Bản thân Tổng thống Barack Obama cũng đang phải chịu nhiều áp lực từ cuộc biến động tại Trung Đông tới cuộc chiến đầy rắc rối tại Ápganixtan và một nước Nga ngày càng quyết đoán hơn. Những áp lực này đe dọa sẽ làm suy yếu các thành tựu chính sách đối ngoại của ông - điều mà những người trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Obama từng hy vọng sẽ "miễn nhiễm" trước các "đòn tấn công" của đảng Cộng hòa. Do đó, khi phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) vào ngày 25/9 - đúng 6 tuần trước khi cuộc bầu cử bắt đầu, ông Obama sẽ tìm cách trấn an các cử tri Mỹ cũng như các nhà lãnh đạo thế giới rằng những thách thức toàn cầu mới nhất vẫn nằm trong tầm kiểm soát của ông. Tuy nhiên, ông sẽ không đề xuất bất kỳ một biện pháp mới hay sáng kiến táo bạo nào. Những người trong nhóm vận động tranh cử của ông Obama khẳng định rằng chính sách đối ngoại vẫn là một điểm sáng của ông trong năm bầu cử này. Nhà Trắng chẳng bao giờ mệt mỏi khi "quảng bá" những thành tích ngoại giao của ông Obama, đó là việc tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden và kết thúc cuộc chiến tại Irắc. Tuy nhiên, những thành tựu này dường như đang dần mờ nhạt đi trong bối cảnh xuất hiện hàng loạt những tin tức xấu. Tổng thống Obama đang tranh cãi gay gắt với Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu về cách đối phó với tham vọng hạt nhân của Iran. Tranh cãi này đã khiến quan hệ giữa hai nước vốn là đồng minh thân cận trở nên căng thẳng.Các vụ bạo lực nhằm vào các cơ sở ngoại giao của Mỹ trên khắp thế giới Hồi giáo đã đẩy ông Obama vào tình thế phải đối mặt với thất bại tồi tệ nhất từ trước tới nay trong nỗ lực nhằm ngăn "Mùa Xuân Arập" biến thành một làn sóng chống Mỹ mới, đồng thời cho thấy thực tế là ông hầu như không có lựa chọn hiệu quả nào để giải quyết vấn đề này.

Việc NATO giảm bớt các hoạt động quân sự chung với các lực lượng Ápganixtan nhằm đối phó với hàng hoạt các cuộc tấn công "từ bên trong" gây nhiều thương vong cũng làm dấy lên nhiều nghi ngại rằng Ápganixtan sẽ còn lại gì sau khi phần lớn các lực lượng Mỹ sẽ rút khỏi đây vào năm 2014, theo chiến lược mà ông Obama đưa ra.Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định đình chỉ hoạt động của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) tại Mátxcơva. Quyết định này đe dọa tới chính sách "cài đặt lại" quan hệ với Nga của ông Obama. Trong khi đó, Chính quyền Obama cũng cho thấy họ không muốn can thiệp nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng đẫm máu tại Xyri, nơi Tổng thống Bashar al-Assad bác bỏ những lời kêu gọi từ chức của quốc tế và tiếp tục thúc đẩy những nỗ lực nhằm đàn áp cuộc nổi dậy kéo dài 18 tháng qua. Ông Romney và nhóm vận động tranh cử của ông đã "chộp" ngay những diễn biến kể trên nhằm tìm cách củng cố lập luận của họ rằng Tổng thống Obama đã không làm tròn vai trò lãnh đạo và đang làm suy yếu vị thế quốc tế của Mỹ. Dan Senor, một cố vấn của ông Romney, nói: "Đây là dấu hiệu cho thấy chính sách (của ông Obama) đã thất bại".Tổng thống Obama được tín nhiệm rộng rãi vì đã cải thiện được nhiều mối quan hệ của Mỹ với nước ngoài, từng bị xấu đi bởi điều được cho là cách tiếp cận "tự mình hành động" của người tiền nhiệm George W. Bush. Phát ngôn viên Nhà Trắng Tommny Vietor nói: "Rõ ràng, kể từ khi ông Obama nhậm chức, nước Mỹ đã có vị thế vững mạnh hơn". Mặc dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Obama vẫn nhận được sự ủng hộ ở nhiều nơi trên thế giới, song hình ảnh của nước Mỹ ngày càng đi xuống, đặt biệt tại Trung Đông - khu vực trọng tâm ngay từ đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama. Mặc dù vẫn chưa rõ cuộc khủng hoảng gần đây nhất ảnh hưởng như thế nào tới ông Obama ở trong nước, song theo cuộc thăm dò dư luận do "Nhật báo Phố Uôn" và kênh tin tức NBC cùng thực hiện, sau các vụ tấn công nhằm vào các cở sở ngoại giao của Mỹ ở Ai Cập, Libi và các quốc gia Hồi giáo khác, tỷ lệ ủng hộ chính sách đối ngoại của ông đã giảm từ 54% hồi tháng 8 vừa qua xuống 49%. Tuy nhiên, sẽ khó để ông Romney tận dụng được thời cơ này. Cuộc thăm dò dư luận của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy có 45% người Mỹ ủng hộ cách ông Obama giải quyết cuộc khủng hoảng này, và chỉ có 26% người Mỹ đồng tình với những chỉ trích của ông Romney đối với cách Tổng thống Obama đối phó với cuộc khủng hoảng. Ông Romney bị nhiều người cáo buộc là kẻ cơ hội, lợi dụng thảm kịch của quốc gia.

Theo Phát ngôn viên Vietor, tại LHQ, ông Obama sẽ phát biểu về tình hình bất ổn tại các quốc gia Hồi giáo, bị kích động bởi một bộ phim chống đạo Hồi mà Chính quyền của ông đã lên án, đồng thời sẽ nhắc lại thông điệp rằng nước Mỹ "sẽ không bao giờ rút lui khỏi thế giới". Ngày 23/9, trong chương trình phỏng vấn "60 Phút" được ghi hình trước đó, Tổng thống Obama phát biểu rằng mặc dù cuộc cách mạng "Mùa Xuân Arập" đem lại nhiều hứa hẹn, song sẽ có nhiều trở ngại trên con đường đưa khu vực Trung Đông và Bắc Phi trở nên dân chủ và hòa bình hơn, đó là những xu hướng cực đoan, chống Mỹ và tâm lý chống phương Tây. Bên cạnh đó, tại LHQ, Tổng thống Obama cũng sẽ tái khẳng định rằng Iran không được phép sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, những người trong nhóm vận động tranh cử của ông Obama cho biết mặc dù ông Obama có thể sẽ có giọng điệu mạnh mẽ hơn về vấn đề này, song ông sẽ không đặt ra "giới hạn đỏ" cụ thể đối với Têhêran theo yêu cầu của Thủ tướng Netanyahu. Tổng thống Obama cho biết ông thường xuyên có các cuộc đối thoại với nhà lãnh đạo Ixraen và chia sẻ những lo ngại của ông Netanyahu, tuy nhiên ông sẽ đưa ra những quyết sách dựa trên lợi ích của Mỹ.Kêu gọi nối lại các vòng đàm phán hòa bình giữa Ixraen và Palextin - điều ông Obama từng cam kết sẽ trở thành ưu tiên trong chính sách đối ngoại khi ông nhậm chức, song ông đã không thể làm được - cũng sẽ là chủ đề chính trong lần xuất hiện tại LHQ này của ông Obama. Sẽ là thiếu sót lớn nếu ông không đề cập tới vấn đề đàm phán hòa bình Ixraen-Palextin. Tuy nhiên, ông sẽ phải hết sức thận trọng nhằm tránh bị các cử tri ủng hộ Ixraen tẩy chay. Bài phát biểu tại LHQ của ông Obama sẽ ám chỉ rẳng nếu ông Romney giành chiến thắng, ông ta sẽ theo đuổi chính sách ngoại giao "diều hâu" hơn, ít tính hợp tác hơn. Đồng thời thể hiện rằng ông và những cộng sự của mình đang nỗ lực điều chỉnh lại chiến lược "Mùa Xuân Arập" của họ.Mặc dù các cuộc biểu tình dường như đã dần giảm xuống và thậm chí Libi đã có những phản ứng mạnh mẽ chống lại các tay súng Hồi giáo, song một số nhà phê bình bảo thủ đã gợi nhắc lại cuộc khủng hoảng con tin ở Iran, từng khiến cựu Tổng thống Jimmny Carter thất bại trong cuộc tái tranh cử, cảnh báo điều này có thể lại xảy ra nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn. Elliot Abrams, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Bush, nói: "Nếu tình hình tồi tệ hơn, nó sẽ khiến người dân Mỹ cho rằng ông Obama không biết ông ấy đang làm gì. Nếu trong vài tuần nữa mà tình hình xấu đi, nó sẽ dẫn tới những ảnh hưởng về mặt chính trị".

Theo Reuters (ngày 23/9)

Hương Trà (gt)