Trong những năm gần đây, đồng tiền chính thức của Trung Quốc, được biết đến là đồng Nhân dân Tệ (NDT), đã bắt đầu cạnh tranh trên vũ đài quốc tế với các đồng tiền dự trữ hàng đầu.

Theo một định nghĩa, các đồng tiền tạo thành cái được gọi là giỏ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) có quy chế tài sản dự trữ chính thức. SDR là một hình thức tiền tệ siêu quốc gia không dùng tiền mặt do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra từ đầu năm 1970.

Cho đến nay, các nước thành viên của IMF nắm giữ lượng dự trữ SDR tương đương 280 tỷ USD. Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ trong dự trữ quốc tế của các nước thành viên. Giá trị của tài sản SDR dựa trên một giỏ gồm một số loại tiền tệ. Hiện có 4 đồng tiền trong giỏ SDR: đồng đôla Mỹ (USD), đồng euro (EUR), đồng bảng Anh (GBP) và đồng yên Nhật (JPY). Đây là các loại tiền tệ dự trữ theo một nghĩa hạn hẹp. Việc đạt được vị thế này đẩy mạnh uy tín của đồng tiền và tạo ra thêm nhu cầu đối với nó trong các thị trường tài chính toàn cầu.

Năm năm trước đây Trung Quốc đã đề xuất bổ sung thêm đồng NDT khi IMF xem xét thành phần của giỏ SDR, nhưng yêu cầu đó đã kiên quyết bị từ chối. Trong 5 năm tiếp theo, Trung Quốc đã kiên trì chuẩn bị một nỗ lực mới nhằm biến đồng NDT thành đồng tiền dự trữ chính thức. Các nỗ lực của Bắc Kinh có hai hướng. Một mặt, Trung Quốc tiếp tục sự mở rộng thương mại và tài chính ra toàn cầu, tăng cường khả năng kinh tế của nước này và đẩy mạnh số lượng các giao dịch bằng đồng NDT trên các thị trường quốc tế. Và mặt khác, Bắc Kinh cũng thực hiện một số điều chỉnh đối với chính sách tiền tệ và tài chính quốc gia của mình. Các điều chỉnh đó về cơ bản khiến cho đồng NDT trở thành một đồng tiền dễ trao đổi hơn, phù hợp với đòi hỏi của IMF và giảm bớt sức ảnh hưởng của nhà nước đối với tỷ giá hối đoái đồng NDT (cũng là một đòi hỏi của IMF).

Thành công của Trung Quốc ở mặt đầu tiên có vẻ rất có sức thuyết phục. Về mặt Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dựa trên ngang giá sức mua, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ, chiếm vị trí hàng đầu trên thế giới. Trung Quốc cũng là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Thương mại xuất-nhập khẩu của Trung Quốc ngày càng được thực hiện bằng đồng NDT, với USD, Euro và các đồng tiền dự trữ khác bị tụt lại đằng sau. Tín dụng thư được sử dụng rất phổ biến để thanh toán các khoản nợ trong thương mại quốc tế. Vào tháng 1/2012, 1,89% số tín dụng thư trên thế giới đã được mở bằng đồng NDT, một con số đã tăng lên tới 9,43% 3 năm sau đó. Để cho thật chính xác, con số đó vượt qua số tín dụng thư được đưa ra bằng đồng Euro.

Vai trò của đồng NDT trong tất cả thanh toán quốc tế (trong thương mại quốc tế cũng như các giao dịch thông thường và giao dịch vốn) đang gia tăng. Năm 2012, đồng NDT chỉ là đồng tiền được sử dụng phổ biến thứ 12 trong các thanh toán quốc tế. Nhưng tới tháng 8/2015, 2,79% thanh toán quốc tế được thực hiện bằng đồng NDT (dựa trên giá trị các giao dịch), so với mức 2,34% vào tháng 7. Lần đầu tiên, đồng NDT đã vượt qua đồng yên Nhật theo thước đo này. Đồng tiền của Trung Quốc xếp thứ 4 trong danh sách các đồng tiền được sử dụng nhiều nhất của thế giới, sau đồng USD, Euro và bảng Anh. Hơn nữa, đồng NDT thực tế đã là một đồng tiền dự trữ ở một số nước, do các ngân hàng trung ương đó đưa đồng tiền của Trung Quốc vào dự trữ quốc tế của họ. Tổng dự trữ quốc tế chính xác bằng đồng NDT là không rõ.

Cũng đã có những sự thay đổi lớn ở mặt thứ hai, nhưng Washington đang làm hết sức để ngăn cản các kế hoạch của Bắc Kinh. Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan chính phủ khác của Mỹ đã cáo buộc Bắc Kinh hạ giá đồng NDT quá mức. Trên thực tế, có những nghi ngờ rằng Trung Quốc đang tiến hành một cuộc chiến tranh tiền tệ. Washington đã đưa ra các cáo buộc chống lại Bắc Kinh, quả quyết rằng sự sụt giá nhẹ của đồng NDT hồi mùa Hè năm 2014 không phải là kết quả của các quá trình thị trường mà là hệ quả của các hành động có suy tính thận trọng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Và Washington cho rằng nhiều hạn chế đối với vốn nước ngoài trong nền kinh tế Trung Quốc trên thực tế là những hạn chế nghiêm trọng đối với khả năng hoán đổi tự do của đồng NDT. Đến cuối mùa Hè 2014, nhiều quan chức của Mỹ đã liên tục tuyên bố rằng họ không ủng hộ ý tưởng đưa đồng NDT vào giỏ SDR.

Tuy nhiên, giọng điệu chung của Washington đã thay đổi vào mùa Thu. Điều đó xảy ra sau chuyến công du tới Mỹ hồi tháng 9 của Tập Cận Bình. Bắc Kinh đã cực kỳ khó chịu bởi thực tế rằng Washington đã theo một đường hướng chống lại các cải cách của IMF. Năm 2010, ban lãnh đạo của quỹ này (24 giám đốc điều hành) đã quyết định xem xét lại hạn ngạch được phân bổ cho các nước thành viên của nó (hạn ngạch vốn và phiếu bầu), do vị thế kinh tế và tài chính đã thay đổi của các nước đó. Mặc dù tiềm lực kinh tế của Mỹ và Trung Quốc, do GDP và thương mại quốc tế đánh giá, hiện nay xấp xỉ bằng nhau, quyền biểu quyết được phân định của họ trong quỹ này không thể so sánh được. Phần đóng góp của Mỹ là hơn 17%, trong khi của Trung Quốc chỉ là 3,8%. Mỹ và các đồng minh G7 của nước này kiểm soát 43% lá phiếu trong IMF. Tình thế này rất có lợi cho Washington, đó là lý do tại sao trong 5 năm qua họ đã ngăn chặn sự phê chuẩn của hội nghị về quyết định điều chỉnh hạn ngạch của ban điều hành quỹ này.

Trong những năm gần đây, chính sách của Mỹ đối với IMF đã biến Trung Quốc từ đối tác của Mỹ thành kẻ thù của nước này. Dù có chủ ý hay không, Washington đã cổ vũ sự đoàn kết giữa các nước BRICS. Năm 2015, Ngân hàng BRICS đã được thành lập, ngân hàng này có thể trở thành một sự lựa chọn thay thế cho IMF. Bắc Kinh đang đóng một vai trò mang tính quyết định trong việc thiết lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), mà có thể là một sự lựa chọn thay thế khác cho IMF.

Washington đã bị buộc phải thực hiện một sự nhượng bộ mang tính chiến thuật khi họ giảm bớt sự phản đối của mình đối với việc đưa đồng NDT vào giỏ SDR. Vào giữa tháng 11, giám đốc điều hành của IMF, Christine Lagarde và các chuyên gia của quỹ này đã khuyến nghị đưa đồng NDT vào giỏ SDR – một động thái mà Bắc Kinh đã chờ đợi từ lâu. Tuy nhiên, ý muốn mạnh mẽ đó sẽ không có hiệu lực cho đến ngày 1/10/2016 – một sự trì hoãn kéo dài 10 tháng. Có lẽ Washington phải chịu trách nhiệm cho sự trì hoãn này, với hy vọng kìm chân Bắc Kinh trong một khoảng thời gian ngắn. Tác giả bài viết này cho rằng nếu cần thiết, Washington có thể sẽ buộc IMF phải “đóng băng” bất cứ quyết định nào về việc thực thi quyết định được đưa ra ngày 30/11/2015.
Các phân tích đầu tiên đã xuất hiện về việc quy chế chính thức mới của đồng NDT với tư cách là một đồng tiền dự trữ sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc như thế nào. Các chuyên gia dự đoán rằng sẽ có thêm một dòng vốn trị giá 600 tỷ USD dưới dạng tài sản dựa trên đồng NDT vào năm 2020.

Tuy nhiên, cũng có những phản ứng tiêu cực, chỉ ra mối nguy hiểm của việc tỷ giá hối đoái đồng NDT tăng lên đột ngột, điều sẽ làm suy yếu thị trường xuất khẩu Trung Quốc vốn đang phát triển không bền vững.

Nhưng dù điều đó có thể xảy ra, Bắc Kinh vẫm cảm thấy hoan hỉ. Phần đóng góp của đồng NDT đã được thiết lập ở mức 10,92%. Trong khi phần đóng góp của đồng USD sẽ giảm một mức chỉ mang tính biểu tượng: từ 41,9% xuống 41,73%, chính đồng euro mới là đồng tiền sẽ chủ yếu cảm nhận được sự thu hẹp này, từ mức 37,4% tụt xuống mức 30,93%. Phần đóng góp của đồng bảng Anh cũng sẽ sụt giảm (từ 11,3% xuống 8,09%), cũng như đồng yên Nhật (từ 9,4% xuống 8,33%). Điều này có nghĩa rằng phần đóng góp của hai đồng tiền châu Âu (đồng Euro và đồng bảng Anh) trong giỏ SDR sẽ giảm xuống gần 10 điểm phần trăm. Cũng đáng lưu ý là, một khi được bỏ phiếu tham gia câu lạc bộ này, đồng NDT sẽ ngay lập tức chiếm vị trí số 3, thay thế đồng yên Nhật và đồng bảng Anh.

Người ta có thể cho rằng, giành được quy chế đặc biệt này đối với đồng NDT, Bắc Kinh trong tương lai gần cũng sẽ nỗ lực để mang lại các cải cách trong IMF. Trước hết, điều này có thể đồng nghĩa với tuân thủ các quyết định điều chỉnh hạn ngạch hồi năm 2010 của ban điều hành. Thứ hai – thông qua một công thức mới để tính toán hạn ngạch (một công thức phản ánh chính xác hơn địa vị của các nước thành viên quỹ này trong nền kinh tế toàn cầu). Thứ ba – chuẩn bị cho các điều chỉnh hạn ngạch mới (kể từ năm 2015).

Nỗ lực đang diễn ra của Bắc Kinh để tìm được vị thế của mình trong IMF chứa đầy rủi ro cao. Một số chính trị gia của Mỹ đã đưa ra các kiểu bình luận như sau về tương lai của IMF: quỹ này chỉ hữu ích đối với Washington chừng nào mà Mỹ nắm giữ “phần đóng góp áp đảo” trong IMF, và chừng nào họ có thể sử dụng quỹ này như một công cụ chính sách đối ngoại của mình.
Nếu Trung Quốc và các nước khác lấy đi của Mỹ phần đóng góp áp đảo của nước này trong IMF, sẽ không còn bất kỳ lý do nào để Washington và các đồng minh của mình tiếp tục duy trì tư cách thành viên của họ trong tổ chức đó. Điều thú vị là liệu Bắc Kinh có thể ghi nhớ điều này hay không khi mà họ đang chuẩn bị leo lên các tầm cao mới trong quỹ này.

Theo The News Doctors

Văn Cường (gt)