Trong bài viết, Ngoại Trưởng Clinton cho rằng “tương lai chính trị sẽ được quyết định tại châu Á chứ không phải Afghanistan hay I-rắc, Mỹ sẽ phải có hành động tại trung tâm này. Một trong những sứ mệnh quan trọng đối với nhà hoạch định chính sách Mỹ trong thập kỷ tới là phải tập trung đầu tư lớn hơn bao giờ hết về ngoại giao, kinh tế chiến lược và những lĩnh vực khác tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Những nhận xét của bà Clinton dường như thiếu điểm mới mà chỉ đơn thuần lặp lại tuyên bố tại Thái Lan vào mùa hè năm 2010 rằng “Mỹ đang quay lại châu Á”. Mỹ đã quan tâm tới khu vực châu Á – TBD hơn trước đặc biệt trong lĩnh vực chi tiêu quốc phòng. Việc quay trở lại của Mỹ sẽ khiến nước này tham gia sâu hơn vào các vấn đề liên quan tới chính trị, kinh tế và an ninh châu Á.

“Mỹ quay trở lại” là một cụm từ nổi tiếng của ông Douglas Macarthur, người đã bị thiệt mạng bởi quân đội Nhật trong chiến tranh Thái Bình Dương và cụm từ này là để tuyên bố sự thành công của Mỹ trong cuộc phản công khi đổ bộ xuống lãnh thổ Phi-líp-pin. Châu Á hiện nay hoàn toàn khác so với 6 thập kỷ trước bởi Mỹ sẽ không bị thua hay bị tổn thương tại châu Á. Mỹ đã thu được nhiều lợi ích lớn từ sự phát triển của châu Á trong 2-3 thập kỷ qua. Chắc chắn các nước châu Á cũng có lợi lớn từ việc hợp tác với Mỹ. Có thể nói Mỹ chưa bao giờ từ bỏ châu Á vậy tại sao Mỹ cần quay trở lại châu Á.

Xét tới sự phát triển kinh tế nhanh của các nước châu Á trong thời gian qua và việc dần hình thành phương thức hợp tác mới, Mỹ đang lo sợ bị nhỡ chuyến tàu nhanh trong sự phát triển của châu Á và do đó sẽ mất vị thế lãnh đạo tại khu vực này. Động thái “quay trở lại châu Á” của Mỹ nhằm đạt được nhiều lợi ích hơn từ sự phát triển của châu Á và củng cố vị trí lãnh đạo châu Á của Mỹ. Ngoại Trưởng Clinton đã tuyên bố thẳng rằng Mỹ sẵn sàng tiếp tục tham gia và đóng vai trò lãnh đạo.

Tuy nhiên, Mỹ đang và sẽ phải đối mặt với ít nhất 2 thách thức khi quay lại châu Á.

1) Mỹ cần học cách hợp tác với Trung Quốc. Việc Mỹ quay lại châu Á đang thu hút sự quan tâm chú ý của công luận về khả năng Mỹ có thể đối đầu với Trung Quốc. Nhiều học giả phương Tây còn cho rằng việc tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ tại châu Á là trực tiếp chống Trung Quốc bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể tạo thách thức tiềm tàng đối với sự bá quyền của Mỹ. Hơn nữa, một số nước châu Á hy vọng tận dụng Mỹ đặc biệt với sức mạnh quân sự để tạo ra cái gọi là “cân bằng chiến lược” với Trung Quốc. Nếu Mỹ chấp nhận chiến lược quay trở lại châu Á, Mỹ sẽ phải đối mặt với trò chơi “thắng thua” với Trung Quốc và do đó sẽ chẳng bên nào được lợi từ sự phát triển của châu Á hay đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy an ninh khu vực.

2) Vai trò lãnh đạo đòi hỏi nhiều thứ hơn tham vọng. Vị thế của Mỹ tại châu Á cuối cùng sẽ phụ thuộc vào những gì Mỹ cung cấp cho châu Á. Mỹ cần đóng vai trò xây dựng hơn nữa nhằm thúc đẩy phát triển và hợp tác kinh tế trong nhiều lĩnh vực thay vì mở rộng sự hiện diện quân sự để phô diễn khả năng không thể thay thế của Mỹ bởi Mỹ dường như sẽ đi vào ngõ cụt. Một vài học giả châu Á tỏ lo ngại rằng khi Mỹ nhận thấy không có thể duy trì vai trò lãnh đạo thì có thể sẽ moi tiền từ các nước châu Á dưới danh nghĩa bảo trợ hay thậm trí tạo nên những rắc rối bởi những trò lừa bịp chính trị.

Sự phát triển của châu Á tiếp tục là xu hướng chính và một số nước châu Á sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau trong quá trình phát triển. Châu Á là một khán đài lớn và đủ không gian cho sự quay lại của Mỹ. Tuy nhiên, ưu tiên của siêu cường cần đặt đúng vị trí và cần có chiến lược thực tế phù hợp./.

  Theo Nhân dân Nhật báo (19/10/2011)

 Mỹ Anh (gt)