Các động thái trên đây diễn ra trong bối cảnh NATO vừa kết thúc chiến dịch hỗ trợ phe nổi dậy ở Libi lật đổ Gaddafi và Tư lệnh tác chiến của hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert, tuyên bố châu Á sẽ là địa bàn chiến lược của Mỹ trong tương lai. Phải chăng một thế “chân vạc” đang hình thành tại châu Á? 

Theo phóng viên Lưu Tường Quang tại Xítni, với những chuyển biến gần đây tại Trung Đông và nhất là tại Libi, người ta có thể nhận định rằng Tổng thống Obama đang theo đuổi một chính sách có thể gọi là tương đối mới theo nghĩa tuy Mỹ là thành viên chỉ đạo của tổ chức NATO, nhưng trong trường hợp NATO có khả năng hành động thì Mỹ sẵn sàng đứng sau để hỗ trợ. Trong trường hợp NATO có khả năng đảm bảo an ninh ở Trung Đông và Bắc Phi thì Mỹ sẵn sàng đứng sau để hỗ trợ vì Mỹ đang trong tình trạng khó khăn về tài chính nên phải cắt giảm ngân sách quốc phòng. Do vậy, Mỹ sẽ chuyển hướng rõ rệt hơn sang châu Á.

Các hoạt động ngoại giao dồn dập - như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã đến Inđônêxia, hiện đang ở thăm Nhật Bản và sắp tới Hàn Quốc, cố vấn an ninh Mỹ Tom Donilon sắp đi Trung Quốc và sau đó là Ấn Độ, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Bill Burns sắp đi thăm Nhật Bản và Trung Quốc - phản ánh đường lối mà Ngoại trưởng Hillary Clinton đã công bố trên tạp chí Chính sách ngoại giao cách đây vài tuần. Bà Clinton cho rằng vấn đề kinh tế cũng quan trọng như vấn đề quốc phòng. Bà cũng nói sự hợp tác giữa Oasinhtơn-Niu Đêli-Bắc Kinh là thiết yếu để giải quyết nhiều vấn đề của thế kỷ 21 nên những hoạt động ngoại giao của Mỹ nằm trong sách lược này.
Những hoạt động ngoại giao dồn dập trên cũng có thể nhằm giải quyết các vấn đề khúc mắc, khó khăn giữa Oasinhtơn với Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan, để trấn an Tôkiô trong vấn đề phát triển quân sự tại Trung Quốc cũng như vũ khí hạt nhân tại Bắc Triều Tiên. Tất cả đều nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào với Tổng thống Obama bên lề Hội nghị APEC tại Hawaii sau đó tại Hội thị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) ở Inđônêxia (đều trong tháng 11). 

Mỹ rất quan tâm tới Biển Đông, nhất là vấn đề tự do hàng hải. Sự kiện Trung Quốc có thái độ phán quyết, hung hăng, sẵn sàng đe dọa vũ lực để khống chế các quốc gia nhỏ như Việt Nam và Philíppin là cơ hội tốt để Mỹ có thể trở lại Đông Nam Á, đặc biệt là phát triển và gần gũi hơn với ASEAN, đồng thời cũng để ASEAN thấy rằng Mỹ không vì những khó khăn hiện tại mà sao lãng vai trò tại châu Á-Thái Bình Dương. Trong bối cảnh này, quan hệ giữa Mỹ với Ấn Độ và Trung Quốc nhìn trên bàn cờ chính trị lâu dài sẽ thấy Mỹ không thể không chấp nhận thế giới trở thành đa cực. Và nhìn từ quan điểm của Trung Quốc, rõ ràng Bắc Kinh đang chuẩn bị đóng một vai trò quan trọng trong bối cảnh thế giới đa cực, và Ấn Độ cũng vậy. 

Tuy nhiên, tại châu Á, quan điểm của Niu Đêli cũng như của Bắc Kinh khác nhau ở chỗ trong một thế giới đa cực, Niu Đêli muốn thấy châu Á là khu vực đa cực, còn Bắc Kinh chỉ muốn thấy châu Á là vùng đơn cực với Bắc Kinh là thành phần chủ đạo.

Theo RFI (Tiếng Việt)

Thuỳ Anh (gt)