Những điều mà tôi sắp phát biểu ra đây bắt nguồn từ những tìm tòi nghiên cứu, những cảm xúc và tư duy của riêng cá nhân tôi, độc lập với quan điểm của các chính phủ, các thể chế, các cơ quan tư vấn chính sách, không chịu bất kì ảnh hưởng nào từ các quan chức, hay bất kì tổ chức hay cá nhân nào khác. Đó là lý do tại sao tôi cảm thấy hoàn toàn tự do để nói rằng những điều tôi sắp nói ra đây HOÀN TOÀN THUỘC VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁ NHÂN TÔI.

 

Thẳng thắn mà nói, ngay cả khi trên một vài khía cạnh nào đó có một số tín hiệu tích cực khiến chúng ta có thể hi vọng đạt được một nền hòa bình thực sự, ổn định và hợp tác ở khu vực trong tương lai, nhưng lúc này đây các dấu hiệu tiêu cực vẫn nổi trội. Một trong những nguyên nhân là các nước trong lưu vực này bất cân xứng về sức mạnh, không chỉ trong lĩnh vực quân sự, mà cả về chiến lược, chính trị, và kinh tế và có một cường quốc một mặt có các  hành vi và tuyên bố nhằm làm yên lòng các bên tranh chấp, mặt khác sử dụng một chiến lược nhiều mũi nhọn (multi-pronged) để ép buộc các nước này chấp nhận các điều khoản và những gì mà nó đã quyết định. Ở đây tôi muốn nói đến siêu cường Trung Quốc.

 

Trước khi đề cập đến nội dung cốt lõi của vấn đề, cần phải điểm lại một cách vắn tắt các nhân tố của quá khứ. Bởi vì chúng ta không thể giải thích hoặc hiểu biết những gì diễn ra ở khu vực này ngày hôm nay nếu chúng ta quên mất di sản của quá khứ và ảnh hưởng của nó với hiên tại. Tuy nhiên, tôi sẽ không trình bày biên niên sử chi tiết của tất cả các sự kiện đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình ở khu vực. Tôi chỉ muốn thiết lập một số cột mốc quan trọng đối với mớ bòng bong mà chúng ta có hiện tại.

 

Đó là xuất phát điểm cho bài trình bày của tôi.

 

Bước thứ hai, tôi sẽ không tổng kết lại tất cả các công trình nghiên cứu mà rất nhiều học giả lỗi lạc đã viết lên. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một trong số những đóng góp vô cùng quan trọng trong lĩnh vực luật pháp quốc tế. Tôi trích dẫn ở đây nghiên cứu tỉ mỉ của Bà Monique Chemillé-Gendreau viết năm 1996. Toàn văn của công trình bằng Tiếng Anh với tiêu đề là: “Chủ quyền đối với các đảo Hoàng Sa và Trường Sa” [nguyên văn tiếng Anh là: Sovereignty over the Paracels and Spratly Islands] có thể được tìm thấy trên trang web: http://hoangsa.org/tailieu.  

 

I.  Di sản của Quá khứ

 

Để thiết lập cột mốc thứ nhất, tôi trở lại với Tuyên bố Cairo vào ngày 27/11/1943. Sau cuộc họp giữa Franklin Roosevelt, Winston Churchill và Tưởng Giới Thạch, tuyên bố được đưa ra là: “tất cả các lãnh thổ mà Nhật Bản đã đánh cắp từ người Trung Quốc, như Mãn Châu [Manchuria], Đài Loan[Formosa], và Bành Hổ [Pescadores], phải được trả lại cho Cộng hòa Trung Hoa. Không có một tuyên bố nào về các đảo Hoàng Sa và Trường Sa với một lý do đơn giản là, tại thời điểm đó, các hòn đảo này thuộc quyền kiểm soát của chính quyền thực dân Pháp, thực thi chủ quyền đối với chúng thay mặt cho Hoàng đế An Nam.

 

Trên thực tế, liên quan đến Trường Sa, chúng ta nên nhớ rằng trong năm 1930, chính xác là ngày 13/4, Hải quân Pháp, thay mặt cho chính phủ Pháp và sử dụng tất cả các thủ tục mà luật pháp quốc tế thừa nhận tại thời điểm đó, chiếm hữu một cách chính thức Trường Sa, và tuyên bố chủ quyền của Pháp tại các hòn đảo này. Hải quân Pháp thực hiện lại hoạt động trên năm 1933 với một cuộc viễn chinh tương tự như những gì đã diễn ra trong năm 1930[1]. Từ đó cho đến nay, điều chúng ta cần phải khẳng định ở đây, nước Pháp chưa bao giờ chính thức từ bỏ, hoặc từ chối chủ quyền của Pháp tại quần đảo Trường Sa. Điều này đã đưa đến một vụ việc pháp lý cụ thể. Như Monique Chemillé-Gendreau đã giải thích rõ ràng trong công trình nghiên cứu của bà, Pháp vẫn chưa mất quyền đối với quần đảo Trường Sa do nước Pháp vẫn chưa có hành động derelictio, nghĩa là ‘từ bỏ’[2]. Điều đó nghĩa là Pháp chưa bao giờ tuyên bố từ bỏ chủ quyền. Nếu như, một mặt nước Pháp đình chỉ quá trình quản lý quần đảo từ năm 1954 đến nay, mặt khác nước này chưa chính thức từ bỏ ý chí chiếm hữu (animus posidendi). Do đó, nước Pháp cần phải được coi như chưa mất quyền đối với vùng lãnh thổ này. Điều này rất quan trọng và cần phải được nhấn mạnh. Thật không may, hệ quả là lập trường không rõ ràng của nước Pháp đối với quy chế của Trường Sa đã dẫn đến bất đồng ngày hôm nay về các hòn đảo này. Đây là cột mốc thứ hai.  

 

Tôi muốn bắt đầu từ các hệ lụy của việc Nhật Bản bị đánh bại trong năm 1945 đối với các lực lượng đồng minh, trong đó có Mỹ, Anh và những người Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch, như là cột mốc thứ ba.

 

Tại thời điểm đó, không lâu trước khi Nhật Bản bị đánh bại và đầu hàng quân Đồng minh, vào tháng Tám cùng năm, các lực lượng Nhật Bản đã tiêu diệt chính quyền Pháp thuộc tại Đông Dương, và các lực lượng quân sự còn lại ở Việt Nam, và lập lên chính quyền Việt Nam lâm thời dưới sự lãnh đạo của Hoàng đế Bảo Đại tại Hà Nội. Trong một thời gian ngắn, nội các của Bảo Đại, dưới sự giám sát của người Nhật, đã tiếp nối việc khẳng định chủ quyền đối với vùng lãnh thổ, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa, thay vì người Pháp, mãi cho đến khi người Nhật đầu hàng và bị giải giáp.

 

Liên quan đến việc giải giáp người Nhật, Hội nghị Postdam được triệu tập vào mùa hè năm 1945. Hội nghị này quyết định ở miền Bắc từ phía trên vĩ tuyến 16, người Nhật sẽ bị giải giáp bởi người Trung Quốc, và ở phía Nam, từ vĩ tuyến 16 trở xuống, người Anh sẽ làm công việc này. Đó là lý do tại sao những người quốc dân Trung Quốc giải giáp người Nhật Bản ở trên quần đảo Hoàng Sa và chiếm đóng quân sự nhóm đảo An Vĩnh (Amphitrite group) thuộc quần đảo này. Đây là cột mốc thứ tư.

 

Ngày 5/10, dưới sự trợ giúp của người Anh, Pháp không gặp nhiều trở ngại trong việc tái chiếm đóng miền Nam Việt Nam, và người Trung Quốc của Tưởng Giới Thạch phản đối Pháp quay trở lại miền Bắc. Tình thế này dẫn đến các cuộc thảo luận giữa Pháp và Trung Quốc trong ngày 28/2/1946, và dẫn đến việc kí kết các Hiệp ước Pháp – Tưởng tại Trùng Khánh. Trong hiệp ước thứ hai, Trung Quốc đồng ý rút các lực lượng quân sự khỏi miền Bắc Việt Nam. Việc rút quân này kết thúc trong tháng 6/1946, trừ ở quần đảo Hoàng Sa mà ở đó những người quốc dân đảng Trung Quốc duy trì một số quân trên nhóm đảo An Vĩnh. Đây là cột mốc thứ năm, và đây là sự chiếm đóng quân sự đầu tiên của Trung Quốc đối với các quần đảo ở Biển Đông.

 

Hơn nữa, ngay cả khi, trong ngày 24/8/1945, Tưởng Giới Thạch tuyên bố rằng Trung Quốc “không có tham vọng lãnh thổ tại Việt Nam”, người Trung Quốc đã lừa dối lần thứ hai đối với Hiệp ước Trùng Khánh. Họ đã đặt chân lên các đảo ở Trường Sa tháng 12/1946 và xâm chiếm một hòn đảo quan trọng nhất: đảo Ba Bình [Itu Aba]. Đây là cột mốc thứ sáu.

 

Bất  chấp sự phản đối từ chính quyền Pháp tại thời điểm đó, và ngay cả khi một số hành động quân sự của Pháp được triển khai, người Trung Quốc cũng không di tản khỏi Hoàng Sa và đảo Ba Bình.

 

Kể từ đó, Đài Loan tiếp tục tiếp quản di sản đó và vẫn chiếm đóng đảo Ba Bình. Tình thế này cho chúng ta thấy Đài Loan, Cộng hòa Trung Hoa (ROC), tuyên bố các vùng lãnh thổ giống hết như Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở biển Đông. Và ROC lớn tiếng tuyên bố rằng đường đứt khúc 9 đoạn, đối tượng mà chúng ta thảo luận ngày hôm nay, bắt nguồn từ chính quyền quốc dân đảng. Do đó, chúng ta nên xem xét rằng, bất chấp các tuyên bố độc lập từ cả Bắc Kinh và Đài Bắc ở Biển Đông, cả chính quyền cộng sản và quốc dân đảng, về tình huống hiện tại và cụ thể này, dẫn đến cuộc đấu tranh chung trên danh nghĩa của một nước Đại Trung Hoa. Trong khía cạnh cụ thể này, Bắc Kinh coi cuộc đấu tranh của Đài Loan như là một cuộc đấu tranh trợ giúp trên tinh thần yêu nước. Đó là lý do tại sao lập trường của Đài Loan không được đưa vào trong những phân tích của bài trình bày này.

 

Liên quan đến vấn đề của đường đứt đoạn 9 điểm, chúng ta nhận thấy rằng, cùng lúc với việc chiếm đóng đảo Ba Bình, năm 1947 những người quốc dân đảng Trung Quốc xuất bản tấm bản đồ đầu tiên trong một tập bản đồ riêng chứ không phải là chính thức trong đó một đường liền bao quanh tất cả Biển Đông. Đó không phải là một đường đứt đoạn như đường đã được đưa ra. Đường này chỉ để lại những vạt lãnh hãi nhỏ hẹp sát cho các nước có đường biên giới với Biển Đông. Nhưng do đường này không được xác định bởi bất cứ một tọa độ nào nên nó hoàn toàn không thống nhất. Cách đánh dấu tương đối như vậy hoàn toàn vô giá trị. Đây là một điểm trong nhiều các điểm vô giá trị khác nữa.

 

Sau đó, đường liền biến thành đường 11 điểm trong những năm 1950, rồi đường 9 đứt đoạn 9 điểm sau khi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ra lệnh xóa hai điểm cắt ngang Vịnh Bắc Bộ.

 

Điều quan trọng cần được nhấn mạnh ở đây là ngay cả khi đường đứt khúc 9 đoạn được in trên các bản đồ của Trung Quốc, ngay cả khi người Trung Quốc luôn khẳng định quyền chủ quyền của họ ở Biển Đông nằm bên trong đường đứt đoạn 9 điểm đó, chính phủ Trung Quốc chưa đưa ra bất kì văn bản pháp lý nào chính thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực được xác định bởi đường đứt khúc 9 đoạn. Tuy nhiên, với việc kiên quyết bám vào nội dung của các tấm bản đồ và các bài phát biểu, Trung Quốc đã tạo ra sự nhập nhằng và làm rối trí các bên quan sát về cách thức diễn giải đúng đắn về sự tồn tại của một đường như thế. Trên thực tế, chỉ có rất ít người theo dõi về tình hình xung đột ở Biển Đông cho rằng cách phân chia này là nhất quyết không thể bàn cãi. Điều đó làm cho tất cả mọi người trên thế giới tin rằng cách phân chia này xác định quyền chủ quyền tuyệt đối của Trung Quốc đối với Biển Đông. Và báo chí quốc tế, bằng cách truyền tải một niềm tin mà không có sự kiểm chứng cẩn thận, có một phần trách nhiệm trong việc phát tán sự mơ hồ đó.

 

Để thanh minh cho tính chính đáng của đường đứt khúc 9 điểm, người Trung Quốc lập luận rằng đường này cách đều giữa bờ biển của các quốc gia liền kề và các quần đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Một lập luận như vậy được đưa ra từ thực tiễn rằng Trung Quốc cố tình trao quy chế đường cơ sở cho các quần đảo này, hoặc là công khai trong trường hợp của quần đảo Hoàng Ssa, hoặc là ám chỉ trong trường hợp của quần đảo Trường Sa và trường hợp cụ thể của bãi Trung Sa (Macclesfield) được coi như Trung Sa quần đảo nếu chúng ta nói theo khái niệm của Trung Quốc. Chúng ta sẽ quay trở lại với khái niệm này trong phần sau. Bằng cách này, Trung Quốc đã hành động trái với Công ước về Luật biển [UNCLOS][3]. Công ước này quy định rằng quy chế đường cơ sở chỉ được áp dụng với các QUỐC GIA QUẦN ĐẢO, không dành cho các đảo. Chúng ta sẽ bàn thảo vấn đề này khi đề cập đến đường cơ sở, thực tế hay hư cấu, xung quanh các quần đảo ở Biển Đông.

 

Nói một cách ngắn gọn, việc kiên quyết bám vào đường đứt đoạn 9 điểm chắc chắn là một nhân tố chủ chốt làm tổn hại quan hệ liên khu vực xung quanh lưu vực Biển Đông. Đây là cột mốc thứ 7 và có lẽ là một trong những cột mốc quan trọng nhất.   

 

Tôi chọn Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản, thường đuợc biết đến như là Hiệp ước San Francisco, như là cột mốc thứ 8. Hiệp ước này kết thúc các mối hận thù ở vùng Viễn Đông, được kí kết vào ngày 8/9/1951. Chương 2 với chủ đề Lãnh thổ, Điều 2, mục f của Hiệp ước này quy định: “Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh hiệu, và yêu sách đối với các đảo Trường Sa và Hoàng Sa.” Tuy nhiên, không có một chỗ nào trong văn bản này đề cập chi tiết đến nước nào được trao phần lãnh thổ đó bởi bằng chứng đơn giản là các  quần đảo này thuộc về Pháp, và sau đó là Việt Nam.

 

Năm 1954, các hiệp định Ge-ne-vơ kết thúc chiến tranh Đông dương lần thứ nhất. Các thỏa thuận này không đề cập đến các hòn đảo một cách cụ thể, nhưng rõ ràng Pháp đã trao trả tất cả các tài sản của Việt Nam cho hai chính quyền Việt Nam ở miền Bắc và miền Nam, do việc phân chia ở vĩ tuyến 17. Sở hữu của Pháp ở Biển Đông phải được trả lại cho phía Việt Nam. Trên thực tế, điều này đã xảy ra khi người miền Nam Việt Nam đóng quân thường xuyên ở trên quân đảo Trường Sa, và trên quần đảo Hoàng Sa, trên nhóm đảo Trăng Khuyết (Crescent Group) không bị người Trung Quốc chiếm đóng. Đây là cột mốc thứ 9.

 

Trong năm 1956, cụ thể là ngày 15 tháng Năm, tình hình ở Biển Đông bắt đầu trở nên phức tạp với sự xuất hiện của Phi-lip-pin. Tại thời điểm đó, một đô đốc nghỉ hưu và doanh nhân người Phil-lip-pin, tên là Toma Cloma, coi Trường Sa như “vùng lãnh thổ vô chủ” [terra nullius] hoặc vô thừa nhận [non regnis], đã tuyên bố chiếm hữu bốn phần năm của quần đảo trên tư cách cá nhân. Khu vực này do đó được đặt tên thánh là Kalayaan. Lực lượng quân sự của Phi-lip-pin đã chiếm một số đảo ở phía Bắc và vẫn còn chiếm đóng ở đó cho đến ngày nay.

 

Ở đây, chúng ta cần chú ý rằng đây là thời điểm đặc biệt, là thời kì cuối cùng của chế độ thuộc địa nên nước Pháp không phản ứng đối với sự chiếm đóng một phần lãnh thổ được coi là có một quy chế độc hữu, hoặc vẫn là của người Pháp, hoặc là của người Việt Nam mới tiếp quản. Chúng tôi xin nhắc lại rằng trong thời kì thực dân, về mặt hành chính, nước Pháp đã đặt quần đảo Trường Sa dưới sự cai trị của thống đốc Nam kì [Cochinchina]. Do đó, chúng được chính thức gắn với thực thể hành chính của Việt Nam. Do đó, khi Pháp rời Việt Nam, nước Pháp trao trả tất cả quyền hành cho Việt nam. Mặc dù bị chia thành hai phần, nhưng nước này tiếp nhận việc cai quản hành chính đối với tất cả vùng lãnh thổ nêu trên. Do đó, quyền quản lý đối với quần đảo Trường Sa trực tiếp thuộc về chủ quyền của Việt Nam. 

 

Nếu mà chúng ta phủ nhận thực tiễn này với tư cách là kết quả của việc áp dụng nguyên tắc quốc tế liên quan đến tính tiếp nối của việc quản lý một vùng lãnh thổ, thì các đảo Trường Sa vẫn là của người Pháp. Trên thực tế và theo luật quốc tế, để mất chủ quyền đối với Trường Sa, nước Pháp sẽ phải tuyên bố từ bỏ chủ quyền thông qua một hành động “từ bỏ” [dereclictio] công khai. Điều mà cho đến nay nước Pháp vẫn chưa thực hiện và không thể thực hiện. Làm như thế nghĩa là trái với những gì đã xảy ra vào cuối thời kì thực dân và có thể là một hành động xâm phạm vào công việc nội bộ của Việt Nam. Do đó, khi Thomas Cloma, và sau đó chính phủ Phi-lip-pin chiếm hữu lãnh thổ Kalayaan, sự im lặng từ phía Pháp như đã thấy trong những trường hợp này không thể đuợc coi như một hành vi dereliction trên quan điểm của luật pháp quốc tế.  Do đã chuyển giao quyền lực cho phía Việt Nam vào cuối thời kì thực dân, nước Pháp đơn giản không thể thực hiện điều đó. Đây là cột mốc thứ 10.

 

Năm 1974, Trung Quốc lợi dụng hoàn cảnh Việt Nam bị chia cắt và tình thế phụ  thuộc của Miền Bắc đối với viện trợ chiến lược từ Trung Quốc để đấu tranh với chế độ miền Nam. Tình hình đó tạo điều kiện cho Trung Quốc gửi quân đội đến bãi Trăng Khuyết của quần đảo Hoàng Sa. Do người Trung Quốc tấn công quân đội của chính quyền Sài Gòn, Bắc Việt Nam rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: sự đối đầu của họ với Miền Nam, sự giúp đỡ từ phía Trung Quốc, và ý chí của họ về việc khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa. Hà Nội chọn giải pháp thứ ba nhưng do sự trợ giúp quân sự mà họ nhận được từ Bắc Kinh, Hà Nội không có cách nào khác hơn là dịu giọng [mezzo voice].

 

Với việc hoàn tất xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực trong năm 1974, Trung Quốc lần đầu tiên vi phạm một cách trắng trợn nguyên tắc Uti possidetis của luật pháp quốc tế - nghĩa là một quốc gia có chủ quyền mới thành lập phải có đường biên giới giống như trước khi nó giành được độc lập - chống lại Việt Nam. Tôi muốn nhắc lại ở đây rằng nguyên tắc Uti possidetis là một nguyên tắc đã được các quốc gia chấp nhận rộng rãi vào cuối giai đoạn thực dân hóa với mục đích ngăn cản các quốc gia mới giành được độc lập tìm cách sửa đổi các đường biên giới từ thời kì thuộc địa cũ bằng vũ lực. Nếu các quốc gia muốn sửa đổi các đường biên giới đó, họ phải thực hiện điều đó thông qua đàm phán[4]. Năm 2000, Trung Quốc thể hiện sự tôn trọng đối với nguyên tắc uti possidentis khi đàm phán phân định biên giới trên bộ với Việt Nam và phân chia vùng nước ở Vịnh Bắc Bộ. Nhưng nguyên tắc này hoàn toàn không được nhắc đến khi họ xâm chiếm Hoàng Sa. Đây là cột mốc thứ 11. Tình thế bắt nguồn từ hành động đó không dẫn đến hòa bình và ổn định ở khu vực.  

 

Sau thập kỉ 1970, tranh chấp trên Biển Đông trở nên nhạy cảm hơn và trầm trọng hơn bởi dự đoán về trữ lượng hydrocacbon lớn nằm ở dưới đáy biển. Những suy đoán này trở thành hiện thực, ít nhất là một phần nào đó, khi Mibil Oil Co thực hiện những thăm do đầu tiên tháng 2/1975 trên phần thềm lục địa của Việt Nam, và các hoạt động thăm dò và khai thác sau đó khẳng định dự đoán này. Do đó, các tuyên bố gắn với lợi ích kinh tế xuất hiện bên cạnh những tranh chấp đơn thuần về chủ quyền tại các khu vực này. Đây là cột mốc thứ 12.   

 

 Sau năm 1982, khi UNCLOS được thông qua, phần V mở ra khả năng để các quốc gia ven biển có thể mở rộng trách nhiệm của họ vượt qua vùng lãnh hải quốc gia và yêu cầu một khu vực đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý. Ở Biển Đông, một sự áp đặt như vậy tạo điều kiện cho Ma-lai-xia và Bru-nây mở rộng ra vùng biển của một số hòn đảo ở cận nam của quần đảo Trường Sa: Ma-lai-xia tuyên bố chủ quyền đối với 7 đảo, trong đó chiếm đóng quân sự đối với ba đảo; và Bru-nây tuyên bố chủ quyền đối với 1 đảo, bãi Louisa. Nhưng ở đây, theo quan điểm của luật pháp quốc tế, Ma-lai-xia và Bru-nây đã diễn giải sai tình hình bởi vì các cân nhắc chặt chẽ về mặt pháp lý cho thấy khả năng yêu sách một vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý không mang lại bất kì quyền chủ quyền nào đối với các hòn đảo trong phạm vi đó theo cách mở rộng mới mà UNCLOS cho phép. Trên thực tế, trong khi UNCLOS quy định rằng lãnh hải được gắn liền với các vùng lãnh thổ nằm dưới chủ quyền của một Quốc gia, nó không tự động trao bất cứ quyền làm chủ nào cho một quốc gia đối với các vùng lãnh thổ mà việc mở rộng vùng biển mang lại cho quốc gia đó. Không còn tranh cãi gì nữa, quy định này được áp dụng đối với các hòn đảo trong quần đảo Trường Sa mà Ma-lay-xia và Bru-nây yêu sách. Nghịch lý ở đây là UNCLOS đã gián tiếp gieo một hạt giống mới làm nảy sinh bất đồng giữa các Quốc gia liền kề với Biển Đông. Đây là cột mốc thứ 13.

 

Tháng Ba 1999, Trung Quốc lần thứ hai vi phạm nguyên tắc uti possidetis với một cuộc tấn công đẫm máu đối với 11 hòn đảo trong quần đảo Trường Sa, một lần nữa thách thức chủ quyền của Việt Nam bằng vũ lực. Và người Trung Quốc đã đóng quân và đồn trú các phương tiện  quân sự ở các hòn đảo vừa xâm chiếm được. Hệ quả là, ngày nay các lực lượng quân sự của Trung Quốc và Việt Nam đan xen nhau ở Trường Sa, tùy thuộc vào các vị trí của các đảo mà mỗi bên chiếm giữ. Đây là cột mốc thứ 14. 

 

Nhân tiện, chúng ta cũng nên chú ý đến một thực tế. Đối lập với các yêu sách mà Hà Nội tuyên bố một cách thống nhất và rõ rang đối với Trường Sa [tên tiếng Anh là Spartly] và Hoàng Sa [tên tiếng Anh là Paracels], bãi Trung Sa chưa bao giờ nằm trong phạm vi mà Việt Nam tuyên bố chính thức về chủ quyền của họ ở Biển Đông. Do đó, nếu các bản vẽ hoặc bản đồ trình bày các yêu sách của Việt Nam ở vùng này có bao gồm cả bãi Trung Sa, đó là các bản vẽ hoặc bản đồ không chính xác. Tuy nhiên, tuyên bố tự nguyện này của Việt nam về bãi Trung Sa được trình bày và nhắc đi nhắc lại một cách mập mờ trong một các văn bản không chính xác mà không có sự tham khảo các nguồn thông tin tin cậy và đúng đắn, đã làm tăng thêm sự nhầm lẫn.

 

Ngày 25 tháng Hai 2005, Trung Quốc công bố “Luật về Lãnh hải và vùng Tiếp giáp của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Luật này đưa ra nguyên tắc các đường cơ sở thẳng để làm biên giới cho các vùng lãnh thổ biển của Trung Quốc. Bên cạnh đại lục và các hòn đảo ven biển, văn bản này cũng xác định lãnh thổ quốc gia Trung Quốc trong Điều 2: “Đài Loan và một loạt các đảo liên quan bao gồm Diaoyu (hay đảo Senkaku), Penghu (hay đảo Bành Hổ), Dongsha (Pratas hay Đông Sa), Xisha (hay Hoàng Sa), Nansha (Trường Sa) và các đảo khác thuộc về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Điểm cuối này thiếu tính chính xác và mở đường cho nhiều cách diễn giải khác nhau. Nếu chúng ta dựa vào những gì được viết ở đâu đó về các điểm mà Trung Quốc yêu sách, chúng ta có thể xác định thêm trong số các “đảo khác” tiếp tục được liệt kê, gồm có: 1- Bãi cát ngầm James Shoal và bãi cạn nửa nổi nửa chìm Luconia, cả hai đều nằm ngoài khơi của Bang Sarawak của Ma-lai-xia và trở thành nguốn gốc xung đột với Ma-lai-xia; 2 – Bãi cạn nửa nổi nửa chìm Hoàng Nham [Scarborough], nằm ngoài khơi của đảo Luzon của Phi-lip-pin, đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc và Phi-lip-pin; 3 – Bãi cát ngầm Truro, ở vị trí trung điểm của Trung Sa và Hoàng Nham.

 

Chúng ta phải luôn để ý rằng Trung Quốc coi Hoàng Nham và bãi Truro là phần không thể tách rời của bãi Trung Sa mặc dù hai bãi / đảo san hô vòng này tương đối cách xa bãi Trung Sa. Người Trung Quốc gộp tất cả các địa điểm nằm rải rác trong một khái niệm toàn cầu là Trung Sa quần đảo [Zhongsha Qundao][5]. Khái niệm này bao phủ một vùng địa lý rộng lớn. Khái niệm này rõ ràng xung đột với cách xác định khu vực địa lý của Trung Sa được chấp nhận. Nếu như một ngày nào đó Trung Quốc thành công trong việc giành được sự thừa nhận của quốc tế, hoặc đơn thuần chỉ là đưa một yêu sách như vậy trong thảo luận tại một diễn đàn phù hợp, thì việc chấp nhận khái niệm Trung Sa quần đảo có thể có các hệ lụy quan trọng đối với các bên sử dụng Biển Đông.

 

Chắc chắn rằng khả năng Trung Quốc có thể thuyết phục phần đông cộng đồng quốc tế để nước này có thể đạt được các mục tiêu của nó tại Biển Đông, như là giữ các đường cơ sở như đã xác định xung quanh Hoàng Sa; có quyền chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và bãi Trung Sa theo khái niệm địa danh học bao trùm Trung Sa Quần đảo; thiết lập đường cơ sở xung quanh các cụm đảo này, là không thể xảy ra. Nguy cơ nằm ở chỗ Trung Quốc có thể có được các khả năng kiểm soát tất cả các luồng giao thông trên biển giữa miền Bắc và miền Nam của Biên Đông, hạn chế sự đi lại trên cơ sở ý chí của họ, và thậm chí từ chối quyền đi qua không gây hại đối với các lực lượng quân sự nước ngoài trái với các quy định của UNCLOS. Ngay cả hiện nay, Trung Quốc vẫn chưa chấp nhận quyền đi qua không gây hại. Trung Quốc đòi hỏi rằng, trước khi đi qua các vùng lãnh hải của Trung Quốc, các tàu chiến nước ngoài cần phải xin phép nhà cầm quyền Trung Quốc. Sự mở rộng quyền lực cho Trung Quốc ở Biển Đông sẽ dẫn đến việc các lực lượng hải quân đi qua Biển Đông từ phía Nam lên phía Bắc chỉ có thể đi qua vùng hàng lang hẹp giữa Hoàng Sa và bãi Trung Sa và bị từ chối đi qua khu vực Trung Sa quần đảo. Mặc dù một giả thuyết như vậy tỏ ra quá cực đoan, nhưng nó cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi cộng đồng quốc tế chấp nhận nguy cơ phải đối mặt với một thực tế đã rồi [fait accompli] đang xảy ra.

 

 Nhân tiện, điều thú vị không kém là việc nghiên cứu cách thức tiến hành các nghiên cứu khoa học và thủy văn học ở lưu vực này trong tương lai, bắt đầu với giả thuyết cực đoan tương tự và thừa nhận thực tế rằng các Quốc gia có xu hướng diễn giải các quy định của UNCLOS về lĩnh vực hoạt động này rất khác nhau.

 

Kết luận của phần này là: cách thức mà Trung Quốc xác định vùng lãnh thổ của họ bên ngoài lục địa, ở đại dương, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực. Đây là cột mốc thứ 15,

 

Tiếp tục với tiến trình sự kiện này, chúng tôi xin nhắc lại rằng, tháng Năm 1992, Trung Quốc trao cho công ty Crestone của Mỹ quyền được thăm dò và khai thác một khu vực hình đa giác bắt đầu từ phía Tây nam của quần đảo Trường Sa, trên bãi Tư Chính (tên tiếng Trung là Wan An Bei và tên tiếng Anh là Vanguard). Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là Việt Nam không phản đối thực tế rằng Trung Quốc đang hoạt động ở Trường Sa mà là việc Trung Quốc vi phạm thềm lục địa của Việt Nam. Để làm sáng tỏ lập luận này, họ chứng minh rằng bãi Tư Chính tách biệt với các bộ phận chính của quần đảo Trường Sa bởi một vùng lõm với tư cách như là mép lục địa tại địa điểm này. Tại thời điểm tranh đó, chấp có nguy cơ leo thang do phía Trung Quốc thị uy bằng một cuộc diễn tập có quy mô của lực lượng hải quân. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng sau đó Trung Quốc đã kiềm chế để không làm tình hình thềm trầm trọng do đó hợp đồng với Crestone không có thêm các bước triển khai cụ thể cho đến nay. Hành động này có thể được coi là một dấu hiệu “xoa dịu” [appeasement]. Đây là cột mốc thứ 16.   

 

Sau đó, trong tháng Ba 1994, người Trung Quốc thêm một lần nữa làm xấu đi tình hình ở Trường Sa, ở phía Bắc của quần đảo này. Lần này, họ đến đó để đánh dấu ở nơi mà họ cho rằng thuộc chủ quyền của họ với việc thiết lập quân đội đồn trú trên một trong số các đảo nhỏ. Đó là đảo Vành Khăn, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế mà Phi-lip-pin tuyên bố, và một số đảo khác ngay ở khu vực trung tâm của vùng lãnh thổ mà cả người Phi-lip-pin và người Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Đây là cột mốc thứ 17, và hành động đó khó có thể được coi là dấu hiệu của hòa bình và ổn định ở khu vực.

 

Từ giữa những năm 1990s, một số tia sáng đã lóe lên và có thể đuợc coi như là sứ giả cho hi vọng, cho mong muốn tình hình xung đột ở Biển Đông được cải thiện, ngay cả khi căn nguyên của tranh chấp bắt nguồn sâu xa từ cách thức tư duy. Đó là do trong khi Trung Quốc vẫn bám chặt lấy lập trường nhưng lại không có các bước tiến tích cực theo hướng hòa dịu. Về phía các nước tuyên bố chủ quyền khác, ngay cả khi họ thực sự mong muốn tình hình cải thiện, nhưng vẫn tiếp tục bám lấy lập trường để bảo vệ cái mà họ cho là các quyền chủ quyền của họ. Những nguyên nhân đó giải thích tại sao những tiển triển gần đây ở Biển Đông vừa có các sự vụ gây phản tác dụng đan xen với các cơ hội để thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác. Một số sự kiện rõ ràng là phản tác dụng, trong khi nhiều sự kiện khác thực sự chứng tỏ mong muốn đạt được sự hòa hợp nào đó ở khu vực.

 

II. Những tiến triển gần đây ở Biển Đông – Hệ lụy đối với Hòa bình, Ổn định và Hợp tác ở khu vực

 

1. Những tiến triển gầy đây bao gồm các sự vụ tiêu cực cũng như cơ hội tốt để thúc đẩy hoàn bình, ổn định và hợp tác

 

Khi Trung Quốc chính thức đưa ra tuyên bố về “các đường cơ sở cho các vùng lãnh hải kề cận với lục địa và vùng lãnh hải kề cận quần đảo Hoàng Sa [Xisha]” vào ngày 15 tháng Năm 1996, đăng kí đúng theo mẫu tại Liên Hợp quốc, Trung Quốc tỏ ra sẵn sang tuân thủ với các quy tắc quốc tế của UNCLOS. Nhưng bằng cách xác định đường cơ sở xung quanh quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã tạo ra một nhân tố tranh chấp mới với Việt Nam về quần đảo này. Đây là biểu hiện rõ ràng cho ý chí của người Trung Quốc sử dụng mọi hành động có thể để yêu sách mạnh mẽ các quyền của họ cho một quyền độc lập tối cao mà họ thực sự không có trên lãnh thổ Hoàng Sa.

 

Hơn nữa, chúng ta có thể nói rằng bằng cách xác định đường cơ sở xung quanh quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã diễn giải phần IV của UNCLOS về các ‘Quốc gia Quần đảo’ theo hướng có lợi cho họ một cách hoàn toàn không chính đáng. Trên thực tế, bằng cách dựng lên đường cơ sở xung quanh quần đảo Trường Sa, Trung Quốc dã áp dụng quy chế Quốc gia Quần đảo, đối với vùng quần đảo này. Giả định này là hoàn toàn sai lầm bởi vì Hoàng Sa không thể trở thành một quốc gia quần đảo. Do đó, các xác định của Trung Quốc rõ ràng là một sự diễn giải sai Điều 46 của UNCLOS. Hệ quả là, cách xác định này mang lại cho Trung Quốc khả năng mở rộng các vùng mặt biển thuộc quyền tài phán của họ một cách tùy tiện. Đây là hạt giống mới làm nảy sinh tranh chấp, từ đó làm xấu đi tình hình ở khu vực. Trên hết, dù bất kì ai là chủ sở hữu thực sự của Hoàng Sa, các quy chế được áp dụng cho quần đảo này là quy chế của các lãnh thổ lục địa, nghĩa là quy chế dành cho các đảo, như được quy định ở trong Phần VIII, Điều 121 của UNCLOS, không phải quy chế dành cho Quốc gia Quần đảo. Do đó, ngay cả khi tuyên bố 15 tháng Năm 1996 về các đường cơ sở của Trung Quốc giả bộ như tuân thủ với các quy tắc quốc tế, nó cũng gieo những mầm mống tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam. Đây là một hành vi phản tác dụng, tiêu cực hơn là tích cực đối với hòa bình và ổn định ở khu vực. Đây là cột mốc thứ 18.

 

Trước khi đi xa hơn, chúng ta cần phải nhấn mạnh rằng Trung Quốc công bố tuyên bố của họ về đường cơ sở trước khi thông qua việc tham gia của họ vào UNCLOS vào 7 tháng Sáu 1996. Đây là cột mốc thứ 19.

 

Cột mốc thứ 20 được lập vào ngày 26 tháng Sáu 1998 khi Bắc Kinh công bố “Đạo luật về Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm lục địa của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc”. Các quy định này nhằm yên lòng các bên tranh chấp khác nằm ở Điều 2, trong đó ghi rõ: “Các yêu sách xung đột lẫn nhau liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa bởi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và các quốc gia có bờ biển đối diện hoặc liền kề sẽ được giải quyết trên cơ sở của luật quốc tế và theo nguyên tắc bình đẳng, bởi một hiệp định phân định cho các khu vực tranh chấp”. Nếu như tất cả các điều khoản khác của văn bản này đều có vẻ rõ ràng, thì mập mờ lại xuất hiện một cách bất thường ở mục 14, trong đó quy định: “Các điều khoản của Đạo luật này không có tác dụng đối với các quyền lịch sử của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Điều này nghĩa là gì?

 

Kết luận được rút ra sau 30 cuộc phỏng vấn ở cả Việt Nam và Trung Quốc vào mùa Xuân năm ngoái là các quyền lịch sử của Trung Quốc được diễn giải ở Trung Quốc theo các đường lối tư duy như sau[6]:

 

Trường phái đầu tiên khẳng định rằng Biển Đông là một vùng lãnh hải. Nhận định này dựa trên thực tế rằng đường đứt đoạn 9 điểm được vẽ ngay cả trước khi ý tưởng về UNCLOS ra đời. Đó là một vật gia truyền lịch sử. Lý lẽ này được nối với cách lập luận thứ hai của những người cho rằng Biển Đông là biển lịch sử của người Trung Quốc. Ở cả hai trường hợp này, lập luận đều không thể chấp nhận được bởi lẽ, từ quan điểm của luật biển, không có cái gọi là “biển lịch sử”. Có ‘vịnh lịch sử’ [historical bays], nhưng không có ‘biển lịch sử’. Coi Biển Đông là lãnh hải thì thực sự vô lý bởi khoảng cách được tuyên bố trong trường hợp này lớn hơn vài lần so với khoảng cách mà UNCLOS quy định đối với lãnh hải, vùng tiếp giáp, thêm lục địa và ngay cả thềm lục địa. Hơn nữa, quan điểm này phần nào trái với thực tế rằng một mặt chính quyền Trung Quốc cho rằng tất cả các quần đảo này là lãnh thổ của Trung Quốc. Mặt khác, họ xác định và tưởng tượng các đường cơ sở chạy xung quanh các quần đảo kể trên giống như đường cơ sở của một quốc gia quần đảo. Điều này là không thể chấp nhận được như tôi đã chứng minh khi tôi giới thiệu cột mốc thứ 18.

 

Cách lập luận thứ ba có vẻ như giữ các yêu sách của Trung Quốc với các quần đảo nhưng cho rằng đường đứng đoạn 9 điểm không phù hợp với bất cứ điều khoản nào của UNCLOS và do đó không thể được coi như trái với luật biển. Đây là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai là, với yêu sách chủ quyền đối với hầu như toàn bộ vùng Biển Đông, Trung Quốc không tỏ ra nghiêm túc đối với phần còn lại của thế giới. Đây có thể được ví giống việc người Hi Lạp lạm dụng cho rằng Biển Địa Trung Hải là của riêng họ bởi vì họ là những người đầu tiên tới vùng biển đó. Do đó, nếu người Trung Quốc muốn giữ lại chút ít tín nhiệm và muốn được cộng đồng thế giới lắng nghe, tốt hơn hết họ nên từ bỏ đường đứt khúc 9 đoạn. Quan điểm này đã được giáo sư Zhao Lai tuyên bố[7]. Sau khi đứng vào hàng ngũ những người bảo vệ kiên định cho đường đứt đoạn 9 điểm, ông nhận thấy rằng việc dựa vào một lập luận như vậy để bảo vệ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông có thể có những tác dụng tiêu cực đối với mục tiêu mà Trung Quốc kiếm tìm: được lắng nghe một cách nghiêm chỉnh.

 

Sau một loạt các sự vụ nghiêm trọng làm tổn hại tình hình ở Biển Đông, Trung Quốc đã đề xuất với các nước ASEAN duy trì nguyên trạng thông qua việc xây dựng một “bộ quy tắc ứng xử để có tính ràng buộc”. Lập luận mà Trung Quốc sử dụng để đẩy mạnh ý kiến này là các nước xung quanh Biển Đông sẽ tạm gác lại những yêu sách về chủ quyền khác nhau và kiềm chế những hành động có thể dẫn đến mất cân bằng và làm tình hình xấu đi. Lo ngại về sự trỗi dậy của một cường quốc quân sự Trung Quốc, các nước ASEAN hoan nghênh đề xuất của Trung Quốc và đồng ý đàm phán. Kết quả của tiến trình này là việc kí kết “Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông”, vào ngày 4 tháng Mười Một, 2002 tại Phnom Penh.

 

Bởi tầm quan trọng đặc biệt của văn kiện này, chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là văn kiện này được gọi là “tuyên bố” chứ không phải là một “bộ quy tắc ứng xử”, ý nghĩa còn kém hơn cả “một bộ quy tắc về các hành vi tốt” như đôi khi đã được lạm dụng trích dẫn. Hơn nữa, mong muốn của các bên khác nhau trong việc đạt được một thỏa thuận về một bộ quy tắc ứng xử thực sự được thể hiện một cách rõ ràng ở phần cuối của Tuyên bố về Ứng xử, khổ thứ 10 của văn kiện này.

 

Tuyên bố này lập danh sách một loạt các mục đích mà các tất cả các bên phải tôn trọng. Nói chung, tuyên bố này đơn thuần chỉ là một tuyên bố đơn giản về mục tiêu và chỉ đặt ra một số nguyên tắc đạo đức mà trên thực tế mỗi bên có thể diễn giải theo ý chí và tình cảm của riêng họ. Do một văn bản như vậy không đề cập đến bất kì tòa án trọng tài nào cho trường hợp một hành vi vi phạm được một bên nào đó phát hiện, tuyên bố như vậy thực sự chỉ là một văn bản không có quyền lực thực thi pháp luật. Do đó, hệ quả là ngày 10 tháng Tư 2007, chính phủ Trung Quốc dường như lấy đó làm cơ sở để phản đối mạnh mẽ chính quyền Việt Nam đã cấp giấy phép cho liên doanh BP – Conoco Phillips – Petro Việt Nam khai thác hai mỏ khí Mộc Tinh và Hải Thạch, hai mỏ khí này nằm ở vùng Viễn Tây của quần đảo Trường Sa, trên thềm lục địa của Việt Nam. Và, có thể cũng trên cơ sở đó, mùa xuân 2008, Bắc Kinh phản đối dự án hợp tác giữa Petro Vietnam và Exxon Mobil Oil về thăm dò và khai thác một lô ở xa bờ biển Việt Nam.

 

Đây là hai minh chứng cho sự mập mờ trong “Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông”. Hai trường hợp này cũng cho thấy mức độ mà các Bên có khả năng diễn giải tuyên bố theo tiêu chuẩn và lợi ích của riêng họ. Nhưng, dù tuyên bố đó có yếu kém thế nào, nó có vẻ vẫn là một tiến bộ rõ rệt đáng khích lệ hướng tới hòa bình và ổn định. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí và cách diễn giải của các bên khác nhau.

 

Tuy nhiên, khi “Tuyên bố về Ứng xử của các Bên tại Biển Đông” được thông qua, sự kiện này nhen nhóm nhiều hi vọng rằng tình hình ở khu vực Biển Đông sẽ được cải thiện và mở ra triển vọng sáng sủa về việc giải quyết các vấn đề khu vực. Hơn nữa, hi vọng này đã được củng cố ba năm sau đó, chính xác là ngày 22 tháng Mười Hai, 2005, Trung Quốc công bố sách trắng với tiêu đề “Con đường Phát triển Hòa bình của Trung Quốc”. Đó có phải là một sự bảo đảm? Các sự kiện tiếp theo ở khu vực khẳng định rằng, trên thực tế, Trung Quốc đang theo đuổi một chính sách “hai mũi nhọn” ở đây: một quốc gia hòa bình, làm cho các nước khác tin rằng từ nay mọi việc sẽ êm đẹp; một quốc gia áp bức, thông qua các phương tiện khác nhau để gây sức ép, buộc các bên khác trong tranh chấp phải chấp nhận quan điểm của Trung Quốc.

 

Phát hiện này khiến chúng ta phải nghiên cứu về những diễn biến không có lợi cho Hòa bình, Ổn định, và Hợp tác ở Khu vực.   

 

2. Những diễn biến phản tác dụng đối với Hòa bình, Ổn định, và Hợp tác ở Khu vực

 

Trước khi quay trở lại với Trung Quốc, quốc gia thực sự là cường quốc nổi trội ở khu vực, chúng ta sẽ xem xét qua về tình hình mối quan hệ giữa các nước ASEAN. Điều đầu tiên chúng ta cần phải nói rằng một số nước trong nhóm này đang đối đầu lẫn nhau bởi vì các yêu sách của họ ở quần đảo Trường Sa mâu thuẫn với nhau, trong đó có nước yêu sách toàn bộ như Việt Nam, có nước đòi hỏi một phần tương đối lớn như Phi-lip-pin, hay có nước yêu sách phần bé hơn như Ma-lay-sia và Bru-nây. Sự chia rẽ này giữa các nước ASEAN là nguyên nhân cho yếu kém tập thể của ASEAN khi phải đối mặt với sự tham lam của Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, những quố gia này đã bắt đầu nhận thấy rằng việc tránh làm tổn thương lẫn nhau, tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề còn tồn tại mang lại lợi ích lớn hơn. Nhận thức này bắt đầu từ đầu thập kỉ 1990s, ví dụ điển hình nhất là “Thỏa thuận giữa Chính phủ Thái Lan và CHXHCN Việt Nam về Phân định Biên giới trên Biển giữa hai nước”. Thỏa thuận này được kí ngày 9 tháng Tám 1997. Gần đây hơn, Việt Nam và Ma-lay-xia dạt được “hiểu biết chung” về cách thức xác định ranh giới các vùng thềm lục địa của mỗi bên. Sau đó, hai nước tiến hành nộp hồ sơ chung về ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý tính từ các đường cơ sở ở Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa LHQ. Việt nam cũng gửi hồ sơ đăng kí riêng. Sau đó, trong ngày 27 và 28 tháng Tám 2009, Việt Nam trình bày tại phiên họp toàn thể thứ 24 của Ủy ban LHQ tại New York. Tuy nhiên, một thỏa thuận như vậy có thể đạt được khi không có sự phá rối của Trung Quốc trong quá trình đàm phán chắc chắn không làm hài lòng Bắc Kinh. Bắc Kinh lớn tiếng coi thỏa thuận đó là “không hợp pháp”. 

 

Phản ứng của Trung Quốc buộc chúng ta phải đề cập đến cách thức và các phương tiện, cả mềm mỏng và cứng rắn cưỡng ép, mà Trung Quốc sử dụng để thiết lập cái gọi là quyền của nước này tại Biển Đông.

 

Một loạt các hành động đầu tiên được triển khai để quấy rối với việc đe dọa sử dụng các biện pháp quân sự và bán quân sự. Đó là trường hợp tháng Tư 2007 khi Trung Quốc thành công trong việc ép buộc liên doanh BP – Conoco – Petro Việt Nam phải ngừng các hoạt động khai thác ở mỏ khí đốt Mộc Tinh và Hải Thạch, lập luận rằng những hành động đó vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Còn có nhiều sự vụ khác tương tự như vậy. Đó là trường hợp, chỉ được nhắc đến duy nhất có một lần, vào tháng Bảy 2007, Hải quân Trung Quốc đã phái một tàu chiến đến phía Nam của Biển Đông để ép buộc Việt Nam ngừng hoạt động nghiên cứu thủy văn học nhằm thu thập dữ liệu để xác định phạm vi của Thềm lục địa của họ theo quy định của UNCLOS.

 

Tuy nhiêu, điều đáng chú ý ở đây là, kể từ khi Tuyên bố về ứng xử được kí kết, trong khi Trung Quốc sử dụng biện pháp đe dọa sử dụng vũ lực bằng cách thỉnh thoảng phái các tàu chiến tới khắp nơi để buộc các nước khác ngừng hoạt động của họ, Trung Quốc không sử dụng vũ lực để tấn công thêm một lần nào như họ đã từng làm với Việt Nam tháng Ba 1988 tại Trường Sa.

 

Về các sức ép bán quân sự hoặc các biện pháp tương tự, chúng ta cần xem xét một số sự vụ liên quan đến các hoạt động đánh bắt hải sản mà phía Trung Quốc ngụy tạo. Có tương đối nhiều các sự vụ như vậy ở Vịnh Bắc Bộ. Vấn đề là phải phân biệt được những vụ việc bị ngụy tạo từ các cuộc tranh cãi diễn ra hàng ngày giữa những người ngư dân, đặc biệt ở Vịnh Bắc Bộ. Có thể đưa ra một danh sách đầy đủ của những vụ việc trên, nhưng chúng tôi phải thừa nhận rằng Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất can thiệp vào hoạt động của ngư dân của các các quốc gia khác ở Biển Đông. Đến lượt họ, các quốc gia này sử dụng các biện pháp mạnh đối với ngư dân Trung Quốc khi họ thâm nhập vào lãnh hải của họ, hoặc trong nhiều trường hợp họ bị coi như vậy. Điều này xảy với Phi-lip-pin, hoặc In-đô-nê-xia, hai nước này đã nhiều lần bắt giữ ngư dân Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, đối lại với các sự vụ làm cho bầu không khí giữa các quốc gia xung quanh Biển Đông trở nên tồi tệ, chúng ta cũng nên ghi nhận một cách khác mà những ngư phủ hay các cơ quan tìm kiếm và cứu nạn của Trung Quốc không ngần ngại đến cứu giúp những ngư phủ của các quốc gia láng giềng đang gặp nguy hiểm trong mùa bão tố. Những hành vi như vậy cần được tính vào cách ứng xử có lợi cho hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Tuy nhiên, bằng cách đảm nhận một cách tự nguyện trách nhiệm giải cứu ở Biển Đông có thể là cách thức để Trung Quốc khẳng định một dạng thức thống trị ở khu vực này.

 

Về các sức ép khác dễ chịu hơn, chúng ta cần phải kể để tất cả các chiến lược vận động hàng lang, trực tiếp và gián tiếp, của người Trung Quốc đối với các chính quyền địa phương, và đôi khi có cả sự hỗ trợ của những nhóm thân Trung Quốc ở các địa phương đó.  

 

Một ví dụ của phương pháp mềm mỏng mà Trung Quốc sử dụng để thuyết phục các nước khác nhau hành động theo điều nước này mong muốn là đề xuất các giải pháp hòa giải như được đề cập trong tuyên bố về ứng xử.

 

Trong lĩnh vực chính sách mềm mỏng, tôi có thể nói rằng, chúng ta  có thể tìm thấy một số thỏa thuận giữa Trung Quốc và các chính quyền địa phương. Chúng ta có thể kể đến dự án phát triển mà phe đối lập ở Phi-lip-pin đã tố cáo với Tổng thống Macapagal Arroyo, rồi thỏa thuận Khảo sát Địa chấn Biển chung (Joint Marine Seismic Undertaking - JMSU) được kí kết giữa Công ty Dầu khí quốc gia Phi-lip-pin (PNOC) và Công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) ngày 1 tháng Chín, 2004, và Việt Nam gia nhập năm sau đó. Mục đích của thỏa thuận này là tiến hành một chiến dịch thăm dò địa chấn 2D để phát hiện dầu mỏ nằm ở khu vực vùng đặc quyền kinh tế của Phi-lip-pin, phía Bắc của quần đảo Trường Sa, đi qua một phần vùng lãnh thổ Kalayaan mà người Phi-lip-pin tuyên bố chủ quyền, và cách đảo Palawan 88 dặm. Thỏa thuận JMSU đáng ra kéo dài 3 năm và cuối cùng sẽ được gia hạn, tùy thuộc vào một quyết định được đưa ra trước ngày 30 tháng Sáu, 2008. Hai chiến dịch đã được triển khai nhưng chiến dịch lần thứ ba không thể diễn ra bởi phe đối lập tố cáo Tổng thống Arroyo bán lãnh thổ cho người Trung Quốc. Để hỗ trợ cho lập luận của họ, phe đối lập của Phi-lip-pin đã chỉ ra, nếu thỏa thuận JMSU được kí kết giữa PNOC và CNOOC, đó là kết quả đổi chác về thuế quan ưu đãi mà ZTE, một trong hai công ty viễn thông hàng đầu của Trung Quốc, trao cho Phi-lip-pin quyền thiết lập một mạng lưới viễn thông ở đất nước này.

 

Ở cấp chính quyền cao hơn, chúng ta có thể thấy nhiều chiến lược vận động hành lang quyết đoán hơn của người Trung Quốc đối với các chính quyền khu vực. Chúng ta xem xét lại ví dụ của Phi-lip-pin và áp lực từ phía Trung Quốc. Ví dụ này liên quan đến sự bất đồng mà Trung Quốc bày tỏ để phản đối tranh luận chính trị trong nội bộ của Phi-lip-pin về khả năng thay đổi ranh giới lãnh thổ của Phi-lip-pin. Để hiểu được nguồn gốc của cuộc tranh luận này, chúng ta cần phải trở lại lịch sử.

 

Sau cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha năm 1989, khi Phi-lip-pin rơi vào chế độ cai trị của người Mỹ theo tinh thần hiệp ước Paris (ngày 10 tháng Mười Hai 1989), ranh giới lãnh thổ mà Tây Ban Nha nhường lại cho Mỹ được xác định rõ ràng trong Điều III của Hiệp ước. Những ranh giới này, bao gồm một vùng biển rộng bao quanh quần đảo, vẫn còn giá trị cho đến ngày hôm nay. Và nội bộ Phi-lip-pin hiện nay tranh luận xung quanh lựa chọn giữa giữ ranh giới hiện tại hay thay đổi ranh giới theo quy tắc đường cơ sở mà UNCLOS quy định, Phần IV, điều 5, mục 7 và 47, về đường cơ sở xung quanh một quốc gia quần đảo. Nếu lựa chọn thứ hai là cuối cùng thì nó sẽ có tác động quan trọng đến việc xác định các tất cả các vùng biển xung quanh quần đảo Phi-lip-pin, và hệ quả là việc mở rộng thềm lục địa của nước này. Triển vọng như vậy không làm cho người Trung Quốc hài lòng, đặc biệt khi một số chính trị gia Phi-lip-pin dưới sự lãnh đạo của Thượng Nghị sĩ Antonio F Trillanes IV mong muốn các đường cơ sở thẳng sẽ bao trùm vùng biển Kalayaan và bãi Hoàng Nham.

 

Đó là lý do tại sao mà Trung Quốc can thiệp một cách kín đáo vào nội bộ của Phi-lip-pin nhằm làm cho dự án luật này, bao gồm cả hai khu vực đang tranh chấp kể trên, không được đưa ra bỏ phiếu tại quốc hội của nước này. Tuy nhiên, nếu chính phủ Phi-lip-pin cuối cùng quyết định tạm thời rút lại một dự án luật như vậy để xem xét thêm, đó không chỉ do sự phản đối của Trung Quốc, mà do cả những chuyên gia thực thụ về luật biển của Phi-lip-pin đã thành công trong việc chứng minh rằng việc sát nhập hai vùng lãnh thổ đang tranh cãi nói trên vào trong đường cơ sở của Phi-lip-pin đi ngược lại với những quy định của UNCLOS.

 

Cùng với sức ép chính trị mà Trung Quốc tạo ra đối với các nước xung quanh Biển Đông để phục vụ mục tiêu của mình, Trung Quốc cũng sử dụng các sức ép kinh tế và hành chính. Trong lĩnh vực kinh tế, đó là trường hợp xảy ra vào mùa xuân 2008, Bắc Kinh phản đối dự án chung giữa Petro Việt Nam và Exxon Mobil Oil về thăm dò – khai thác các mỏ dầu và khí đốt ở ngoài khơi vùng biển Việt Nam, được đoán chừng nằm trong khu vực tranh chấp. Do thỏa thuận này chưa được kí kết giữa công ty Việt Nam và công ty của Mỹ, chúng ta coi như chiến lược ngăn chặn của Trung Quốc đã thành công, do đó Trung Quốc là người thắng cuộc.

 

Liên quan đến các áp lực hành chính, chúng ta có thể thấy Trung Quốc làm mọi cách để tạo ra tình thế “không thể cưỡng lại”. Đó là trường hợp xảy ra vào ngày 26 tháng Mười 2007 khi Trung Quốc quyết định tái thành lập, mặc dù không chính thức, Huyện Tây Sa [Sansha] như là một khu vực hành chính cấp quận bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa, và quần đảo Trung Sa. Quận hành chính mới này có thể thuộc quyền quản lý của thành phố Wenchang ở đảo Hải Nam. Chúng ta cần phải nhắc lại rằng kế hoạch này không mới. Đó chỉ là sự tiếp diễn của những gì lịch sử đã để lại kể từ thời điểm ngày 5/5/1949, những người quốc dân đảng đã tìm cách thiết lập một tổ chức tương tự và sau đó Bắc Kinh sử dụng lại “bài cũ” một cách thường xuyên, dưới những cái tên khác nhau. Cơ quan hành chính trước đó là Chính quyền Đảo Trung Sa, Trường Sa, và Hoàng Sa thuộc Tỉnh Hải Nam, được thiết lập vào ngày 19 tháng Mười Hai, 1988.

 

Hơn nữa, chúng ta nhận thấy rằng Trung Quốc khuyến khích người dân đến định cư trên các hòn đảo không người sinh sống của Hoàng Sa và Trường Sa, như chủ trương đã được tuyên bố tại cuộc họp báo ngày 10 tháng Mười Hai, 2008. Mục đích của kế hoạch trên là giúp Trung Quốc xây dựng các bằng chứng rằng họ đã liên tục cai trị các khu vực này bởi vì đây là một trong những nhân tố pháp lý bắt buộc để một quốc gia có thể được công nhận là người chủ hợp pháp của vùng lãnh thổ đó. Nhưng công bằng mà nói, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng tất cả các quốc gia xung quanh Biển Đông, trừ Bru-nây, đã làm mọi khả năng để đưa dân cư của họ lên định cư trên một số đảo thuộc quần đào Trường Sa, với mục đích thiết lập sự hiện diện hành chính thực tế ở trên các vùng lãnh thổ này.

 

Tuy nhiên, khi bạn nhìn vào tình hình bất ổn ở Biển Đông, bạn sẽ không chỉ nhìn thấy toàn màu tối. Cũng có nhiều khía cạnh tích cực là cơ sở cho Hòa bình, Ổn định, và Hợp tác. 

 

3.   Diễn biến có lợi cho việc thúc đẩy Hòa bình, Ổn định và Hợp tác ở khu vực

 

Thông qua những minh họa trong phần đầu tiên của bài trình bày, mặc dù xung đột lợi ích là gam màu tối giữ vai trò chủ đạo, chúng ta có thể nhận thức được một số điểm sáng, một số tiến triển có lợi cho hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Những chồi non hi vọng có thể được phân chia thành các loại sau: (i) duy trì tự do hàng hải ở trên biển và không trung bên trên mặt biển, (ii) những nỗ lực đầu tiên nhằm phát triển các dự án hợp tác khoa học và kinh tế; (iii) phát triển bền vững; (iv) những bước tiến chính trị đầu tiên, đầy thận trọng hướng tới đàm phán về các vùng biển liên quan; (v) các khả năng viện đến các cơ quan siêu quốc gia để tìm kiếm các giải pháp hạn chế cho các vấn đề đang tồn tại; (vi) khả năng tìm kiếm sự trợ giúp từ các cơ quan tư vấn [think-tank] đủ độc lập để cung cấp các khuyến nghị mà không bị ảnh hưởng bởi áp lực từ các quốc gia tham gia vào cuộc tranh luận ở khu vực.   

 

An toàn hàng hải và hàng không chắc chắn là một động cơ khiến các quốc gia, ít nhất là trong đường lối chính thống, tạm quên đi tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông vì an toàn là điều kiện hàng đầu.

 

Liên quan đến vấn đề an toàn hàng hải, tất cả các quốc gia đều tham gia vào các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn trong khả năng có thể họ. Trong số đó Trung Quốc là nước có khả năng để triển khai các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn ở quy mô lớn nhất và hiệu quả nhất. Với quan tâm đặc biệt đến an toàn tính mạng con người trên biển, các bên trong tranh chấp ở Biển Đông đều ứng xử thực sự phù hợp với đường lối của UNCLOS như đã được đề cập tại điều 98, Trách nhiệm Cung cấp Hỗ trợ [Duty to render assistance] và đối với Công ước về An toàn Tính mạng trên Biển [SOLAS].

 

Liên quan đến vấn đề an toàn hàng không, do yêu cầu tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc của luật quốc tế về an toàn hàng không, tất cả các quốc gia đều quyết định rằng tranh chấp lãnh thổ trên biển cần phải được đặt sang một bên để không ảnh hưởng đến các kế hoạch đảm bảo an toàn hàng không. Từ nguyên tắc đơn giản như vậy, họ quyết định chia sẻ không gian trên mặt biển một cách thành thực và xác định các Vùng Kiểm soát bay (FIR) được Cơ quan Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) công nhận.  

 

Gắn liền với vấn đề an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực là vấn đề dự báo khí tượng thủy văn. Trong lĩnh vực này, một loạt các thỏa thuận khác nhau đã được thông qua để thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, qua đó thiết lập một mạng lưới thông tin để trao đổi thông tin khí tượng thủy văn và tình hình thời tiết xấu.

 

Các dự án khoa học và kinh tế là minh họa điển hình cho các khía cạnh tích cực có lợi cho hòa bình, ổn định và hợp tác

 

Thỏa thuận Thăm dò Địa chấn (JMSU) mà tôi đã trình bày ở phần trước là một ví dụ điển hình cho các dự án nêu trên. Mặc dù thỏa thuận này đã kết thúc, nó có thể được coi là một trong những nỗ lực hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế và thăm dò nguồn hydrocarbon giữa các công ty cạnh tranh với nhau và trên hết là giữa các nước đang cạnh tranh với nhau.

 

Một ví dụ khác cho sự hợp tác trong lĩnh vực khoa học là Chương trình Nghiên cứu Hải dương học chung (JOMSRE). Chương trình này được hình thành thông qua một thỏa thuận hợp tác được Việt Nam và Phi-lip-pin kí kết năm 1994 với mục đích nghiên cứu trữ lượng sinh vật sống và tình hình môi trường ở Biển Đông. Kể từ đó, đã có bốn chiến dịch nghiên cứu hải dương học đã được thực hiện trong những năm 1996, 2000, 2005 và 2007 dọc theo trục Đông – Tây từ đảo Palawan của Phi-líp-pin đến thành phố Nha Trang của Việt Nam. Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn được tham gia vào các cuộc thám hiểm này nếu chúng tiếp tục được triển khai.

 

Dù kết quả ra sao, hai dự án này là ví dụ cho cách ứng xử trên Biển Đông phù hợp với tinh thần của điều 123 của UNCLOS với chủ đề Hợp tác giữa các Quốc gia xunh quanh vùng biển kín hoặc nửa kín. 

 

Trong những thỏa thuận kinh tế được kí kết với mục đích hoạt động một cách công bằng nhất, chúng ta có thể kể đến tất cả các thỏa thuận nghề cá kí kết giữa các quốc gia ven Biển Đông. Hầu hết các thỏa thuận này là thỏa thuận song phương giữa các nước sử dụng Biển Đông. Đã xảy ra trường hợp một số thỏa thuận này bị các bên thứ ba không tham gia vào thỏa thuận lên án trên cơ sở quan điểm về quyền chủ quyền của họ. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là quốc gia phản đối hầu hết mọi lần.

 

Trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thăm dò và khai thác hydrocacbon là lĩnh vực khó đạt được thỏa thuận nhất, không phải bởi vì tranh chấp lãnh thổ, cũng không phải bởi vì Trung Quốc từ chối quyền của các quốc gia khác để xác định một cách công bằng ranh giới cho các vùng biển của họ, mà bởi tất cả  các quốc gia ven Biển Đông đều bị bó buộc bởi nhu cầu đối với dầu mỏ và khí đốt ngày càng tăng để duy trì nền kinh tế quố gia và phản ứng đối với nhu cầu chiến lược của họ.

 

Chúng ta có thể kể ra đây một mô hình đặc biệt, đó là thỏa thuận Trung Quốc – Nhật Bản kí kết tháng 6/2008 để khai thác mỏ khí ga Chunxiao / Shirakaba nằm dọc theo đường trung tuyến của Biển Đông Trung Hoa. Vấn đề đường trung tuyến cũng là chủ đề gây tranh cãi giữa Trung Quốc và Nhật Bản do cách họ diễn giải Luật Biển về thềm lục địa khác nhau. Tuy nhiên, mặt trái của thỏa thuận này là để tiếp cận được mỏ khí đó, người Nhật Bản đã buộc phải đồng ý rằng họ chỉ được hoạt động cùng với người Trung Quốc ở Chunxiao, như được quy định trong văn bản của thỏa thuận.

 

Ở Biển Đông, một số thỏa thuận đối tác đã được kí kết giữa CNOOC với các công ty dầu khí quốc gia như Petronas của Ma-lay-xia và với Petro Việt nam. Thỏa thuận với Petro Việt Nam được kí tại Hà Nội tháng Mười Một 2005.

 

Về phần mình, Việt Nam kiến quyết giữ nguyên yêu sách của Việt Nam về các quân đảo và vùng thềm lục địa tại Biển Đông, đồng thời sẵn sàng mời các công ty nước ngoài, có cả các công ty của Trung Quốc, để tìm kiếm và khai thác hydrocacbon ở trên vùng thềm lục địa của nước này. Với Việt Nam, vấn đề là phải có được vùng thềm lục địa được các nước khác công nhận.

 

Để giảm căng thẳng ở Biển Đông và thúc đẩy hợp tác kinh tế, Trung Quốc đề xuất Chương trình Hợp tác Kinh tế khu vực Vịnh Bắc Bộ [Pan – Tonkin Regional Economic Cooperation Scheme]. Một dự án như ban đầu tỏ ra rất cuốn hút nhưng gây ra nhiều lo ngại giữa các nước khu vực  bởi đằng sau ý định tăng cường hợp tác giữa các đối tác vùng Viễn Đông lồ lộ mưu đồ của Trung Quốc tìm cách trói buộc họ vào Bắc Kinh theo cách thức tương tự như mối quan hệ giữa thiên triều - chư hầu xưa kia. Hơn nữa, kế hoạch rốt cuộc gắn các nước ASEAN không phải với Trung Quốc, mà là với các tỉnh miền Nam của Trung Quốc. Một cục diện như vậy sẽ biến các nước ASEAN trở thành các tỉnh của Trung Quốc, hơn là các quốc gia hoàn chỉnh.

 

Phát triển Bền vững   

 

Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, các quốc gia trong khu vực cũng tham gia vào các chương trình bảo vệ môi trường biển và các vùng bờ biển. Theo nghĩa hẹp, những chương trình này tập trung vào một địa bàn rộng lớn hơn khu vực Biển Đông, nhưng cũng đề cập đến các vấn đề môi trường ở khu vực.

 

Chương trình đầu tiên là “Đối tác về Quản lý Môi trường cho các vùng biển của Đông Á” [Partnership in Environment Management for the Seas of East Asia - PEMSEA] với sự tham gia của tất cả các nước thuộc vvùng Viễn Đông, trong đó có cả Trung Quốc và các nước ASEAN. Chương trình này được khởi xướng từ năm 1994, tuy nhận được nhiều hỗ trợ quốc tế nhưng vấp phải nhiều trở ngại trong giai đoạn triển khai thực hiện. Chương trình này chủ yếu liên quan đến việc bảo vệ môi trưởng ở Biển Đông và thiết lập một cơ chế hợp tác giữa các quốc gia ở khu vực này. Những nỗ lực này sẽ được hướng vào công tác bảo vệ sinh thái, cuộc chiến chống lại ô nhiễm dầu mở và bảo vệ môi trường ven biển.

 

Chương trình thứ hai là Hội đồng Điều phối cho các Vùng biển ở Đông Á [Coordinating Body for Seas of East Asia - COBSEA]. Cơ quan này gồm đại diện từ các nước ASEAN và Ốt-xtrây-lia. Hiện nay, cơ quan này chưa đi vào hoạt động.  nhưng một khi được vận hành, cơ quan này sẽ đảm đương nhiệm vụ giữ gìn môi trường của các vùng bờ biển.

 

Các hoạt động chính trị

 

Trong lĩnh vực chính trị, mặc dù chúng ta vẫn còn rất thận trọng trước khi đưa ra các kết luận lạc quan, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy đã có những chuyển biến đáng khích lệ trong tình hình khu vực.

 

Dấu hiệu đáng chú ý đầu tiên là các cuộc đàm phán, hoặc là đang diễn ra, hoặc là đã kết thúc, giữa Trung Quốc và Việt Nam để giải quyết các vấn đề biên giới. Biên giới trên bộ đã được giải quyết tương đối êm thấm, và vấn đề biên giới trên biển đang từng bước tháo gỡ. Tiến trình này bắt đầu với các cuộc thảo luận phân chia Vình Bắc bộ bằng đường trung tuyến thay vì cách phân định cũ sử dụng đường kinh tuyến Paris 105o43’ Đông hay đường kinh tuyến Greenwich ở vị trí 108o03’13’’. Đây là một tình thế kế thừa từ thời kì thuộc địa và Công ước này được thông qua vào ngày 26 tháng Sáu 1887 giữa chính phủ Pháp và chính phủ Trung Quốc lúc đó. Trên thực tế, do cách phân chia dọc theo kinh tuyến thứ 108, Việt Nam được phân chia hai phần ba vùng biển của Vịnh, trong khi Trung Quốc được chia phần còn lại.

 

Sau các cuộc thảo luận kéo dài, hai bên đã đạt được thỏa thuận. Thỏa thuận này được kí kết vào ngày 25 tháng Mười Hai 2000. Bốn năm sau đó, chính xác là ngày 30 tháng Sáu 2004, hai bên trao đổi các văn bản phê chuẩn thỏa thuận. Cùng với thỏa thuận phân định đường ranh giới mới ở Vịnh Bắc Bộ, hai bên thông qua một số thỏa thuận nghề cá. Mục đích của các thỏa thuận này là giúp cho ngư dân mỗi nước có khả năng tiếp tục hoạt động của họ, ở phía bên kia của đường phân giới mới mà không bị can thiệp bởi lực lượng chức năng của nước kia. Để tránh các hành vi lạm dụng, cả hai nước đã họp bàn về khả năng triển khai các hoạt động tuần tra chung. Tuy nhiêu, hoạt động này làm nảy sinh nhiều vấn đề mới, như cơ chế phối hợp, các phương tiện có thể được sử dụng, tần suất của các cuộc tuần tra, và các vấn đề khác. Thỏa thuận tương tự đề cập đến các điều kiện cho hợp tác khai thác các nguồn hydrocacbon nằm sâu dưới đáy biển trong phạm vi của Vịnh. Việc áp dụng phần này của thỏa thuận đôi khi bị trục trặc.

 

Điều đáng chú ý ở đây là Trung Quốc đồng ý thương lượng với Việt Nam thay vì sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu như nước này đã từng làm khi xâm chiếm Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa. Với cách hành xử như vậy, Trung Quốc đã chứng tỏ họ có đủ khả năng để tôn trọng nguyên tắc uti possenditi. Điều này đáng được chú ý một cách đặc biệt bởi một cách tiếp cận tương tự có thể được áp dụng ở các quần đảo của Biển Đông.

 

Hiện nay, Trung Quốc tiếp tục thể hiện sự tôn trọng với các nguyên tắc uti possenditi  bằng cách duy trì đàm phán với Việt Nam để tìm cách phân định đường ranh giới cho khu vực cửa vịnh từ Quảng Bình, Quảng Trị đến Huế và Đà Nẵng.  

 

Chúng ta cũng ghi nhận Việt Nam đã kí một thỏa thuận về phân định thềm lục địa với In-đô-nê-xia, một thỏa thuận khác về phân định vùng biển với Thái Lan trong năm 1997, một thỏa thuận về vùng nước lịch sử với Cam-pu-chia vào ngày 7 tháng Bảy 1982, và đạt được “sự hiểu biết chung” [broad understanding] với Ma-lay-xia về cách thức để phân định ranh giới vùng thềm lục địa của họ. Thỏa thuận với Ma-lay-xia bị trung Quốc phản đối.

 

Trong không khí lạc quan như vậy, chúng ta vẫn còn tự hỏi liệu Trung Quốc có đồng ý xóa bỏ hoàn toàn đường đứt khúc 9 đoạn trên bản đồ và trong tâm trí của họ. Không ai cấm chúng ta mơ ước.

 

III. KẾT LUẬN[8]

 

Kết luận của tôi hết sức ngắn gọn. Những diễn biến gần đây ở Biển Đông cho thấy nhiều tín hiệu đáng khích lệ có tác dụng thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Những rất nhiều diễn biến khác không thuận lợi cho việc xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn bởi những tàn tích của quá khứ vẫn còn ám ảnh nặng nề tình hình ở khu vực mà khó có thể có một giải pháp hoàn toàn và thỏa đáng. Có thể đạt được các giải pháp nhưng mỗi quốc gia trong khu vực se phải từ bỏ một phần yêu sách của họ, đặc biệt là Trung Quốc. Lòng tham của nước này khó có thể được các nước khác chấp nhận, và đi ngược lại tinh thần của Công ước về Luật Biển./.

Daniel Shaeffer, Tướng về hưu, Chuyên gia Tư vấn Kinh doanh Quốc tế, Cựu Tùy viên Quân sự Pháp ở Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc.

Download bản PDF.



[1] French Ministry of Foreign affairs, “Notices and Communications”, Journal official de la République française, 26 juillet 1933: 7837

[2] Monique Chemillé-Gendreau, Sovereignty over the Paracels and the Spratly islands, http://hoangsa.org/tailieu, p.55

[3] UNCLOS, Part IV, Archipelagic states [Quốc gia Quần đảo]

 

[4] Vienna Convention on the Law of Treaties, adopted on 22 May 1969, entered into force on 27 January 1980, ratified by 110 States of October 2009

[5] Xem thêm:  Zou Keyuan, "Scarborough reef: a new flashpoint in sino- philippine relations", Boundary and Security Bulletin, International Boundaries Research Unit, Department. of Geography, University of Durham, Summer 1999, p.71

[6] Li Jinming and Li Dexia, “the dotted Line on the Chinese Map on the South China Sea: a Note”, Ocean Development and International Law, Taylor and Francis, London, 3rd of January 2003, p. 287-295

[7] Zhao Lihai, Studies on the Law and of the sea issues, Beijing, Peking University Press, 1998

[8] Danh mục tài liệu và trang web tham khảo bổ sung:

http://www.un.org/Depts/los/LEGISLATIONANDTREATIES/STATEFILES/CHN.htm

South China Virtual Library (www.southchinasea.org/index.html)

Eric Dénécé, Géostratégie de la Mer de Chine méridionale, L’Harmattan, Paris, 1999

Frédéric Lasserre, le dragon et la mer, Harmattan Inc., Montréal, Canada, 1996

François Campagnola, « l’epace maritime chinois et le Droit international de la mer », in Annuaire du Droit de la mer 2006 Tome XI, Paris, 2006

Valencia, Mark J. and Jon Van Dick, Sharing the resources of the South China Sea, University of Hawaii Press, 1999

Gerardo Martin C.Valero, Spratly archipelago: is the question of sovereignty still relevant?, Quezon City, Philippines Institute of International Legal Studies, 1993

Ocean Development and International Law, Taylor & Francis, London

Journal of the Southeast Asian Studies Student Association

International, Chinese, South East Asian countries press