1. Tóm tắt nội dung bức điện: Mỹ và TQ chia sẻ nhiều lợi ích chính trị và kinh tế quan trọng và ngày càng gia tăng. Những lợi ích đó sẽ ràng buộc chúng ta mãi mãi cho dù hai nước có xích mích (frictions). Dù lợi ích tương đồng hay khác biệt, hai nước Mỹ - Trung chia sẻ một mối quan  tâm chung trong việc tìm cách tháo gỡ những khác biệt. Về trung hạn, các mục tiêu cốt lõi trong chính sách đối ngoại của TQ – đảm bảo việc tiếp cận các nguồn cung năng lượng và duy trì một môi trường quốc tế ổn định để phát triển kinh tế trong nước – sẽ đưa TQ vào vị thế của một cường quốc muốn duy trì nguyên trạng. Theo thời gian, sức mạnh ngày càng tăng của TQ sẽ dẫn tới việc họ sẽ có một chính sách đối ngoại sẵn sàng đối đầu với Mỹ hơn, nhưng đồng thời TQ cũng có khả năng hơn trong việc đảm đương trách nhiệm của một cổ đông toàn cầu. TQ sẽ tiếp tục đòi hỏi Mỹ nhượng bộ về vấn đề Đài Loan nhiều hơn những gì chúng ta tự nguyện dành cho họ và Đài Loan vẫn sẽ là một điểm xung đột tiềm tàng. Trong khi chúng ta phải đối mặt với một TQ ngày càng tự tin và hùng mạnh hơn, chúng ta có thể và nên tiếp tục sử dụng các công cụ chính sách song phương, kể cả can dự ở cấp cao (chẳng hạn như đối thoại cấp cao và đối thoại kinh tế chiến lược), những cam kết đa phương của  TQ và nguyện vọng muốn xây dựng một hình ảnh và vị thế quốc tế của TQ để bảo vệ lợi ích của Mỹ, khuyến khích những thay đổi tích cực ở TQ và gia tăng cổ phần của TQ trong các thể chế quốc tế và buộc TQ tuân thủ của nó với các chuẩn mực quốc tế.

2. Các mối quan hệ kinh tế ràng buộc: Mỹ và TQ chia sẻ nhiều lợi ích kinh tế to lớn. Ngoài Bắc Mỹ, TQ là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, và các nhà phân tích đều nhất trí rằng phần đóng góp của TQ vào thương mại của Mỹ sẽ tiếp tục tăng. Xuất khẩu là động lực chính cho sự tăng trưởng của TQ. Công ăn việc làm trong lĩnh vực xuất khẩu, cùng với việc chuyển giao công nghệ và  các lợi ích gián tiếp khác của đầu tư nước ngoài và ngoại thương, là những nhân tố chủ yếu tạo nên sự thần kỳ kinh tế cho TQ. Tương tự như vậy, lạm phát thấp và tăng trưởng mạnh mẽ tại Mỹ trong hai thập kỷ vừa qua bắt nguồn một phần từ hàng nhập khẩu chi phí thấp và dòng tài chính đổ vào thị trường Mỹ. Cả Mỹ và TQ để có lợi ích trong việc duy trì những lợi ích được tạo ra bởi hai nền kinh tế bổ sung cho nhau trong khi (chúng ta có thể) điều chỉnh sự mất cân bằng hiện tại bằng cách tiếp tục gây áp lực với Trung Quốc về mở cửa thị trường, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ và cải thiện đáng kể việc bảo vệ quyền sở hữu trí  tuệ. Đồng thời, các xích mích cần phải được giải quyết thận trọng tránh làm tổn hại tới những lợi ích kinh tế chung.

3. Hợp tác chính trị: Lợi ích chung giữa Mỹ và TQ về hòa bình, an ninh và thịnh vượng cũng bị tác động bởi các mâu thuẫn. Khác biệt về giá trị, hệ thống chính trị, các mục tiêu và biện pháp cụ thể sẽ vẫn tiếp diễn. Danh sách các lĩnh vực có xảy ra va chạm về chính trị và an ninh rất dài, bao gồm hệ thống chính trị của TQ, sự ủng hộ của TQ đối với các chế độ (mà chúng ta) ghê tởm, chương trình hiện đại hóa quân sự quá nhanh, nỗi lo sợ có tính hoang tưởng rằng Mỹ vẫn tìm cách bí mật khuyến khích việc thay thế chế độ và “các nhân vật li khai” ở Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương, chủ nghĩa dân tộc ngày càng phát triển. Nhiều giới ở cả Washington và Bắc Kinh có chung cảm giác rằng Mỹ và TQ đang phát động một cuộc đấu tranh trường kỳ để giành sự bá chủ về chính trị, kinh tế và quân sự trên phạm vi toàn cầu. Để loại bỏ khác biệt, cần xây dựng sự tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo hai nước Mỹ - TQ và thiện chí hợp tác về nhiều vấn đề mà hai bên có lợi ích chiến lược chung. Việc  TQ thực hiện những lợi ích riêng của mình trên một bán đảo Triều Tiên ổn định, phi hạt nhân và sự thất vọng (của TQ) đối với ban lãnh đạo yếu kém của BTT đã thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong đàm phán sáu bên. Những diễn tiến trong lập trường của TQ về vấn đề Darfur (TQ lo ngại cộng đồng quốc tế lên án việc TQ tiếp tay cho diệt chủng và ảnh hưởng tới Thế vận hội) cho thấy rằng nếu gây áp lực ngoại giao công khai ở mức cao có thể sẽ có tác động ở mức nhất định đối với chiều hướng chính sách của TQ. Sự hợp tác của TQ trong vấn đề Mianma và Iran tuy vẫn còn miễn cưỡng và hạn chế, nhưng là thực chất. Chúng ta có thể lợi dụng sự phụ thuộc lẫn nhau và mối quan tâm ngày càng tăng đối với hình ảnh công khai của TQ trên phạm vi toàn cầu để tiến hành nhiều hành động đa phương nhằm bảo vệ các lợi ích của Mỹ.

4. Thân quá hoá hiềm khích: Phạm vi, quy mô và mức độ ngày càng mở rộng của quan hệ Mỹ - TQ đang mang lại nhiều cơ hội hợp tác cũng như mâu thuẫn. Việc TQ chủ trương từng bước điều chỉnh tỉ giá đồng NDT, chậm chạp trong việc tiếp tục tự do hóa thương mại, yếu kém trong việc bảo  vệ quyền sở hữu trí tuệ và những rào cản khác đối với thương mại và đầu tư đòi hỏi chúng ta phải không ngừng lưu ý. TQ cho rằng Mỹ tỏ ra quyết đoán trong các cam kết của WTO, trong quản lý nhập  khẩu và phân biệt đối xử trong nhiều vụ đầu tư và vấn đề an toàn sản phẩm đòi hỏi chúng ta phải  không ngừng giải thích và giáo dục (nguyên văn: education). Những mâu thuẫn như vậy có thể trở nên gay gắt hơn nếu nền kinh tế đi xuống, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng hay sự nhạy cảm ngày càng cao hơn đối với đầu tư nước ngoài ở cả TQ và Mỹ. Về chính trị, đánh giá khác nhau về tính cấp bách của các vấn đề như chương trình hạt nhân của Iran và các biện pháp thích hợp để thực hiện các mục tiêu chiến lược chung đồng nghĩa với việc TQ và Mỹ sẽ tiếp tục đụng đầu về mặt ngoại giao. Quan điểm khác nhau về dân chủ và nhân quyền tiếp tục là điểm mâu thuẫn  trong mối quan hệ song phương Mỹ - TQ. Xử lý các mâu thuẫn hàng ngày nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo các lợi ích lớn hơn sẽ là thách thức lớn nhất đối với các nhà hoạch định chính sách.

5. Lời nói - Cân bằng chiến lược: TQ trỗi dậy như một thế lực toàn cầu là một chủ đề phổ  biến và mạnh mẽ trong văn hóa đương đại TQ, với hàng trăm cuốn sách, các bộ phim truyền hình  lớn,  vô số bài viết trên các phương tiện truyền thông và nghiên cứu học thuật về chủ đề này. Tuyên bố công khai chính thức về chính sách đối ngoại nhấn mạnh “dân chủ hóa quan hệ quốc tế” và một thế giới đa cực hơn, đối lập với chủ nghĩa đơn phương của Mỹ. Nhiều học giả, quan chức và thường dân  TQ tin rằng những yếu kém trong quá khứ của TQ đã buộc họ phải chịu đựng “những bất công” từ Mỹ, ví dụ như đạo luật quan hệ với Đài Loan và việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và người TQ không khó để liên hệ những bất công ấy với một chuỗi những sự kiện sỉ nhục kéo dài hàng thế kỷ mà TQ tự cho rằng họ phải chịu đựng dưới bàn tay của các cường quốc ngoại bang. Các quan chức của BNG TQ thường phàn nàn một cách không chính thức (và cũng không công bằng) rằng Mỹ đòi TQ phải quan tâm tới những quan ngại của Mỹ, trong khi Mỹ lại làm ngơ đối với các quan tâm của TQ. Khi mà sự hiện diện trên trường quốc tế và tình cảm dân tộc tăng lên, cùng với sức mạnh chính trị, kinh tế và  quân sự, các nhà phân tích người TQ dự đoán rằng TQ sẽ có một chính sách đối ngoại quyết đoán hơn và sự sẵn sàng hơn trong đối đầu với Mỹ.

6. Thực tế - Cường quốc nguyên trạng: Cho dù chủ đề “TQ đang trỗi dậy” trong văn hóa quần chúng và các phương tiện truyền thông chính thống sẽ hứa hẹn một TQ với lập trường quốc tế ngày càng quyết đoán, trên thực tế chính sách đối ngoại của TQ trong ít nhất năm năm tới sẽ là TQ cam kết với nguyên trạng quốc tế bởi lẽ TQ được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa do Mỹ chi phối. Chính sách đối ngoại “thế giới hài hòa” của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã được chính thức xác nhận tại Đại hội 17 vào tháng 10/2007, công khai thừa nhận trật tự thế giới hiện nay và tuyên bố rằng TQ quan tâm tới việc duy trì một môi trường quốc tế ổn định để có thể theo đuổi các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội trong nước. Các nhà lãnh đạo ngoại giao TQ bỏ nhiều công để làm nổi bật hình ảnh TQ là một “nước đang phát triển” như là một cách để đáp trả những lời kêu gọi TQ đóng một vai trò quốc tế quan trọng hơn và sử dụng các nguồn tài nguyên vật chất và chính trị cho tương xứng với vị thế “quyền lực đang lên” của họ. Tháng 1/2008, Thứ trưởng BNG TQ Đới Bỉnh Quốc đã tổ chức phiên thứ 5 của đối thoại cấp cao Mỹ - Trung ngay ở tỉnh Quý Châu, quê hương nghèo khó của Đới, chứ không phải là Bắc Kinh, để cho Mỹ thấy rằng TQ vẫn còn nghèo và đang phải đối mặt với những thách thức quy mô lớn trong phát triển kinh tế. Việc tiếp tục tiếp cận với các nguồn cung năng lượng và nguyên liệu thô trên thị trường quốc tế là vô cùng quan trọng để duy trì sự tăng trưởng kinh tế của TQ. Điều này đồng nghĩa với việc tiếp tục dựa vào hòa bình, ổn định toàn cầu và hệ thống an ninh toàn cầu hiện nay để bảo vệ các nguồn cung như vậy. Như (…) đã nói, “khi nói đến mối quan tâm cơ bản của TQ trong việc  đảm bảo nguồn cung năng lượng và nguyên liệu thô cho tăng trưởng kinh tế, chủ nghĩa ngồi không  hưởng lợi (free-riderism) hiện tại rất hợp với chúng ta”.

7. Cổ đông vô trách nhiệm?: Tranh cãi trong nội bộ TQ liên quan đến vai trò quốc tế thích hợp của họ vẫn tiếp diễn. Một vài nhân vật trong lĩnh vực đối ngoại lập luận rằng TQ nên chớp cơ hội để đi đầu trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí và trung gian hòa  giải cho các tranh chấp quốc tế. Các nguồn tin của ĐSQ cho biết rằng những nhận xét này phản ánh các cuộc tranh luận bên trong chính phủ về việc cân bằng giữa các lợi ích toàn cầu và các lợi ích dân tộc thuần túy. Cảm giác rằng TQ vẫn còn quá nghèo và kém phát triển để có thể trở thành một cổ đông toàn cầu vẫn còn rất mạnh mẽ, mặc dù rằng dường như là tiêu chuẩn “phát triển” của TQ đang ngày càng giống Mỹ. Một học giả TQ nhận xét rằng Mỹ vẫn đang thu hầu hết các lợi lộc của “hàng hóa công quốc tế” (international public goods) và Mỹ phải là nước gánh chịu hầu hết mọi chi phí. Lập  luận này, cùng với việc thường xuyên viện dẫn theo kiểu đạo đức giả nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ”, chỉ là một sự biện minh chính trị yếu ớt cho việc TQ trục lợi các nguồn tài  nguyên ở Mianma, Iran, Sudan và các quốc gia nghèo khổ khác. Sự mâu thuẫn giữa những lợi ích rộng lớn, lâu dài, toàn cầu và những lợi ích quốc gia ngắn hạn, trần trụi sẽ tiếp tục tồn tại trong chính sách đối ngoại của TQ trong một thời gian nhất định. Cho đến nay, dư luận vẫn là công cụ hiệu quả nhất trong việc ngăn chặn việc TQ trục lợi từ quan hệ của họ với các nước bất trị. Người TQ muốn xây dựng một hình ảnh quốc tế như là một cường quốc có trách nhiệm và rất nhạy cảm với những cáo buộc cho rằng TQ đang lạm dụng các chế độ bất trị. Sự hợp tác của TQ trong vấn đề Darfur sau khi sự phản đối của cộng đồng quốc tế bắt đầu đe dọa tới một lợi ích cốt lõi khác (tức là một kỳ Thế vận hội thành công) đã cho thấy công luận có thể là một biện pháp hữu hiệu.

8. Chủ nghĩa tích cực - Nguyên tắc không can thiệp: Một phần cuộc tranh luận về vai trò của TQ với tư cách là một cổ đông bắt nguồn  từ những quan điểm khác nhau về chính sách “không can thiệp” thực dụng từ lâu nay của TQ. Ngay từ khi bắt đầu kỷ nguyên cải cách, TQ nhìn chung đã đi theo lời khuyên của Đặng Tiểu Bình chỉ đóng một vai trò khiêm tốn trong quan hệ quốc tế và tập trung vào sự nghiệp phát triển của riêng mình. Với tinh thần này, TQ cam kết “không can thiệp” vào công việc nội bộ của các quốc gia khác đã trở thành một trụ cột cho chính sách đối ngoại công khai của TQ. Gần đây, một vài người đã coi chính sách “Thế giới hài hòa” – thương hiệu của Hồ Cẩm Đào - là một sự từ chối khôn khéo nguyên tắc không can thiệp và thừa nhận TQ cần tham gia vào một thế  giới  toàn cầu hóa. Một chuyên gia đối ngoại nổi tiếng nói với chúng tôi rằng trong khi TQ vẫn còn đang “tìm con đường riêng” cho chính sách đối ngoại tích cực của họ, TQ sẽ tiếp tục thiên về can dự nhiều hơn và ít “không can thiệp” hơn. Còn  (…) thì trắng trợn hơn khi cho rằng chính sách không can thiệp của TQ “vẫn luôn có sự linh hoạt” và rằng TQ cảm thấy thoải mái trong vai trò can dự tích cực khi TQ muốn.

9. Nhân quyền: Thành công về kinh tế đã làm TQ tự tin hơn rằng TQ có thể phát triển mà  không cần dân chủ kiểu phương Tây và có thể sẽ càng chống lại việc Mỹ khuyến khích nhân quyền. Đồng thời, các nhà lãnh đạo TQ cũng thấy được tiện ích của việc mở rộng có giới hạn xã hội dân sự góp phần vào ổn định xã hội và không thách thức sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. TQ cởi mở với kinh nghiệm của Mỹ trong những lĩnh vực  này, mặc dù các nhà lãnh đạo sẽ chỉ chấp nhận những thay đổi từng bước và hạn chế. Ở các khu vực như Tây Tạng và Tân Cương, lo ngại chủ nghĩa ly khai đã dẫn tới những giới hạn chặt chẽ hơn đối với sự phát triển của xã hội dân sự. Chúng ta nên tiếp tục tạo sức ép lên TQ để nối lại cuộc đối thoại chính thức về nhân quyền nhằm cung cấp một kênh song phương cho việc trao đổi quan điểm thường xuyên ở cấp cao. Trong các cuộc thảo luận như vậy, chúng ta nên tiếp tục bày tỏ lo ngại sâu sắc về những thành tích nhân quyền của TQ và kêu gọi TQ phải nhận thức được rằng tôn trọng nhân quyền, tự do tôn giáo và pháp quyền sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển và ổn định xã hội mà TQ  mong muốn cũng như sẽ nâng cao hình ảnh quốc tế của TQ.

10. Vai trò của quyền lực mềm: TQ tích cực thúc đẩy việc trao đổi giáo dục, biểu diễn văn hóa, giao lưu thanh niên và nhiều công cụ khác của “quyền lực mềm”. Viện trợ phát triển cho các quốc gia giàu tài nguyên cũng tăng lên và nhìn chung thường không không kèm theo điều kiện (trừ khi liên quan tới vấn đề Đài Loan). TQ cũng đang nỗ lực nhằm phá vỡ cái mà họ cho là sự độc quyền về  truyền thông quốc tế (mà họ không mong muốn) do phương Tây, đặc biệt là Mỹ, chi phối và cung cấp một phương án thay thế cho văn hóa đại chúng quá phổ biến của Mỹ. Quyền lực mềm là một mũi tên hữu dụng trong chính sách đối ngoại của TQ, nhưng cũng không nên đánh giá quá cao. Văn hóa TQ có xu hướng biệt lệ (exceptionalsim), chứ không phải là phổ quát (universality); có nghĩa là, có rất nhiều điều về văn hóa TQ, theo quan điểm của người TQ, là phù hợp (hoặc thậm chí dễ hiểu), nhưng chỉ riêng với người TQ mà thôi. Hơn nữa, TQ cảm thấy rằng vị thế khiêm tốn truyền thống của họ (its traditional low profile) và những cố gắng để không bị nhìn nhận là cạnh tranh với các giá trị và hệ thống chính trị của nước khác là một phần sức hấp dẫn của TQ. Người TQ thừa nhận giới hạn của quyền lực  mềm và rằng việc TQ phải phụ thuộc vào quyền lực phần lớn là do TQ, về ngắn hạn, chưa đủ “quyền lực cứng”.

11. Đài Loan: Từ lâu TQ đã xác định Đài Loan là một trong những lợi ích cốt lõi của họ. Các nhà lãnh đạo TQ coi việc ngăn chặn Đài Loan chính thức độc lập là nhiệm vụ quan trọng liên quan đến tính pháp lý của họ, và Mỹ đã cam kết bảo vệ nguyên trạng, không cần quan tâm tới việc nếu nhân dân hai bờ eo biển đồng ý có thay đổi. Đài Loan sẽ tiếp tục là mối đe dọa lớn nhất đối với quan hệ Mỹ - Trung, tiềm ẩn việc dẫn đến xung đột vũ trang. Mặc dù TQ luôn muốn nhiều hơn nữa,  nhưng trong vòng 2 năm qua, lãnh đạo TQ dường như tương đối hài lòng và thậm chí còn đánh giá cao chính sách của Mỹ đối với Đài Loan, mặc dù ngôn từ mà họ dùng thì ngược lại. Việc Mỹ bất mãn với Trần Thủy Biển và dứt khoát phản đối cuộc trưng cầu dân ý của Dân tiến đảng (DPP) về việc Đài Loan trở thành thành viên của LHQ dưới tên Đài Loan đã làm TQ bớt lo lắng ở một mức độ nào đó. Tuy vậy, công thức của chúng ta hiện nay về vấn đề Đài Loan là không hề dễ dàng và rất dễ đổ vỡ. TQ có thể đi đến nhận định sai lầm rằng chúng ta sẵn sàng phối hợp với TQ để “quản lý” Đài Loan, bỏ qua vai trò của những lãnh đạo được bầu lên một cách dân chủ ở Đài Loan. TTh tiếp theo của Đài Loan có thể giành được một vài nhượng bộ nhỏ và ngắn hạn từ phía TQ. Tuy nhiên, những kì vọng ngắn ngủi của TQ về tiến bộ trong việc tái thống nhất với Đại lục hoặc kỳ vọng của TQ về việc Mỹ sẵn sàng cùng TQ “quản lý” Đài Loan có thể dẫn tới những trở ngại trong trung hạn.

12. TQ mở rộng lợi ích cốt lõi: Ngoài Đài Loan và các quan ngại chủ quyền khác (ví dụ  như  Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma, Tân Cương và Rebiya Kadeer), TQ đã bắt đầu đưa thêm các “lợi  ích  cốt lõi” vào chính sách đối ngoại. Cho đến nay, những lợi ích cốt lõi này tập trung vào việc đảm bảo sự tiếp cận của TQ đối với các nguồn tài nguyên năng lượng. Vì vậy, ở Iran và Sudan, TQ đã chống lại việc áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế có ảnh hưởng đến việc hợp tác năng lượng của họ. Gần đây, TQ đề xuất rằng hợp tác trong HĐBA LHQ và trong các lĩnh vực khác còn tùy thuộc vào việc Mỹ  có trừng phạt tập đoàn SINOPEC của TQ vì đã đầu tư vào giếng dầu Yadavaran ở Iran hay không. Chính sách của Mỹ sẽ cần phải đảm bảo rằng khi chúng ta thách thức những lợi ích cốt lõi của TQ, chúng ta phải làm một cách khôn ngoan và thận trọng.

13. Vai trò của chính sách Mỹ: Nhiều khía cạnh của quan hệ Mỹ - Trung không tuân theo sự can thiệp của chính sách đối ngoại. Sự tăng trưởng nhanh của TQ và việc TQ chưa muốn đóng vai trò của một cường quốc lớn xuất phát phần lớn từ những xu hướng kinh tế và lịch sử. Tương tự như vậy, căng thẳng về vấn đề Đài Loan, trong bối cảnh đã có quy định rõ ràng của luật Mỹ và lợi ích của Mỹ trong việc đảm bảo một giải pháp hoà bình cho các vấn đề có ảnh hưởng đến một Đài Loan dân chủ sẽ là không thể tránh khỏi. Mặc dù vậy, chúng ta có thể bảo vệ quyền lợi kinh tế và chính trị của mình, khuyến khích thay đổi tích cực ở TQ và tăng cổ phần của TQ trong các thể chế quốc tế và chuẩn mực quốc tế. Thế giới quan đang thay đổi và những lợi ích ngày càng tăng của TQ trong vấn đề họ được  nhìn nhận như thế nào trên trường quốc tế sẽ tạo cơ hội mới để tác động tới TQ. Để có được một mối quan hệ hợp tác và ngày càng chặt chẽ hơn giữa Mỹ và TQ sẽ đòi hỏi sự quan tâm liên tục, các cuộc gặp cấp cao thường xuyên và đối thoại để mở rộng lợi ích chung của chúng ta, xử lý các khác biệt, ngăn ngừa những hiểu lầm và nhận thức sai trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

NCBĐ

Nguồn Wikileaks