Tóm tắt 

* Thành công của Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang làm Đông Nam Á bối rối bởi vì hầu như không biết được gì về quan điểm của ông về châu Á. Những gì được hiểu là ý kiến của ông về các hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hồi giáo đang gây lúng túng. 

* Các nước ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) (Malaysia, Singapore và Việt Nam) quan ngại một cách có thể hiểu được về việc Mỹ rút khỏi hiệp ước kinh tế gồm 12 quốc gia này. 

* Việc Trump chuyển sang hướng nội để củng cố nước Mỹ sẽ lấy đi của khu vực này một biện pháp quan trọng làm cân bằng các mối quan hệ của khu vực với Trung Quốc. Thất bại TPP được xem là dấu hiệu sớm cho thấy Mỹ “từ bỏ ý định can dự” ở khu vực này. 

* Chiến thắng của Trump đã chứng kiến sự suy yếu của các đồng tiền khu vực. “Sự tập trung “nước Mỹ trước tiên” của ông gây ra những sự lo sợ về việc có ít thương mại và đầu tư của Mỹ hơn ở khu vực này. Philippines đặc biệt lo ngại với sự giảm tốc trong lĩnh vực thuê ngoài quy trình kinh doanh (BPO). Đồng thời, người ta chỉ ra rằng các công ty của Mỹ không nhạy cảm trước các yếu tố chính trị và các đồng tiền khu vực bị suy yếu trên thực tế có thể khiến Đông Nam Á hấp dẫn hơn đối với đầu tư của Mỹ. 

* Chính quyền mới được mong đợi thông qua một cách tiếp cận “mang tính giao dịch” với các vấn đề khu vực, gác lại vấn đề nhân quyền và dân chủ sang một bên. Việc giảm nhẹ các vấn đề gây chia rẽ này sẽ mang lại sự khởi đầu cho việc cải thiện các mối quan hệ của Mỹ với Philippines và Thái Lan. 

* Những quan điểm gay gắt của Trump về Hồi giáo sẽ làm phức tạp mối quan hệ của Mỹ với Indonesia và Malaysia, và làm xói mòn sự ủng hộ của công chúng đối với Mỹ ở hai quốc gia có đa số là người Hồi giáo này. 

Giới thiệu 

Cứ mỗi 4 năm, Đông Nam Á tự nhận thấy bị thu hút bởi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Cuộc bầu cử năm nay đặc biệt hấp dẫn vì sự thay đổi đột ngột về chính trị của nó. Sau cuộc bầu cử vào ngày 8/11, cái nhìn của Đông Nam Á đã thay đổi từ những mưu đồ trong vở kịch chính trị của Mỹ sang vật lộn với những sự không chắc chắn về chính sách và quan điểm chiến lược của vị tổng thống thứ 45 của Mỹ. 

Đi theo câu ngạn ngữ “khi Mỹ hắt hơi, châu Á sẽ bị cảm”, chính quyền mới sẽ có một ảnh hưởng lớn trong câu chuyện đang diễn ra của khu vực này. Bắt đầu, TPP do Mỹ dẫn dắt bị đổ vỡ khi 11 nước ký kết chật vật để cứu lấy những gì từng được quảng cáo là “tiêu chuẩn vàng” của các hiệp định thương mại tự do. 

Việc này đã làm dấy lên những làn sóng gây sốc khắp khu vực, mà đã dần trở nên quen với việc coi sự can dự của Mỹ là điều mặc nhiên. Đối với rất nhiều người, triển vọng về một nước Mỹ hướng nội và theo chủ nghĩa bảo hộ không chỉ không thể tưởng tượng nổi mà còn rất phi lý. Nó có thể gây ra những thiệt hại không thể sửa chữa được cho những lợi ích lâu dài và sâu sắc của Mỹ ở khu vực này, từ thương mại đến an ninh. 

Chắc chắn, sự can dự của Mỹ ở Đông Nam Á không phải là không có những kẻ gièm pha, và như mọi mối quan hệ, thỉnh thoảng nó cũng gặp trục trặc. Tuy nhiên, Đông Nam Á thích một đối tác tận tụy hơn một nước Mỹ xa cách và thờ ơ như chứng minh trong chuyên đề đặc biệt này bao gồm các quan điểm chính thức và các tin tức truyền thông từ Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Những ghi nhanh này bao gồm những phản ứng trong 2 tuần đầu sau cuộc bầu cử Mỹ cũng nói lên những quan điểm và những quan ngại khác nhau về vai trò của Mỹ trong khu vực, từ kinh tế, dân chủ hóa, Trung Quốc, chứng bài Hồi giáo và chống khủng bố. 

Indonesia: Những quan ngại về sự thù địch và bất ổn 

Chiến thắng của Donald Trump trước Hillary Clinton trong cuộc chạy đua vào ghế tổng thống đã kích động những phản ứng ở Indonesia, mà có thể nhìn chung được tóm tắt là những mối quan ngại về sự thù địch và bất ổn. Cả truyền thông lẫn người dân đều nói lên những quan điểm tương tự, truyền đi nỗi lo sợ về những gì Chính quyền Trump sẽ làm, và điều đó tác động như thế nào đến toàn bộ Indonesia, nền kinh tế nước này, và người Hồi giáo nói chung. 

Ở cấp ngoại giao, các nỗ lực đang được tạo ra để duy trì các mối quan hệ tốt đẹp mà hai nước đã có trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama. Trong khi Indonesia muốn Clinton làm người kế nhiệm Obama hơn, Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) đã nhanh chóng chúc mừng chiến thắng của Trump, nói rằng “thay mặt cho Chính phủ Indonesia và mọi người dân, tôi xin gửi lời chúc mừng đến Tổng thống đắc cử Donald J.Trump”. Mặc dù các chính sách của Trump ít được biết đến hơn so với các chính sách của bà Clinton, Jokowi nói thêm rằng Indonesia sẵn sàng tiếp tục cùng hợp tác với Mỹ. Những lo ngại về các chính sách thù địch tiềm tàng của ông đối với người Hồi giáo – đặc trưng trong chiến dịch tranh cử của ông – đã nhanh chóng được bộ ngoại giao đề cập mà đã vội vã khuyến khích người Indonesia sinh sống ở Mỹ tỏ lòng kính trọng vị tổng thống mới. Các đại diện của Mỹ ở Indonesia cũng nhanh chóng tái đảm bảo rằng mối quan hệ với Indonesia sẽ được duy trì tốt. 

Vượt ra ngoài những gì đã diễn ra ở cấp chính thức, có những mối quan ngại về kiểu tổng thống mà ông sẽ trở thành, và chính quyền của ông sẽ tác động như thế nào đến Indonesia. Đặc biệt, với tư cách là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, các chính sách thương mại Mỹ có thể mang tính bảo hộ hơn của Trump sẽ có một số tác động lên Indonesia. Trong khi các nhà phân tích nhanh chóng đưa ra những quan ngại về nhu cầu ngày càng giảm đối với hàng hóa từ Indonesia nếu Mỹ thúc đẩy sản xuất và cắt giảm thuế doanh nghiệp, những người khác nhanh chóng làm dịu bớt những nỗi lo ngại bằng việc chỉ ra rằng Indonesia sẽ ít bị tác động hơn nhiều so với những nước ngang hàng khác trong khu vực, đặc biệt là khi “thương mại không còn là nguồn tăng trưởng chính”. Tuy nhiên, những người khác lập luận rằng Trung Quốc sẽ vẫn là một nhân tố quan trọng, do nhu cầu thấp hơn về hàng hóa Trung Quốc cũng sẽ giảm nhu cầu của Trung Quốc về nguyên liệu thô từ Indonesia. Tuy nhiên nói chung, có một sự nhất trí rằng nền kinh tế Indonesia sẽ bị tác động theo một số cách nếu Mỹ thực thi nhiều chính sách kinh tế hướng nội hơn. 

Vượt ra ngoài những tác động có thể có lên nền kinh tế, tính cách Trump được người Indonesia xem xét dưới cái nhìn tiêu cực. Ở đất nước Hồi giáo lớn nhất thế giới này, việc ông được bầu làm nhà lãnh đạo của thế giới tự do đã tạo ra một cảm giác mạnh mẽ về sự thù ghét đối với người Hồi giáo nói chung. Quả thật, cái thu hút nhiều sự chú ý ở Indonesia là một số giọng điệu trong chiến dịch tranh cử của ông bao gồm lệnh cấm người Hồi giáo nước ngoài vào nước Mỹ và một cảm giác rằng người Hồi giáo sẽ đối mặt với những thời điểm khó khăn trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Ông đã kêu gọi người Hồi giáo cần được đăng ký, thúc đẩy những quan ngại về các chính sách có thể có khác sẽ cản trở các quyền và quyền tự do dân sự của người Hồi giáo và việc Mỹ sẽ đối phó với Hồi giáo và các nước đạo Hồi như thế nào. Một nhà lãnh đạo của Hội đồng Ulema Indonesia đã tuyên bố rằng “Trump sẽ tạo ra các vấn đề mới” do giọng điệu chống Hồi giáo trong chiến dịch tranh cử của ông. 

Những quan ngại tương tự cũng rõ ràng trong người Indonesia, những người theo dõi tình hình chính trị thế giới, khi một số người lên tiếng lo ngại rằng Mỹ sẽ hoài nghi và thù đích đối với các nước Hồi giáo và người Hồi giáo. Do Indonesia đã có lịch sử oán giận với Mỹ về chính sách Trung Đông của nước này, nhiệm kỳ tổng thống của Trump có thể chứng kiến sự xuất hiện tình cảm bài Mỹ ở nước này. Quả thật, mối quan hệ nồng ấm trong thời Obama, người có mối ràng buộc cá nhân nào đó với Indonesia – dường như khó có thể lặp lại. Do đó, hình ảnh nói chung của Mỹ trong lòng người dân Indonesia cũng có nguy cơ xấu đi cùng với một vị tổng thống mới của Mỹ. 

Bất chấp nhận thức nhìn chung là tiêu cực và những lo ngại, một số nhà phân tích cũng chỉ ra rằng giọng điệu trong chiến dịch tranh cử của Trump có thể chỉ là thế thôi. Các chính sách thực sự của ông vẫn chưa được biết đến và ông sẽ có một khuôn khổ và những giới hạn nhất định mà ông có thể xây dựng chúng trong đó. Một việc chắc chắn là Indonesia sẽ theo dõi ông chặt chẽ, với sự chú ý đặc biệt vào các chính sách kinh tế của ông và cách tiếp cận với người Hồi giáo nói chung. Trong khi hai nước chính thức vẫn làm tốt việc giữ quan điểm thân thiện, truyền thông và người dân Indonesia đã quyết định rằng Trump không phải là Obama. 

Malaysia: Những dấu hiệu của sự lạc quan thận trọng 

Nói trên trang Facebook của mình, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã chúc mừng Donald Trump vì “chiến thắng phi thường” của ông. Najib cũng nói thêm rằng “tôi nghĩ rằng quan hệ đối tác với Mỹ sẽ vẫn còn bởi vì ông hết sức cần quan hệ đối tác với Malaysia và các nước khác”. 

Thông điệp mang tính hòa giải về sự lạc quan thận trọng của Najib tạo không khí chung cho những người khác trong chính phủ phản ứng trước chiến thắng của ông Trump. Phó Thủ tướng Ahmad Zahid Hamidi đã cũng chúc mừng Trump trên trang Twitter với thông điệp này: “Chiến thắng của ông có thể đánh dấu một sự khởi đầu mới, củng cố thêm mối quan hệ Malaysia-Mỹ”. Hiện nay, Bộ Ngoại giao, thông qua một tuyên bố chính thức, cũng chúc mừng Trump và kêu gọi Quan hệ đối tác toàn diện về nhiều lĩnh vực hợp tác bao gồm chính trị, kinh tế, an ninh và quốc phòng, được ký kết trong năm 2014 dưới thời Tổng thống Obama, được tiếp tục trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump. 

Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein tin rằng mối quan hệ quốc phòng hiện nay giữa Malaysia và Mỹ, như việc mua trang thiết bị quân sự, các cuộc tập trận quân sự chung, và hợp tác chống khủng bố, sẽ vẫn không bị ảnh hưởng. Hishammuddin đã thận trọng chống lại những phản ứng tự động do việc chờ đợi chính sách đối ngoại và quốc phòng của Trump định hình sẽ nhạy cảm hơn. 

Bộ trưởng Thương mại Mustapa Mohamed đã tìm cách thuyết phục các doanh nghiệp rằng sẽ không có một sự thay đổi triệt để trong các mối quan hệ kinh tế Mỹ-Malaysia do Mỹ hiện nay là đối tác thương mại lớn thứ ba của Malaysia. Mustapa cảm thấy rằng nhận thức tiêu cực về Trump gần đây đã cải thiện ở Malaysia bởi vì ông đã mềm dẻo hơn trong giọng điệu cố chấp hẹp hòi của ông sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Bất chấp sự phản đối của Trump đối với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Najib không từ bỏ TPP do ông cảm thấy chủ nghĩa bảo hộ chỉ có thể gây hại cho thương mại và nền kinh tế toàn cầu. Ông thậm chí đã vận động Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thuyết phục tổng thống đắc cử về những giá trị và tầm quan trọng chiến lược của TPP. 

Những phản ứng từ người dân Malaysia đối với Trump có thể được chia thành 3 nhóm. Nhóm đầu tiên, bị kích động do chủ nghĩa bảo thủ Hồi giáo, coi Trump là một người chống Hồi giáo, do sự chống đạo Hồi đến cố chấp của ông. Cộng hưởng những tình cảm như vậy là các chính trị gia từ đảng Hồi giáo Malaysia (PAS), những người có quan điểm được phản ánh trên tờ Harakah do PAS sở hữu. Đối với họ, sự cố chấp chống Hồi giáo là đặc trưng trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Trump, và liều thuốc giải độc là đức tin Hồi giáo, với nền tảng then chốt là sự thành lập một nhà nước Hồi giáo và sự áp đặt luật Hồi giáo. Nhiều người Malaysia khác, không nhất thiết phải là những người ủng hộ PAS, cũng có thể nhìn nhận về Trump một cách không mấy thân thiện bởi vì lập trường của ông đối với người Hồi giáo. 

Nhóm thứ hai, thấm nhuần các giá trị tự do tiến bộ, nhìn nhận Trump với sự coi thường, nhất là vì những bình luận bài ngoại và ghét phụ nữ của ông. Nhóm này đã vượt ra ngoài sắc tộc và tín ngưỡng, và thậm chí bao gồm những người Hồi giáo muốn đạo Hồi được cách tân để theo kịp thế kỷ 21. Tuy nhiên, việc này đã đặt họ vào sự bất hòa với những người Hồi giáo bảo thủ hơn ở Malaysia. 

Nhóm thứ ba, muốn Chính quyền Najib bị loại khỏi quyền lực, cho rằng một bài học có thể rút ra được từ chiến thắng của Trump là “hiệu ứng Trump” có thể trở nên rõ ràng ở Malaysia. Hy vọng của họ là nếu đủ thất vọng và bất bình, người Malaysia sẽ đi đến bỏ phiếu nhiều cho phe đối lập chính trị, liên minh Mặt trận dân tộc do đảng Tổ chức dân tộc Mãlai thống nhất (UMNO) đang cầm quyền của Najib lãnh đạo sẽ thất bại trong cuộc tổng tuyển cử. Không ngạc nhiên khi nhóm này có xu hướng tự liên kết với phe đối lập, với một số chính trị gia từ đảng Hành động dân chủ (DAP) kêu gọi “hiệu ứng Trump” để đánh bật Najib và liên minh của ông ra khỏi chính phủ. 

Đối với các báo in của Malaysia, các tờ báo tiếng Anh và tiếng Mãlai trào lưu chủ đạo làm theo Najib và Bộ Ngoại giao trong việc phản ứng trước chiến thắng của Trump. Chủ đề chung xuyên suốt các tờ The New Straits Times, The Star, Borneo Post, Berita Harian và Utusan Melayu là bất chấp giọng điệu chống Hồi giáo của Trump, có hy vọng rằng điều đó sẽ không làm quan hệ Mỹ-Malaysia xấu đi do địa vị của Malaysia là một nước có đa số dân là người Hồi giáo. Giới lãnh đạo Malaysia có thể thận trọng hơn khi đối phó với chính quyền mới của Mỹ nếu Washington được nhìn nhận là có đường lối cứng rắn hơn chống người Hồi giáo. 

Tuy nhiên, truyền thông trực tuyến Malaysia, có thể kể đến Malaysiakini và Free Malaysia Today cũng như nhiều trang blog và các website nổi bật chỉ trích Najib và chính quyền của ông như Sarawak Report, om sòm chỉ trích không chỉ Donald Trump mà còn cả phản ứng của Najib trước chiến thắng của Trump. Không có ngoại lệ, truyền thông trực tuyến tập trung vào chỉ trích Najib trong vụ tranh cãi liên quan đến 1MDB ngay cả khi thảo luận về phản ứng của Najib trước chiến thắng của Trump. Có thể nói một cách đơn giản, họ nhìn nhận Najib đang giảm nhẹ chỉ trích của ông đối với Trump với hy vọng rằng Chính quyền Trump sẽ chấm dứt những nỗ lực của Mỹ điều tra vụ bê bối liên quan đến 1MDB. 

Tăng trưởng kinh tế tốt, dựa trên thương mại và đầu tư, là quan trọng sống còn đối với Najib do nó thúc đẩy tính hợp pháp của ông trong việc quản lý đất nước, và làm tăng các cơ hội cho liên minh của ông quay trở lại nắm quyền trong cuộc bầu cử tới sẽ diễn ra vào giữa năm 2017. Mỹ là thị trường xuất khẩu then chốt đối với Malaysia, trị giá 73,7 tỷ đồng ringgit trong năm 2015 và một chính sách thương mại bảo hộ hơn ở Mỹ sẽ gây phương hại cho Malaysia về kinh tế và có thể khiến nước này hướng sang Trung Quốc hơn, mà nước này có một mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ. Như các nước khác, Malaysia sẽ chờ đợi và xem xem các chính sách của Chính quyền Trump sẽ phát triển ra sao, hy vọng rằng mối quan hệ Mỹ-Malaysia sẽ phần lớn vẫn không bị ảnh hưởng, do lịch sử hợp tác kinh tế và an ninh lâu dài và tầm quan trọng chiến lược của Malaysia liên quan đến Biển Đông và Eo biển Malacca. 

Myanmar: Vượt qua cú sốc và kết nối với Trump 

Ngoại trưởng Hillary Clinton là nhân vật được ưa thích của truyền thông Myanmar, mà đã đưa tin rộng rãi về chiến dịch tranh cử của ứng cử viên đảng Dân chủ này trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa kết thúc gần đây. Ngay cả người phát ngôn đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) Win Htein đã bình luận trước giới truyền thông rằng đảng của ông ủng hộ bà Clinton và chiến thắng của bà sẽ cải thiện mối quan hệ song phương. Ngược lại, tất cả các bài viết của truyền thông chính thống đã xem nhẹ triển vọng Donald Trump trở thành tổng thống và đã đăng lại những tin tức quốc tế chỉ trích các chính sách của ông. Rất ít người ủng hộ chính sách của Trump về vấn đề nhập cư và Hồi giáo cực đoan, nhưng số ít người ủng hộ đã truyền tải sự ủng hộ của họ bằng cách sử dụng truyền thông xã hội, chủ yếu thông qua Facebook. Truyền thông và người dân Myanmar bị bất ngờ trước uy thế không ngờ của Trump. 

Sau chiến thắng của Trump, Tổng thống Htin Kyaw và Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi đã chúc mừng Tổng thống Trump và bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ song phương. Aung San Suu Kyi, người có mối quan hệ hữu hảo thân thiết với Clinton, đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến Trump “về mọi thành công trong việc gánh vác trách nhiệm mới với tư cách là vị tổng thống thứ 45 của Mỹ”. Bà cũng đã nói rằng bà mong đợi “làm việc chặt chẽ với Trump để thúc đẩy hơn nữa tình bạn, sự hợp tác và quan hệ đối tác hiện nay giữa hai nước chúng ta”. 

Người phát ngôn Văn phòng tổng thống Zaw Htay bày tỏ sự tin tưởng rằng chính sách của Mỹ đối với Myanmar sẽ không thay đổi nhiều dưới thời Trump. Ông đã chỉ ra rằng các đảng viên đảng Cộng hòa trong lịch sử là những người ủng hộ nhiệt tình cho Aung San Suu Kyi. Với các đảng viên đảng Cộng hòa kiểm soát cả hai đảng trong Quốc hội, Trump sẽ không được tự do đảo lộn hoàn toàn chính sách của Mỹ đối với Myanmar. Về những triển vọng của đầu tư của Mỹ ở Myanmar, Zaw Htay đã nói rằng Myanmar đánh giá cao Mỹ vì sự ủng hộ chính trị hơn là vì đầu tư, và rằng Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ đóng một vai trò lớn hơn và tích cực hơn trong sự phát triển kinh tế của nước này. 

Đảng đối lập chính, đảng Liên minh đoàn kết và phát triển (USDP), trước đây do Tổng thống Thein Sein lãnh đạo, người đã bắt đầu việc lập lại mối quan hệ hữu nghị với Mỹ, cũng gửi lời chúc mừng Trump. Chủ tịch mới của đảng này Than Htay đã nói rằng chiến thắng của Trump mang tính lịch sử và phản ánh sự tin tưởng của người dân Mỹ vào sự lãnh đạo chiến lược của Trump. Ông đã bày tỏ mong muốn của USDP thúc đẩy mối quan hệ giữa đảng này với đảng Cộng hòa. 

Một đảng chính trị khác vui mừng trước chiến thắng của ông Trump là đảng sắc tộc Rakhine, đảng quốc gia Arakan (ANP). Trong bối cảnh tình trạng an ninh đang xấu đi ở bang Rakhine sau các vụ tấn công khủng bố ngày 9/10/2016 nhằm vào các đồn cảnh sát, Chủ tịch ANP Eye Maung đã gửi lời chúc mừng ông Trump trong một bức thư gửi ngày 9/11/2016 và đã nói: “Chìm đắm trong các vấn đề Hồi giáo hóa và nhập cư bất hợp pháp, chúng tôi, người Arkan trông chờ vào ông như một nhà lãnh đạo thế giới mới, người sẽ thay đổi hệ thống gian lận đầy những kẻ xâm nhập thánh chiến”. 

Nói chung, truyền thông Myanmar ngạc nhiên trước chiến thắng của Trump trước Clinton. Báo chí không đăng bất cứ bài báo nào về các kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, các chính trị gia các doanh nhân và các học giả Myanmar được truyền thông phỏng vấn đều bày tỏ những quan ngại về các xu hướng dân tộc chủ nghĩa và cô lập của Trump. Một số trong những người dẫn dắt ý kiến này hy vọng Trump sẽ đánh giá đúng sự bế tắc chiến lược của Myanmar – bị mắc kẹt giữa hai nước lớn là Trung Quốc và Ấn Độ. 

Tin tức từ truyền thông địa phương đưa tin về cuộc bầu cử thổng thống Mỹ phần lớn là truyền đạt lại những bài báo, tin tức quốc tế. Việc đưa tin tức hạn chế này có xu hướng chống lại Trump, và nhấn mạnh những sự phản đối chống lại chiến thắng của Trump, những tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán và đồng USD và bài diễn văn thừa nhận thất bại của Clitnon, bài diễn văn chiến thắng của Trump chỉ được đề cập một cách ngẫu nhiên. 

Khi Myanmar phục hồi từ cú sốc ban đầu do chiến thắng bất ngờ của Trump, nước này hiện nay lo lắng chờ đợi chính sách đối ngoại của vị tổng thống mới. Myanmar phải xây dựng các cây cầu mới nối liền với Chính quyền Trump. Nhiệm vụ này là không phải là không thể nhưng nó sẽ gây thách thức hơn do các mối quan hệ gần gũi của Myanmar với Chính quyền Obama và Clinton. (còn tiếp)

Philippines: Cơ hội để bắt đầu lại? 

Ba cảm xúc thể hiện những phản ứng của đa số người Philippines trước chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống của Donald Trump: lo lắng, hy vọng và xác minh. 

Đồng peso Philippines đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ những ngày đen tối của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mà Mỹ đứng ở trung tâm 8 năm trước. Trong 10 ngày giao dịch đầu sau chiến thắng của Trump, đồng peso đã giảm trong mỗi phiên. Thị trường chứng khoán Philippines cũng giảm mạnh trong tuần đầu, nhưng đã phục hồi. Trong một lưu ý vào ngày 10/10/2016, công ty tài chính Nhật Bản Nomura đã xác định chiến thắng của Trump là “nguy cơ lớn nhất đối với sự tăng trưởng của Philippines trong năm 2017”. Nomura tập trung vào 3 tác động tiêu cực tiềm tàng: 

- Dòng tiền gửi từ Mỹ thấp hơn do luật nhập cư được thắt chặt. Theo tổ chức thống kê Bangko Sentral ng Pilipinas, Mỹ chiếm hơn 8 tỷ USD khoản kiều hối được chuyển về Philippines trong năm 2015, khoảng 1/3 kiều hối chảy vào Philippines. Xấp xỉ 4 triệu người Philippines định cư ở Mỹ, một số bất hợp pháp. 

- Tăng trưởng chậm hơn trong lĩnh vực Thuê ngoài quy trình kinh doanh (BPO) đang bùng nổ của Philippines do chi phí thuê ngoài cao hơn từ Mỹ. Thị trường Mỹ chiếm hơn 70% xuất khẩu BPO từ Philippines. Philippines là trung tâm BPO lớn nhất của thế giới. 

- Tổng xuất khẩu thấp hơn. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Philippines sau Nhật Bản. Thị trường Mỹ chiếm hơn 15% tổng xuất khẩu của Philippines. 

Văn phòng tại Philippines của công ty bất động sản toàn cầu Collier đã nói lên những quan ngại tương tự về những tác động tiêu cực liên quan đến Trump đối với kiều hối và lĩnh vực BPO. Cách tiếp cận “chờ xem” với đầu tư mới trong lĩnh vực BPO có thể làm giảm nhu cầu về không gian văn phòng trong khi tăng trưởng kiều hối chậm hơn và không chắc chắn sẽ gây ra điều tương tự cho thị trường nhà ở tư nhân. 

Các nhà theo dõi thị trường khác lạc quan hơn. Cielito Habito, người đứng đầu trước đây của Cơ quan phát triển kinh tế quốc gia và hiện nay là người viết chuyên mục cho tờ Philippine Daily Inquier, lưu ý rằng Philippines không có một thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ và không phải là một bên ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, bảo vệ nước này trước bất cứ hành động nào của Tổng thống Trump chống lại các thỏa thuận thương mại tự do. Giống Habito, Credit Suisse cảnh báo chống lại những phản ứng quá mức.

Trong một báo cáo ngày 17/11/2016, ngân hàng Thụy Sĩ này lập luận rằng các quyết định đầu tư trực tiếp nước ngoài của các công ty Mỹ, không như các công ty Trung Quốc, không nhạy cảm với các yếu tố chính trị. Việc này và đồng peso đang suy yếu có thể làm cho Philippines là điểm đến hấp dẫn nhiều hơn, chứ không phải ít hơn, cho đầu tư BPO từ Mỹ. 
Trên mặt trận ngoại giao, chiến thắng bất ngờ của Trump đã gây ra những phản ứng tích cực hơn. Những phản ứng này phần lớn là do sự thay đổi rõ rệt trong sắc thái quan hệ Philippines-Mỹ kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên cầm quyền vào cuối tháng 6/2016. Tổng thống Duterte đã đưa ra nhiều chỉ trích cá nhân chống lại Tổng thống Obama, bao gồm cả việc nói Tổng thống Obama nên đi xuống địa ngục vào ngày 4/10. Sự xấu đi trong ngoại giao song phương này nhấn mạnh thực tế rằng các nhà lãnh đạo và quan điểm của họ về nhau là quan trọng. Chiến thắng của Trump mang lại hy vọng rằng các mối quan hệ với Mỹ, đối tác an ninh và kinh tế quan trọng nhất của Philippines, có thể cải thiện mà không đòi hỏi Tổng thống Duterte phải thay đổi. Tổng thống Duterte là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên chúc mừng Tổng thống Trump về chiến thắng của ông và tuyên bố rằng ông không muốn chiến đấu chống Trump. Tổng thống Duterte đã đi xa hơn, lưu ý rằng những điểm tương đồng thường được bình luận giữa ông và ông Trump từ ngôn ngữ xúc phạm đến “những gì chúng tôi chia sẻ chung là sự say mê phụng sự”. 

Ramon Tulfo, một trong những nhà báo nổi tiếng nhất ở Philippines, dựa vào cảm giác rằng Trump và Duterte giống nhau này, dự đoán một cách táo bạo rằng hai vị tổng thống sẽ trở thành bạn bè và rằng dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ sẽ đối xử với Philippines một cách ngang bằng. Tổng thống Duterte đã liên tục chỉ trích Mỹ và Chính quyền Obama vì không làm vậy. Người ta mong đợi rộng rãi rằng nhiệm kỳ tổng thống Trump sẽ ít tập trung hơn vào các mối quan ngại nhân quyền ở nước ngoài. Việc này sẽ giúp xoa dịu Tổng thống Duterte, người đã bắt đầu chỉ trích Tổng thống Obama sau khi Bộ Ngoại giao và Tổng thống Mỹ bày tỏ quan ngại về cuộc chiến chống ma túy bạo lực của Tổng thống Duterte. Tổng thống Trump mang lại cơ hội cho Chính quyền Duterte khởi động lại mối quan hệ ngoại giao với Mỹ. 

Chiến thắng của Trump và giọng điệu theo chủ nghĩa xét lại về chính sách thương mại và an ninh của Mỹ được nhiều người ở Philippines và xa hơn xem là chứng minh cho lời kêu gọi của Tổng thống Duterte về một chính sách đối ngoại độc lập hơn và một mối quan hệ xa cách hơn với Mỹ. Ian Bremmer thuộc Tổ chức Âu-Á, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei Asian Review, đã tổng kết lại quan điểm này: “Tôi nghĩ rằng mọi người sẽ thấy nhiều nhà lãnh đạo hơn giống như Duterte, người đã đến Trung Quốc và về cơ bản đã nói rằng “chúng tôi sẽ tách khỏi Mỹ”. Ngày càng có nhiều nước ở châu Á hơn làm điều đó. Tôi muốn nói là Duterte hiện nay có vẻ thông minh. Tôi nghĩ rằng Duterte đã làm điều đúng đắn. Dường như ông đã có lời kêu gọi đúng đắn”. 

Philippines có mối quan hệ sâu sắc, phức tạp và hay thay đổi nhất với Mỹ trong số các nước Đông Nam Á. Thực trạng kéo dài này nằm ở trung tâm bản sắc Philippines được phản ánh trong những phản ứng của Philippines trước sự thay đổi chính trị đang xảy ra ở Mỹ. 

Singapore: Chờ đợi một cách thực dụng sự minh bạch 

Singapore, một nền kinh tế mở nhỏ có thương mại là nhân tố quyết định, đương nhiên cho thấy nhiều quan ngại về lập trường theo chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Donald Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Có thể thấy rõ điều này từ các bài diễn văn của Thủ tướng Lý Hiển Long tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC ở Peru. Thậm chí trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ông đã cảnh báo về những nguy cơ của chủ nghĩa bảo hộ và về thất bại trong việc thông qua TPP, mà cũng có giá trị vì những lý do chiến lược, do nó là một yếu tố quan trọng trong sự tái cân bằng của Mỹ sang châu Á. Có những hy vọng rằng kinh nghiệm và những thực tế sẽ giúp làm thái độ của Trump đối với TPP ôn hòa hơn, đặc biệt là do ban lãnh đạo đảng Cộng hòa gần gũi với các doanh nghiệp Mỹ và về cơ bản ủng hộ thương mại tự do. Tuy nhiên, Trump đã tạt nước lạnh vào những nhận thức như vậy bằng tuyên bố rằng ông sẽ loại bỏ TPP ngay ngày đầu cầm quyền. Tuy nhiên, Singapore và một số nước có quan điểm tương đồng sẽ thông qua TPP và có thể tìm cách có một thỏa thuận 11 nước mà không có Mỹ với hy vọng rằng Mỹ có thể tham gia, sau khi nước này sẵn sàng. 

Trong thông điệp chúc mừng gửi đến Tổng thống đắc cử Trump vào ngày 9/11/2016, Thủ tướng Lý đã nhấn mạnh cả những lợi ích chiến lược được chia sẻ lẫn những mối quan hệ kinh tế và thương mại mở rộng của hai nước. Ông đã nói rằng mối quan hệ này từ lâu đã mang lại lợi ích cho cả Singapore lẫn Mỹ, ám chỉ rằng Singapore không phải là nước ngồi không hưởng lợi, và rằng Mỹ cũng hưởng lợi lớn từ mối quan hệ này. Thủ tướng chỉ ra rằng Mỹ cũng đã liên tục duy trì thặng dư thương mại với Singapore, mà hiện nay ở mức 20 tỷ USD/năm, trong khi đầu tư của Singapore ở Mỹ cùng với xuất khẩu của Mỹ sang Singapore đã tạo ra 240.000 việc làm cho người lao động Mỹ. Ông nói thêm rằng Singapore lâu nay cũng ủng hộ sự hiện diện của Mỹ ở khu vực như sự thiết yếu cho hòa bình và ổn định. Mặc dù Thủ tướng Singapore không nói vậy, song thực tế, Singapore rơi vào tình trạng nguy hiểm trong nhiều năm khi công khai ủng hộ sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực và tạo điều kiện thuận lợi cho Mỹ thông qua việc sử dụng các cơ sở ở Singapore. Làm như vậy, Singapore đã làm cho các nước láng giềng khó chịu trong những năm trước và làm cho nước lớn đang ganh đua khó chịu gần đây hơn. 

Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen đã có quan điểm tương tự. Trả lời câu hỏi của một nhà báo vào ngày 13/11/2016 rằng liệu Singapore có sẽ phải gánh vác gánh nặng trách nhiệm phòng thủ lớn hơn dưới thời Tổng thống Trump không, ông đã nói rằng các mối quan hệ giữa Singapore với các nước khác được dựa trên lợi ích chung và Singapore đã “làm nhiều việc” với Mỹ và vì Mỹ. Ông đã viện dẫn các tàu và máy bay của Mỹ, bao gồm các máy bay do thám P-8, quá cảnh ở các căn cứ hải quân và không quân của Singapore thế nào. Ngoài ra, các lực lượng vũ trang Singapore đã phục vụ ở Afghanistan, và hai nước làm việc chặt chẽ để loại bỏ chủ nghĩa khủng bố. Do đó, ông không mong đợi mối quan hệ phòng thủ với Mỹ, mà về lịch sử có một nền tảng “thể chế mạnh mẽ”, suy sụp dưới thời Chính quyền Trump. 

Tuy nhiên, có một cảm giác ở Singapore, cũng như ở các nước khác trong khu vực, về sự bất trắc hơn nhiều sau chiến thắng của Trump. Như cựu Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Bilahari Kausikan đã nói trong một bình luận đăng trên tờ South China Morning Post vào ngày 13/11/2016, chiến thắng của ông Trump đã thúc đẩy những bất ổn chính trị và kinh tế toàn cầu và “làm tăng những nguy cơ đối với tất cả mọi người”. Ông cũng đã nói rằng dưới thời ông Trump, nhân quyền có thể bị gạt sang một bên, và đường hướng của ông sẽ “giống kinh doanh hơn”và “mang tính giao dịch cao”, đó là “một phần thưởng tức thì cho hành động tức thì”. Về việc Singapore sẽ đối phó như thế nào với nhiệm kỳ tổng thống của Trump, ông nói “chúng tôi sẽ đối phó với nó theo cách chúng tôi đối phó với từng sự phát triển mới: Một cách thực dụng… chúng tôi không lãng phí thời gian với việc chỉ mải lo nghĩ trong nỗi thất vọng về một thực trạng mới. Các anh hãy thích nghi và đối phó với nó”. 

Báo giới tiếng Anh đã làm nổi bật cú sốc do chiến thắng của Trump gây ra và những ý nghĩa lớn của nó đối với châu Á và thế giới. Trang nhất tờ The Strait Times ngày 10/11/2016 là bài “Khi sự phá vỡ chiến thắng trật tự cũ”. Nó nói rằng Mỹ là nước quốc tế chủ nghĩa lớn – “liệu sự tự nhận thức đó có được định sẵn là đâm đầu vào một hốc tường… của thế giới quan nước Mỹ trước tiên của Trump hay không?” Quá nhiều vấn đề chất lên vai ban lãnh đạo Mỹ đến mức mà một sự thay đổi mạnh mẽ đang diễn ra “sẽ có nghĩa là những đánh giá lại của nhiều nước có thể diễn ra theo nhiều cách không mấy dễ chịu”. 

Các trí thức Singapore như Tommy Koh, Kishore Mahbubani và Chan Heng Chee đã cung cấp các phân tích của họ về những nguyên nhân của chiến thắng của Trump trong báo chí tiếng Anh địa phương. Nổi bật trong số chúng là thất bại của các chính sách quản lý trong nước ở Mỹ trong việc giải quyết tình trạng khốn khổ của những người bị bỏ lại phía sau về kinh tế do toàn cầu hóa và sự phản ứng dữ dội về phía những bộ phận đáng kể trong cộng đồng người da trắng chống lại những thay đổi về nhân khẩu học và xã hội ở nước này, với sự hoài niệm và khao khát về một nước Mỹ trong những thập kỷ trước, ít phức tạp hơn và có đa số là người da trắng. 

Các trí thức công chúng và truyền thông Singapore đã tìm cách rút ra những bài học cho Singapore từ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Ba bài học nổi bật được nhấn mạnh trong tờ The Sunday Times ngày 13/11/2016 là các chính sách quản lý phải không để bất cứ ai bị tụt hậu về kinh tế; cần phải xóa bỏ chính trị và giọng điệu phân biệt chủng tộc; và những mối nguy hiểm của chủ nghĩa dân túy. Thủ tướng đã tự làm nổi bật những điểm này. 

Trong khi phản ứng chính thức ở Singapore trước chiến thắng của Trump là kiềm chế và thận trọng, đã có sự không chắc chắn và lo lắng đáng kể về kiểu chính sách mà chính quyền mới của Mỹ sẽ theo đuổi. Nói chung, thái độ chờ xem dường như lan tỏa các giới chính thức và phi chính thức 

Thái Lan: Thận trọng, không chắc chắn, vui mừng và cảm hứng 

Tướng Parayut Chanocha, người đứng đầu chính quyền quân sự do Hội đồng quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) cầm quyền, đã phản ứng trước những tin tức về chiến thắng của ông Trump một cách nhanh chóng và chính xác. Lưu ý rằng mối quan hệ Thái Lan-Mỹ đã có hơn 180 năm, ông gửi đến ông Trump lời chúc mừng và nhấn mạnh khả năng ngoại giao Thái Lan thích nghi với sự thay đổi trên vũ đài quốc tế. 

Những phản ứng khác của Thái Lan trước việc ông Trump được bầu làm tổng thống cụ thể hơn. Trong những phản ứng này, một số tập trung vào những quan điểm theo chủ nghĩa bảo hộ mà tổng thống Mỹ đắc cử thường xuyên bộc lộ trong chiến dịch tranh cử và vào những ảnh hưởng của chúng đối với Thái Lan. Trong khi khẳng định lợi ích của Thái Lan trong việc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu Mỹ thông qua, Phó Thủ tướng Somkid Jatusripitak tuy thế đã nói rằng “cái chết” của thỏa thuận được đề xuất này sẽ là hoàn toàn tích cực đối với Thái Lan. Ông lưu ý rằng đối thủ của TPP được Trung Quốc hậu thuẫn, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RECP), trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đã thể hiện một biện pháp khả thi củng cố địa vị của châu Á trong thương mại toàn cầu. Các nhà quan sát khác lưu ý rằng Thái Lan sẽ cần theo dõi sự thành công của vị tổng thống mới được bầu trong việc dựng lên các rào cản đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và có thể nuôi dưỡng các thị trường xuất khẩu mới cho hàng hóa Thái Lan. Đất nước này cũng đối mặt với nguy cơ bất ổn kinh tế quốc tế nói chung hơn do khả năng không thể đoán trước của nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. 

Bình luận về những ảnh hưởng của chiến thắng bầu cử của Donald Trump trong các lĩnh vực ngoài thương mại và kinh tế, một số nhà quan sát Thái Lan đã lưu ý rằng chính quyền của ông có thể hầu như không quan tâm đến đất nước họ. Một mặt, điều này có nghĩa là các mối quan hệ giữa Bangkok với Washington có thể không còn mang lại cho nước này phương tiện làm cân bằng các mối quan hệ với Bắc Kinh. Mặt khác, nhân quyền và tình trạng dân chủ của Thái Lan sẽ không nổi bật trong số những mối quan ngại của chính quyền mới của Mỹ. 

Quan điểm sau đã chuyển một số phản ứng thành sự sung sướng trên nỗi đau của kẻ khác, làm xuất hiện những tình cảm rằng nước Mỹ thích xen vào việc của người khác hiện được dạy bài học của chính mình về thiệt hại gì mà một cam kết quá đơn giản với chế độ dân chủ bầu cử có thể gây ra cho một nước. Nói cách khác, người Thái ở phe Áo Vàng cảm thấy một mức độ vui mừng nào đó trong tình thế khó khăn của Mỹ. 

Một quan điểm ngược lại đã tìm thấy cảm hứng, bất chấp kết quả của cuộc chạy đua Trump-Clinton, trong sự cởi mở và tính cạnh tranh của cuộc bầu cử, trong sự tự do bộc lộ qua tranh luận, và phẩm giá mà với nó Tổng thống Barack Obama tự cam kết vào một sự chuyển giao có trật tự chiếc ghế tổng thống sang cho ông Trump. So sánh với Thái Lan và Mỹ theo một cách tương tự là những nhà bình luận Thái Lan, những người đã nhấn mạnh rằng người Mỹ đã lựa chọn một nhân vật phân cực như ông Trump mà không chịu thua trước xung đột và hỗn loạn chính trị mà sự phân cực về nhân vật Thaksin Shinawatra đã dẫn đến ở chính đất nước họ. Theo quan điểm này, tình hình ở Mỹ do đó làm nổi bật việc Thái Lan, hiện dưới sự cai trị quân sự, trên thực tế đã rời xa như thế nào. Tuy nhiên, đó vẫn là những ngày đầu, và tình trạng chia rẽ của Thái Lan phải là một sự cảnh báo đối với Mỹ, nếu nó không thể hàn gắn những vết thương mà ông Trump đã mở ra. 

Các mối quan hệ Mỹ-Thái đã trải qua những khó khăn trong những năm Obama cầm quyền. Nhưng sự lựa chọn một tổng thống Mỹ có quan điểm hoàn toàn chống lại quan điểm của vị tổng thống đã mãn nhiệm và quyết tâm đảo ngược những thành tựu của người tiền nhiệm đã khiến cho giới tinh hoa Thái Lan tỏ ra thận trọng và hay yên lòng hơn là bớt căng thẳng và được bảo đảm. Trên hết, khi đề cập đến kinh tế và thương mại, triển vọng nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump làm cho họ lúng túng, ngay cả khi những phản ứng của họ đối với nó phản ánh sự thất vọng của họ với tình trạng chính trị của chính nước họ. 

Việt Nam: Đấu tranh cho sự tiếp tục 

Chiến thắng của Donald Trump làm nhiều nhà quan sát Việt Nam ngạc nhiên. Trước cuộc bầu cử, dư luận và truyền thông đã dự đoán một chiến thắng dành cho bà Clinton, người là ứng cử viên ưa thích được mong đợi theo đuổi các chính sách có lợi cho Việt Nam. 

Cuộc bầu cử được truyền thông Việt Nam đưa tin rộng rãi, một số trong đó cung cấp những phân tích chuyên sâu và tin tức truyền hình tại chỗ. Tuy nhiên, sau khi có kết quả, hầu hết các cơ quan truyền thông chính thức chính, như tờ Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam, vẫn có tư tưởng khá trung lập bằng việc đưa tin về kết quả bầu cử mà không bình luận về những ảnh hưởng của chiến thắng của ông Trump. 

Vào ngày 9/11/2016, sau khi đã rõ ràng là Donald Trump đã chiến thắng trong cuộc chạy đua, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng gửi một bức thư chúc mừng đến vị tổng thống đắc cử của Mỹ. Một phần của bức thư như sau: “Việt Nam luôn luôn đánh giá cao mối quan hệ thân thiện và hợp tác với Mỹ. Chúng tôi hy vọng rằng hai nước sẽ tiếp tục làm sâu sắc quan hệ đối tác toàn diện theo một cách thực tế, ổn định, bền vững và lâu dài, đặc biệt là về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, quốc phòng và an ninh, cũng như hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế”. 

Đáng lưu ý là trong bức thư, hai nhà lãnh đạo đã mời ông Trump đến thăm Việt Nam trong Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC được tổ chức ở Hà Nội vào năm 2017. Tuy nhiên, lời mời này không được đề cập đến trong các bản tin truyền thông hoặc thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao. Việc này có thể bởi vì các quan chức Việt Nam muốn tránh lúng túng trong trường hợp vị tổng thống mới kiên định thực hiện cương lĩnh chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa biệt lập và không xuất hiện tại hội nghị này. 

Trong những ngày sau cuộc bầu cử Mỹ, các quan chức và học giả Việt Nam đã bắt đầu thảo luận về những ảnh hưởng của chiến thắng của Trump đối với Việt Nam. Hầu hết các phân tích tập trung vào việc Chính quyền Trump sẽ xử lý TPP cũng như chiến lược tái cân bằng như thế nào. 

Vào ngày 17/11/2016, trả lời câu hỏi từ một thành viên Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý rằng do Chính quyền Trump không có khả năng để TPP được thông qua nên “không có đủ cơ sở” cho Chính quyền Việt Nam đệ trình hiệp định này lên Quốc hội để thông qua. Tuy nhiên, ông đã lưu ý rằng ngay cả khi không có TPP, Việt Nam sẽ cam kết làm sâu sắc thêm sự hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các biện pháp khác, bao gồm 12 thỏa thuận thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng các mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ sẽ cải thiện hơn nữa (dưới thời Chính quyền Trump). 

Phát biểu với các phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội vào ngày 10/11/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nói rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của cuộc bầu cử Mỹ, đặc biệt là về số phận của TPP. Ông cũng nhấn mạnh rằng cho dù TPP thất bại, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam sẽ vẫn không thay đổi, và đất nước này sẽ chuyển sang các FTA khác để bù đắp những tổn thất của TPP. 

Bình luận về các tác động của sự sụp đổ tiềm tàng của TPP đối với nền kinh tế Việt Nam, các nhà kinh tế Ngô Trí Long và Phạm Sỹ An thừa nhận rằng thành tích kinh tế của Việt Nam sẽ kém đi, đặc biệt là bởi vì đà cải cách của đất nước có thể chậm lại. Tuy nhiên, một số quan chức và học giả bày tỏ sự lạc quan rằng bất chấp giọng điệu theo chủ nghĩa bảo hộ trong chiến dịch tranh cử của Trump, TPP có thể vẫn có một cơ hội. 

Chẳng hạn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên tin rằng có một khoảng cách giữa giọng điệu trong chiến dịch tranh cử của Trump và các chính sách thực sự của ông một khi ông tiếp quản ghế tổng thống. Tương tự, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách Việt Nam (VEPR) Nguyễn Đức Thanh nêu lên ý kiến rằng không dễ dàng cho Trump từ bỏ TPP khi có sự chống lại từ một bộ máy hành chính cũng như từ quốc hội. Ông nói thêm rằng TPP “sẽ không phụ thuộc vào Trump hay bất cứ vị tổng thống Mỹ nào”, bởi vì Mỹ vẫn cần thỏa thuận thương mại để hỗ trợ các mục tiêu chính sách đối ngoại rộng hơn. Ông đã khẳng định rằng cho dù TPP thất bại, “một thỏa thuận khác thậm chí còn mạnh hơn” do Mỹ lãnh đạo sẽ có thể xuất hiện để thay thế nó. 

Trong khi đó, Viện phó Viện nghiên cứu chiến lược thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam, Trần Việt Thái, đã bình luận rằng TPP sẽ đối mặt với những trở ngại chính dưới thời Chính quyền Trump, mà sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các nước thành viên khác, bao gồm cả Việt Nam. Bình luận về các mối quan hệ Trung-Mỹ dười thời Trump, ông Thái đã cho rằng khuôn khổ tổng thể cho các mối quan hệ song phương sẽ được duy trì, nhưng những bất đồng giữa hai cường quốc có thể căng thẳng, đặc biệt là về thương mại, luật pháp, trật tự quốc tế và an ninh biển. Ông còn cho rằng nước Mỹ của Trump sẽ vẫn duy trì sự can dự của nó trong những tranh chấp Biển Đông do vấn đề này liên quan đến chiến lược tái cân bằng rộng hơn và phản ánh cam kết của nước này đối với châu Á-Thái Bình Dương cũng như các đồng minh. Tuy nhiên, ông cho rằng trong khi các nguyên tắc của Mỹ có thể vẫn không thay đổi, cách tiếp cận của Trump với vấn đề này có thể khác với cách tiếp cận của Chính quyền Obama. Về quan hệ Mỹ-Việt, ông nói bóng gió về khả năng tiếp tục chính sách của Mỹ đối với Hà Nội bằng việc nói rằng cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa đều đồng ý thúc đẩy hơn nữa các mối quan hệ song phương. 

Kết luận 

Đông Nam Á đang theo dõi sát sao vị tổng thống mới của Mỹ khi khu vực này chuẩn bị tinh thần cho những gì nhiều người lo sợ là một sự rút lui khỏi chiến lược tái cân bằng của Obama. Không được biết đến nhiều là những quan điểm của Trump về Đông Nam Á và ASEAN, điều làm tăng thêm những sự không chắc chắn và lo ngại về cách tiếp cận và sự can dự của chính quyền này với khu vực. Chắc chắn Mỹ không thể tách rời khỏi khu vực này nhưng những gì ít rõ ràng hơn là cách tiếp cận có vẻ “mang tính giao dịch” của Trump sẽ diễn ra thế nào trong khu vực. 

Tuyên bố công khai của Tổng thống Trump về việc Mỹ rút khỏi TPP được nhìn nhận với sự thất vọng ở khu vực này, đặc biệt trong các nước Đông Nam Á, như một sự báo hiệu cách tiếp cận “nước Mỹ trước tiên” của ông mà có thể có một hậu quả tiêu cực gián tiếp đến các nền kinh tế khu vực. Cảm giác lo lắng này lan sang lĩnh vực chính trị-chiến lược, với những quan ngại rằng chiến lược tái cân bằng có thể đi con đường của TPP. Việc giảm quy mô sự hiện diện và can dự của Mỹ ở khu vực này sẽ kiềm chế và hạn chế những lựa chọn chiến lược của Đông Nam Á đối với Trung Quốc. Việc Mỹ có thể tiếp tục được tính đến ở cấp chiến lược để kiềm chế những tham vọng khu vực của Trung Quốc hay không? Cảm giác lo sợ tăng lên gần đây với việc các vị trí cấp cao trong nội các do Trump bổ nhiệm (Bộ trưởng Quốc phòng, Đại sứ tại Liên hợp quốc và Cố vấn an ninh quốc gia) hầu như không có kinh nghiệm gì về châu Á. Những quan điểm gây tranh cãi của ông về đạo Hồi cũng không mấy dễ chịu ở các nước có đa số là người Hồi giáo, Indonesia và Malaysia. 

Cách tiếp cận mang tính giao dịch và ít mang tính tư tưởng hơn của Trump có thể thu được thành quả bất ngờ là cải hiện mối quan hệ song phương với Philippines và Thái Lan. Đây vẫn còn là những ngày đầu. Chỉ có thể thấy được bức tranh toàn cảnh về chính sách châu Á của Trump khi ông hoàn thành những bổ nhiệm trong nội các. Ông cũng sẽ có cơ hội cho thấy sự can dự tiếp tục của Mỹ với khu vực bằng cam kết ngay từ đầu tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Á và tổ chức hội nghị đầu tiên với các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng 11/2017. Khi khu vực này trông chờ những dấu hiệu tái đảm bảo, nó cũng hy vọng rằng mối quan hệ Trung-Mỹ sẽ không xuống dốc thành sự phô trương thanh thế công khai và thù địch.

Bài phân tích tổng hợp (từ các học giả Daljit Singh, Le Hong Hiep, Malcolm Cook, Mustafa Izzuddin, Michael J. Montesano, Ulla Fionna & Ye Htut) được chỉnh sửa và hiệu đính bởi hai học giả là Daljit Singh, Điều phối viên Chương trình Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Khu vực và Tang Siew Mun, Nghiên cứu viên Cao cấp, Chương trình Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Khu vực, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á – ISEAS, Viện Yosof Ishak. Bài phân tích được đăng trên ISEAS.

Trần Quang (gt)