Cuốn sách là một trong những công trình xuất bản mới nhất, cập nhật nhất về tranh chấp ở Biển Đông với sự đóng góp của nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu có uy tín trong lĩnh vực. Cuốn sách gồm có bốn phần. Phần 1 đánh giá về tầm quan trọng của Biển Đông đối với hệ thống thế giới. Phần 2 phân tích lợi ích của các nước ở Biển Đông từ các cấp độ khác nhau, từ nội bộ, quốc gia cho đến khu vực. Phần III nhìn nhận các tranh chấp ở Biển Đông qua lăng kính luật pháp. Phần 4 thảo luận về một số vấn đề cụ thể, như hiện đại hóa quân sự, cạnh tranh các nước lớn, đánh bắt cá, và đề xuất về những hợp tác chuyên ngành ở khu vực. Kết luận của cuốn sách nêu bật tác động của các nhân tố lịch sử và chiến lược của các nước đến quá trình phát triển của các tranh chấp.

Đọc cuốn sách nổi lên một số điểm đáng chú ý sau. Về tầm quan trọng của Biển Đông, học giả Goeffrey Till nhận định dù Trung Quốc cho rằng tranh chấp Biển Đông chỉ là vấn đề song phương và khu vực, nhưng thực tế nó ngày càng được nhìn nhận như một quan ngại toàn cầu. Có bốn lý do quốc tế ngày càng quan tâm đến Biển Đông. Một là, Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế toàn cầu. Thứ hai, Trung Quốc ngày càng lộ rõ động cơ thực sự và quan niệm về lợi ích cốt lõi ở địa bàn này. Thứ ba, là sự phát triển của các mối quan hệ chiến lược, mạng lưới hợp tác, đối tác an ninh trong khu vực. Cuối cùng, đó là sự hội tụ của các chiến lược lớn của các nước, khiến Biển Đông trở thành địa bàn trọng điểm trong cạnh tranh giữa các nước lớn. Tranh chấp Biển Đông thu hút được sự chú ý bởi lo ngại của các quốc gia bên ngoài khu vực về khả năng tác động đến tự do hàng hải, hàng không qua khu vực, đồng thời về động cơ và mục đích của các chương trình hiện đại hóa quy mô của hải quân khu vực.

Rodolfo Severino lại cho rằng tình hình ở Biển Đông trở nên căng thẳng hơn do cách tiếp cận khác nhau của các nước có yêu sách ở vùng biển này. Ở bề nổi, những khác biệt đó cơ bản liên quan đến yêu sách về vùng nước cho các cấu tạo địa chất, tính mơ hồ về pháp lý của yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc. Việc các nước không có khả năng triển khai hợp tác chuyên ngành, bế tắc trong triển khai DOC và đàm phán COC, và việc Trung Quốc khăng khăng yêu cầu đàm phán song phương làm cho tranh chấp trở nên khó giải quyết hơn. Tuy nhiên, đằng sau những căng thẳng đó chính là lợi ích ngày càng khác biệt giữa các bên, đặc biệt là Bắc Kinh ngày càng nhìn nhận trật tự pháp lý hiện tại không phù hợp với lợi ích cốt lõi của họ. Chính điều đó làm gia tăng mâu thuẫn, căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giêng và với các nước lớn khác.

Renato Cruz De Castro chỉ ra cạnh tranh Trung-Mỹ là nhân tố quan trọng quyết định tầm quan trọng của Biển Đông trên bàn cờ quốc tế. Castro cho rằng Mỹ theo đuổi chính sách tái cân bằng về Châu Á-Thái Bình Dương để theo đuổi hai mục tiêu cơ bản: (1) đảm bảo cho các đồng minh; (2) tìm kiếm các biện pháp và cách thức để thúc đẩy hợp tác chiến lược với các đối tác khác ở khu vực để kiềm chế Trung Quốc. Mỹ không muốn đối đầu với Trung Quốc, mà chỉ tìm cách hợp tác với các nước khác để thuyết phục Trung Quốc chấp nhận cách tiếp cận dựa trên thượng tôn pháp luật và đa phương để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, Trung Quốc đã sử dụng mối quan hệ kinh tế, chính trị chặt chẽ với các nước Đông Nam Á để hạn chế phần nào chiến lược tái cân bằng của Mỹ.

Một nghiên cứu đáng chú ý khác của Mark Valencia đã chỉ ra hai nhân tố quan trọng tác động đến tình hình Biển Đông. Thứ nhất, Đông Nam Á là khu vực rất nhạy cảm với sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài. Lịch sử của khu vực Đông Nam Á cơ bản là quá trình đấu tranh để giành độc lập và tự quyết, chống thực dân hóa. Thứ hai, sự dịch chuyển cán cân quyền lực là nhân tố căn bản làm xoay chuyển tình hình ở Biển Đông. Dựa trên hai nhân tố đó, Valencia dự đoán chính trị Biển Đông sẽ tiếp tục dao động giữa hai kịch bản cực đoan nhất, một là ổn định trở lại nếu COC được hình thành hoặc là xung đột trực tiếp Mỹ - Trung. Valencia cũng dự báo một số khả năng có thể xảy ra xung đột là: Trung Quốc cản trở các hoạt động thăm dò của Việt Nam và Philippines, hoặc va chạm giữa tàu do thám của Mỹ và các lực lượng của Trung Quốc.

Cơ bản, phần đầu cuốn sách nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông. Có thể thấy, yếu tố quan trọng để Biển Đông trở thành điểm nóng là do Trung Quốc trỗi dậy và đòi hỏi lợi ích lớn hơn ở khu vực, từ đó thách thức các trật tự hiện hữu do Mỹ lãnh đạo. Sự can dự của Mỹ làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn, và gia tăng tính bất định đối với trật tự ở khu vực. Theo đó, tranh chấp ở Biển Đông trở nên căng thẳng phản ánh những thay đổi trong tương quan lực lượng ở khu vực và điều chỉnh lợi ích cũng như chính sách của Trung Quốc và Mỹ.

Trong Phần 2, tranh chấp Biển Đông được phân tích ở các cấp độ chính trị nội bộ, chính sách quốc gia và quan hệ quốc tế trong khu vực. Alice Ba và Ian Storey phân tích ba động lực của tranh chấp Biển Đông: (i) nỗ lực của các bên nhằm tăng cường các yêu sách về chủ quyền lãnh thổ và đặc quyền với các vùng biển; (ii) cạnh tranh về tài nguyên, và (iii) chủ nghĩa dân tộc và chính trị đối nội.  Các tác giả cho rằng tranh chấp về tài nguyên tiếp tục là động lực chính làm gia tăng căng thẳng, trong khi đó chủ nghĩa dân tộc và chính trị nội bộ các nước làm phức tạp thêm tình hình, hạn chế không gian để các chính phủ có thể thỏa hiệp với nhau. Sự căng thẳng giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines tạo ra rạn nứt trong quan hệ giữa các nước ASEAN, và làm suy yếu quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN, và buộc Mỹ phải tìm cách can dự. Việc Mỹ ưu tiên tái cân bằng về quân sự và an ninh thể hiện quan ngại của nước này đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Bonnie Glasier giải thích rõ hơn về tam giác quan hệ ASEAN-Mỹ-Trung Quốc, tìm cách giải mã những chuyển động trong tam giác này trước và sau năm 2007. Glasier chỉ ra ba thay đổi lớn trong tam giác này là: (1) Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán để thực thi yêu sách của mình ở Biển Đông; (2) các nước ASEAN do đó lo ngại về chiến lược biển của Trung Quốc và tìm cách lôi kéo Mỹ can dự vào khu vực; (3) Mỹ theo đuổi chính sách tái cân bằng, tăng cường can dự toàn diện, từ ngoại giao, kinh tế đến an ninh, quốc phòng đối với khu vực. Theo đó, tác giả kết luận tranh chấp ở Biển Đông sẽ còn biến động phức tạp, không có triển vọng giải quyết trong ngắn hạn. Tuy nhiên, không nên phóng đại về nguy cơ đối đầu Mỹ-Trung ở khu vực, hay sự sụp đổ của ASEAN, cũng như là mối đe dọa về một chiến tranh toàn diện.

Các học giả khác cũng xem xét lợi ích và chính sách của các nước khác đối với Biển Đông. Về phía Ấn Độ, Vijay Sakhuja cho rằng New Delhi quan ngại về tình hình Biển Đông do hai lý do: (1) Ấn Độ có lợi ích kinh tế ở khu vực này, đặc biệt là các hợp đồng hợp tác với Việt Nam thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực; (2) quan ngại về an ninh liên quan đến Trung Quốc mở rộng cái gọi là “lợi ích cốt lõi” và đơn phương thiết lập vùng nhân diện phòng không như đã diễn ra ở Hoa Đông. Ấn Độ lo ngại Trung Quốc sẽ áp dụng cách tiếp cận ở Biển Đông đối với các khu vực đang tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Himalaya và ở Biển Đông. Nguyễn Hùng Sơn và C. J. Jenny xem xét vận động chính trị nội bộ ở Trung Quốc, Việt Nam và quan hệ trong nội khối ASEAN về vấn đề Biển Đông, và cho rằng tranh chấp ở Biển Đông không chỉ diễn ra theo logíc của chủ nghĩa hiện thực chính trị. Cạnh tranh giữa các nhóm lợi ích, bản sắc và chủ nghĩa dân tộc, quan điểm truyền thống đều có tác động nhất định đến chính sách và hành xử của các nước liên quan.

Trong phần 3, Stein Tonnesion cho rằng một số thành tố của Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ có thể được coi cơ sở để giải quyết tranh chấp ở các khu vực khác trên Biển Đông, đó là: sử dụng luật pháp quốc tế, sử dụng được trung tuyến để đảm bảo công bằng, ảnh hưởng hạn chế của các đảo trong phân định, thoả hiệp trong chia sẻ nguồn cá, hợp tác cùng phát triển và cùng khai thác dầu khí và khoáng sản. Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng Biển Đông đang hội tụ nhiều nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống. Chính trị cường quyền gia tăng ở khu vực, khiến cho rủi ro xung đột tăng lên. Bên cạnh đó, còn có các thách thức phi truyền thống khác như ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn cá, đang đe doạ đến sự ổn định ở khu vực. Từ đó, học giả Lan Anh cho rằng Trung Quốc và ASEAN cần coi UNCLOS là cơ sở để xây dựng COC để đảm bảo quản lý Biển Đông một cách công bằng, ổn định và bền vững, trong đó có chú ý đầy đủ đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia.

Erik Franck và Marco Benatar tập trung phân tích khía cạnh pháp lý và thực tiễn việc áp dụng đường cơ sở quân đảo ở Biển Đông, cho rằng việc thiết lập các đường cơ sở thẳng quanh các nhóm đảo ở giữa biển khơi không thuộc quốc gia quần đảo là đi ngược lại với tinh thần và lời văn của UNCLOS. Robert Beckman và Leonardo Bernard cho rằng mặc dù Trung Quốc đã “bảo lưu” điều khoản về xử lý tranh chấp bắt buộc đối với các tranh chấp chủ quyền và ranh giới biển, nhưng điều đó không có nghĩa là cánh cửa để áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc hoàn toàn đóng kín. Theo đó, Philippines có thể kiện Trung Quốc về những vấn đề liên quan đến áp dụng và diễn giải UNCLOS, ví dụ về quyền của quốc gia ven biển, về điều 121, hay về quyền và quyền tài phán của Trung Quốc trong đường lưỡi bò. Các nước tranh chấp cũng có thể sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc khi cho rằng một bên yêu sách đã vi phạm UNCLOS và các nguyên tắc quan trọng của luật quốc tế, hoặc đe doạ sử dụng vũ lực. Các nước cũng có thể yêu cầu ITLOS cung cấp quan điểm tư vấn về một số vấn đề pháp luật liên quan đến tranh chấp.

Phần IV, cũng là phần kết luận của cuốn sách, xem xét các nhân tố tác động đến triển vọng hợp tác và xung đột ở Biển Đông. Carl Thayer cho rằng với tương lai của Biển Đông phụ thuộc vào 5 xu thế chính: (1) cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung; (2) quá trình hiện đại hoá hải quân ở khu vực; (3) việc phát triển các lực lượng chấp pháp dân sự; (4) sự tiến triển của cấu trúc an ninh ở khu vực; (5) kết quả của tham vấn giữa Trung Quốc và ASEAN liên quan đến COC. Về cơ bản Thayer cho rằng ít có khả năng xảy ra xung đột trong ngắn hạn, nhưng các cơ chế an ninh ở khu vực vẫn chưa đủ hiệu quả để quản lý tranh chấp ở Biển Đông. Kiến trúc an ninh khu vực sẽ phát triển chậm chạp, trong khi cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ tiếp tục gia tăng nhưng không đến mức đối đầu nhau. Trong khi đó, Sukjoon Yoon và C. J. Jenner lại cho rằng việc hình thành cơ chế hợp tác giữa các cường quốc hạng trung, trong đó Hàn Quốc đóng vai trò dẫn dắt, có thể đóng góp hiệu quả vào việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông. Học giả quá cố Jon M. Van Dyke cho rằng các nước ở Biển Đông có nghĩa vụ hợp tác với nhau để duy trì hoà bình và bảo vệ các lợi ích chung ở khu vực. Cùng quan điểm, Kuan-Hsiung Wang lập luận đã đến lúc phải thiết lập cơ chế quản lý nghề cá cấp khu vực để khai thác tài nguyên sinh vật biển ở Biển Đông một cách bền vững. Kết luận cuốn sách, C. J. Jenner cho rằng Biển Đông đang bị tác động nhiều xu thế lớn: (1) động lực phát triển kinh tế đang chuyển từ Bắc Mỹ về Đông Nam Á; (2) việc hình thành các mạng lưới thông tin và kinh tế phức tạp ở khu vực và toàn cầu; (3) sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ và các cường quốc hải quân khác đã biến Biển Đông thành trọng điểm của đấu tranh địa chính trị và nhân tố quan trọng trong các chiến lược biển. Rõ ràng, những thay đổi trong  cán cân quyền lực ở khu vực và toàn cầu đang hội tụ ở Biển Đông.

Về cơ bản, cuốn sách là một tập hợp nhiều nghiên cứu có giá trị, đáng tham khảo cho những người nghiên cứu về Biển Đông nói riêng và chính trị ở khu vực nói chung. 

C. J. Jenner and Tran Truong Thuy (eds), The South China Sea: A crucible of Regional Cooperation or Conflict-Making Sovereignty Claims, Cambridge University Press, Cambridge (UK), 2016.

Hải Đỗ