131256535_11n.jpg

 

Tháng 11/2015, lễ kỷ niệm 10 năm tổ chức EAS sẽ diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Trong gần 10 năm qua, EAS ít có gì để hài lòng ngoài việc đưa 18 nước thành viên hướng tới những vấn đề chính trị và kinh tế quan trọng của khu vực. Tuy nhiên, trong chặng đường gần 10 năm đó, EAS đã tạo được diễn đàn cho các nhà lãnh đạo cấp cao khu vực gặp nhau mỗi năm một lần. Sự tồn tại của EAS trong gần 10 năm này có thể được coi như một thành công trong giai đoạn đầu tiên.

Tổng kết lại giai đoạn đầu tiên và đề ra lộ trình cho giai đoạn tiếp theo của EAS, tháng 5 vừa qua, một hội nghị bàn tròn đã được tổ chức tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Đây là một phần của giai đoạn II, theo đó mỗi thành viên EAS có hai đại điện được mời tham dự.

Những cuộc thảo luận tại hội nghị bàn tròn trên nhìn chung là tích cực, nhấn mạnh thực tế rằng dù còn những hạn chế, song EAS là một tổ chức tích cực có tính chất xây dựng và là một sáng kiến đáng khen ngợi. Trong tiến trình thảo luận, hội nghị đã nhấn mạnh rằng châu Á-Thái Bình Dương ngày càng bị trói buộc trong sự kình địch giữa Trung Quốc với Mỹ và Nhật Bản. Thực tế, một chương trình nghị sự trung lập và sáng tạo của các nước thành viên EAS sẽ giải quyết tình hình căng thẳng đang gia tăng giữa những thế lực lớn trong khu vực.

EAS là một diễn đàn công khai, minh bạch và toàn diện để thảo luận các vấn đề kinh tế, chính trị và chiến lược lớn chung nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại Đông Á. Các nước thành viên có thể có khác biệt về phương thức song không thể bất đồng về những mục tiêu lớn do EAS đề ra. Một số vấn đề chính liên quan tới tương lai của EAS đã được thảo luận.

Vấn đề thứ nhất, liệu EAS sẽ trở thành một diễn đàn độc lập hay chủ yếu vẫn là một tổ chức do ASEAN dẫn dắt. Cho đến nay, tiến trình hoạt động của EAS phần lớn do ASEAN chi phối. Nói chung, những người tham dự hội nghị bàn tròn ở Seoul nhất trí rằng trong giai đoạn tiếp theo của EAS, ASEAN vẫn phải đóng vai trò chính, nếu không những động lực lớn có thể làm trệch tiến trình. Trưởng phái đoàn Ấn Độ, Đại sứ Skand R. Tayal, nhấn mạnh rằng ASEAN phải tiếp tục là trung tâm của EAS. Tuy nhiên, tất cả 18 thành viên phải tham gia bình đẳng trong các hoạt động chuẩn bị, tổ chức và thực hiện các chương trình nghị sự của EAS.

Vấn đề quan trọng thứ hai liên quan đến thương mại trong khu vực. Hội nghị kêu gọi tăng cường nỗ lực để hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (CEPEA) ở Đông Á, cho dù điều này có thể không diễn ra trong tương lai gần; thảo luận về các Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) song phương; khuyến khích các tiểu khu vực có các cơ chế thương mại tự do hơn. Có nhiều lĩnh vực mà các nước thành viên EAS có thể hợp tác và cùng hưởng lợi như năng lượng, giáo dục, y tế, khắc phục thảm họa và tăng cường kết nối.

Còn nhiều vấn đề được thảo luận tại hội nghị bàn tròn, song tóm lại EAS phải bước vào một giai đoạn mới, với một chiến lược thay đổi nhằm thực hiện mục tiêu của mình về kinh tế và chính trị. EAS đã có thể tồn tại trong bối cảnh nhiều khó khăn và hạn chế trong 10 năm đầu tiên. Tuy nhiên, nếu không xem xét và đề ra lộ trình cho giai đoạn tiếp theo, thì hoạt động của EAS sẽ không dễ dàng. Bất kỳ sự trì trệ hoặc xuống dốc nào trong EAS đều sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực thiết lập một khu vực Đông Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Tác giả là Giáo sư Sandip Kumar Mishra thuộc khoa nghiên cứu Đông Á, Trường Đại học Tổng hợp Delhi. Bài viết đăng trên “IPCS

Anh Thư (gt)