10605140.JPG

Nhưng khi nói chuyện với một số nhà ngoại giao Đông Nam Á có mặt tại hội nghị hoặc biết rõ diễn biến xảy ra, bức tranh trở nên khá rõ ràng. Dựa trên các cuộc thảo luận sơ bộ với những nguồn tin này, bài viết này tìm cách làm rõ những gì chúng ta biết về thời gian trước, trong và sau khi kết thúc của hội nghị.

Nguồn gốc của Hội nghị đặc biệt ASEAN-Trung Quốc

Ý tưởng về một Hội nghị ngoại trưởng đặc biệt ASEAN-Trung Quốc đã được phát triển trong nhiều tháng, với Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman đưa ra ý tưởng với Trung Quốc tại Hội nghị hẹp Ngoại trưởng ASEAN tại Lào vào tháng 2/2016. Trong khi cuộc họp nhằm giải quyết các vấn đề bên trong mối quan hệ rộng hơn giữa ASEAN và Trung Quốc khi hai bên kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại, The Diplomat hiểu rằng vấn đề quan ngại trọng tâm của cuộc họp là Biển Đông.

Cụ thể hơn, với phán quyết sắp được Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại La Haye đưa ra về vụ kiện của Philippines chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Singapore, nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, cảm thấy đây là điều quan trọng khi ASEAN thảo luận chung về cách thức khối này sẽ tiếp cận vấn đề Biển Đông trong nội bộ lẫn với Bắc Kinh như thế nào. Đạt được sự thống nhất về vấn đề Biển Đông là điều khó khăn đối với ASEAN: tổ chức này hoạt động trên cơ sở đồng thuận và chỉ có 4 nước thành viên có tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp (Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam), với các nước khác là bên tham gia có lợi ích (như Singapore và Indonesia), và trong trường hợp của Campuchia và Lào, các bên tham gia dường như không có lợi ích hay “bên tham gia cuối cùng”.

Với Lào – một quốc gia Đông Nam Á nằm hoàn toàn trong đất liền với rất ít lợi ích trên Biển Đông và rất nhiều lợi ích được đầu tư vào quan hệ với Trung Quốc – đã có những quan ngại rằng những gì đã xảy ra tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh năm 2012 có thể lặp lại, khi Campuchia, lúc đó giữ chức Chủ tịch ASEAN, đã ngăn việc đưa ra một thông cáo chung trong đó có đề cập về vấn đề Biển Đông do áp lực từ phía Trung Quốc.

Tuy nhiên, các chi tiết cụ thể về hội nghị – bao gồm thời điểm và khuôn khổ của nó – đã gây tranh cãi trước khi hội nghị cuối cùng được tổ chức tại Ngọc Khê. Trong khi đó, đã có những bằng chứng rõ ràng về việc Bắc Kinh muốn thử thách và làm suy yếu sự đoàn kết của ASEAN, bao gồm việc truyền thông nhà nước đưa tin về một sự đồng thuận gồm 4 điểm vào tháng 4/2016 giữa Trung Quốc, Campuchia, Lào và Brunei – thông tin này sau đó bị từng nước trong nhóm này bác bỏ.

Điều gì thực sự đã xảy ra tại hội nghị

Trong khi hội nghị diễn ra, với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đồng chủ tọa, một số quốc gia Đông Nam Á nhận ra rằng Trung Quốc đang nỗ lực gây sức ép buộc các nước ASEAN phải thông qua lập trường ưa thích của Bắc Kinh về Biển Đông. Theo một người tham dự hội nghị, trong các cuộc thảo luận, Bắc Kinh không chỉ cảnh báo các nước Đông Nam Á về việc đưa ra một tuyên bố về Biển Đông sau phán quyết, mà còn thách thức ý niệm rất được coi trọng về vai trò trung tâm của ASEAN, dẫn tới việc một số nước tỏ ra tức giận. Khi được đề nghị miêu tả phản ứng của một số nước ASEAN về giọng điệu của Trung Quốc tại thời điểm đó của hội nghị, một nhà ngoại giao đã nói: “Thất vọng là cách nói lịch sự”.

Bị phật ý bởi cách hành xử của Trung Quốc, các bộ trưởng của ASEAN ban đầu đã quyết định đưa ra một tuyên bố của riêng nhóm thay vì một tuyên bố chung với Bắc Kinh tại một cuộc họp chung – một động thái chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ASEAN. 3 nguồn tin ngoại giao khác nhau từ 3 nước ASEAN đã xác nhận với tác giả bài viết rằng các nước ASEAN ban đầu thống nhất chuyển một thông cáo báo chí, vốn đã được soạn thảo từ nhiều tháng, thành một tuyên bố chung được đưa ra cho cuộc họp đặc biệt này. Điều quan trọng là các nguồn tin này đều bổ sung rằng không hề có sự bối rối tại thời điểm đó.

Theo tác giả, điều quan trọng là phải công nhận không chỉ sự tồn tại của tuyên bố, mà cả nội dung của nó để hiểu tuyên bố thực sự có ảnh hưởng sâu rộng như thế nào. Một nửa bản tuyên bố được dành cho vấn đề Biển Đông, với ngôn từ mạnh mẽ ở một số phần. Ở một đoạn đầu, tuyên bố tỏ ra cứng rắn: “Chúng tôi trông đợi hợp tác cùng Trung Quốc để đưa hợp tác ASEAN-Trung Quốc lên một cấp độ mới. Nhưng chúng tôi cũng không thể bỏ qua những gì đang diễn ra trên Biển Đông vì đây là một vấn đề quan trọng trong mối quan hệ và sự hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc”.

Ngôn từ như vậy gần như là chưa từng có tiền lệ đối với một tuyên bố chính thức của ASEAN và người ta gần như có thể coi đây là một lời chỉ trích trực tiếp dành cho Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Nhưng khi nghe được thông tin về kế hoạch đưa ra một tuyên bố như vậy, Trung Quốc đã cố gắng xoa dịu ASEAN và thuyết phục không làm như vậy. Bắc Kinh rõ ràng suy nghĩ rằng các nước ASEAN nên hoặc đồng ý với tuyên bố của Trung Quốc – dưới dạng một sự đồng thuận gồm 10 điểm mà một nguồn tin ngoại giao Đông Nam Á miêu tả là “không thể chấp nhận được theo bất cứ tiêu chuẩn nào” – hoặc tổ chức này không nên đưa ra tuyên bố nào. Trong khi phần lớn các nước ASEAN cho rằng khối này nên tiếp tục tiến trình hiện nay của mình, sự không bằng lòng của Trung Quốc với ASEAN đã khiến một số nước xem xét lại việc ký vào bản tuyên bố chung, trong đó có Campuchia và quan trọng hơn là Lào, nước giữ vai trò chủ tịch ASEAN. Với viễn cảnh các nước ASEAN rút khỏi tuyên bố, một điều trở nên rõ ràng là ASEAN thiếu sự đồng thuận để đưa ra một tuyên bố.

Cuối cùng, ASEAN không đưa ra bất cứ tuyên bố chung nào bất chấp những gì đã được dự định và thống nhất ban đầu. Hội nghị kết thúc mà không có thỏa thuận nào, được thể hiện qua việc thiếu một cuộc họp báo chung giữa hai chủ tịch hội nghị.

Một số nguồn tin của truyền thông và các nhà phân tích đã tập trung vào các chi tiết có vai trò không quan trọng đối với bản mô tả rõ ràng những gì đã diễn ra, nhưng vẫn che khuất câu chuyện đang được định hình tới mức độ chúng cần được làm rõ. Thứ nhất, đã có một số tranh luận về kiểu tuyên bố nào được đưa ra tại hội nghị và liệu có liên quan tới những điều đã được công bố hoặc không. Các tranh luận này chủ yếu được châm ngòi bởi bình luận của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Arrmanatha Nasir rằng đó là một thông cáo báo chí mà không được công bố, không giống với một tuyên bố chung thông thường mà nên được đưa ra.

Trong khi ông Nasir đã đúng khi chỉ ra rằng văn kiện ban đầu được các nước ASEAN xem xét tại hội nghị là một thông cáo báo chí đã được soạn thảo từ lâu và không nên được công bố, ông lại không nhắc tới việc có sự đồng thuận ban đầu giữa các nước ASEAN để chuyển thông cáo báo chí ban đầu đó thành một tuyên bố chung như đã nói ở trên. Nói cách khác, bất chấp kiểu văn kiện mà ASEAN đã bắt đầu soạn thảo, điều quan trọng là có sự đồng thuận về điều mà tổ chức này muốn có: một thỏa thuận chung được công bố công khai. Vì vậy, không có câu hỏi nào về việc liệu một tuyên bố chung có bao giờ được công bố tại hội nghị hay liệu có một sự đồng thuận ban đầu giữa các nước ASEAN về việc một tuyên bố chung có nên được đưa ra hay không. Câu hỏi duy nhất có liên quan là tại sao sự đồng thuận ban đầu lại bị phá vỡ.

Thứ hai, người ta đã nói nhiều về việc Malaysia đưa ra thông cáo báo chí, mà sau đó đã bị rút lại theo sau “những sửa đổi cấp thiết”. Một số nhà bình luận về hội nghị đã nói rằng việc này cho thấy sự bối rối và thậm chí sự kém cỏi quan liêu bên trong ASEAN về mức độ đồng thuận đã tồn tại và nó được công khai như thế nào.

Trên thực tế, đây cùng lắm chỉ là một sự việc bên lề khi cố gắng hiểu điều gì khiến tuyên bố không được đưa ra. Đúng là các câu hỏi có thể được đưa ra về ý định của Malaysia trong việc đưa ra tuyên bố và sự khôn ngoan của hành động này. Nhưng nó không làm lu mờ thực tế rằng có sự đồng thuận ban đầu trong ASEAN nhằm chuyển thông cáo báo chí thành một tuyên bố chung hay sự đồng thuận này cuối cùng không trở thành hiện thực do áp lực của Trung Quốc và sự do dự của các nước “tham gia cuối cùng” bên trong ASEAN, mà cuối cùng dẫn tới việc tiến trình này đã không được theo đuổi. Luận điểm này còn được củng cố hơn nữa bởi lời kể của các nhà ngoại giao sau hội nghị cũng như các tuyên bố riêng rẽ được một số nước đưa ra – một số thậm chí còn chứa đựng nhiều đoạn của tuyên bố ban đầu.

Nói cách khác, đây là câu chuyện về sự đoàn kết nội bộ ban đầu của một tổ chức bị một thế lực bên ngoài thách thức như thế nào, hơn là câu chuyện về một tổ chức không hiểu rõ hoặc bị chia rẽ về các thủ tục hay nghi thức. Việc Malaysia tự đưa ra một tuyên bố riêng và lý do nước này làm vậy không làm suy giảm nhận định trên.

Con đường phía trước

Theo những gì chúng ta biết tới nay, dòng tít cho Hội nghị ngoại trưởng đặc biệt ASEAN-Trung Quốc nên là ASEAN đưa ra những tín hiệu rõ ràng như thế nào trước các nỗ lực liên tục của Bắc Kinh nhằm chia rẽ tổ chức này. Nhưng bất chấp sự rõ ràng về những gì đã xảy ra trước thềm và trong hội nghị, con đường phía trước cho ASEAN, Trung Quốc và Biển Đông vẫn còn mơ hồ.

Đương nhiên, câu hỏi là liệu một tuyên bố chung có được đưa ra như kế hoạch ban đầu hay không sau những sửa đổi của các bên có quan ngại. Khi một tuyên bố chung không được đưa ra tại Phnom Penh năm 2012, Ngoại trưởng Indonesia lúc đó là Marty Natalegawa đã tiến hành hoạt động ngoại giao con thoi mạnh mẽ tới các nước ASEAN để cứu vẫn bằng một bản đồng thuận gồm 5 điểm về Biển Đông. Tính đến thời điểm viết bài phân tích này, việc đưa ra một kiểu tuyên bố như vậy ít có khả năng xảy ra.

Hơn nữa, một vấn đề khác là ASEAN sẽ giải quyết việc này như thế nào trong thời gian còn lại của năm 2016. Với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN, Lào sẽ tổ chức một hội nghị ngoại trưởng vào tháng 7 và một hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo vào tháng 9, và vai trò của Viêng Chăn sẽ có tính then chốt trong việc hình thành sự đồng thuận, đặc biệt với phán quyết sắp tới của PCA. Các nhà quan sát sẽ theo dõi liệu Lào có sử dụng các nước tham gia cuối cùng làm cớ, giống như Campuchia, để giảm bớt hoặc phá hoại sự đồng thuận ASEAN về vấn đề Biển Đông vì lợi ích của riêng mình hay nước này sẽ cố gắng lèo lái để ASEAN có một lập trường mạnh mẽ về một vấn đề then chốt. Và trong khi một số bên tham gia có thể cố gắng che đậy điều gì thực sự đã diễn ra, sự thật cuối cùng sẽ lộ ra như đã xảy ra với hội nghị tại Côn Minh.

Theo “The Diplomat

Anh Thư (gt)