Ngày 22/1, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã có bài phát biểu trước Quốc hội về định hướng chính sách đối ngoại trong năm 2016. Dưới đây là toàn văn bài phát biểu.

Tại phiên họp thứ 190 của Quốc hội, tôi muốn trình bày quan điểm của mình về định hướng chính sách đối ngoại cơ bản của Nhật Bản. 

Tổng quan

Năm 2016 là một năm vô cùng quan trọng với chính sách đối ngoại của Nhật Bản, với một trách nhiệm to lớn. Đặc biệt, với tư cách là Chủ tịch G7, Nhật Bản sẽ tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng tại Hiroshima vào tháng 4/2016 và Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 5/2016. Chúng ta sẽ trình bày các vấn đề thích hợp với các nước G7 vốn có cùng các giá trị nền tảng như tự do, dân chủ, quy định của luật pháp và nhân quyền, đồng thời gửi một thông điệp mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế. 

Trong năm 2016, Nhật Bản cũng có nhiều cơ hội quan trọng để lãnh đạo các cuộc thảo luận trong cộng đồng quốc tế. Với tư cách là nước thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc trong hai năm bắt đầu từ tháng 1/2016 và chủ tọa Hội nghị thượng đỉnh ba bên Trung-Nhật-Hàn. Hội nghị Quốc tế Tokyo về Phát triển châu Phi lần thứ sáu (TICAD VI) lần đầu tiên sẽ diễn ra tại châu Phi.

Tận dụng những cơ hội giá trị này, chúng ta sẽ đóng góp vào giải pháp cho các vấn đề toàn cầu của cộng đồng quốc tế cũng như bảo vệ và tăng cường các lợi ích quốc gia của Nhật Bản. Cuối cùng, để tăng cường sự hiện diện của chúng ta trên trường quốc tế, chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện đường hướng ngoại giao chiến lược. 

Ba cột trụ trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản

Để đạt được thành tựu nói trên, chúng ta cần tiếp tục thực hiện các nỗ lực, tập trung vào ba cột trụ chính sách đối ngoại của Nhật Bản, gồm củng cố liên minh Mỹ-Nhật, tăng cường quan hệ với các nước láng giềng và tăng cường ngoại giao kinh tế như là công cụ thúc đẩy tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản. 

Cột trụ thứ nhất là củng cố Liên minh Mỹ-Nhật

Liên minh Mỹ-Nhật, nhân tố chính của chính sách đối ngoại Nhật Bản, đang phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Abe đến Mỹ hồi tháng 4/2015, hai nhà lãnh đạo đã khẳng định rằng liên minh này sẽ tiếp tục đóng vai trò lãnh đạo để đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực cũng như trên thế giới. Tại cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 11/2015, hai nhà lãnh đạo thống nhất quan điểm xây dựng một mạng lưới để thực thi hòa bình và thịnh vượng khu vực với liên minh Mỹ-Nhật là nòng cốt.

Định hướng mới và Luật Hòa bình và An ninh sẽ hỗ trợ việc củng cố lá chắn của liên minh Mỹ-Nhật. Chúng ta sẽ thúc đẩy các nỗ lực trong khuôn khổ này. Để giảm thiểu rủi ro liên quan đến Căn cứ không quân Futenma của quân đội Mỹ đồng thời vẫn duy trì được lá chắn của các lực lượng Mỹ, chính phủ sẽ thúc đẩy trong thời gian sớm nhất kế hoạch tái bố trí căn cứ Mỹ đến Henoko. Nhật Bản và Mỹ đã hoàn tất Thỏa thuận Bổ sung cho Thỏa thuận Nhật-Mỹ về bảo vệ môi trường hồi tháng 9/2015 và ra tuyên bố chung Mỹ-Nhật về việc trao trả sớm và cùng sử dụng các cơ sở và khu vực tại Okinawa. Chúng ta cũng tiếp tục những nỗ lực cao nhất để giảm thiểu tác động của kế hoạch này đối với tỉnh Okinawa. 

Cột trụ thứ hai là tăng cường quan hệ với các nước láng giềng

Vào tháng 11/2015, Hội nghị thượng đỉnh ba bên Nhật-Trung-Hàn đã diễn ra lần đầu tiên sau ba năm rưỡi, đánh dấu sự bình thường hóa hoàn toàn quan hệ hợp tác ba bên. Trong bối cảnh duy trì sự tiến triển thuận lợi này, chúng tôi sẽ nỗ lực để đạt được những kết quả cụ thể tại Hội nghị thượng đỉnh ba bên mà Nhật Bản đóng vai trò chủ nhà trong năm 2016.

Quan hệ với Trung Quốc là một trong những quan hệ song phương quan trọng của Nhật Bản. Hai nước có cùng chung trách nhiệm về hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như của cộng đồng quốc tế. Quan hệ Nhật-Trung đang cải thiện, sau cuộc gặp thượng đỉnh và cuộc gặp ngoại trưởng trong năm 2015. Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành đối thoại và hợp tác trên nhiều lĩnh vực và nỗ lực thúc đẩy “quan hệ đôi bên cùng có lợi dựa trên những lợi ích chiến lược chung”. 

Trong khi đó, tại biển Hoa Đông, Trung Quốc tiếp tục xâm nhập lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku và đơn phương khai thác tài nguyên thiên nhiên. Nhật Bản sẽ tiếp tục tiến hành sự tiếp cận kiên quyết và hoà bình đối với tình hình này đồng thời vẫn bảo vệ lập trường của mình. 

Quan hệ với Hàn Quốc, láng giềng quan trọng nhất của chúng ta, đóng vai trò quan trọng sống còn. Dựa trên những định hướng từ lãnh đạo của hai nước về thúc đẩy tham vấn tiến đến sớm tìm ra giải pháp cho vấn đề phụ nữ mua vui, được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh tổ chức hồi tháng 11/2015 lần đầu tiên sau ba năm rưỡi, các ngoại trưởng xác định tại cuộc họp hồi tháng 12/2015 rằng vấn đề “phụ nữ mua vui” đã được giải quyết xong và không đảo ngược. Chúng ta sẽ kiên trì thực hiện thỏa thuận đó và tiến tới xây dựng một kỷ nguyên mới của mối quan hệ Nhật-Hàn hướng tới tương lai.

Đối với vấn đề Takeshima, là một phần lãnh thổ không tách rời của Nhật Bản, chúng ta sẽ tiếp tục thực thi các nỗ lực kiên trì thông qua việc truyền đạt một cách rõ ràng quan điểm của chúng ta.

Đối với vấn đề Triều Tiên, với chính sách “đối thoại và gây sức ép” và trên cơ sở phù hợp với Tuyên bố Bình Nhưỡng giữa Nhật Bản với Triều Tiên, Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được một giải pháp toàn diện đối với các vấn đề lớn đang gây quan ngại hiện nay. Nhật Bản hoàn toàn không thể chấp nhận vụ thử hạt nhân vừa qua của Triều Tiên. Với tư cách là nước thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chúng ta sẽ tiếp tục phối hợp với cộng đồng quốc tế để đưa ra những biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả trong nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an, đồng thời thực thi những biện pháp của riêng Nhật Bản theo cách thức cứng rắn và kiên quyết. 

Chúng ta tiếp tục kiên định chính sách đối ngoại của mình, thực thi những nỗ lực mạnh nhất đối với vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc, một trong những vấn đề quan trọng của Chính quyền Shinzo Abe. Nhật Bản không đóng cửa đối thoại để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này. Chúng ta cương quyết thực thi những nỗ lực nhằm đạt được mục đích toàn bộ những người bị bắt cóc được trao trả trong thời gian sớm nhất và hoàn thành tâm nguyện lâu nay của họ là được đoàn tụ với gia đình.

Đối với vấn đề lãnh thổ phương Bắc, vấn đề cốt lõi trong quan ngại giữa Nga với Nhật Bản, chuyến công du Nga năm 2015 của tôi đã đánh dấu việc nối lại đàm phán để tiến tới một hiệp định hòa bình. Năm nay, chúng ta quyết tâm tăng cường quan hệ Nga-Nhật theo cách thức phục vụ cho lợi ích quốc gia của Nhật Bản. Chúng ta sẽ nỗ lực gấp đôi trong tiến trình đàm phán tiến tới một hiệp định hòa bình với Nga thông qua giải pháp đối với Bốn đảo phương Bắc, cũng như sự tiếp cận chủ động tiến trình đối thoại với Nga thông qua nhiều cơ hội khác nhau. 

Tiến đến một giải pháp hòa bình cho tình hình tại Ukraine, Nhật Bản sẽ đóng vai trò tích cực trong khả năng của mình với tư cách là Chủ tịch G7, đồng thời đề cao sự đoàn kết trong G7 và trên các diễn đàn khác. 

Một ASEAN hội nhập, thịnh vượng và ổn định hơn đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho hòa bình và ổn định toàn khu vực. Nhật Bản sẽ tiếp tục ủng hộ những nỗ lực tăng cường sự hội nhập của ASEAN. Chúng ta sẽ nỗ lực phát triển quan hệ với mỗi nước thành viên trong ASEAN và tiếp tục đưa ra đề nghị hợp tác với các nước này, đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực Biển Đông. 

Nhật Bản sẽ thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ trong khuôn khổ Đối tác toàn cầu chiến lược đặc biệt và với nhiều nước Nam Á khác. 

Với Úc, Nhật Bản gặt hái được thành quả từ mối quan hệ đặc biệt dựa trên những giá trị và lợi ích chiến lược chung và chúng ta sẽ thúc đẩy hơn nữa những sự hợp tác đó của chúng ta cũng như hợp tác giữa Nhật Bản, Úc và Mỹ. Nhật Bản sẽ thúc đẩy hợp tác với các nước châu Đại dương trong đó có các quốc đảo ở Thái Bình Dương. 

Chúng ta cũng tăng cường quan hệ với các nước châu Âu vốn có chung giá trị nền tảng với Nhật Bản, trong khi phát huy vai trò của các khung hợp tác như Liên minh châu Âu và NATO. Đặc biệt, chúng ta sẽ tăng cường hợp tác với Anh và Pháp trong các lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Các nước ở Trung Á có vai trò khu vực quan trọng mang tính chiến lược đối với ổn định của Âu-Á và chúng ta sẽ mở rộng quan hệ hợp tác với những nước này trên nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh Olympic sẽ diễn ra tại Rio trong năm nay, chúng ta sẽ tăng cường giao lưu và hợp tác với các nước Mỹ Latinh và các nước vùng Caribean trên nhiều lĩnh vực. 

Cột trụ thứ ba trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản là thúc đẩy ngoại giao kinh tế như là một cách thức làm động lực tăng trưởng kinh tế đất nước 

Cá nhân tôi đã tham gia những nỗ lực “thương mại cấp cao” tại các nước như Cuba và Iran và cũng đã tiến hành những buổi tiếp khách cũng như các sự kiện khác tại nhà khách Iikura để truyền thông điệp về sức hấp dẫn của Nhật Bản đến thế giới. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn tại các thị trường nước ngoài, chúng ta sẽ thúc đẩy một cách mạnh mẽ các sáng kiến của cả khối nhà nước và tư nhân, trong đó có việc hỗ trợ các hoạt động ở nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản và thúc đẩy xuất khẩu các hệ thống hạ tầng cũng như các sản phẩm Nhật Bản thông qua cơ chế Viện trợ phát triển chính thức (ODA) và các thỏa thuận đầu tư. Đặc biệt, chúng ta sẽ tăng cường đầu tư hạ tầng ở châu Á thông qua cơ chế “Đối tác hạ tầng chất lượng cao”.

Việc đẩy mạnh các quan hệ đối tác kinh tế đóng vai trò là một trong ba cột trụ của Chiến lược tăng tưởng của chính phủ. Cùng với Mỹ, Nhật Bản giữ vai trò đầu tàu trong việc đạt được Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và mục tiêu của chúng ta là TPP sẽ được phê chuẩn và có hiệu lực trong thời gian sớm nhất. TPP sẽ cung cấp cho chúng ta động lực để thúc đẩy mạnh mẽ các thỏa thuận đối tác kinh tế khác.

Đóng góp hơn nữa cho các giải pháp đối với các vấn đề toàn cầu

Trong vòng hai năm bắt đầu từ năm 2016, năm kỷ niệm 60 năm Nhật Bản trở thành thành viên của Liên hợp quốc, Nhật Bản sẽ đảm nhiệm vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần thứ 11, là nước có số lần trở thành thành viên không thường trực nhiều nhất trong tất cả các nước thành viên. Nhân cơ hội này, Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác với Liên hợp quốc và thực thi chính sách “Đóng góp chủ động cho hòa bình” bằng việc tổ chức các cuộc thảo luận về hòa bình và thịnh vượng toàn cầu, đồng thời truyền thông điệp thể hiện lập trường của Nhật Bản đến thế giới. Nhật Bản sẽ đóng góp tích cực cho một loạt vấn đề thông qua việc hợp tác với các hoạt động gìn giữ hòa bình cũng như các sáng kiến khác của Liên hợp quốc. Chúng ta cũng chủ trương thúc đẩy việc tăng số nhân viên Nhật Bản làm việc tại các tổ chức quốc tế. 

Hợp tác với Ấn Độ, Đức và Brazil, Nhật Bản sẽ đóng vai trò đi đầu trong việc thúc đẩy cải cách tại Hội đồng Bảo an nhằm đảm bảo rằng Liên hợp quốc có thể phản ánh tốt hơn thực tế của cộng đồng quốc tế và giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả hơn.

Việc sử dụng các diễn đàn như Hội nghị ngoại trưởng G7 được tổ chức tại Hiroshima vào tháng 4/2016, Nhật Bản là nước duy nhất hứng chịu hậu quả của bom hạt nhân trong chiến tranh, sẽ kêu gọi sự hợp tác giữa các quốc gia có vũ khí hạt nhân và không có vũ khí hạt nhân, đồng thời chủ trì các cuộc thảo luận về việc giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân để thực hiện một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố hạt nhân là một vấn đề quan trọng đối với an ninh toàn cầu. Để ngăn chặn các hành động khủng bố hạt nhân, chúng ta sẽ đóng góp chủ động vào việc tăng cường an ninh hạt nhân ở khu vực châu Á và trên thế giới.

Nhật Bản sẽ kiên trì thực thi Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Với an ninh nhân loại là nguyên tắc mang tính chỉ đường, chúng ta sẽ thúc đẩy các sáng kiến trong các lĩnh vực như y tế, phụ nữ và giáo dục, đồng thời nỗ lực lồng ghép vào hoạt động giảm thiểu rủi ro của thảm họa. 

Xây dựng một “xã hội nơi phụ nữ tỏa sáng” là một trong những vấn đề ưu tiên của Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe. Chúng ta sẽ thực thi tất cả các nỗ lực để thúc đẩy chương trình hành động liên quan đến phụ nữ trên nhiều lĩnh vực, trong đó bao gồm cả Hội đồng toàn cầu vì phụ nữ (WAW). 

Dựa trên Hiến chương Hợp tác Phát triển, chúng ta sẽ thúc đẩy sử dụng ODA mang tính chiến lược và chủ động thông qua các nỗ lực chung của khu vực tư nhân và nhà nước để đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế, qua đó đảm bảo các lợi ích quốc gia của Nhật Bản. 

Đối với vấn đề biến đổi khí hậu, chúng ta hoan nghênh Thỏa thuận Paris, được thông qua tại khóa họp thứ 21 của các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biển đổi khí hậu (COP 21) như là một cơ cấu khung với sự tham gia của tất cả các nước trên thế giới lần đầu tiên trong lịch sử. Chúng ta sẽ nỗ lực để hỗ trợ thỏa thuận lịch sử này mở đường cho toàn thế giới tiến tới các hành động chung để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. 

Dưới sự lãnh đạo của Nhóm cố vấn Công nghệ và khoa học, do tôi bổ nhiệm hồi tháng 9/2015, chúng ta sẽ thúc đẩy ngoại giao công nghệ và khoa học thông qua việc phát huy lợi thế công nghệ tiên tiến của chúng ta trên nhiều lĩnh vực trong chính sách đối ngoại, trong đó có an ninh, các vấn đề toàn cầu và sự hợp tác quốc tế. 

Đối với việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên sinh vật biển, trong đó có cá voi, chúng tôi sẽ tăng cường các nỗ lực để nhận được sự thông hiểu và ủng hộ của cộng đồng quốc tế. 

Các khu vực tư nhân và nhà nước sẽ phối hợp để đẩy mạnh quan hệ đối tác của Nhật Bản với châu Phi thông qua TICAD VI, TICAD đầu tiên được tổ chức tại châu Phi. 

Môi trường an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương ngày càng trở nên nghiêm trọng. Hơn nữa, tầm quan trọng của an ninh hàng hải đã tăng mạnh trong năm qua. Với nhận thức không có quốc gia nào có thể đơn độc duy trì hòa bình và ổn định của riêng mình, chúng ta đã nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Nhật Bản, khu vực và trên thế giới thông qua việc thúc đẩy Đóng góp chủ động cho Hòa bình dựa trên nguyên tắc hợp tác quốc tế. Tại khóa họp thứ 189 của Quốc hội, Luật An ninh và Hòa bình đã được thông qua như là một biện pháp để thực thi nguyên tắc trên. Nhật Bản sẽ tiếp tục bảo vệ cuộc sống hòa bình của nhân dân, đồng thời tăng cường đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực cũng như trên thế giới. 

Nhiều nước đã bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với tất cả những hành động đơn phương ở Biển Đông nhằm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng, trong đó có hoạt động bồi đắp đảo một cách vội vàng trên quy mô lớn, xây dựng các tiền đồn và sử dụng cho các mục đích quân sự. Những hành động này không thể nhận được sự chấp nhận như là việc đã rồi. Để thực thi Luật biển, Nhật Bản, với tư cách là chủ tịch G7, sẽ phối hợp với các nước liên quan để duy trì “Vùng biển an toàn và thông thương” dựa trên “Ba nguyên tắc trong Quy định của Luật biển”. 

Những hành động khủng bố hèn hạ cướp đi sinh mạng của dân thường vô tội, trong đó có hàng loạt vụ khủng bố như vụ khủng bố tại Paris năm 2015, là những thách thức đối với hòa bình và thịnh vượng thế giới, những giá trị chung của toàn nhân loại. Chính phủ sẽ thực hiện những nỗ lực phối hợp để tăng cường các biện pháp chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế, bao gồm thông qua các hoạt động của Đơn vị chống khủng bố do Bộ Ngoại giao thành lập hồi tháng 12/2015 và sẽ thực thi những nỗ lực lớn nhất để đảm bảo an toàn cho công dân Nhật Bản cả ở Nhật Bản và nước ngoài. Trên cơ sở hợp tác với cộng đồng quốc tế, Chính phủ Nhật Bản tăng cường các nỗ lực chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực. 

Đối với vấn đề ổn định tại khu vực Trung Đông, Nhật Bản, trên cơ sở hợp tác với cộng đồng quốc tế, sẽ kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và nỗ lực để kiểm soát tình hình thông qua đối thoại. Nhật Bản ủng hộ tiến trình hòa giải chính trị tại Syria và sẽ nỗ lực hết khả năng để hỗ trợ việc cải thiện tình hình thông qua hợp tác viện trợ nhân đạo với các nước khác. Chúng ta kêu gọi các nước trong khu vực đóng vai trò xây dựng và sẽ cung cấp viện trợ dưới hình thức phi quân sự. Nhật Bản ủng hộ thỏa thuận cuối cùng đối với vấn đề hạt nhân Iran. Chúng ta sẽ phối hợp với cộng đồng quốc tế để thúc đẩy một cơ chế không phổ biến hạt nhân, đóng góp vào hòa bình và ổn định tại Trung Đông. 

Chúng ta sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo an toàn cho các tuyến lộ trình hàng hải thông qua việc tham gia các biện pháp chống cướp biển ngoài khơi bờ biển Somalia và Vịnh Aden và ở châu Á. Chúng ta sẽ thực hiện và củng cố quy định của luật pháp về vũ trụ và không gian mạng. Với các cơ hội mới và thách thức ở Bắc Cực, Nhật Bản sẽ đóng góp một cách chủ động vào vấn đề này.

Tăng cường năng lực ngoại giao toàn diện và tuyên truyền thông tin chiến lược.

Với mục tiêu hiện thực hóa một bộ máy thực thi chính sách đối ngoại ngang tầm với các cường quốc khác, chúng ta sẽ tiếp tục nâng cao năng lực ngoại giao toàn diện thông qua việc mở rộng và củng cố các phái đoàn ngoại giao của Nhật Bản ở nước ngoài và tăng cường hơn nữa năng lực của các nhân viên ngoại giao Nhật Bản. Để tăng cường sự hiện diện của Nhật Bản trên trường quốc tế, chúng ta sẽ công bố những chính sách cơ bản mang tính chiến lược của Nhật Bản, tăng cường sức hấp dẫn của Nhật Bản và đội ngũ những người có kỹ năng truyền bá tốt thông tin về Nhật Bản. 

Kết luận

Mối liên kết giữa những cá nhân là chìa khóa cho ngoại giao. Song song với việc coi trọng các mối quan hệ đáng tin cậy mà tôi đã xây dựng với các ngoại trưởng đối tác cũng như lãnh đạo các nước trên thế giới, tôi sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của một ngoại trưởng bảo vệ lợi ích quốc gia của Nhật Bản, nỗ lực đạt được những kết quả tích cực trong các vấn đề ngoại giao mà chúng tôi đối mặt hiện nay.

Tôi kêu gọi sự thông hiểu và hợp tác của tất cả các nghị sĩ Quốc hội và nhân dân Nhật Bản.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản

Văn Cường (gt)