pix5_060214.jpg 

Nhiều sáng kiến chiến lược của Trung Quốc đã tập trung vào vấn đề "ngoại giao khu vực". Về kinh tế, triển vọng giảm áp lực tăng trưởng khu vực và sự phân mảnh trong quá trình đàm phán thương mại và đầu tư khu vực là hai thách thức lớn hiện nay đối với Trung Quốc. Vành đai kinh tế con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 - giờ được gọi là "Một Vành đai, Một Con đường" - được cho là những sáng kiến táo bạo nhất của Bắc Kinh theo cách tiếp cận ngoại giao láng giềng mới. Sáng kiến "Một Vành đai, Một Con đường" nhằm mục đích hình thành một mô hình mới về hợp tác kinh tế khu vực bằng cách khai thác các tiềm năng cho đầu tư và thương mại, và tận dụng sự bổ trợ kinh tế của Trung Quốc với các nước khác trong khu vực.

Đối với Trung Quốc, sáng kiến này đang bắt đầu có kết quả. Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) đã thu hút 57 thành viên sáng lập - trong đó có Anh, Đức, Pháp, Úc, Hàn Quốc và nhiều nền kinh tế tiên tiến khác. Hơn 60 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến Sáng kiến "Một Vành đai, Một Con đường". Và nhiều quốc gia nằm trên Vành đai kinh tế con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 đã bắt đầu đàm phán với Bắc Kinh về cơ chế phối hợp chính sách, cơ sở kết nối tích hợp thương mại và tài chính, cũng như thiết lập quan hệ ngoại giao nhân dân. Mặc dù tham vọng là thế, Sáng kiến "Một Vành đai, Một Con đường" là dự án phức tạp nhất Bắc Kinh từng thực hiện. Nếu không có sự hợp tác hiệu quả giữa nhiều bên liên quan, bao gồm các chính phủ, phi chính phủ, doanh nghiệp và công chúng, thì chắc chắn sáng kiến này sẽ không thành công.

Song song với Sáng kiến "Một Vành đai, Một Con đường", Trung Quốc cũng đang xúc tiến một sáng kiến khác mang tính bước ngoặt, đó là: "Khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương" (FTAAP), thể hiện cam kết cởi mở hơn, tự do hóa thương mại và đầu tư có chất lượng hơn cũng như một nền kinh tế khu vực hội nhập hơn. Bắc Kinh tin rằng FTAAP có thể tạo ra một khuôn khổ tổng thể vượt lên cả những câu chuyện về sự cạnh tranh giữa Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), và giúp phát triển một lộ trình các thỏa thuận thương mại và đầu tư ở khu vực. Giống như Sáng kiến "Một Vành đai, Một Con đường", FTAAP là một tiến trình lâu dài và chỉ có thể được thực hiện thông qua hợp tác với các nền kinh tế chủ chốt khác - đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ.

Vấn đề an ninh khu vực là thách thức lớn hơn nhiều. Hiện Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh khu vực: từ việc thay đổi nhận thức an ninh cho đến quản lý tranh chấp biển và một loạt mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống khác. Theo chính sách ngoại giao láng giềng, Trung Quốc đang can dự vào nhiều vấn đề an ninh khu vực một cách tích cực hơn. Trung Quốc tham gia và đôi lúc đi đầu trong việc thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin và năng lực an ninh (CBMs), chẳng hạn như cứu trợ thiên tai, cứu hộ và tuần tra chung, diễn tập chống khủng bố, tái thiết an ninh ở Afghanistan và giảm nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc cũng đang thiết lập các thể chế an ninh khu vực bằng việc thúc đẩy hợp tác an ninh trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), "cài đặt lại" Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) và khởi xướng nhiều cuộc họp CBMs song phương và đa phương với các nước láng giềng.

Trung Quốc đã thừa nhận rằng chưa thể có sự đồng thuận về trật tự an ninh phù hợp với khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh một sự tái cân bằng lớn đang diễn ra ở khu vực này. Chẳng hạn như sự bất đồng về việc liệu hệ thống liên minh do Mỹ dẫn đầu có hợp pháp và bền vững hay không khi ảnh hưởng của Mỹ bị suy giảm tương đối ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việc không có thỏa thuận về trật tự an ninh khu vực sẽ cản trở sự hợp tác an ninh trong thời gian dài.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh CICA (tháng 5/2014), Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói về việc xây dựng một cam kết cho trật tự an ninh mới dựa trên những ý tưởng về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và ổn định. Ông Tập Cận Bình cũng khuyến khích các nước châu Á đóng vai trò đi đầu trong việc xây dựng trật tự mới này, với sự tham gia của các nước chủ chốt bên ngoài khu vực. Nhận thức của Trung Quốc về một trật tự an ninh mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngầm thách thức sự thống trị của hệ thống liên minh do Mỹ đứng đầu, gây ra sự nghi ngờ và hoài nghi về phía Mỹ và một số đồng minh chủ chốt của Mỹ ở khu vực này.

Làm thế nào để dung hòa những khác biệt và phát triển một định nghĩa chung về an ninh trật tự khu vực trong tất cả các nước liên quan? Làm thế nào để phát triển những kiến trúc an ninh khu vực nơi Trung Quốc, Mỹ và nhiều nước chủ chốt khác trong khu vực không chỉ chung sống hòa bình mà còn hợp tác để cung cấp hàng hóa an toàn hơn cho toàn bộ khu vực? Những câu hỏi này vẫn là những thách thức lớn đối với Trung Quốc nếu nước này muốn đóng vai trò lãnh đạo lớn hơn ở khu vực trong tương lai.

Theo "Diễn đàn Đông Á"

Nhật Linh (gt)