Hiện nay, có ba vấn đề chính liên quan đến tranh chấp Biển Đông, đó là chủ quyền lãnh thổ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và quyền chủ quyền đối với các vùng biển. Năm quốc gia và một thực thể, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan đã đưa ra yêu sách đối với toàn bộ hoặc một phần của quần đảo Trường Sa. Riêng đối với quần đảo Hoàng Sa là đối tượng tranh chấp song phương của Việt Nam và Trung Quốc. Đồng thời, việc phân định Biển Đông còn phức tạp thêm bởi các yêu sách chồng lấn về thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế và “các yêu sách lịch sử” khác của các quốc gia ven biển.
 
Bên cạnh các tranh chấp song phương và đa phương khác tại Biển Đông mang tính kỹ thuật và cơ bản đã và sẽ được giải quyết, tranh chấp chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là phức tạp và kéo dài nhất. Phức tạp do các vấn đề về chiến lược, pháp lý, kinh tế và sự chồng chéo về lợi ích, sự đan xen giữa đối nội và đối ngoại của các nước liên quan. Ngoài các yếu tố về chủ quyền, tinh thần dân tộc, vị trí địa chiến lược, việc sở hữu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ảnh hưởng đến việc phân định các vùng biển tại Biển Đông và biên giới trên biển giữa các nước, và qua đó là các quyền lợi to lớn về mặt kinh tế: năng lượng, thủy hải sản, hàng hải... Các tranh chấp về lãnh thổ và các vùng biển mang tính lịch sử, đã kéo dài qua ba thế kỷ, mỗi thời kỳ có các nhân tố và diễn biến mới và hiện nay các hướng giải quyết vẫn còn để ngỏ.
 
Sau một thời gian tình hình bề ngoài của các tranh chấp có vẻ dịu đi, đến nay về thực chất các tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên tại đây vẫn còn hiện hữu và ảnh hưởng đến an ninh và phát triển của Việt Nam. Tính đến Việt Nam chúng ta cũng là một bên trong tranh chấp, có những quyền lợi chính đáng và sống còn liên quan đến vùng biển này, việc nghiên cứu một cách tổng thể, mang tính hệ thống, đa ngành về Biển Đông và các tranh chấp lãnh thổ liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và việc phân định vùng biển xung quanh, đặc biệt là các giải pháp khả thi là việc làm cần thiết và mang tính thực tiễn cao.
 
Chương trình nghiên cứu Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao có mục tiêu nghiên cứu khoa học, tập hợp dữ liệu, vận hành website, trao đổi học thuật và hợp tác nghiên cứu trong nước và quốc tế một cách tổng thể, hệ thống về các khía cạnh liên quan đến tranh chấp Biển Đông nhằm rút ra các luận cứ khoa học, đồng thời tăng cường năng lực nghiên cứu của Việt Nam về các lĩnh vực này.
 
Trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu Biển Đông, hội thảo lần này được tổ chức nhằm mục đích tập hợp trí tuệ các cán bộ lão thành, các nhà nghiên cứu thuộc các cơ quan nhà nước, các trường đại học, trung tâm khoa học ở Việt nam trao đổi học thuật, tiếp cận đa ngành về các khía cạnh lịch sử, luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế liên quan đến tình hình Biển Đông để thống nhất nhận thức, tăng cường hiểu biết, rút ra các nhận định gợi ý cho việc kiến nghị chính sách.
Các nội dung chính bao gồm:
 
1. Lịch sử quá trình tranh chấp chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển tại Biển Đông. Tập trung vào lịch sử quá trình tranh chấp chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển tại Biển Đông : trước thế chiến 2, từ 1945-1975, từ 1975-1991, từ 1991-nay và các quá trình đàm phán ngoại giao xung quanh chủ quyền trên biển.
 
2. Luật pháp quốc tế và các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.  Sức nặng pháp lý của các yêu sách và luận chứng của các bên tranh chấp. Sự phát triển của luật pháp quốc tế và việc áp dụng vào các tranh chấp tại Biển Đông. Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982. Các tiền lệ án, tập quán quốc tế liên quan đến việc giải quyết các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Khả năng đưa các vấn đề tranh chấp ra trọng tài hoặc tòa án quốc tế và các hệ quả có thể.
 
3. Biển Đông và quan hệ quốc tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nghiên cứu tranh chấp Biển Đông đặt trong tổng thể quan hệ quốc tế tại Châu Á-Thái Bình Dương.  Lợi ích, lập trường, vai trò và chính sách của các nước liên quan trong khu vực Đông Nam Á và của các cường quốc ngoài khu vực đối với các tranh chấp tại Biển Đông.
 
Hội thảo mang tính mở, thuần túy khoa học, các đại biểu tham gia phát biểu dưới góc độ cá nhân. Các kiến nghị chính sách cụ thể xin đề nghị gửi cho ban tổ chức hội thảo./.
 
Đặng Đình Quý, Phó giám đốc Học viên Ngoại giao