Cuốn sách "Đảo đá trên biển Đông: sau Phán quyết của Tòa La-Hay" (Islands and rocks in the South China Sea: Post-Hague ruling)  do nhà báo tự do và nghiên cứu viên cao cấp của Viện Mỹ-Châu Á tại Washington James Borton[1] chủ biên đã được xuất bản tháng 5/2017. Cuốn sách được phát triển dựa trên 21 bài tham luận của các tác giả đến từ nhiều quốc gia trên thế giới được trình bày trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế do Đại học Nha Trang và Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức. Hội thảo này được tổ chức một tháng sau khi Tòa Trọng tài công bố Phán quyết cuối cùng về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc tháng 7/2016. Cuốn sách tập trung phân tích ba nội dung chính: (i) quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế; (ii) tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; (iii) Phán quyết của Toà trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.

Phần 1 của cuốn sách bàn luận về quy chế đảo đá của đảo đá trong Luật quốc tế. Bốn tác giả đều cho rằng Điều 121(3) mập mờ, không rõ ràng, do đó dẫn đến nhiều cách diễn giải khác nhau. Ý kiến chung rằng trước khi có phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài, chưa hề có một tiền lệ về việc giải thích cụ thể cho Điều 121 nói chung và Điều 121(3) nói riêng vì các tòa án, tòa trọng tài thường tránh cách giải thích rõ ràng, cụ thể về quy định "mập mờ" này. Theo đó, việc Tòa Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông đưa ra các lý giải cụ thể về Điều 121(3) là bước phát triển quan trọng. Tác giả Erik Franckx ví Điều 121(3) như một "quả bom hẹn giờ", phân tích bối cảnh đàm phán để giải thích lý do cho nội dung lỏng lẻo của điều khoản này. PGS. Jay Batongbacal cũng thừa nhận rằng Điều 121(3) là kết quả thỏa hiệp giữa những lập trường khác nhau của các quốc gia tham gia đàm phán trong Hội nghị quốc tế về Luật biển lần thứ ba. Tác giả Aloysius Llamzon cho rằng trong vụ kiện Biển Đông, Tòa trọng tài đã đi xa thẩm quyền của mình khi đưa ra các tiêu chuẩn để xác định đảo hay đá thay cho các quốc gia. So sánh vụ kiện Biển Đông với Vụ Đảo Palmas, ông Llamzon đánh giá rằng đã có sự phát triển trong quan điểm về đảo trong hai vụ việc, và vụ kiện Biển Đông có vai trò thực tế vượt xa so với vụ đảo Palmas. Phán quyết của Tòa trọng tài không đưa ra những tiêu chuẩn phổ cập xác định đảo hay đảo đá nhưng góp phần vào việc hình thành, phát triển cách diễn giải và áp dụng Điều 121(3) trong tương lai.

Phần 2 phân tích và đánh giá tình hình tranh chấp chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa, trong đó tập trung vào một loạt các hoạt động gây hấn, hung hăng của Trung Quốc thể hiện qua yêu sách đường chín đoạn, các hoạt động quân sự và tôn tạo đảo và qua vụ việc triển khai dàn khoan HD 981. Các ý kiến thống nhất rằng trong một vài năm trở lại đây, với nhận thức Biển Đông là "lợi ích cốt lõi", Trung Quốc ngày càng có xu hướng hành động quyết đoán trên biển. Chỉ trong giai đoạn 2014-2015, Trung Quốc triển khai nhanh chóng kế hoạch tổng thế nhằm mở rộng và củng cố sự hiện diện tại Biển Đông thông qua nhanh chóng xây dựng, tôn tạo các thực thể nhỏ (bãi cạn, bãi ngầm) trên biển trở thành các đảo nhân tạo ở Trường Sa.

Hoạt động xây dựng đảo hay quân sự hóa là đề tài nóng trong nhiều cuộc tranh luận nhưng đến nay chưa có sự thống nhất về nội hàm của "quân sự hóa". GS. Carlyle Thayer đề cập đến "quân sự hóa" thông qua lập trường cũng như các hoạt động thực địa của các chủ thể trong khu vực và đi đến kết luận rằng có "vùng xám" tồn tại trong quan điểm của các bên về quân sự hóa. Quân sự hóa tạo ra thế lưỡng nan về an ninh, thách thức vai trò và sự thống nhất của ASEAN, và làm suy giảm giá trị của Công ước UNCLOS như là một cơ sở đảm bảo hòa bình và trật tự trong khu vực. Với cách tiếp cận so sánh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ, ông Sekhar Dutt  đối chiếu Biển Đông và một số tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và một số quốc gia láng giềng khác như ở tại biển Hoa Đông và biên giới Trung Ấn và phát hiện ra rằng từ năm 2006, Trung Quốc bắt đầu áp dụng cách tiếp cận giống nhau ở các địa bàn nêu trên, vừa kêu gọi giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng hoà bình vừa thực hiện các hành vi cứng rắn nhằm mục đích xáo trộn cân bằng chiến lược và thay đổi nguyên trạng. Cuộc khủng hoảng dàn khoan HD 981 được xem như là "một phép thứ chiến lược" của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông.

GS. Koichi Sato lại chia tranh chấp Biển Đông thành ba cấp độ xung đột: cao, trung bình và thấp. Theo đó, xung đột cấp độ cao liên quan đến chiến tranh hạt nhân giữa Trung Quốc và Mỹ, trong khi đó xung đột cấp độ trung bình liên quan đến hợp tác và tập trận hải quân và xung đột cấp độ thấp thường liên quan đến thuyền cá, cơ quan thực thi pháp luật và tàu thuyền vận tải. Theo đánh giá, hiện nay các xung đột cấp độ thấp là phổ biến giữa Trung Quốc và các nước yêu sách của ASEAN vì Trung Quốc muốn tránh Mỹ can thiệp sâu tại khu vực này. Theo đó, Trung Quốc đang thực hiện ba cuộc chiến: cuộc chiến thông tin tuyên truyền, chiến tranh tâm lý và chiến tranh pháp lý, thể hiện rõ khi Trung Quốc triển khai Dàn khoan HD 981 và xử lý phán quyết của Tòa trọng tài tháng 7/2016. Hai sự kiện này đều là bài học quan trọng cho tất cả các quốc gia yêu sách của ASEAN cho thấy Trung Quốc không thể lúc nào cũng "cứng rắn".

Phần cuối của cuốn sách phân tích về Phán quyết của Tòa trọng tài, tác động và đề xuất chính sách. Phán quyết được ví như "vụ kiện thế kỷ" (tr.136), một sự kiện quan trọng trong tiến trình giải quyết tranh chấp Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế với nhiều bất ngờ cho giới chính trị gia và nhà quan sát. Phán quyết phủ nhận giá trị pháp lý của yêu sách đường chín đoạn, qua đó tác động mạnh mẽ về cục diện pháp lý ở Biển Đông và chính sách của chính quyền Trung Quốc. Một số chuyên gia về luật biển đánh giá phán quyết như một nhân tố "thay đổi cuộc chơi" (tr.113). Học giả Đức Gerald Will cho rằng Trung Quốc cũng cần có thời gian "thẩm thấu" phán quyết, chấp nhận thất bại, đồng thời cũng để Trung Quốc điều chỉnh chiến lược với bối cảnh mới. Ông đưa ra ba khả năng mà Trung Quốc có thể hành xử sau Phán quyết. Thứ nhất, có thể nước này sẽ tiếp tục chiến lược cũ với nguyên tắc Biển Đông là lợi ích cốt lõi, củng cố các công cụ dân sự quân sự, đưa ra nhiều sáng kiến ngoại giao mới nhằm phản đối Phán quyết. Trung Quốc từng khẳng định có khoảng 60 nước ủng hộ lập trường này của Trung Quốc nhưng trong danh sách công khai chỉ có 7 nước gồm Nga, Campuchia và một số quốc gia Châu Phi. Thứ hai, Trung Quốc có thể sẽ điều chỉnh phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó tập trung thuê nhiều luật sư quốc tế và đào tạo chuyên gia luật quốc tế, và tuân thủ trên thực địa thông qua qua việc ngừng khai thác dầu và đánh cá tại vùng đặc quyền kinh tế của nước khác mà không từ bỏ yêu sách chủ quyền. Thứ ba, Trung Quốc sẽ nỗ lực thiết lập các quy tắc và thực tiễn quốc tế mới thông qua chiến dịch xây dựng nền dân chủ mang màu sắc Trung Quốc.

Theo các học giả, Phán quyết giúp hình thành môi trường chiến lược, an ninh mới tại Biển Đông. Mô hình ổn định an ninh khu vực phù hợp nhất cho khu vực nên là cấu trúc mạng lưới có tính chất kết nối, với sự tham gia của nhiều chủ thế khu vực như Úc, Nhật, Mỹ... thay cho hệ thống đồng minh song phương truyền thống. Ổn định an ninh khu vực phụ thuộc không chỉ từ chính từng bên yêu sách trong nỗ lực giảm căng thẳng hay nguy cơ xung đột mà còn vào chính các chủ thể như ASEAN và các quốc gia có lợi ích không trực tiếp tại khu vực. Về xu hướng chính sách của Trung Quốc, học giả Nga Dimitry Mosyakov nhận định tham vọng bành trướng của nước này sẽ không dừng lại, họ sẽ vẫn tiếp tục tăng cường hiện diện, củng cố năng lực vũ trang tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung của Phán quyết liên quan đến quy chế đảo đá theo Điều 121(3) của UNCLOS, các tác giả đều nhận định phán quyết cần được thực thi. Một số nhấn mạnh rằng việc xây dựng lập trường chung với Phán quyết có thể gây ra chia rẽ trong nội bộ ASEAN. Theo đó, các nước tranh chấp có thể tận dụng vai trò ảnh hưởng từ các đối tác bên ngoài như Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ hay sử dụng các diễn đàn như ARF, ASEAN+1 hay EAS để tham vấn các vấn đề thực địa. Các quốc gia có tranh chấp có thể tham vấn lẫn nhau về quy chế áp dụng đối với các đảo yêu sách nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, từ đó có những điều chỉnh trong yêu sách biểnn phù hợp. Một số ý kiến hoc rằng các quốc gia Đông Nam Á có thể đưa ra các sáng kiến chung để tập hợp sự ủng hộ ngoại giao và dư luận, gây sức ép để yêu cầu các quốc gia liên quan tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài và luật pháp quốc tế.

Như trong Lời giới thiệu, tác giả James Borton khẳng định rằng vấn đề tranh chấp lãnh thổ không thể nào giải quyết thông qua phán quyết của Tòa mà chỉ có thể dựa vào ý chí chính trị của các quốc gia yêu sách. Biển Đông gồm nhiều tranh chấp, cả về chủ quyền, phân định biển và diễn giải Công ước Luật biển, nên Tiến sỹ Sisco Pramono (tr.181) cho rằng chính trị và pháp lý luôn song hành cùng nhau. Trong bối cảnh đó, cần có đánh giá đúng mức về vai trò, khả năng thực tế và hạn chế của các chủ thể trong khu vực, để tìm ra lợi ích và giá trị chung giữa các bên. Các nước có thể từng bước giải quyết tranh chấp trước hết qua những lĩnh vực ít nhạy cảm, có tính thực dụng và dễ dàng thực thi như nghề cá, bảo vệ môi trường và quản lý tàu bè. Ông Borton cho rằng khoa học đóng một vai trò nhất định trong việc xây dựng lòng tin thông qua việc trao đổi thông tin về tài nguyên biển. Ông đề xuất rằng cộng đồng các nhà khoa học biển trong khu vực cần đưa ra các sáng kiến về lĩnh vực môi trường biển, dựa trên thực tế của chính các ngư dân trong khu vực. Xuất bản tại thời điểm một năm sau Phán quyết, cuốn sách dày 257 trang bao gồm những đánh giá, nhận định khách quan về nội dung và tác động chính từ Phán quyết của Tòa Trọng tài là một tài liệu tham khảo có giá trị cho bạn đọc quan tâm đến Biển Đông.

Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Biển Đông


[1] James Bolton cũng là chủ biên của của cuốn "Biển Đông: Thách thức và lời hứa" (The South China Sea: Challenges and Promises) xuất bản năm 2015.