barack-obama1_2.jpg

Phân tích quá trình và các sự kiện xảy ra trên thế giới hiện nay cho thấy, Mỹ đã quyết từ bỏ cuộc chơi cũ khó thành công và đưa ra các kịch bản mới. Gạt sang một bên các khái niệm về toàn cầu hóa được nói nhiều trong thời gian qua, Mỹ chuyển sang khái niệm về bất ổn toàn cầu nhằm củng cố vai trò thống trị thế giới thông qua việc nới lỏng các cấu trúc chính trị ổn định, tạo ra các vùng xung đột và quản lý thế giới bằng cách sử dụng sự đối đầu lẫn nhau giữa các quốc gia trong các khu vực.

Toàn cầu hóa là một chiến lược thực tế, được tiến hành sau Chiến tranh Lạnh nhằm đảm bảo sự thống trị của Mỹ trong thế giới đang phát triển. Theo đó, một kế hoạch được đặt ra để sớm hình thành ở các nước Đông Á (i) các chế độ chính trị tự do theo mô hình của Mỹ (ii) nền kinh tế mở cửa đối với đầu tư nước ngoài, nêu cao vai trò chủ đạo của khu vực tư nhân và giảm bớt vai trò của nhà nước (iii) các tầng lớp xã hội có ảnh hưởng có thể hòa nhập vào nền văn hóa đại chúng của Mỹ. Kết thúc của quá trình toàn cầu hóa sẽ tạo ra không gian chính trị, kinh tế, văn hóa tinh thần đồng nhất - một thế giới theo mô hình Mỹ, trong đó Mỹ vẫn là nhà lãnh đạo được thừa nhận.

Các nhà khoa học chính trị Mỹ và phương Tây đưa ra các khái niệm khác nhau về toàn cầu hóa, chỉ ra những điểm tích cực của nó đối với phần lớn các quốc gia cũng như vai trò tất yếu của nó trong quá trình chuyển dịch của các nước phương Đông truyền thống sang một trật tự mới. Đa phần trong số họ chỉ nhấn mạnh tính quan trọng của quá trình toàn cầu hóa, mà không nhận thấy rằng nó được xây dựng từ một trung tâm duy nhất. Chủ thể và đối tượng của toàn cầu hóa là Mỹ và các tổ chức quốc tế mà họ kiểm soát - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Dưới ảnh hưởng của họ, thế giới toàn cầu hóa phát triển theo tinh thần Đồng thuận Washington, bao gồm chính sách điều tiết kinh tế quốc gia, tự do hóa và tư nhân hóa nền kinh tế. Trong sơ đồ này, sự thống trị của Mỹ được thực hiện gián tiếp thông qua kiểm soát các nguồn lực tài chính chủ chốt, và quan trọng nhất là kiểm soát luật chơi của thế giới mới.

Khoảng giữa những năm 2000, quá trình toàn cầu hóa đã không thể đảm bảo sự thống trị toàn cầu của Mỹ trong khuôn khổ chiến lược của họ. Đã xuất hiện nhiều đối thủ nặng ký quyết thách thức sự độc đoán của Mỹ. Những nước thành công nhất trong toàn cầu hóa là các quốc gia không theo các giá trị dân chủ, mà ngược lại, phát triển theo chế độ độc tài thi hành đường lối chính trị, kinh tế và văn hóa không phù hợp với yêu cầu của Mỹ. Ví dụ, Trung Quốc và Việt Nam, nơi có hệ thống chính trị độc đảng với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã đạt được sự tăng trưởng kinh tế đáng kể nhất. Thậm chí Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, mặc dù dân chủ bên ngoài, song quyền lực chính trị và kinh tế là thuộc về một giai cấp cầm quyền duy nhất.

Trong khuôn khổ của toàn cầu hóa, tại các nước phương Đông không phải kinh tế tư nhân với vai trò tối thiểu của nhà nước, nền kinh tế hỗn hợp công tư với vai trò chi phối của nhà nước đã chiến thắng. Sự lây lan của các khuôn mẫu văn hóa phương Tây, nếu có xảy ra, là khá hời hợt với hạn chế về số lượng trong các tầng lớp thành thị, còn phần lớn dân số vẫn theo quan điểm và giá trị truyền thống. Ở một số nước, đáp lại sự mở rộng của văn hóa đại chúng phương Tây, xu hướng truyền thống và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo được tăng cường. Ở phương Đông, hình thành các quốc gia theo đuổi chính sách độc lập và không muốn phục vụ lợi ích của Mỹ. Sự tranh giành Trung-Mỹ về quyền thống trị ở Đông Á và Đông Nam Á, chính sách của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan theo chính hướng Hồi giáo hóa và dịch chuyển sang phương Đông, sự chỉ trích của các tướng lĩnh Thái Lan đối với Mỹ và kiên quyết việc bảo vệ lợi ích riêng của Thái Lan là một vài ví dụ về kết quả thật sự của toàn cầu hóa.

Trong tình hình đó, Washington đã quyết đưa ra một kịch bản mới thay đổi triệt để quy tắc cuộc chơi, bắt đầu từ những năm 2005-2006, khi Mỹ chiếm đóng Iraq, cố ý chia đất nước này thành các khu vực riêng biệt, thúc đẩy xung đột giữa các phái Sunni và Shia. Biểu hiện rõ nét về chiến lược mới của Mỹ là vào năm 2011 với sự mở màn của "Mùa xuân Ả Rập”, loại bỏ các chế độ tương đối ổn định ở Tunisia, Libya, Ai Cập, Syria, mở đường cho các lực lượng cực đoan, cuồng tín tôn giáo nhất và thậm chí ghét Mỹ. Ngày nay, chiến lược mới của Mỹ được thể hiện không chỉ ở Trung Đông, mà ở khắp mọi nơi thuộc khu vực lợi ích của Mỹ. Sự xuất hiện và lây lan của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS), tình trạng bất ổn và hỗn loạn trên khắp Trung Đông, các sự kiện ở Ukraine và Afghanistan, nỗ lực gây mất ổn định chính quyền quân sự Thái Lan và chính quyền Najib Razak tại Malaysia, phản đối các nỗ lực giải quyết vấn đề Triều Tiên và kích động xung đột trên toàn thế giới - là nội dung chiến lược mới của Mỹ nhằm đưa tới sự bất ổn toàn cầu. Washington hy vọng sự bùng nổ các cuộc xung đột sẽ làm suy yếu đối thủ cạnh tranh tiềm năng, đồng thời cho phép Mỹ thao túng các đối tượng tham gia xung đột.

Ở Đông Nam Á, Mỹ đang xây dựng chuỗi xích chống Trung Quốc, cố gắng lôi kéo Việt Nam song song với việc chuẩn bị "cách mạng cam", tìm cách loại bỏ quân đội Thái Lan, hỗ trợ các lực lượng thân Mỹ ở Campuchia thắng trong cuộc bầu cử tới, loại bỏ Hun Sen - người đang biến đất nước này thành bạn bè chủ chốt của Trung Quốc trong ASEAN. Ở Myanmar, Mỹ thúc đẩy các tướng địa phương xung đột quân sự với Trung Quốc trong khu vực Kokang, nỗ lực đưa bà Aung San Suu Kyi vào vị trí lãnh đạo chủ chốt. Tại Philippines, Mỹ hỗ trợ các chính khách hiếu chiến, lôi cuốn nước này vào xung đột, phá hoại hình ảnh của Trung Quốc. Trong tình hình đó, thay vì phát triển thành công và bền vững, toàn bộ khu vực này sẽ rơi vào tình trạng thời chiến và phụ thuộc rất lớn vào Mỹ.

Một thế giới đầy những xung đột bên trong và bên ngoài, phụ thuộc vào ý chí và lợi ích của Mỹ - đó là triển vọng của việc tiếp tục triển khai chiến lược đối ngoại mới của Mỹ./.

Tác giả là Dmitry Mosyakov, Giáo sư – Tiến sĩ về Khoa học lịch sử, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á - Úc và Châu Đại Dương, Viện phương Đông. Bài viết được đăng trên “New East Outlook

Vũ Hiền (gt)