Từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhờ những cải cách sâu rộng của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã có một giai đoạn phát triển vượt bậc, và đi cùng với đó là nhu cầu gia tăng chóng mặt về nguồn tài nguyên thiên nhiên. Như một kết cục tất yếu, đến cuối những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu vươn ra các thị trường nước ngoài để săn tìm các nguồn tài nguyên do nguồn cung trong nước đã không còn đáp ứng đủ. Công cuộc tìm kiếm tài nguyên của Trung Quốc, dù mới chỉ ở bước đầu, nhưng đã có những ảnh hưởng nhất định không chỉ tới bức tranh kinh tế thế giới mà còn cả tới các vấn đề an ninh, chính trị toàn cầu.

Cuốn “By all means necessary: How China’s resource quest is changing the world” [Tạm dịch: Bằng mọi phương thức có thể: Công cuộc tìm kiếm tài nguyên của Trung Quốc thay đổi thế giới như thế nào?] của Elizabeth C. Economy và Michael Levi là một nỗ lực giải đáp vấn đề trên. Với cách hành văn rõ ràng, cách tiếp cận có hệ thống, cuốn sách giúp người đọc có một cái nhìn toàn diện về công cuộc tìm kiếm tài nguyên của Trung Quốc, từ nguyên nhân, diễn biến cho tới các hệ lụy, không chỉ đối với thế giới mà còn đối với chính bản thân Trung Quốc.

Với những dẫn chứng lịch sử ở phần đầu, các tác giả cho rằng việc tìm kiếm tài nguyên của các cường quốc không phải là điều mới mẻ. Bản thân Trung Quốc từ thời nhà Minh đã có tham vọng tài nguyên, thông qua các chuyến đi biển của Đô đốc Trịnh Hòa. Những năm 1970, thế giới cũng lo rằng Nhật sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên toàn cầu, nhưng điều đó đã không xảy ra. Các loại tài nguyên Bắc Kinh thèm muốn bao gồm nguồn nước, lương thực, quặng và nhiên liệu (dầu mỏ, khí đốt, than đá). Nguồn nước là yếu tố đặc thù, không giao dịch trên thị trường, nhưng Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng tới các nước khác qua chính sách nguồn nước của mình. Với những nguồn tài nguyên khác, Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm tại các nước đang phát triển, nhưng gần đây đã mở rộng sang một số nước phát triển như Úc, Mỹ, và Canada.

Theo hai tác giả Economy và Levi, công cuộc tìm kiếm tài nguyên của Trung Quốc dựa trên hai trụ cột chính: người dân và chính phủ với đại diện là các doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp tư nhân thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hoặc liên doanh với doanh nghiệp của quốc gia nhận đầu tư. Chính phủ Trung Quốc đóng vai trò quan trọng nhất với việc sử dụng các công cụ quản lý, các biện pháp hỗ trợ ngoại giao và hỗ trợ tài chính để tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm, đầu tư phát triển nguồn tài nguyên tại các quốc gia khác. Đáng thú vị là mặc dù Trung Quốc có một chiến lược được tổ chức rõ ràng với sự điều phối của 5 cơ quan của chính phủ[1] nhưng trong một số trường hợp, các doanh nghiệp lại hoạt động không theo chỉ đạo từ trên, và đôi lúc còn cạnh tranh với nhau. Các tác giả giải thích thực tế này với hai lý do: thứ nhất là bởi các doanh nghiệp đều có lợi ích của riêng mình; thứ hai, 5 cơ quan kể trên không có các cơ chế ràng buộc với các doanh nghiệp mà họ chỉ đưa ra các chỉ dẫn hay đưa ra những khoản hỗ trợ tài chính. Sự phân mảnh cũng là yếu tố có thể nhận rõ trong chính sách về nguồn nước của Trung Quốc. Chính sự phân mảnh về trách nhiệm cũng như quyền hạn này đã khiến cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi chính sách nguồn nước của Bắc Kinh không biết phải tìm cách nào để tác động tới chính sách nguồn nước của nước này (trang 65).

Không thể phủ nhận những lợi ích hiển nhiên do hoạt động đầu tư nước ngoài mang lại như các khoản thu thuế, việc làm hay hệ thống cơ sở hạ tầng, nhưng công cuộc tìm kiếm tài nguyên của Trung Quốc cũng có những mặt tiêu cực nhất định, đơn cử đó là nạn tham nhũng, ô nhiễm môi trường hay vấn đề an toàn lao động. Theo nhận xét của các tác giả, Trung Quốc không cố tình gây ra những hậu quả này. Lập luận xuyên suốt cuốn sách đó là, ở lĩnh vực đầu tư phát triển nguồn tài nguyên, “các công ty Trung Quốc, đã quen với việc hoạt động ở môi trường trong nước, cũng xuất khẩu luôn cả các thực tiễn trong nước ra nước ngoài” (trang 78). Tuy nhiên, các tác giả lưu ý rằng các công ty Trung Quốc vẫn tuân thủ theo quy định của các quốc gia sở tại. Do đó, ảnh hưởng của công cuộc tìm kiếm tài nguyên của Trung Quốc lên các quốc gia là không giống nhau. Đáng chú ý, các tác giả ngầm đưa ra một kết luận trái với quan niệm của số đông, đó là công cuộc tìm kiếm tài nguyên của Trung Quốc không hẳn đã là một thứ “chủ nghĩa thực dân kiểu mới”. Chẳng hạn như hầu hết sản lượng dầu Trung Quốc khai thác ở các quốc gia đều được nước này đem ra thị trường quốc tế chứ không mang về trong nước (trang 43).

Nhìn rộng ra, các tác giả cho rằng, công cuộc tìm kiếm tài nguyên của Trung Quốc bước đầu đã có tác động tới an ninh, chính trị cũng như bức tranh kinh tế toàn cầu. Cụ thể, về an ninh, chính trị, tài nguyên là một trong những lý do dẫn đến căng thẳng gia tăng tại các khu vực gần Trung Quốc hay cụ thể là tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tại Trung Á, Trung Quốc đang cạnh tranh tầm ảnh hưởng với Nga bằng những đường ống khí đốt tại khu vực. Tuy nhiên, theo các tác giả, cuộc tìm kiếm tài nguyên của Trung Quốc chỉ có tác động ở một mức độ vừa phải bởi họ vẫn giữ nguyên tắc không can thiệp của mình, và do đó chỉ khiến tình hình tại một khu vực nào đó thêm phức tạp chứ chưa phải là một nhân tố thay đổi cuộc chơi (trang 191). Điểm thú vị nhất có lẽ là sự liên hệ giữa nhu cầu bảo vệ các tuyến đường vận chuyển tài nguyên với chương trình hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc. Về khía cạnh kinh tế, không thể phủ nhận công cuộc tìm kiếm tài nguyên của Trung Quốc là một trong những lý do khiến giá các loại tài nguyên gia tăng, nhưng đó không phải là lý do chính bởi giá cả vẫn nằm trong sự chi phối của các nước nắm giữ nguồn cung. Ngoài ra, các tác giả cũng có cái nhìn tích cực khi chứng minh rằng sự tham gia của các công ty Trung Quốc trên thị trường quốc tế đã một phần nào đó giúp cho thị trường trở nên cạnh tranh hơn, minh bạch hơn, không còn bị thao túng quá nhiều bởi những người khổng lồ đi trước (trang 37-38).

Theo chiều ngược lại, chính phủ Trung Quốc cũng đã có những biện pháp cụ thể để cải thiện hoạt động đầu tư phát triển tài nguyên tại nước ngoài của mình. Vẫn dựa trên quan điểm Trung Quốc xuất khẩu các mô hình trong nước như đã nêu trên, các tác giả cho rằng Trung Quốc tập trung chủ yếu vào nỗ lực cải thiện hoạt động của doanh nghiệp trong nước. Chính phủ quy định các doanh nghiệp của Trung Quốc phải nhận thức rõ ràng hơn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, sử dụng nhiều hơn các công nghệ cao thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, Trung Quốc tìm cách học hỏi kinh nghiệm khi tham gia phối hợp với một sổ tổ chức đa quốc gia hay thuê các chuyên gia từ phương Tây. Những nỗ lực này, mặc dù vẫn còn đang diễn ra chậm chạp và mới chỉ ở bước đầu, nhưng ít nhất chúng ta có thể kết luận được rằng công cuộc tìm kiếm tài nguyên bên ngoài đã giúp Trung Quốc thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Các tác giả Economy và Levi đã đưa ra một cuốn sách phân tích với nhiều thông tin, nhiều sắc thái và khách quan về công cuộc tìm kiếm tài nguyên của Trung Quốc, cùng với đó đã làm sáng tỏ nhiều thông tin họ cho rằng thường bị cường điệu hóa bởi giới truyền thông. Hai kết luận quan trọng nhất có thể rút ra từ cuốn sách đó là: (i) Công cuộc tìm kiếm tài nguyên của Trung Quốc không phải là một thứ “chủ nghĩa thực dân kiểu mới”; (ii) Sự phân mảnh đang xuất hiện trong hoạt động đầu tư phát triển nguồn tài nguyên của Trung Quốc. Trong khi kết luận thứ hai là một nhận xét thú vị, kết luận thứ nhất có lẽ sẽ gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Đơn cử như ý kiến của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nigeria, Mallam Sanusi Lamido Sanusi, khi trả lời phỏng vấn tờ Financial Times: "Trung Quốc lấy đi nguồn nguyên liệu thô của chúng tôi và bán lại cho chúng tôi các sản phẩm sản xuất công nghiệp. Đây cũng là một dạng của khai thác chủ nghĩa thực dân”.[2]

Điểm trừ lớn nhất của cuốn sách đó là chủ yếu nhìn công cuộc tìm kiếm tài nguyên của Trung Quốc từ góc độ kinh tế đơn thuần. Ai dám chắc là Trung Quốc không có những mục đích khác đằng sau công cuộc tìm kiếm tài nguyên của mình? Ngay như tại Việt Nam, câu chuyện về đầu tư khai thác nguồn bauxite tại Tây Nguyên của Trung Quốc đã đón nhận nhiều luồng ý kiến trái chiều không phải bởi những vấn đề như ô nhiễm hay an toàn lao động, mà chủ yếu là bởi Tây Nguyên là khu vực có vị trí an ninh đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam.

Nhìn chung, cuốn sách cung cấp một góc nhìn khá tích cực về công cuộc tìm kiếm tài nguyên của Trung Quốc, thể hiện sự trông đợi của thế giới về Trung Quốc với tư cách là một cường quốc có trách nhiệm. Công cuộc tìm kiếm tài nguyên của Trung Quốc mới chỉ ở bước đầu, và các quốc gia cần phải hiểu được cả mặt tốt và mặt xấu trong tham vọng của nước này, để từ đó có thể dung hòa được các tác động của nó.

Vũ Quang Tiệp

 


[1] Năm cơ quan này bao gồm Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước (SASAC); Bộ Thương mại (MOFCOM); Bộ Ngoại giao (MOFA); Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc (EXIM Bank); Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB). Xem trang 50-51.

[2] Xem Lamido Sanusi, “Africa must get real about Chinese ties”, Finanacial Times, 11/3/2013.