Ông đã làm công nhân nông trường 5 năm trong Cách mạng Văn hóa trước khi vào học tại trường Đại học Sư phạm Thượng Hải. Trong suốt sự nghiệp ngoại giao rộng lớn của mình, ông cũng từng làm Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản và Thứ trưởng Ngoại giao. Ông đã có cuộc trò chuyện với chủ bút tạp chí Foreign Affairs – Jonathan Tepperman tại đại sứ quán mới của Trung Quốc được I.M.Pei thiết kế một vài tuần sau khi ông trình thư ủy nhiệm lên Tổng thống Barack Obama. 

+ Vừa đặt chân tới Washington , ông có đánh giá như thế nào về tình trạng quan hệ Mỹ-Trung? 

– Trong vòng 4 năm qua, các mối quan hệ đang tiến triển một cách vững chắc, mặc dù đôi lúc chúng ta mong muốn chúng có thể tiến triển nhanh hơn. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Obama đã gặp gỡ 12 lần trong vòng 4 năm qua. Điều này là khá hiếm hoi, ngay cả giữa Mỹ và các đồng minh của mình; điều này chắc chắn là hiếm hoi đối với quan hệ của Trung Quốc với các nước khác. Hiện giờ chúng tôi có một tập thể lãnh đạo mới ở Trung Quốc, chúng tôi phải dành thời gian cho quá trình chuyển giao. Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Obama đã có một cuộc đối thoại rất tốt đẹp qua điện thoại (sau khi ông Tập Cận Bình nhậm chức một thời gian ngắn) và đã tái xác nhận rằng họ sẽ nỗ lực hết sức để có một mối quan hệ đối tác mang tính hợp tác. 

+ Những ưu tiên của ông là gì với tư cách là đại sứ? 

– Trước tiên, tôi phải đảm bảo rằng tần suất các cuộc gặp gỡ cấp cao sẽ vẫn tiếp tục và các cơ chế giữa hai nước mà chúng ta gây dựng nên cũng tiến triển và cải thiện khi cần thiết. 

+ Nhiều người dường như đang lo lắng rằng mối quan hệ đang trôi xuôi. Chủ tịch Tập Cận Bình đã tìm thấy thứ có vẻ giống một mô hình mới, cái ông gọi là “một dạng quan hệ đối tác nước lớn mới” khi đề cập đến nó. Điều ông Tập muốn nói là gì? 

– Tôi nghĩ rằng có một sự hiểu biết chung rõ ràng giữa hai chính phủ về sự cần thiết phải có một mối quan hệ mang tính xây dựng và vững chắc để mối quan hệ đối tác của chúng ta dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và lợi ích cho cả hai bên. Đó là mục tiêu của chúng tôi. Đối với khái niệm về dạng quan hệ mới giữa hai nước chúng ta, đó cũng là mục tiêu của chúng tôi. Nhưng tất nhiên, đây là một mục tiêu lâu dài, điều đó có nghĩa rằng chúng ta phải tốn nhiều công sức hơn cho nó. Trong quá khứ, khi một nước lớn phát triển rất nhanh chóng và đạt được tầm ảnh hưởng quốc tế, nước này được xem như đang tham gia một dạng trò chơi được mất ngang nhau đối với các nước lớn đang tồn tại. Điều này thường dẫn đến xung đột hoặc thậm chí chiến tranh. Hiện giờ, cả Trung Quốc và Mỹ đều có quyết tâm nhằm không cho phép lịch sử lặp lại. Chúng tôi sẽ phải tìm ra một con đường mới cho một nước lớn đang phát triển và một nước lớn đang tồn tại để cùng cộng tác mà không chống lại nhau. 

+ Các học giả đôi khi phân biệt giữa các nước lớn chủ trương giữ nguyên và các nước lớn theo chủ nghĩa xét lại, lập luận rằng các vấn đề nảy sinh chỉ khi các nước lớn mới là nước lớn theo chủ nghĩa xét lại và muốn thay đổi luật chơi. Vậy Trung Quốc thuộc loại nào? 

– Quá đơn giản khi đặt Trung Quốc và Mỹ vào cùng một phạm trù nước lớn. Mỹ vẫn phát triển hơn nhiều và hùng mạnh hơn nhiều. Trung Quốc khổng lồ nhưng vẫn là một nước đang phát triển, dù là về phương diện kinh tế, khoa học, công nghệ, hay sức mạnh quân sự. Ở nhiều khía cạnh, chúng tôi vẫn còn một chặng đường dài để đi trước khi chúng tôi được nhìn nhận là ngang hàng so với Mỹ. Đối với việc liệu chúng tôi có đang tìm cách thay đổi luật chơi hay không, nếu bạn nhìn vào lịch sử gần đây kể từ khi Trung Quốc cải cách và mở cửa, có một sự hòa nhập rõ ràng của Trung Quốc vào trật tự toàn cầu hiện giờ. Chúng tôi giờ là thành viên của rất nhiều thể chế quốc tế, không chỉ Liên hợp quốc mà còn cả Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Chúng tôi đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Chúng tôi đang tham gia nhiều cơ chế khu vực. 

Như vậy chúng tôi sẵn sàng hội nhập vào hệ thống toàn cầu, và chúng tôi sẵn sàng tuân thủ các quy tắc quốc tế. Tất nhiên, những quy tắc này đã được thiết lập mà không có sự tham gia nhiều của Trung Quốc, và thế giới đang thay đổi. Bạn không thể nói rằng những quy tắc đã được thiết lập từ nửa thế kỷ trước vẫn có thể được áp dụng đến tận bây giờ mà không có bất kỳ thay đổi nào. Nhưng điều chúng tôi muốn không phải là một cuộc cách mạng. Chúng tôi ủng hộ việc cải cách cần thiết hệ thống quốc tế, nhưng chúng tôi không có ý định lật đổ nó hay thiết lập một hệ thống hoàn toàn mới. 

+ Loại quy tắc nào Trung Quốc thấy cần thiết phải được điều chỉnh? 

– Vài năm trở lại đây, chúng ta đã có G-20. Cơ chế này còn khá mới mẻ. Nó khác với G-7 hoặc G-8. G-20 bao gồm tất cả các nước lớn hiện tại và cả những nước như Ấn Độ, Brazil , Nam Phi và Nga. Trung Quốc cũng là một thành viên của G-20, và chúng tôi đang đóng một vai trò quan trọng trong đó. Lần đầu tiên trong lịch sử, những nước này ngồi cùng một bàn ngang hàng nhau và thảo luận các vấn đề lớn về tài chính và kinh tế thế giới. Đây chính là kiểu thay đổi mà chúng tôi mong muốn có được. 

+ Người Mỹ đôi khi hoài nghi liệu Trung Quốc có thực sự sẵn sàng giúp đỡ giải quyết các vấn đề quốc tế quan trọng hay không. Hãy lấy ví dụ Syria : Chính phủ Mỹ đang tìm cách xây dựng một liên minh quốc tế để giải quyết cuộc nội chiến ở đó, và nước Mỹ cảm thấy rằng Trung Quốc không thực sự hợp tác. 

– Nếu chúng ta thực sự nghiêm túc trong việc xây dựng một dạng quan hệ đối tác mới, chúng ta phải cùng thích nghi và thấu hiểu lẫn nhau. Không phải là chúng tôi chỉ giúp nước Mỹ, hoặc nước Mỹ chỉ giúp đỡ chúng tôi. Chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta phải nỗ lực nhìn nhận các vấn đề từ quan điểm của bên kia. Chúng tôi chắc chắn không muốn có hỗn loạn và nội chiến ở Syria hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Chúng tôi hiểu rằng có những bất đồng chính trị trong đất nước này. Nhưng chúng tôi luôn tuân theo nguyên tắc rằng những vấn đề ở một nước cụ thể nên được quyết định bởi người dân của chính nước đó, chứ không phải chúng ta, không phải bởi những người ngoài cuộc. Điều này không phụ thuộc vào việc Trung Quốc hay Mỹ quyết định tương lai của nước đó. 

+ Nhưng theo học thuyết “Trách nhiệm bảo vệ” (R2P), điều được hầu hết các thành viên Liên hợp quốc tán thành, khi một nhà lãnh đạo tàn sát người dân của ông ta với một số lượng lớn, cộng đồng quốc tế giờ đây có một trách nhiệm, hay ít nhất là một quyền để can thiệp. Ông nói rằng người dân Syria nên quyết định hình thức chính phủ của chính họ. Nhưng người dân Syria đã cố gắng làm điều đó, và chính phủ của họ đang tàn sát họ. 

– Thẳng thắn mà nói, kiểu lý thuyết này không phải lúc nào cũng tỏ ra thành công. Khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến tại Iraq , người ta cũng nói về trách nhiệm bảo vệ người dân Iraq, hoặc loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng kết quả cuối cùng là rõ ràng. Ai đang bảo vệ ai, và ai bảo vệ cái gì? Điều này hiện vẫn còn phải tranh luận. 

+ Cả Bắc Kinh lẫn Washington đều mong muốn một bán đảo Triều Tiên hòa bình và không có hạt nhân. Nhưng dường như Trung Quốc và Mỹ không hợp tác chặt chẽ như khả năng mà họ có thể. Tại sao lại như vậy? 

– Trung Quốc và Mỹ có nhiều lợi ích chung đối với Triều Tiên, nhưng chúng ta vẫn còn một chút khác biệt trong cách tiếp cận để làm thế nào đạt được những mục tiêu chung. Chừng nào Trung Quốc còn liên quan, chúng tôi có 3 yếu tố chủ chốt trong chính sách đối với Bán đảo Triều Tiên. Đầu tiên, chúng tôi ủng hộ sự ổn định. Thứ hai, chúng tôi ủng hộ phi hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Thứ ba, chúng tôi ủng hộ các biện pháp hòa bình. 3 yếu tố này là có liên quan với nhau; bạn không thể có một nếu thiếu hai yếu tố còn lại. 

+ Dường như Bắc Kinh gần đây thất vọng hơn với Bình Nhưỡng và sẵn sàng gây áp lực đối với Bình Nhưỡng hơn. Điều này có đúng không, và có phải Trung Quốc đang bắt đầu tạo khoảng cách với Triều Tiên? 

– Về mặt địa lý, chúng tôi không thể tạo khoảng cách với Triều Tiên. Đó là vấn đề của chúng tôi – Triều Tiên rất gần với chúng tôi. Bất kỳ sự hỗn loạn hay một xung đột vũ trang nào trên Bán đảo Triều Tiên cũng sẽ có tác động lớn tới những lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc. Chúng tôi phải luôn ghi nhớ điều này mọi lúc. Và ảnh hưởng của chúng tôi đối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên có thể không đúng như những gì mà truyền thông đã đưa tin. Tất nhiên, là láng giềng và là những người bạn lâu năm, chúng tôi cũng có ảnh hưởng nào đó ở đó. Nhưng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là một quốc gia có chủ quyền. Họ có thể chọn không nghe theo chúng tôi. Họ có thể từ chối bất cứ điều gì chúng tôi đề nghị. 

+ Nhưng Trung Quốc có những cách gây áp lực có một không hai lên Triều Tiên, ví dụ như cắt nguồn cung cấp năng lượng. 

– Chúng tôi cung cấp, và vẫn tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên. Điều này liên quan nhiều đến nhân dân Triều Tiên và hầu như không có gì liên quan đến tham vọng (của các nhà lãnh đạo), đặc biệt là chương trình hạt nhân. Chúng tôi chống lại điều đó. Họ biết khá rõ điều này. Họ biết Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận chương trình hạt nhân của họ. Chúng tôi phản đối những thử nghiệm hạt nhân của họ. Đó là lý do tại sao chúng tôi bỏ phiếu ủng hộ các biện pháp trừng phạt tại Hội đồng Bảo an. 

+ Vậy Trung Quốc có sẵn sàng áp dụng những biện pháp mạnh hơn nếu Triều Tiên tiếp tục hành động một cách hung hăng? 

– Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đạt được mục tiêu của mình là phi hạt nhân và ổn định. Nhưng chúng tôi phải suy nghĩ làm thế nào để bất cứ điều gì chúng tôi làm sẽ phục vụ cho mục tiêu dài hạn của mình. Nếu chúng tôi làm một điều gì đó dẫn đến tình hình leo thang, điều đó sẽ làm thất bại các mục đích của chính chúng tôi. 

+ Nhưng Trung Quốc mạnh hơn Triều Tiên rất nhiều. 

– Vâng, nước Mỹ thậm chí còn mạnh hơn rất nhiều, nhưng liệu điều đó có thay đổi được cách hành xử của Triều Tiên hay không? Tôi không nghĩ rằng Mỹ thành công cho lắm cho tới thời điểm hiện tại. 

+ Ông có nghĩ rằng sự “xoay trục” của Washington sang châu Á có thực sự đại diện cho một điều gì đó mới mẻ, và điều này có đang gây tổn hại cho mối quan hệ Mỹ-Trung hay không? 

– Nước Mỹ có một lợi ích lâu dài ở châu Á – Thái Bình Dương. Có thể trong một thập kỷ qua, Mỹ đã tập trung quá nhiều vào Trung Đông – vào Iraq và Afghanistan – đến mức một số người ở Mỹ tin rằng điều này đã làm mất đi những lợi ích của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. Nhưng Mỹ không bao giờ loại bỏ những căn cứ của mình ở khu vực này, vì vậy Mỹ không cần phải “xoay trục”. Nó đã ở đây rồi. 

+ Nhưng một số người Mỹ cho rằng cuộc thảo luận về sự “xoay trục”, gửi lính Mỹ tới Australia, thiết lập nên một mối quan hệ đối tác thương mại mới mà không bao gồm Trung Quốc... là một sai lầm, bởi vì những động thái này sẽ gây ấn tượng rằng Mỹ thù địch và đang tìm cách cô lập Trung Quốc. Người Trung Quốc có cảm thấy như vậy không? 

– Một số người Trung Quốc thật sự có quan điểm như vậy. Nhưng Trung Quốc ngày nay là một xã hội đa dạng hơn rất nhiều. Người ta có thể tìm thấy tất cả các loại quan điểm. Trong năm qua, đã có một nỗ lực nghiêm túc về phía Mỹ nhằm tìm cách xây dựng chính sách châu Á – Thái Bình Dương của mình một cách toàn diện hơn. Những quan chức Mỹ đến thăm Bắc Kinh luôn tìm cách giải thích với chúng tôi rằng những gì họ gọi là sự “xoay trục”, hay “tái cân bằng”, không nhằm chống lại Trung Quốc, và Trung Quốc sẽ là một phần quan trọng trong đường hướng mới này. Chúng tôi lắng nghe những phát biểu này rất thận trọng. Nhưng tất nhiên, chúng tôi phải chờ đợi và xem điều gì sẽ xảy ra trong thực tế. Chẳng hạn, chúng tôi đang theo dõi các cuộc đàm phán Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) rất chặt chẽ, những vẫn còn quá sớm để đi đến kết luận rằng TPP chống lại bất kỳ quốc gia cụ thể nào. 

+ Quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ, Tướng Martin Dempsey, gần đây đã tới Bắc Kinh để nói chuyện trực tiếp với người đồng cấp Trung Quốc của ông về không gian mạng, cái đã trở thành nguồn gốc lớn gây ra tình trạng căng thẳng giữa hai nước. Người Mỹ cảm thấy rằng Trung Quốc đang làm không đủ để ngăn chặn những cuộc tấn công mạng nhắm vào nước Mỹ hoặc đang thực sự chỉ đạo những cuộc tấn công đó. Liệu Trung Quốc có sẵn lòng ngừng chúng lại, và nếu như vậy, đến lượt mình Trung Quốc mong đợi gì?

– An ninh mạng là một vấn đề mới đối với cộng đồng quốc tế nói chung. Trước tiên, các công nghệ là rất mới mẻ, còn các cuộc tấn công lại vô hình. Theo truyền thống, nếu bạn nhận thấy một mối đe dọa, nó có thể được nhìn thấy. Đó là điều tự nhiên. Nhưng điều này không đúng trong không gian mạng. Thứ hai, có rất ít điều lệ quốc tế được thiết lập cho những dạng vấn đề này. Vì vậy, chúng tôi phải lập ra một loạt quy tắc quốc tế mới để tất cả mọi người làm theo. Thứ ba, nếu chúng ta nhìn vào sự phát triển của công nghệ thông tin và bản thân ngành công nghiệp này, Mỹ tiến bộ hơn nhiều so với Trung Quốc. Vì vậy, một cách hợp lý, tôi nghĩ rằng nước yếu hơn cần lo ngại nhiều hơn về nước mạnh hơn. Nước mạnh hơn ở một vị trí tốt hơn cả để bảo vệ chính bản thân nước đó lẫn để có thể tiếp tục cuộc tấn công nhắm vào những nước khác. 

+ Tuy nhiên, các máy tính thương mại và quân sự của Mỹ bị tấn công mọi lúc từ nước ngoài, và nhiều cuộc tấn công này dường như bắt nguồn từ Trung Quốc. Báo New York Times đã lần ra được một số cuộc tấn công này tới từ một tòa nhà cụ thể ở Thượng Hải vốn được kết nối với quân đội Trung Quốc. Vì vậy, nhiều người đã kết luận rằng Chính phủ Trung Quốc, hoặc một vài lực lượng bên trong đó, có dính líu vào các cuộc tấn công. 

– Tôi không nghĩ rằng cho đến nay có bất cứ ai có thể đưa ra những bằng chứng thuyết phục, những bằng chứng có thể được đưa ra tại tòa án, để chứng minh rằng thực sự có ai đó ở Trung Quốc, là công dân Trung Quốc đã làm những việc này. Các cuộc tấn công mạng có thể đến từ bất cứ nơi nào trên thế giới. Ngay cả khi bạn có thể xác định vị trí của một máy tính, bạn vẫn không thể nói rằng máy tính đó thuộc về chính phủ của nước cụ thể nào hoặc thậm chí là những kẻ làm điều này có phải là công dân của nước đó hay không. Điều này rất khó chứng minh. Một số lượng lớn các máy tính của Trung Quốc, các công ty Trung Quốc, cũng như các cơ quan chính phủ Trung Quốc cũng đã bị tin tặc tấn công. Nếu chúng ta lần theo các cuộc tấn công, có thể một vài trong số đó, hoặc thậm chí là hầu hết trong số đó đến từ Mỹ. Nhưng chúng tôi không ở vị trí để có thể kết luận rằng các cuộc tấn công này được tài trợ hay hỗ trợ bởi chính phủ Mỹ. Đó không phải là một cách hành xử có trách nhiệm khi tuyên bố điều này. 

+ Vậy ông có phủ nhận những cáo buộc của Mỹ không? 

– Tôi nghĩ rằng nếu họ đưa ra cáo buộc, họ phải cung cấp cho chúng tôi bằng chứng, bằng chứng thuyết phục. Chưa ai làm điều đó. Điều quan trọng là chính phủ cả hai nước phải ngồi xuống, thiết lập ra một loạt quy tắc mới, và tìm hiểu những cách thức mà chúng ta có thể làm việc cùng nhau để ngăn không cho các cuộc tấn công như vậy tiếp tục xảy ra. 

+ Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang ở trong một vòng xoáy đi xuống rất nguy hiểm vào thời điểm này. Các tàu vũ trang Trung Quốc bắt đầu thường xuyên đối đầu với tàu vũ trang Nhật Bản xung quanh khu vực tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku, gây rủi ro tiến tới một cuộc đối đầu bạo lực. Trung Quốc và Nhật Bản chia sẻ các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ, nhưng cả hai nước dường như chưa sẵn sàng để giải quyết vấn đề này. Tại sao lại như vậy? 

– Vấn đề này có một lịch sử lâu dài. Quần đảo này khởi đầu là thuộc lãnh thổ Trung Quốc, nhưng vào cuối thế kỷ 19, do cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Nhật Bản đã hành động để đưa các quần đảo này vào trong quyền tài phán về lãnh thổ của nước họ. Khi Mỹ trả lại đảo Okinawa cho Nhật Bản (năm 1972), cũng bao gồm cả đảo Điếu Ngư. Chúng tôi đã phản đối và làm rõ ràng vào thời điểm đó. Vì vậy, Trung Quốc có một lập trường nhất quán về chủ quyền đối với quần đảo này. Chẳng có nghi ngờ gì về điều này cả. 

Mặt khác, chúng tôi cũng hiểu rằng những vấn đề này cần nhiều thời gian để giải quyết, và chúng ta không vội vàng giải quyết chúng một sớm một chiều. Khi Trung Quốc và Nhật Bản bình thường hóa quan hệ với nhau (cũng trong năm 1972), các nhà lãnh đạo của cả hai nước đã quyết định gạt các tranh chấp này sang một bên. Tôi nghĩ rằng đó là một chính sách rất khôn ngoan. Chúng tôi đã giữ cho các quần đảo này được bình yên trong nhiều năm, cho đến khi Chính phủ Nhật Bản quyết định quốc hữu hóa chúng vào năm ngoái. 

+ Nhưng họ làm vậy chỉ để ngăn chặn một vấn đề lớn hơn, đó là thị trưởng theo chủ nghĩa dân tộc của Tokyo , mua những quần đảo này để tự xây dựng trên đó. 

– Vâng, rõ ràng là quyết định của Nhật Bản sẽ dẫn tới những hậu quả rất nghiêm trọng dưới góc độ luật pháp quốc tế – thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả bất cứ điều gì mà thị trưởng Tokyo đã tìm cách thực hiện. 

+ Như vậy Trung Quốc có những tuyên bố chủ quyền mang tính lịch sử mạnh mẽ. Nhật Bản cũng nói rằng họ có những tuyên bố chủ quyền lịch sử vững vàng. Đến một điểm nào đó, có thể nào cần phải nói rằng lịch sử là lịch sử, nhưng chúng ta đang sống trong hiện tại, và chúng ta phải nghĩ về tương lai. Ông thấy có giải pháp nào cho cả hai nước không? 

– Những gì bạn nói rất sáng suốt, nhưng không bên nào nên có hành động phá vỡ sự cân bằng này. Các hành động về pháp lý được Chính phủ Nhật Bản thực hiện đã gây kích động mọi chuyện. 

Tôi nghĩ rằng hai bên phải tham gia một cuộc đàm phán rất nghiêm túc. Chúng tôi đã tiếp cận với phía Nhật Bản vào năm ngoái. Nhưng tôi không nghĩ rằng họ đã được chuẩn bị kỹ vào thời điểm đó. Bây giờ, họ có một đảng cầm quyền mới – đảng cầm quyền mới mà cũ. Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã quay trở lại. Nhưng tôi không thấy bất cứ nỗ lực nghiêm túc nào của họ để cùng ngồi xuống với chúng tôi và bắt đầu các cuộc đàm phán nghiêm túc. 

+ Liệu Trung Quốc có lo ngại rằng lịch sử của Thủ tướng Shinzo Abe với tư cách là một người theo chủ nghĩa dân tộc sẽ làm cho việc giải quyết vấn đề càng trở nên khó khăn hơn? 

– Điều đó sẽ phụ thuộc vào những sự lựa chọn của ông ấy. Chúng tôi biết thái độ chính trị của ông ấy. Nhưng mặt khác, khi còn là thủ tướng nhiệm kỳ trước (vào năm 2006 – 2007), ông ấy đã đưa ra quyết định đúng đắn khi không đến thăm Đền Yasukuni (tưởng niệm những binh lính Nhật Bản, nơi cũng chôn cất một số tội phạm chiến tranh). Do đó, ông ấy có thể sẽ làm điều đúng đắn ở đây. Trung Quốc và Nhật Bản có các lợi ích chung to lớn, về kinh tế và trên nhiều lĩnh vực khác. Có một tiềm năng rất lớn cho sự hợp tác chặt chẽ, nhưng chúng tôi cần phải loại bỏ các trở ngại chính trị. 

+ Vậy Mỹ có vai trò nào trong vấn đề này không? 

– Điều hữu ích nhất mà Mỹ có thể làm là duy trì sự trung lập, không đứng về bên nào. 

+ Còn về việc giúp đỡ hai bên giao tiếp với nhau? Đôi khi, bên thứ ba có thể là người hòa giải hữu ích. 

– Nếu điều đó xảy ra, tôi nghĩ rằng nó sẽ được hoan nghênh. Nhưng nó thực sự phụ thuộc vào cách bên thứ ba hành động như thế nào. Nó có thật sự công bằng không? Khi Mỹ nói chuyện với chúng tôi, họ nói rằng họ sẽ không đứng về bên nào, nhưng đôi khi, khi họ nói chuyện với người Nhật hoặc khi họ có những tuyên bố công khai, chúng tôi lại nghe thấy những điều khác. 

+ Một vài người cho rằng Mỹ đang “xoay trục” về phía Đông, Trung Quốc đang “xoay trục” về phía Tây, can dự nhiều hơn với Nga, Trung Á, Trung Đông và châu Phi. Có thể một ngày nào đó điều này sẽ đe dọa đến các lợi ích của nước Mỹ? 

– Nước Mỹ rất may mắn: họ chỉ có hai nước láng giềng và có đại dương ở hai bên. Chúng tôi có hơn một tá quốc gia láng giềng, và chúng tôi cũng có một lịch sử lâu dài và phức tạp với các nước đó. Vì vậy, Trung Quốc thực sự phải cẩn thận trong các mối quan hệ với các quốc gia láng giềng. Điều này không chỉ xảy ra theo một hướng, Đông hay Tây. Chúng tôi chắc chắn muốn phát triển hợp tác kinh tế ở mọi hướng, bởi vì chúng tôi cần nhiều thương mại hơn, chúng tôi cần phải xuất khẩu và nhập khẩu nhiều hơn, và chúng tôi cũng cần phải có thêm các nguồn năng lượng. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi đang “xoay trục” về bất kỳ một hướng cụ thể nào. Và tôi không nghĩ rằng bất cứ điều gì chúng tôi đang làm sẽ gây tổn hại đến lợi ích của nước Mỹ, bởi vì nếu chúng tôi có thể có những mối quan hệ cùng có lợi với tất cả các nước láng giềng, điều đó sẽ đảm bảo sự ổn định của khu vực. 

+ Cho phép tôi được hỏi về những nước láng giềng này. Trong khoảng 10 năm, Trung Quốc đã rất nỗ lực để thuyết phục toàn bộ khu vực, quả thực là cả thế giới, rằng Trung Quốc quan tâm đến một “sự trỗi dậy hòa bình”. Sau đó, trong năm qua hay dưới thời Chính quyền Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc dường như bắt đầu hành xử hung hăng hơn, điều làm rất nhiều nước láng giềng của Trung Quốc lo lắng. Vậy điều gì đã xảy ra? 

– Chúng tôi không bao giờ kích động bất cứ điều gì. Chúng tôi vẫn đang trên con đường phát triển hòa bình. Nếu nhìn kỹ vào những gì đã xảy ra trong vài năm qua, bạn sẽ thấy rằng chính các nước khác bắt đầu mọi tranh chấp. Chúng tôi không khởi đầu các tranh chấp, nhưng chúng tôi phải đáp lại vì những vấn đề này liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, và công chúng cũng quan tâm mạnh mẽ tới các vấn đề này. 

+ Vậy tại sao sau đó lại có nhận định rằng Trung Quốc quyết áp đặt các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình? 

– Như tôi đã nói, chúng tôi không bao giờ bắt đầu những sự kiện này. Chúng tôi chỉ phản ứng với chúng. Trung Quốc phải bảo vệ các lợi ích của mình. Trong khi đó, chúng tôi đã kêu gọi đối thoại. Trung Quốc luôn thúc đẩy nguyên tắc “gác lại bất đồng và cùng phát triển”. Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều trong nhũng năm qua để thực thi nguyên tắc này, và tôi hy vọng rằng các nước khác cũng sẽ làm như vậy. 

+ Nước Mỹ đã thay đổi như thế nào kể từ lần công tác cuối cùng của ông ở đây? 

- Tôi được cử tới New York để thực hiện nhiệm vụ của chúng tôi tại Liên hợp quốc từ cuối năm 1997 đến đầu năm 2000. Thời điểm đó là trước sự kiện 11/9, vì vậy tôi thấy một sự khác biệt lớn. Dường như đang có một cảm giác mạnh mẽ về sự không an toàn ở Mỹ, mặc dù tôi không hiểu hoàn toàn điều đó, bởi vì nếu đất nước hùng mạnh nhất trên thế giới cảm thấy không an toàn, thì làm sao các nước khác có thể cảm thấy an toàn? Nhưng nhìn chung, tôi không nghĩ rằng có sự thay đổi cơ bản ở nước Mỹ liên quan đến sức mạnh, sức sống, hoặc vị thế quốc tế của nước này. Nếu bạn quan sát thế giới, bạn sẽ thấy sự xuất hiện của cái mà mọi người thường gọi là các cực mới, hoặc sự phát triển nhanh chóng của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ... Ở một mức độ nào đó, bạn có thể nói – và chỉ trong các phạm vi liên quan – rằng nước Mỹ không còn hùng mạnh như trước, nhưng điều này chỉ có nghĩa là những nước khác đang tìm cách để bắt kịp. Điều này không có nghĩa rằng nước Mỹ đang suy tàn. 

+ Nhưng dường như đối với nhiều người, hệ thống chính trị của Mỹ đã tan rã, hoặc ít nhất là hết sức rối loạn. Trung Quốc nhận định về vấn đề này như thế nào? 

– Chúng tôi có những vấn đề riêng của mình. Vâng, có những vấn đề rất lớn ở đây, và trong hoạt động chính trị, người ta trở nên cực đoan. Tuy vậy, tôi tin tưởng rằng nước Mỹ có khả năng giải quyết những vấn đề này và tiến về phía trước. Không có bằng chứng nào cho thấy vì các vấn đề (trong nước) mà nước Mỹ đang mất dần vị thế của mình trên toàn cầu. 

+ Ông đã nói về sự không an toàn của Mỹ. Vậy còn về phía Trung Quốc? Trung Quốc hiện nay đang trên đà phát triển đáng kinh ngạc trong vòng hơn 30 năm qua; trên nhiều phương diện, điều này khiến các quốc gia trên khắp thế giới phải ghen tị. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như vẫn cảm thấy không an toàn. Liệu ông có thể hình dung ra một thời điểm mà Trung Quốc hành xử như một đất nước “bình thường”, ngược lại với một đất nước mà nó đang nỗ lực hướng tới và tranh đấu với quá khứ của mình? 

– Tôi nghĩ rằng những người bình thường luôn có những điều phải lo lắng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng các nước lo ngại cũng là điều bình thường. Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với hàng núi vấn đề. Một số là các di sản lịch sử. Một số khác có thể là các tác dụng phụ của sự phát triển nhanh chóng. Chúng tôi phải tiến lên phía trước và nỗ lực hết sức nhằm đối phó với những thách thức này để có thể hiện đại hóa toàn bộ Trung Quốc. Đây là một quá trình lâu dài. Chúng tôi vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước. Có thể đôi khi các cá nhân hoặc đất nước có một cảm giác bất an nào đó thậm chí là điều tốt. Nó sẽ trở thành động lực để tích cực làm việc./.

Theo Tạp chí “Foreign Affairs” – Số tháng 7-8/2013

Mỹ Anh (gt)