rằng các quan hệ, bao gồm cả quan hệ quân sự, vẫn chưa hoàn toàn được bình thường hóa. Ở đây tồn tại sự khác biệt trong quan điểm giữa hai bên.

Khi Hà Nội và Washington bắt đầu thăm dò các cách thức thực chất để thúc đẩy quan hệ trong giai đoạn đầu của chiến lược tái cân bằng sang châu Á của Mỹ, các quan chức Mỹ đã tạo ra sự kết nối giữa việc dỡ bỏ lệnh cấm với tiến bộ trong vấn đề nhân quyền, và coi đó là một cách thức duy trì lực đòn bẩy. Sự kết nối này được hình thành trên cơ sở Việt Nam muốn tăng cường hợp tác an ninh chặt chẽ với Mỹ trước thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông.

Môi trường chiến lược cho quan hệ Việt-Mỹ đã phát triển kể từ đó. Trong khi người ta chưa hoàn toàn hiểu rõ mức độ cam kết của Việt Nam với vai trò là đối tác trong nỗ lực Mỹ dẫn đầu nhằm khuyến khích một trật tự khu vực dựa trên các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế, hai nước đã đạt được những bước tiến đáng kể trong những năm qua. Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ lên thành quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013, bắt đầu hoạt động hợp tác giữa Lực lượng Bảo vệ bờ biển của hai nước cùng trong năm đó và ký kết một tuyên bố tầm nhìn chung về việc thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương vào năm 2015. Quan trọng nhất, Việt Nam đã kết thúc các cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Mỹ và 10 nước khác vào tháng 10/2015.

Ký kết TPP không phải là một quyết định dễ dàng đối với Hà Nội. Theo một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ, khi xét tới những sự nhạy cảm về chính trị và mức độ phát triển kinh tế của Việt Nam, các nhà lãnh đạo nước này sẽ không theo đuổi các cuộc đàm phán khó khăn trừ phi họ tin tưởng vào năng lực lãnh đạo khu vực của Mỹ trong tương lai. Việt Nam đã tham gia đàm phán TPP vào năm 2009, nhưng rất nhiều người không chắc chắn rằng liệu giới lãnh đạo Việt Nam có đều ủng hộ thỏa thuận này không, và liệu Việt Nam có thể kết thúc các cuộc đàm phán hay không. Cuối cùng, Việt Nam đã làm được cả hai điều này.

Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ thường nhắc tới TPP như là “phần quan trọng nhất của đạo luật về nhân quyền” trong bối cảnh của Việt Nam. Chẳng hạn, theo kế hoạch thực thi về lao động của TPP được đàm phán giữa Mỹ và Việt Nam, Hà Nội đã nhất trí thực hiện các cải cách pháp lý cho phép các công nhân tự do lập hội, có quyền đàm phán tập thể và quyền tổ chức đình công. Việt Nam đã cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn lao động được Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đặt ra và chấp nhận việc xem xét định kỳ thành tích của nước này về quyền cho người lao động một khi TPP có hiệu lực.

Các nhà lập pháp tại Quốc hội Mỹ, những người đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc Việt Nam phải thể hiện những tiến bộ cụ thể trong vấn đề quyền lợi, có một cơ hội giúp thực thi các tiêu chuẩn lao động này bằng cách ủng hộ TPP. Nhưng việc tiếp tục duy trì lệnh cấm bán vũ khí sát thương trong tình hình hiện nay có rất ít giá trị chiến lược đối với Mỹ.

Bất chấp các cột mốc lịch sử trong quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt trong những năm qua, quân đội hai nước mới chỉ thực sự bắt đầu tìm hiểu về nhau. Nhiều người tại Hà Nội vẫn đặt câu hỏi liệu Mỹ có ý định làm việc với Việt Nam theo một cách thức nghiêm túc và có tính xây dựng trong những năm tới hay không. Cảm giác nghi ngờ này không phải là điều gì mới – nó có thể bắt nguồn từ thời kỳ sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, khi Hà Nội và Washington còn xa cách nhau và cố gắng thiết lập các quy tắc can dự trước khi bình thường hóa các quan hệ ngoại giao vào năm 1995.

Kể từ đó, hai nước đã nỗ lực để dần từng bước giải quyết các di sản còn lại của sự nghi kỵ lẫn nhau. Năm ngoái, điều này thể hiện qua chuyến thăm Nhà Trắng đầu tiên của một nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo chính trị cao nhất của nước này – một dấu hiệu cho thấy hai bên tôn trọng hệ thống chính trị của nhau. Năm nay, tiếp theo là chuyến thăm đầu tiên của Obama tới Việt Nam, và chuyến thăm thứ 3 liên tiếp của một tổng thống Mỹ kể từ khi bình thường hóa quan hệ.

Việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương sẽ loại bỏ một di sản nữa của sự ngờ vực giữa hai đối tác mới. Có nhiều quan điểm trong Chính phủ Mỹ về mặt lợi và hại của động thái này. Những người ủng hộ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm, bao gồm Thượng nghị sĩ John McCain, chỉ rõ giá trị trong việc thúc đẩy hợp tác an ninh biển với quân đội đang phát triển nhanh của Việt Nam. Những người chỉ trích, kể cả một số người nhìn chung ủng hộ đường hướng phát triển đi lên của quan hệ Việt-Mỹ, đã tập trung vào sự cần thiết phải có nhiều tiến bộ hơn trong vấn đề nhân quyền trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã thúc giục Hà Nội thả vô điều kiện tất cả tù nhân chính trị trong chuyến thăm Hà Nội của ông vào tháng 4/2016.

Đối với Washington, cơ sở hợp lý cho việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm nên là sự trao đổi có đi có lại,  không chỉ dưới dạng các cải thiện về nhân quyền. Thay vào đó, việc dỡ bỏ lệnh cấm có thể được coi như là một biện pháp xây dựng lòng tin để chuyển tới Hà Nội thông điệp rằng để đáp lại, Mỹ muốn thấy Việt Nam chủ động hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo của quan hệ quốc phòng, cụ thể là trong lĩnh vực thương mại quốc phòng.

Các nỗ lực ban đầu trong lĩnh vực này đã diễn ra nhưng vẫn ở trong giai đoạn đầu. Năm 2015, Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã hình thành một nhóm công tác về thương mại quốc phòng, cho phép các đại diện từ ngành công nghiệp quốc phòng của cả Việt Nam và Mỹ trở thành một phần trong cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng chính thức giữa hai bộ. Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã đóng một vai trò then chốt trong việc giúp đỡ các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam làm quen nhiều hơn với quá trình mua sắm quân sự kể từ khi dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận.

Việt Nam mong muốn và cần kiên định theo đuổi quá trình hiện đại hóa quân sự, và nước này coi công nghệ quân sự của Mỹ là một đòn bẩy chiến lược tiềm tàng. Việt Nam không chỉ cần xây dựng một lực lượng răn đe hiệu quả trước sự hung hăng của Trung Quốc – nước này là nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ 8 thế giới trong giai đoạn 2011-2015 – Việt Nam cũng muốn giảm dần sự phụ thuộc quá mức của mình vào các hệ thống do Nga chế tạo và tạo dựng khả năng phối hợp hoạt động với các đối tác đang nổi trong khu vực, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Mỹ. Tuy nhiên, sự không chắc chắn do lệnh cấm tạo ra đã làm phức tạp tính toán của Việt Nam trong việc thúc đẩy lĩnh vực này với Mỹ.

Một số người bày tỏ quan ngại rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm có thể mở cánh cửa cho Hà Nội mua thiết bị quân sự mà có thể được sử dụng cho các vi phạm nhân quyền. Nhưng ngay cả khi không có lệnh cấm, Việt Nam sẽ cần phải nỗ lực để vượt qua quá trình phê chuẩn khắt khe của các cơ quan chính phủ và Quốc hội Mỹ, giống như các nước khác khi mua các hệ thống vũ khí của Mỹ. Sẽ là không hợp lý khi Chính phủ Mỹ đã huấn luyện quân đội Việt Nam trong nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế, nhưng Washington vẫn duy trì một lệnh cấm chống lại Hà Nội.

Về phần mình, Việt Nam được kỳ vọng sẽ cân nhắc mua vũ khí gì và vào thời điểm nào từ các công ty quốc phòng của Mỹ. Việc này một phần là vì các lý do kỹ thuật, do Việt Nam sẽ cần phải hợp nhất thiết bị do Mỹ sản xuất vào hệ thống hiện nay của mình, nhưng điều quan trọng hơn là Hà Nội không muốn Bắc Kinh coi bất cứ động thái nào như vậy là một mối đe dọa mà Trung Quốc cần phải đáp trả.

Cuối cùng, chính sách ngoại giao của Mỹ hiệu quả nhất khi các nhà lãnh đạo sử dụng công cụ phù hợp trong bộ công cụ của họ. Ông Obama đang có một cơ hội then chốt trong chuyến thăm của mình để truyền đạt tới các nhà lãnh đạo Việt Nam suy nghĩ của Mỹ về việc liệu lệnh cấm bán vũ khí có được dỡ bỏ hay không và việc này sẽ được thực hiện dưới hoàn cảnh nào. Quốc hội Mỹ sẽ có một cơ hội để đánh giá lại tình hình sau chuyến thăm của Obama. Nhưng tính thiết thực của lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam đã không còn hữu dụng nữa./.

Tác giả Murray Hiebert là cố vấn cấp cao và phó giám đốc của Chương trình Đông Nam Á CSIS thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Washington, D.C. Phuong Nguyen là nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Đông Nam Á. Bài viết đăng trên “CSIS”.

Mỹ Anh (gt)