Ngày 8/8, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kỷ niệm 49 năm thành lập. Đây được coi là điều thần kỳ khi một hiệp hội với 5 quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á đã thành công không chỉ trong việc giữ vững tổ chức này trong những thập kỷ hỗn loạn của Chiến tranh Lạnh, mà còn phát triển tổ chức non trẻ ấy thành trung tâm của ngoại giao khu vực hiện nay. Có lẽ điều thần kỳ lớn nhất chính là thực tế rằng ASEAN vẫn đứng vững dù thường xuyên bị chao đảo, như trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao vừa mới kết thúc tại Vientiane hồi tháng 7/2016. 

Vào giai đoạn đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, ngay cả Mỹ cũng không tin tưởng lập trường trung lập có mục đích của ASEAN, vốn được cho là không phù hợp với cuộc chiến tư tưởng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Câu hỏi của thế giới khi đó là “bạn theo chúng tôi hay chống lại chúng tôi?”. 

ASEAN cũng đôi lúc đi theo đường hướng duy ý chí. Hiến chương ASEAN thường bị chỉ trích bởi nó bao gồm nhiều mục tiêu mang tính quá tham vọng, trong khi Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) bị chỉ trích là không đủ mạnh khi chỉ có chức năng thúc đẩy chứ không phải là bảo vệ quyền con người. 

Thực ra, khiếm khuyết của ASEAN là về mặt tổ chức. Được thành lập như một tổ chức liên chính phủ, song ASEAN bị chia rẽ bởi những lợi ích quốc gia, yếu tố thường che mắt các thành viên của khối trước các mối quan tâm và lợi ích chung của khu vực. 

ASEAN của ngày hôm nay đã rất khác so với những ngày đầu. Từ năm 1984 đến 1999, ASEAN đã tăng từ 5 lên 10 thành viên. Bắt đầu với việc Brunei tham gia vào năm 1984, tiếp theo là Việt Nam (1995), Lào và Myanmar (1997) và Campuchia (1999). Các thành viên mới khiến ASEAN trở nên hấp dẫn hơn, nhất là sau khi các quốc gia Đông Nam Á liên kết với nhau dưới một “chiếc ô”, mà đỉnh cao là sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), nơi hứa hẹn sẽ trở thành một trong những khu vực kinh tế năng động nhất trên thế giới với 630 triệu dân. 

Việc mở rộng thành viên cũng diễn ra đồng thời với những gì có thể được gọi là thời kỳ vàng son của ASEAN với việc hình thành một số diễn đàn do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị Cấp cao Đông Á (2005), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (2006), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) (2010). Một số nhà phê bình đã chỉ trích những sáng kiến này vì cho rằng nó là bằng chứng của tình trạng ASEAN “nói nhiều, làm ít”, và không có khả năng lãnh đạo để mang lại thay đổi thật sự. 

Tuy nhiên, những người chỉ trích đã không nhận ra ý nghĩa chiến lược của các diễn đàn này trong việc thiết lập một môi trường trung lập và có lợi cho các nước thành viên ASEAN để hợp tác với nhau cũng như với các đối tác bên ngoài. Quan trọng hơn, các diễn đàn như ADMM+ cho phép các cường quốc lớn, những nước không phải lúc nào cũng có sự đồng thuận hợp tác với nhau và với các nước ASEAN trong các vấn đề an ninh thiết thực. 

Mặc dù ASEAN thường được mô tả giữ vai trò dẫn dắt trong việc thiết lập vô số các diễn đàn khu vực nhưng ASEAN không bao giờ có ảo tưởng lãnh đạo khu vực. Chức năng chính và quan trọng nhất của ASEAN trong các vấn đề khu vực là tạo điều kiện hợp tác trong và ngoài khu vực. Hội nghị Cấp cao Đông Á là một ví dụ điển hình về khả năng kỳ lạ của ASEAN trong việc kéo các nước quan trọng ngoài khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ vào khuôn khổ hợp tác mà không tổn hại lợi ích chiến lược của khối. 

Tuy nhiên, những thành công này không thể che đậy sự “khủng hoảng tuổi trung niên” đang diễn ra trong ASEAN, vốn được phơi bày tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (AMM) năm 2012 tại Phnom Penh. Tại hội nghị đó, lần đầu tiên trong lịch sử của mình, ASEAN đã không đưa ra được tuyên bố chung. Việc thể hiện sự chia rẽ một cách công khai là một lời cảnh tình đối với ASEAN. Sự mong manh của tổ chức khu vực này lại một lần nữa được thấy rõ tại AMM lần thứ 49 tổ chức tại Vientiane hồi tháng 7/2016. 

Hiện có nhiều thách thức hơn đối với ASEAN trong việc tìm kiếm tiếng nói chung về các vấn đề chiến lược quan trọng, và sự đồng thuận được nhiều người ca tụng đang ngày càng trở nên khó đạt được hơn. Đây là một mối đe dọa hiện hữu đối với ASEAN. Tổ chức này sẽ bị tê liệt khi không có sự đồng thuận, và tình trạng tê liệt có thể dẫn đến sự tan rã. Chấp nhận một sự đồng thuận vì lợi ích chung, để giữ cho “hòa bình” và sự đoàn kết trong ASEAN, là điều không phải tranh cãi. 

Tuy nhiên, các sự kiện trong vài tháng qua làm cho người ta suy ngẫm khi nào các nước thành viên ASEAN hiểu được và thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình như một thành viên của tổ chức này. Sự thỏa hiệp và hy sinh, nếu cần thiết, phải được thực hiện để duy trì không gian chiến lược và sự độc lập của ASEAN. Các nước thành viên của khối cần phải liên tục nhắc nhở bản thân rằng để là thành viên tốt không chỉ có việc xuất hiện tại các cuộc họp của ASEAN và đóng góp "phí thành viên" đầy đủ hàng năm mà còn phải sống đúng với tinh thần của tổ chức khu vực này. 

Trong bối cảnh ASEAN tiến bước về phía cột mốc quan trọng - 50 năm thành lập ASEAN - có lẽ Hiệp hội sẽ thực hiện tốt vai trò của mình để gợi nhớ tinh thần hợp tác và thỏa hiệp mà lần đầu tiên đưa 5 quốc gia sáng lập đến với nhau trong cuộc gặp gỡ định mệnh ở Bangkok năm 1967. Hy vọng tinh thần của thỏa thuận năm 1967 sẽ là “kim chỉ nam” để dẫn dắt các quốc gia Đông Nam Á vốn có nhiều khác biệt vượt qua những cơn bão bất ổn phía trước một cách an toàn.

Tang Siew Mun là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS). Bài viết được đăng trên Today Online.

Văn Cường (gt)