3339514203_5212303bc5_z-400x2681.jpg

Với việc nước Anh chính thức khởi động tiến trình rời khỏi EU thì bức tranh toàn cảnh về Brexit đã trở nên rõ ràng. Thủ tướng Anh Theresa May đã thúc đẩy Quốc hội Anh thông qua đạo luật Brexit và chính thức kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon vào ngày 29/3 vừa qua. Bà cũng đã giải quyết câu hỏi được quan tâm về việc liệu nước Anh sẽ theo đuổi Brexit "cứng" hay Brexit "mềm" bằng việc chỉ ra rằng nước này sẽ không mong chờ duy trì trong thị trường chung và kiểm soát sự nhập cư.

Nền kinh tế Anh đã tốt hơn mong đợi kể từ cuộc trưng cầu dân ý về việc rời khỏi EU hồi tháng 6/2016. Kinh tế Anh đã tăng trưởng 1,8% trong năm 2016 nhờ tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng cuối năm. Sự sụt giảm của đồng bảng Anh đã giúp đẩy mạnh xuất khẩu trong khi tăng chi phí cho các sản phẩm nhập khẩu, đẩy nhanh lạm phát. Tuy nhiên, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đang cân nhắc các lựa chọn trước khi có cam kết với nền kinh tế Anh. Các nền kinh tế này hiện đang do dự để đầu tư vào Anh hoặc là chuyển các hoạt động kinh tế ra khỏi nước Anh. Do Anh là một nền kinh tế quan trọng trên thế giới nên mọi sự theo dõi đều hướng vào số phận của nước Anh cũng như phần còn lại của châu Âu trong khi đánh giá về những tác động tiềm tàng của Brexit đối với các khu vực khác trên thế giới.

ASEAN chịu ảnh hưởng nhất định từ Brexit do nền kinh tế của khối này dễ bị ảnh hưởng từ cả nền kinh tế của EU và Anh. Phương pháp thông thường để đánh giá mức độ ảnh hưởng của Brexit chính là đánh giá khối lượng và dòng chảy xuất khẩu từ ASEAN sang EU và dòng vốn Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ EU sang ASEAN. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Việt Nam và Thái Lan là hai nước xuất khẩu lớn nhất sang Anh với giá trị hàng hóa lần lượt là 4,8 tỷ USD và 3,6 tỷ USD trong năm 2014. Tuy nhiên, nhìn chung, theo Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), Anh chỉ chiếm 1,5% xuất khẩu của ASEAN trong năm 2015.

Về tổng thể, ASEAN liên kết với EU nhiều hơn so với Anh, đặc biệt là thông qua các kênh thương mại. EU là bạn hàng thương mại lớn thứ hai của ASEAN, chiếm khoảng 13% giá trị thương mại của ASEAN trong năm 2014. Ủy ban châu Âu (EC) cho biết các nước xuất khẩu lớn nhất trong ASEAN vào EU là Việt Nam với giá trị hàng hóa khoảng hơn 33 tỷ euro và Malaysia khoảng 22,2 tỷ euro. Về nguồn vốn FDI, 16,7% FDI vào ASEAN đến từ EU với khoảng 19 tỷ USD, trong đó 1/3 là đến từ Anh.

Tuy nhiên, những phân tích về xuất khẩu và FDI không phản ánh đầy đủ bức tranh ảnh hưởng của ASEAN từ tác động của Brexit. Trên thực tế, ASEAN là một khu vực mang định hướng xuất khẩu và sẽ tiếp tục trong tương lai gần với sự phụ thuộc ngày càng tăng vào “nhập khẩu để xuất khẩu”, trong đó nhập khẩu là một phần của sản phẩm xuất khẩu cuối cùng. Sản xuất đã trở nên phân mảnh hơn trong thời đại toàn cầu hóa với ít sản phẩm được sản xuất hoàn toàn ở một quốc gia.

Kết quả là thương mại toàn cầu không phải là các sản phẩm hoàn thành mà bao gồm cả các bộ phận và các hàng hóa trung gian. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính trong năm 2015, khoảng 20% thương mại toàn cầu là các loại hàng hóa trung gian. Theo Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), tỷ lệ tham gia của chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) tại Đông Á và Đông Nam Á là 56% trong năm 2010. Điều này cho thấy mức độ phân mảng trong khu vực.

Theo số liệu thu thập của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2011, trong trường hợp của ASEAN, 28,4% tổng giá trị xuất khẩu của khối được sản xuất bên ngoài khu vực, trong đó EU trở thành nhà cung cấp lớn cho "giá trị gia tăng" nội dung của các hàng hóa xuất khẩu. Tỷ trọng “giá trị gia tăng” của EU trong các mặt hàng xuất khẩu đặc biệt cao tại các nước như Singapore, Brunei và Malaysia. Phân tích sâu các dữ liệu thương mại của các thành viên ASEAN cho thấy tầm quan trọng của tỷ trọng “giá trị gia tăng” của EU đối với hàng hóa xuất khẩu của ASEAN trong một số lĩnh vực công nghiệp quan trọng. Ví dụ, lĩnh vực điện tử, ngành công nghiệp quan trọng nhất của Malaysia, chiếm gần 10% tổng giá trị xuất khẩu sang EU. Tại các nước khác, như Thái Lan, nước xuất khẩu ô tô lớn nhất ASEAN, EU đã đóng góp 6,4% cho tổng xuất khẩu của lĩnh vực này trong khi EU cũng đóng góp 4,4% cho xuất khẩu trong lĩnh vực dệt may của Việt Nam.

ASEAN lo ngại nhất là sự suy giảm kinh tế của Anh sẽ gây thiệt hại đáng kể cho các nước còn lại của EU. Sự suy thoái kinh tế của EU có thể ảnh hưởng tiêu cực hơn nữa đến nhu cầu xuất khẩu của ASEAN nếu suy thoái kinh tế chỉ giới hạn trong phạm vi nước Anh. Các dữ liệu trên cũng đưa ra một khía cạnh dễ bị tổn thương của ASEAN mà chưa được xem xét nghiêm túc, đó là sự gián đoạn tiềm năng của các mạng lưới sản xuất mà các ngành xuất khẩu của ASEAN dựa vào. Tính phức tạp của thương mại toàn cầu và phong trào chuỗi giá trị tại các nước ASEAN có nghĩa là mức độ ảnh hưởng của khu vực đối với cú sốc từ bên ngoài đang ngày càng trở nên liên kết và toàn diện hơn.

Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu sâu hơn tiêu chuẩn về tổng giá trị xuất khẩu và FDI khi đánh giá về những hậu quả tiềm tàng do Brexit gây ra đối với ASEAN và Đông Nam Á. Bên cạnh đó, cũng cần phải cân nhắc “giá trị gia tăng nước ngoài” khi đánh giá về những ảnh hưởng của ASEAN trước những tác động sắp tới từ vấn đề Brexit.

Các tác giả Aédán Mordecai và Phidel Vineles là hai nhà phân tích cao cấp thuộc Trung tâm nghiên cứu đa phương, Trường Nghiên cứu Quốc tế RSIS, Đại học Công nghệ Nam Dương, Singapore. Bài viết được đăng trên “RSIS”.

Mỹ Anh (gt)