Lê Thu Hà
Anders Corr (cb), Great Powers, Grand Strategies: The New Game in the South China Sea [Các cường quốc và đại chiến lược- Ván bài mới trên Biển Đông], Maryland: Naval Institute Presss, 2018, trg. 327.
Tranh chấp Biển Đông đang là một vấn đề quốc tế nóng bỏng, thu hút sự quan tâm và tham gia ở nhiều cấp độ của tất cả các cường quốc trên thế giới. Chính điều này đã định hình nên một ván bài mới trên Biển Đông, mà tại đó, các cường quốc, với các tính toán khác nhau về lợi ích sẽ hoạch định và triển khai những chiến lược vừa mang tính dài hơi vừa có sự thay đổi linh hoạt, phù hợp với động thái của các nhân tố liên quan. Cuốn sách “Các cường quốc và đại chiến lược – Ván bài mới trên Biển Đông” (Great Powers, Grand Strategies: The New Game in the South China Sea), do tác giả Anders Corr làm chủ biên, xuất bản năm 2018 bởi Nhà xuất bản Học viện Hải quân (Naval Institute Presss), Maryland, Mỹ đã tập hợp các bài viết của nhiều học giả nổi tiếng thế giới về cách mà các cường quốc trên thế giới nhìn nhận và hoạch định, và thực hiện chính sách Biển Đông của mình. Cuốn sách gồm 10 chương, 327 trang, mô tả toàn diện về ván cờ mới trên Biển Đông với nhân tố chính là chiến lược Biển Đông của các cường quốc Trung Quốc, ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và EU, qua đó thể hiện rất rõ mức độ nghiêm trọng và bản chất quốc tế của vấn đề Biển Đông, đồng thời cho thấy chính sách với Biển Đông của các cường quốc vượt qua các tính toán về kinh tế mà hướng tới các mục tiêu sâu xa hơn về mặt chiến lược với nhân tố quan trọng là Trung Quốc.
Biển Đông: Điểm nóng có mức độ nghiêm trọng và phạm vi ảnh hưởng ngày càng tăng
Hầu hết các tác giả đều cho rằng Biển Đông đã không còn là một tranh chấp khu vực đơn thuần mà đã trở thành một xung đột mang bản chất quốc tế.
Về mức độ, các tác giả trong cuốn sách, bằng cách này hay cách khác, đều nhấn mạnh tới căng thẳng ngày càng tăng cao của vấn đề Biển Đông. Ngay trong phần mở đầu, chủ biên Anders Corr đã nhấn mạnh, cuốn sách sử dụng cụm từ “xung đột” trên Biển Đông thay vì “tranh chấp” trên Biển Đông do mức độ quân sự hoá cao độ, trong đó nổi bật nhất là các hoạt động quân sự hoá của Trung Quốc tại đây, đồng thời va chạm trên Biển Đông, ở nhiều hình thức khác nhau, đã thậm chí dẫn tới tổn thất về tính mạng của hàng trăm người. Tương tự, trong chương 3, Chiến dịch bảo vệ chủ quyền trên biển của Trung Quốc: Bãi cạn Scaborough, “Quần đảo Trường Sa mới” và hơn thế nữa, thông qua việc mô tả quá trình hiện thực hoá các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, tác giả James E.Fanell nhận định, môi trường pháp lý và chiến lược trên Biển Đông đang thay đổi một cách “phức tạp, nguy hiểm và nhanh chóng”, đồng thời trích đánh giá của Nguyên Giám đốc Tình báo mỹ James Clapper, cho rằng “Trung Quốc đã thiết lập các cơ sở cần thiết cho việc triển khai năng lược quân sự trên Biển Đông vượt xa khỏi mức cần thiết cho việc bảo vệ các tiền đồn của mình”, qua đó khẳng định việc Trung Quốc thực sự triển khai các năng lực quân sự khổng lồ của mình trên Biển Đông chỉ còn là vấn đề thời gian.
Về phạm vi ảnh hưởng, các tác giả đều cho rằng Biển Đông đã trở thành một xung đột mang tính quốc tế. Điều này được thể hiện ngay ở ngay từ cấu trúc của cuốn sách khi đề cập tới chiến lược Biển Đông của tất cả các cường quốc, trong đó có cả các cường quốc ở tương đối xa về khoảng cách địa lý như Nga, EU. Tiêu biểu, tác giả Stephen Blank, trong chương 9, Quá nhiều nghịch lý: Nga và vấn đề Biển Đông, đã sử dụng cụm từ “khuấy đảo nền chính trị thế giới” khi nhắc tới vấn đề Biển Đông, đồng thời khẳng định, để được coi trọng trong đời sống quan hệ quốc tế, Nga, cũng như các cường quốc khác sẽ không thể bỏ qua vấn đề Biển Đông. Chia sẻ ý kiến này, tác giả Peter M.Soloman trong chương 10 Liên minh châu Âu: Thiết lập một chương mới cho Biển Đông cũng khẳng định Châu Âu sẽ không thể bỏ qua vấn đề Biển Đông vì đây sẽ là vấn đề quyết định nguyên trạng của nền hàng hải toàn cầu.
Có thể thấy, ngay từ việc lựa chọn các chương sách cho tới hệ thống lập luận trong nội dung từng chương, cuốn sách đã đưa ra khẳng định mạnh mẽ về việc Biển Đông đã trở thành một xung đột mang tính quốc tế, đang và sẽ lôi kéo sự quan tâm của toàn thế giới.
Chính sách Biển Đông của các cường quốc: Động cơ chiến lược vượt xa các tính toán về kinh tế
Một điểm chung nổi bật thể hiện trong chính sách Biển Đông của các cường quốc được mô tả trong cuốn sách việc các tính toán về kinh tế thường đứng sau các động cơ về mặt chiến lược.
Thứ nhất, hầu hết các tác giả đều cho rằng, lợi ích kinh tế mà vấn đề Biển Đông mang lại là tương đối nhỏ bé so với nỗ lực mà các cường quốc bỏ ra trong chiến lược Biển Đông của mình. Trong Chương 1, Tại sao Trung Quốc xây dựng các đảo mới, Bill Hayton, lập luận rằng, kể cả khi Trung Quốc có thể đạt được tất cả các yêu sách của mình trên Biển Đông, chỉ 1/10 chi phí mà Trung Quốc chi cho cho những nỗ lực về cải tạo đảo, hiện đại hoá quân sự… có thể thu lại được. Đồng thời, dựa trên số lượng dầu mà Trung Quốc sử dụng hiện nay (3 tỷ thùng, 5 nghìn tỷ khối khí tự nhiên mỗi năm), dự trữ và nguồn trên Biển Đông hầu như không xứng đối với các nỗ lực mà nước này bỏ ra. Thậm chí nếu Bắc Kinh có thể khai thác toàn bộ số dầu ở đây, sản lượng thu được cũng chỉ giúp duy trì nền kinh tế Trung Quốc trong một vài năm. Trong khi đó, giả thuyết này là gần như bất khả thi do đây là khu vực khó khăn về địa chất, gặp nhiều bão và hệ thống cơ sở vật chất đang ở tình trạng hết sức nghèo nàn. Tương tự, khi phân tích sự kiện Tập đoàn Dầu và Khí đốt Tự Nhiên (ONGC), một công ty thuộc sở hữu của nhà nước Ấn Độ thông báo đã được Tập đoàn Dầu khí Petrol Việt Nam gia hạn lần thứ ba cho giấy phép thăm dò tại Lô 128 trên Biển Đông – vị trí mà ONGC đã tiến hành tìm kiếm từ năm 2006 mà vẫn chưa tìm ra dầu khí. Tác giả Gordon G.Chang, trong chương 8, “Đại chiến lược” của Ấn Độ và vấn đề Biển Đông: Phản ứng thay đổi của Ấn Độ trước chủ nghĩa bành trướng Trung Hoa, đã nhận định hành động tìm kiếm dầu mỏ tại một vùng biển xa xôi mà hầu như không có tiềm năng thành công của Ấn Độ trong khoảng thời gian dài như vậy là hầu như không có ý nghĩa về mặt kinh tế mà “hoàn toàn nhằm duy trì sự hiện diện phục vụ các lý do chiến lược” của Ấn Độ tại Biển Đông.
Thứ hai, mặc dù có cách tiếp cận đối khác nhau với vấn đề Biển Đông, các cường quốc đều có điểm chung là đều đang hướng tới các mục tiêu về mặt chiến lược. Đối với quốc gia có yêu sách trực tiếp là Trung Quốc, tác giả Idan Forsyth, trong Chương 2, Kế hoạch cũ, thế trận mới: Đại chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông nhận định, việc đạt được các yêu sách trên Biển Đông nằm trong bản sắc quốc gia, là vấn đề mang tính dân tộc của Trung Quốc, đồng thời, về mặt đối ngoại, Biển Đông là trận địa giúp Trung Quốc có được vị thế của một cường quốc có khả năng thiết lập luật pháp và định hình cuộc chơi. Đối với nhóm các quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, EU, việc tham gia vào vấn đề Biển Đông thường nhằm ba động cơ chính: (i) gìn giữ môi trường ổn định trong khu vực; (ii) đảm bảo tự do hàng hải và (iii) khẳng định tiếng nói và tầm ảnh hưởng (ở các mức độ khác nhau) của mình đối với thế giới và khu vực. Song song bên cạnh đó, các quốc gia cũng có những động cơ riêng, phù hợp với đặc thù quốc gia của mình như Mỹ mong muốn duy trì trật tự thế giới do quốc gia này lãnh đạo, ASEAN hướng tới việc xây dựng hình ảnh của một tổ chức đoàn kết, tự chủ tại khu vực; Nhật Bản tham vọng kiềm chế Trung Quốc phục vụ các mục tiêu liên quan tới biển Hoa Đông, Ấn Độ phục vụ thực hiện chính sách hướng Đông, Nga tính toán tác động tới tiền lệ có thể có cho tranh chấp ở Artic hay EU đặt mục tiêu đảm bảo trật tự hàng hải khu vực và thế giới.
Như vậy, xung đột Biển Đông đã vượt qua các tính toán đơn thuần về kinh tế mà có tác động chiến lược dài hạn tới tất cả các cường quốc trên thế giới.
Trung Quốc: Nhân tố quyết định chính sách Biển Đông của các cường quốc
Trong các phân tích về chính sách Biển Đông của các cường quốc, các tác giả đều đặt Trung Quốc ở vị trí mang tính quyết định.
Một mặt, các hành động của Trung Quốc trong việc hiện thực hoá yêu sách tại Biển Đông là động lực để các quốc gia quyết đoán hơn trong chính sách Biển Đông của mình. Tác giả Sean R.Liedman, trong chương 5 Phát triển trong chiến lược của Mỹ tại Biển Đông: Nương theo cơn gió chiến lược khu vực, nhận định, chính sự hiện diện ngày một rõ của Trung Quốc tại khu vực đã tạo động lực để Mỹ buộc phải có hành động mạnh mẽ hơn tại Biển Đông, đồng thời sẽ quyết định mức độ triển khai các nguồn lực về ngoại giao, kinh tế và quân sự. Tương tự, tác giả Takashi Inoguchi và Ankit Panda trong chương 7, Đại chiến lược của Nhật Bản tại Biển Đông cũng khẳng định chính sự trỗi dậy của Trung Quốc, chứ không phải nội dung thực chất trong tranh chấp Biển Đông, mới là nhân tố quyết định việc Nhật Bản có cái nhìn nghiêm túc về vấn đề này.
Mặt khác, chính nhân tố Trung Quốc cũng tạo ra lực cản đối với việc các cường quốc có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong vấn đề Biển Đông. Cũng trong chương 7, tác giả phân tích, chính sách của Trung Quốc hiện tại với Biển Hoa Đông sẽ khiến Nhật Bản không thể có chính sách thực sự mạnh mẽ trên Biển Đông vì điều này sẽ làm thay đổi nguyên trạng chung đang có lợi cho Nhật Bản (Trung Quốc đang tương đối “hiền lành” tại Biển Hoa Đông để giải quyết vấn đề Biển Đông). Tương tự, trong chương 6, Chiến lược tái cân bằng của Mỹ và các tranh chấp trên Biển Đông: Di sản cho thế kỷ Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, tác giả Tongfi Kim nhận định các liên kết kinh tế sâu sắc với Trung Quốc sẽ khiến Mỹ tránh lập trường dẫn tới xung đột, đối đầu. Nói cách khác, đằng sau các bước đi tiến hay lùi của các cường quốc, Trung Quốc luôn là nhân tố đóng vai trò chủ chốt.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các phân tích trong cuốn sách cho thấy, cho tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc hầu như không đặt nặng vai trò của các cường quốc trong chính sách Biển Đông của mình. Trong chương 2, tác giả Ian Forsyth nhấn mạnh, các hành động của Trung Quốc là dựa trên chiến lược về sự tăng cường năng lực của nước này chứ không tính đến các quan điểm, phản ứng, sức mạnh đang thay đổi của các nước yêu sách và các quốc gia liên quan. Tương tự, trong chương 4, ASEAN, đại chiến lược và vấn đề Biển Đông: Giữa Trung Quốc và Mỹ, tác giả Leszek Buszynski nhận định cùng với sự lớn mạnh của mình, Trung Quốc đang dần bỏ qua vai trò trung gian của ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng đã quyết định rằng họ có thể tự chịu hậu quả của sự hiện diện của Trung Quốc trên Biển Đông đồng thời giải quyết được sự can dự của các thế lực bên ngoài mà không cần thông qua kênh ASEAN.
Các phân tích trong cuốn sách về vấn đề này cho thấy, rõ ràng, tình thế Biển Đông đang phụ thuộc mạnh mẽ vào sức mạnh và quyết định của Trung Quốc. Đây vừa là thách thức với các quốc gia yêu sách còn lại, nhưng mặt khác, cũng chính là điểm yếu trong chính sách của Trung Quốc bởi Ian Forsyth cho rằng Bắc Kinh dễ rơi vào tình thế bị động nếu các quốc gia còn lại bất ngờ phản công.
Có thể nói, cuốn sách Các cường quốc và đại chiến lược – Ván bài mới trên Biển Đông đã giới thiệu các nghiên cứu sâu sắc về chiến lược của các cường quốc trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, do đây là cuốn sách tập hợp bài viết từ các tác giả khác nhau, với các cách tiếp cận đa dạng về vấn đề Biển Đông nên sẽ không thể tránh khỏi một số các luận điểm khác biệt về một vấn đề cụ thể. Chẳng hạn, khi đánh giá về hiệu quả trong chính sách Biển Đông của Mỹ, trong khi tác giả Sean R. Liedman cho rằng Mỹ đã thất bại trong việc thể hiện sự tôn trọng trong cam kết với các đồng minh và đối tác trong khu vực. Trong khi đó, tác giả Tongfi Kim lại cho rằng đây là khía cạnh mà Mỹ đã làm khá tốt khi tái trấn an các quốc gia trong khu vực mà không kích động Trung Quốc quá mức. Tất nhiên, việc đưa ra các bình luận khác nhau thường xảy ra được trong khoa học xã hội. Mặc dù các tác giả cũng đưa ra một hệ thống luận cứ và luận chứng để bảo vệ quan điểm của mình, những nhận định trái ngược sẽ gây bối rối cho độc giả.
Tóm lại, cuốn sách “Các cường quốc và đại chiến lược – Ván bài mới trên Biển Đông” là một tài liệu tham khảo có giá trị, đặc biệt đối với các nhà nghiên cứu và những người có quan tâm tới vấn đề Biển Đông với các phân tích sâu sắc và hệ thống dẫn chứng cũng như lập luận thuyết phục về chính sách của các cường quốc trong vấn đề Biển Đông. Cuốn sách một lần nữa gióng lên hồi chuông về mức độ nghiêm trọng cũng như bản chất của vấn đề này. Đồng thời, thông qua cuốn sách, các độc giả có thể hiểu thêm về cách thức các cường quốc nhận định và hoạch định chính sách đối với một vấn đề mang tính quốc tế như vấn đề Biển Đông.
Lê Thu Hà, nghiên cứu viên, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết thể hiện nhận thức và quan điểm riêng của tác giả.