Chính sách “sự mập mờ chiến lược” mang tính thừa nhận của Mỹ về Đài Loan cần phải thay đổi càng sớm càng tốt.

Khi Nhật Bản ném bom Trân Châu cảng vào ngày 7/12/1941, nước này cũng đồng thời tấn công Philippines, gây ra Chiến tranh thế giới thứ hai ở Thái Bình Dương. Đó là loạt đạn mở màn trong chiến dịch của Đế quốc Nhật Bản nhằm xâm lược và chinh phục Đông Nam Á để theo đuổi kế hoạch Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á của nước này. Các máy bay ném bom cất cánh từ đảo Đài Loan, lúc đó đang dưới sự cai trị về quân sự của Nhật Bản. Đó là điểm xuất phát cho các cuộc tấn công vào cả Philippines và Đông Ấn Hà Lan (nay là Indonesia). Trong suốt cuộc chiến tranh, Đài Loan đã đóng vai trò là khu vực tập kết và cơ sở tiếp tế chủ yếu để duy trì quân đội Nhật Bản trong vùng Đông Nam Á và là điểm kiểm soát tất cả việc vận chuyển hàng hóa qua eo biển Đài Loan. Bộ Ngoại giao Mỹ vào thời điểm đó đã tuyên bố rằng về mặt chiến lược, không nơi nào trong vùng Viễn Đông, với ngoại lệ là Singapore, giữ một vị trí kiểm soát như vậy. Địa lý của Đài Loan đã kể câu chuyện đó. 

Nằm trên rìa các tuyến đường vận chuyển hàng hóa qua Biển Đông, Đài Loan nằm cách Trung Quốc 100 dặm về phía Đông. Về phía Nam, Đài Loan cách Philippines 200 dặm, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 700 dặm, và cách Việt Nam và quần đảo Trường Sa 900 dặm. Nó được kết nối về phía Bắc với quần đảo Ryukyu, và nằm cách quần đảo chính của Nhật Bản 700 dặm. Trong lịch sử, vị trí then chốt của Đài Loan ngoài khơi bờ biển Trung Quốc và nằm giữa Đông Bắc và Đông Nam Á đã phục vụ cho một loạt mục tiêu chiến lược khác nhau của các cường quốc trong khu vực, cả tấn công và phòng thủ. Trong thời hiện đại, Đài Loan về địa lý vẫn nằm trên đường giao cắt của hầu hết các điểm nguy hiểm của vùng Đông Á. (Thậm chí một xung đột trên bán đảo Triều Tiên cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các hoạt động có thể được phát động từ Đài Loan). 

Dựa vào kinh nghiệm lịch sử, câu hỏi đặt ra là liệu Đài Loan có phải là một tài sản chiến lược có giá trị đối với một kẻ xâm lược tiềm tàng ở châu Á hiện nay như nó đã từng đối với Nhật Bản trong những năm 1940 hay không. Cường quốc hiện đang đe dọa nền hòa bình và ổn định của khu vực là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nước đang có các tranh chấp diễn ra ở cả Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Đài Loan, nơi Bắc Kinh tuyên bố là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc, sẽ nâng cao vị thế chiến lược của Trung Quốc tại cả hai khu vực. Kiểm soát được Đài Loan sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và cho phép nước này khẳng định các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của mình một cách mạnh mẽ hơn nữa chống lại Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. 

Một cách bất ngờ, “đường chín đoạn” bao quát của Trung Quốc sẽ trở nên ngày càng thực tế hơn và dễ được Bắc Kinh thi hành hơn. Hầu hết 1600 quả tên lửa đạn đạo hiện đang nhắm vào Đài Loan và Hải quân Mỹ thay vào đó có thể được chuyển tới Đài Loan và nhắm lại vào các tàu thuyền và lãnh thổ của các quốc gia Đông Nam Á khác cũng như là các tuyến đường vận chuyển hàng hóa được sử dụng trong thương mại thế giới. Trung Quốc sẽ ở một vị trí thuận lợi được củng cố nhằm biến Biển Đông thành “cái hồ của Trung Quốc” mà nước này đã tuyên bố có quyền lịch sử. 

Các nút thắt 

Hơn nữa, theo quan điểm của Trung Quốc, Đài Loan là một trong những mắt xích quan trọng trong cái gọi là “chuỗi đảo thứ nhất” bao gồm Nhật Bản, Ryukyu, Philippines, Malaysia, Indonesia và Australia. Bắc Kinh coi những “nút thắt” định vị giữa các đảo này đang kiềm chế việc tiếp cận hải quân của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đến “chuỗi đảo thứ hai” (Guam, Mariana, nhóm đảo Palau và các đảo nhỏ khác trong trung tâm Thái Bình Dương) và từ đó tiến vào vùng biển khơi cách xa bờ biển Trung Quốc. Đường bờ biển của Trung Quốc ở biển Hoa Đông thiếu các cảng nước sâu cần thiết để phục vụ các căn cứ hải quân của nước này được đặt tại đây. Tàu ngầm của họ phải hoạt động trên bề mặt cho đến khi chúng có thể chìm xuống và lặn sâu khi chúng ra tới khu vực quần đảo Ryukyu. Nếu Trung Quốc kiểm soát được Đài Loan, tàu ngầm của họ sẽ có một lối ra dễ dàng hơn nhiều từ các cảng nước sâu của Đài Loan vào Thái Bình Dương. Chúng có thể cho thấy một mối nguy hiểm mới cho Nhật Bản – nước hoàn toàn phụ thuộc vào các tuyến đường biển ở Đông Á cho năng lượng và các nguyên liệu thô khác của mình. Tàu ngầm của Trung Quốc và một khả năng được tăng cường để triển khai sức mạnh vào Thái Bình Dương cũng có thể cho thấy một mối đe dọa gia tăng đối với Hạm đội 7 của Mỹ, Guam, Hawaii và thậm chí cả bờ biển phía Tây của Mỹ.

Theo một quan điểm hải quân và quân sự thuần túy, kiểm soát được đảo Đài Loan sẽ tạo thành một tài sản chiến lược lớn cho Trung Quốc và một mối đe dọa cho khu vực ở cả Đông Nam Á, Đông Bắc Á cũng như với Mỹ. Sự kiểm soát của Trung Quốc đối với Đài Loan, nền kinh tế tiên tiến về công nghệ của nước này, và quyền kiểm soát cửa ngõ vào Biển Đông mà nó có thể mang lại sẽ có những tác động kinh tế, ngoại giao và chính trị to lớn đối với khu vực. Nhiều khả năng sẽ có một hiệu ứng dồn dập khi các chính phủ khu vực tính toán lại lợi ích riêng của mình khi đối mặt với một Trung Quốc thậm chí còn trong vị thế hùng mạnh hơn. Singapore cũng có thể bị đe dọa phải ở trong vị thế ủng hộ Trung Quốc hơn nữa, củng cố thêm quyền kiểm soát Biển Đông của Bắc Kinh với Đài Loan ở phía Bắc và Singapore ở phía Nam. Ngăn chặn Trung Quốc kiểm soát tài sản và đòn bẩy cân bằng đó rõ ràng nằm trong lợi ích kinh tế và an ninh chiến lược của các nước trong khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản và Mỹ. 

Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Washington dường như không còn nhìn thấy giá trị chiến lược của Đài Loan nữa. Bài phát biểu nổi tiếng tại Câu lạc bộ báo chí quốc gia của Ngoại trưởng Acheson vào tháng 1/1950 đã mô tả vành đai an ninh của Mỹ tại châu Á nhưng không bao gồm Đài Loan hoặc Hàn Quốc. Mao Trạch Đông và Kim Nhật Thành – cũng như đối tác cấp cao của họ, Josef Stalin – đã diễn giải lời phát biểu này như là đang thể hiện rằng Mỹ sẽ không bảo vệ một trong hai nước đó và nhìn thấy đèn xanh đã bật cho các kế hoạch bành trướng của họ. Bình Nhưỡng đã hành động đầu tiên đối với Hàn Quốc vào tháng 6/1950. Chính quyền Truman, cho đến lúc đó đã xóa bỏ một cách hiệu quả giá trị an ninh của Đài Loan đối với Mỹ, đã bị sốc và quyết định rằng Mỹ không thể được phép đứng yên. Nước này đã lập ra một giải pháp tức thời của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho phép sử dụng vũ lực đa phương để bảo vệ Hàn Quốc. Tổng thống Mỹ triển khai Hạm đội 7 để ngăn chặn một động thái của Trung Quốc chống lại Đài Loan. (Nó cũng được thiết kế để chặn lại một nỗ lực của Tổng tư lệnh Tưởng Giới Thạch cố gắng châm ngòi lại cuộc Nội chiến Trung Quốc. Những người thuộc Quốc dân Đảng đã hứa sẽ chiếm lại đại lục kể từ khi họ bị trục xuất khỏi Trung Quốc). Truman đã ra lệnh cho Hạm đội 7 ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào vào Formosa (tên gọi khác của Đài Loan). Như một hệ quả tất yếu của hành động này, Truman kêu gọi Chính quyền Trung Quốc ở Formosa ngừng tất cả các hành động trên không và trên biển chống lại đại lục. Hạm đội 7 sẽ đảm bảo việc này được thực hiện. 

Mỹ hiện đã cam kết một cách rõ ràng sẽ bảo vệ Đài Loan trước sự xâm lược của Trung Quốc – cũng như sự ổn định ở eo biển Đài Loan mà có thể bị đe dọa bởi hành động quân sự từ Đài Loan. Nguyên nhân căn bản ít liên quan tới việc bảo vệ Tưởng Giới Thạch hoặc ngay cả chính những người dân Đài Loan hơn là bảo vệ vị trí địa chính trị của Đài Loan ở Đông Á và các lợi ích chiến lược của chính nước Mỹ. Tướng Douglas MacArthur, người chịu trách nhiệm về chính quyền quá độ sau chiến tranh của Nhật Bản, đã bày tỏ lập trường của Mỹ bằng những lời thẳng thắn: 

Tôi tin rằng nếu anh để mất Formosa, anh sẽ mất chìa khóa vào tuyến phòng ngự ven biển của chúng ta. Cả Philippines và Nhật Bản sẽ không thể đứng vững được theo quan điểm quân sự của chúng ta. 

Theo lập trường của chúng ta, chúng ta thực tế sẽ mất Thái Bình Dương nếu chúng ta từ bỏ hoặc để mất Formosa. Chúng ta không cần Formosa để làm căn cứ hay bất cứ điều gì khác. Nhưng Formosa không được phép rơi vào tay cộng sản. 

Nếu kẻ địch chiếm được Formosa và từ đó chiếm Thái Bình Dương, điều đó sẽ làm gia tăng vô hạn những nguy cơ rằng đại dương đó sẽ bị bất kỳ kẻ thù tiềm năng nào sử dụng như một bàn đạp.

“Tàu sân bay không thể chìm” 

MacArthur sau đó đã gọi Đài Loan là “một tàu sân bay không thể chìm”. Ông muốn nói đối với Trung Quốc, vì rõ ràng là Washington đã không hình dung Đài Loan như một căn cứ phía trước cho các hoạt động tấn công chống lại Trung Quốc hay bất kỳ cường quốc nào khác. Thay vào đó, đây là một tài sản chiến lược tiềm năng đối với Trung Quốc mà có thể được sử dụng như một phương tiện cho sự gây hấn chống lại Đài Loan và các lợi ích khác của Mỹ trong khu vực. Năm 1954, Trung Quốc đã nã pháo vào các đảo Quemoy (Kim Môn) và Matsu (Mã Tổ) trong cái mà sau đó được biết đến như là Khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhất. Mỹ đã phản ứng bằng cách tham gia một hiệp ước phòng thủ chung chính thức với Chính quyền Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan (cũng như với Đại Hàn Dân Quốc sau khi kết thúc cuộc chiến tranh của nước này với miền Bắc). 

Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã mô tả lý do cho hiệp ước phòng thủ Đài Loan như sau: 

Trong những bàn tay không thân thiện, Formosa và Pescadore sẽ phá vỡ một cách nghiêm trọng sự cân bằng hiện có, dù không ổn định, giữa các lực lượng đạo đức, kinh tế và quân sự mà nền hòa bình của Thái Bình Dương phụ thuộc vào đó. Nó sẽ tạo ra một lỗ thủng trong chuỗi đảo ở phía Tây Thái Bình Dương mà tạo nên cho Mỹ và các quốc gia tự do khác một xương sống địa lý trong cấu trúc an ninh của các nước này tại đại dương đó. 

Thêm vào đó, lỗ thủng này sẽ làm gián đoạn thông tin liên lạc Bắc-Nam giữa các yếu tố quan trọng khác của rào cản này, và phá hủy đời sống kinh tế của các quốc gia thân thiện với chúng ta. 

Rõ ràng là chính quyền của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều nhận thấy giá trị chiến lược của Đài Loan dưới cùng một ánh sáng. Bộ Tổng tham mưu lúc đó đã nói như sau: 

Vị trí địa lý của Formosa là vị trí mà nếu nằm trong tay của một cường quốc không thân thiện với Mỹ, nó sẽ tạo ra một vị trí nổi bật của kẻ thù tại chính trung tâm của vành đai phòng thủ của chúng ta, gần hơn 100 cho tới 150 dặm với những khu vực thân thiện ngay sát – Okinawa và Philippines – so với bất cứ điểm nào trong lục địa châu Á. 

Vì vậy, ngay cả vào lúc Mỹ và Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) có một hiệp ước phòng thủ chung chính thức, Mỹ luôn coi Đài Loan chủ yếu như một tài sản chiến lược quan trọng không được phép rơi vào quyền kiểm soát của Bắc Kinh, chứ không phải như một điểm tập kết cho các hoạt động tấn công chống lại Trung Quốc hoặc các kẻ thù tiềm tàng khác tại châu Á. Suy nghĩ đó vẫn duy trì cho tới giai đoạn hiện nay, nhưng nó có thể thay đổi khi các chính sách bành trướng gần đây của Trung Quốc tại Đông Bắc và Đông Nam Á đe dọa các đồng minh của Mỹ và gia tăng khả năng xảy ra một cuộc đối đầu Mỹ-Trung. 

Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai vào năm 1958 đã chứng kiến sự tiếp tục oanh tạc của Trung Quốc vào các hòn đảo ngoài khơi. Việc phòng thủ Quemoy và Matsu đã trở thành một chủ đề trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1960 khi cả Phó tổng thống Richard Nixon và Thượng nghị sĩ John Kennedy đều cam kết sẽ bảo vệ Đài Loan chống lại sự xâm lược của Trung Quốc. Thế đối đầu Đài Loan-Trung Quốc và Mỹ-Trung về vấn đề Đài Loan đã tiếp tục trong một thập kỷ rưỡi sau đó với Hạm đội 7 đóng vai trò là chủ thể thực thi ở eo biển Đài Loan, trong suốt các chính quyền của cả hai đảng. Đài Loan đã đáp lại như một đồng minh trung thành trong suốt những năm 1960, cung cấp hậu cần, tình báo và các hỗ trợ khác cho Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. 

Tình hình đã thay đổi đáng kể với sự cởi mở của Tổng thống Nixon với Trung Quốc năm 1972, được thực hiện để chơi quân bài Trung Quốc chống lại Liên Xô và để giành sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với một sự rút lui danh dự của Mỹ khỏi Việt Nam. Nixon và cố vấn an ninh quốc gia của ông, Henry Kissenger, đã hăng hái trong việc tranh thủ Trung Quốc như một đối tác chiến lược chống lại Liên Xô tới mức họ bắt đầu thực hiện những nhượng bộ về Đài Loan ngay cả trước khi Nixon tới thăm Trung Quốc – vi phạm cái mà họ gọi là các nguyên tắc “thực tế” về việc không bao giờ từ bỏ thứ gì đó nếu không nhận được gì để đổi lại. Nixon đã rút Hạm đội 7 khỏi eo biển Đài Loan và bắt đầu chuyển tất cả các cơ sở quân sự còn lại của Mỹ khỏi Đài Loan. 

Sau đó đến Thông cáo chung Thượng Hải, nguyên tắc “một Trung Quốc” của Bắc Kinh rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc, và “chính sách một Trung Quốc” của Washington rằng tùy vào Trung Quốc và Đài Loan để giải quyết mối quan hệ này một cách hòa bình. Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Đài Loan vẫn có hiệu lực trong thời gian này, nhưng đã có những dấu hiệu rõ ràng về số phận của Đài Loan trong cộng đồng quốc tế. Bảy năm sau, Chính quyền Carter đã công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan và chấm dứt hiệp ước phòng thủ năm 1954. Một lần nữa, giá trị chiến lược của Đài Loan đã bị bỏ qua bởi một chính quyền tổng thống ở Washington hứng thú hơn với việc vun đắp các quan hệ tốt với Trung Quốc. 

Đạo luật quan hệ Đài Loan 

Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ đã có một cái nhìn khác về tương lai của Đài Loan và đã thông qua Đạo luật Quan hệ Đài Loan (TRA) “để tuyên bố rằng hòa bình và ổn định trong khu vực này nằm trong lợi ích chính trị, an ninh và kinh tế của Mỹ, và là những vấn đề thuộc quan tâm quốc tế”. Đạo luật này tuyên bố rằng mục đích xa hơn của nó là “để làm rõ rằng việc Mỹ quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là dựa trên kỳ vọng rằng tương lai của Đài Loan sẽ được xác định bằng các biện pháp hòa bình”. 

Để giúp ngăn chặn việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan, TRA cũng buộc Mỹ phải cung cấp cho Đài Loan tất cả các vũ khí phòng thủ cần thiết. Quốc hội cho rằng Đạo luật này là cần thiết để xóa bỏ một vài tác hại gây ra bởi việc Carter bãi bỏ Hiệp ước phòng thủ chung, mà đã duy trì hòa bình trong một phần tư thế kỷ. Nhưng nó đã phần nào thất bại trong việc tiếp tục cam kết vững chắc của Mỹ đi đến việc bảo vệ Đài Loan mà Hiệp ước phòng thủ đã đảm bảo. 

Cơ hội để khẳng định kiểu cam kết mạnh mẽ và rõ ràng đó của Mỹ đối với Đài Loan đã tới khi Trung Quốc phản ứng lại chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Đài Loan khi đó, ông Lý Đăng Huy, vào năm 1995 và cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên của Đài Loan vào năm 1996 bằng cách nã tên lửa về phía hòn đảo này và đóng cửa eo biển Đài Loan cũng như vùng không phận phía trên nó với thế giới. Trong sự kiện đầu tiên, Tổng thống Bill Clinton đã phái hai nhóm tàu sân bay qua eo biển này, lần đầu tiên Hải quân Mỹ đi qua nơi này kể từ khi Nixon rút Hạm đội 7 vào 23 năm trước. Trung Quốc đã kịch liệt phản đối cuộc xâm nhập bất ngờ vào nơi mà nước này coi là vùng biển của mình. Washington, thay vì đơn giản là thông báo cho Bắc Kinh rằng Mỹ và các nước khác có mọi quyền ở đó theo luật quốc tế, đã nói rằng việc quá cảnh là kết quả của một sự cố thời tiết, mặc nhiên thừa nhận rằng sự chấp thuận của Trung Quốc là điều cần thiết. 

Tháng 12/1995, các quan chức Trung Quốc đã hỏi trực tiếp Trợ lý Ngoại trưởng Joseph Nye rằng Mỹ sẽ làm gì nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan. Thay vì viện dẫn và củng cố Đạo luật Quan hệ Đài Loan bằng cách nói rằng Mỹ sẽ hỗ trợ Đài Loan tự vệ, phản ứng của Nye là: “Chúng tôi không biết và các bạn không biết. Điều này phụ thuộc vào hoàn cảnh”. Một vài tháng sau, Đài Loan đã tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên và Trung Quốc đã một lần nữa cho thấy sự không hài lòng của mình bằng cách nã tên lửa về phía Đài Loan, lần này ở cả hai bên hòn đảo. Và một lần nữa, Clinton đã cử một nhóm tàu sân bay tới khu vực này. Nhưng lần này, Bắc Kinh đã cảnh báo rằng bất cứ tàu thuyền nào tiến vào eo biển này sẽ thấy “một biển lửa”. Washington đã tiếp nhận thông điệp này và các tàu đều ở bên ngoài – không chỉ lúc đó mà còn trong cả thập kỷ tiếp theo. 

Chỉ khi Bộ Quốc phòng xem xét lại chương trình Tự do hàng hải của mình vào năm 2006, Hải quân Mỹ mới bắt đầu phái tàu trở lại qua eo biển Đài Loan, luôn luôn bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Năm 2007, sau khi Bắc Kinh đột ngột hủy bỏ một chuyến thăm cảng thiện chí được lên kế hoạch của Mỹ tới Hong Kong, đội tàu chiến Kitty Hawk đã quay lại Nhật Bản bằng cách đi qua eo biển này. Trung Quốc cực lực lên án chuyến đi này và Đô đốc Timothy Keating, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, đã trả lời: “Chúng tôi không cần sự cho phép của Trung Quốc để đi qua eo biển Đài Loan. Chúng tôi sẽ thực hiện quyền tự do đi lại của mình bất cứ khi nào chúng tôi cần – cho tôi sửa lại – bất cứ thời điểm nào chúng tôi lựa chọn”. 

Những vụ việc này đã cho thấy không chỉ đảo Đài Loan có tầm quan trọng chiến lược then chốt mà cả eo biển Đài Loan nữa. Bất kỳ xung đột nào qua eo biển này sẽ có tác động to lớn đến cả sự qua lại của tàu bè hải quân lẫn thương mại. Nếu Trung Quốc kiểm soát cả hai bên bờ eo biển, nước này sẽ có một quyền kiểm soát trên đường thủy quốc tế đó. 

Phương diện mới 

Có một khía cạnh khác đối với phương diện an ninh của Đài Loan liên quan tới vị trí địa chiến lược của nước này – vai trò của nó trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR), với tư cách vừa là nước tiếp nhận vừa là nước cung cấp HADR. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải chịu một số thiên tai và thời tiết tồi tệ nhất thế giới. Khi cơn bão Morakot ập vào Đài Loan năm 2009, Hạm đội 7 của Mỹ đã gửi tàu và máy bay đến trợ giúp người dân Đài Loan. Năm 2011, khi động đất và sóng thần tàn phá Fukushima, Đài Loan đã ngay lập tức cử các đội cứu hộ và nhân viên kỹ thuật và là nước đóng góp tài chính lớn nhất cho nỗ lực phục hồi của Nhật Bản. Khi Philippines chịu ảnh hưởng của bão Hải Yến năm 2013, Đài Loan đã phản ứng nhanh chóng với sự hỗ trợ lớn. Đài Loan đã không ngừng đáp ứng trước các nhu cầu HADR trên toàn thế giới từ cơn sóng thần năm 2004 ở Indonesia, tới động đất ở Haiti năm 2010, hạn hán ở Tây Sahara năm 2013 và các thiên tai khác ở châu Á và nhiều nơi khác. 

Tóm lại, tầm quan trọng chiến lược của Đài Loan từ góc nhìn quân sự, kinh tế và hỗ trợ nhân đạo là rất rõ ràng, cho dù có những giai đoạn lịch sử khi các chính quyền Mỹ của cả hai đảng dường như đã giảm thiểu tầm quan trọng đó vì cái họ coi như mục tiêu lớn hơn là thỏa hiệp với Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ những năm 1980, người dân Đài Loan đã thêm vào một phương diện hoàn toàn mới cho giá trị của mảnh đất này đối với phương Tây. Phe đối lập chính trị của Đài Loan, và trên hết là các nhà lãnh đạo của nó, đã nhận ra rằng một khi quan hệ ngoại giao chính thức với Mỹ đã chuyển từ Đài Bắc sang Bắc Kinh vì những cân nhắc chính sách thực dụng, việc cứu giúp như một thực thể độc lập trên thực tế có thể đứng vững phụ thuộc vào các giá trị đạo đức và chính trị. Sự chuyển đổi sang dân chủ theo từng giai đoạn và theo kế hoạch của Đài Loan có nghĩa là Washington và phương Tây không còn có lý do “thực dụng” dễ dàng nữa – nó có nghĩa là thế tiến thoái lưỡng nan về chính sách Đài Loan chỉ đơn thuần là vấn đề lựa chọn giữa một chế độ độc tài nhỏ và thân thiện, hay cố gắng cải thiện quan hệ với một chế độ độc tài lớn hơn và từng thù địch. Giờ người Mỹ và Nhật Bản có thể nhìn vào Đài Loan như một người bạn tâm giao về đạo đức và chính trị, chắc chắn tương phản với một nước bị cai trị bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Vì cùng lý do đó, hiện nay Đài Loan ngày càng trở nên giống một chiếc xương trong cổ họng của Bắc Kinh như một mô hình chính quyền dân chủ trong một xã hội Trung Quốc, phá hoại câu chuyện thần thoại rằng dân chủ và Nho giáo là không tương thích. Áp lực tiềm tàng từ bên trong đòi cải cách chính trị tại Trung Quốc đã gia tăng trong suốt những năm 1980, đỉnh cao là vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Xét những lợi ích địa chính trị liên quan đến tương lai của Đài Loan, cam kết của Mỹ được ghi trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan đã mang một ý nghĩa chiến lược thậm chí còn lớn hơn đối với Mỹ. 

Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố điều mà ông gọi là “chính sách xoay trục sang châu Á” của Mỹ trước Quốc hội Australia năm 2011, ông đã liên kết các lợi ích chiến lược của Mỹ với thành công của nền dân chủ trong khu vực và cam kết đưa “mọi yếu tố của sức mạnh Mỹ” để đem lại “an ninh, thịnh vượng và phẩm giá cho tất cả”. Điều này đã đặt Đài Loan và tương lai dân chủ của nước này vào tâm chấn chiến lược của cam kết đạo đức và chính trị của Mỹ với khu vực. Uy tín của Mỹ hiện đang gắn chặt với vận mệnh của Đài Loan, dù có hay không có một cam kết phòng thủ rõ ràng trong TRA. Bất kỳ sự suy yếu nào trong quyết tâm của Mỹ đảm bảo an ninh tiếp tục cho Đài Loan cũng sẽ làm suy giảm đáng kể sự tín nhiệm đó trên toàn khu vực giữa các bằng hữu, đồng minh và quan trọng nhất là các địch thủ của Mỹ. 

Những người lập luận rằng trò chơi Đài Loan là không bõ công thì đều không nắm bắt được sức nặng mà các quốc gia khác trong khu vực đặt lên cam kết của Mỹ đối với Đài Loan như một con cừu đầu đàn mang uy tín của Mỹ nếu bất kỳ nước nào trong số họ phải chịu áp lực ép buộc gia tăng hoặc sự thù địch thẳng thừng từ Trung Quốc. Họ coi Mỹ như một nước giữ vai trò cân bằng cần thiết đối với các chính sách tăng cường quân sự và bành trướng của Trung Quốc, và Đài Loan chính là trường hợp thử nghiệm số một cho ý chí của Mỹ. 

Đó là lý do tại sao chính sách “sự mập mờ chiến lược” mang tính thừa nhận của Mỹ về Đài Loan trong cần phải thay đổi càng sớm càng tốt. Việc Washington từ chối đưa ra một cam kết công khai rõ ràng không chỉ cung cấp cho Đài Loan vũ khí phòng thủ mà còn chủ động bảo vệ cho nước này đã gieo nhiều nghi ngờ trong khu vực. Tệ hơn, nó còn khuyến khích Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “chống tiếp cận, ngăn chặn xâm nhập khu vực” (A2/AD) của nước này trong việc triển khai các tàu ngầm tấn công và tên lửa đạn đạo để ngăn chặn, cản trở hoặc đánh bại bất cứ sự can thiệp nào của Mỹ trong một cuộc xung đột qua eo biển. Xét cho cùng, Washington đã nói từ năm 1995 rằng Mỹ có thể có hoặc không bảo vệ Đài Loan tùy thuộc vào hoàn cảnh. Vì vậy Bắc Kinh đã tạo ra những hoàn cảnh để tác động đến tính toán này. Liệu Trung Quốc có đầu tư nhiều của cải quốc gia và nỗ lực đến thế cho chiến lược chống Đài Loan của mình nếu Mỹ tuyên bố rõ vào năm 1995 rằng một cuộc tấn công vào Đài Loan chắc chắn đồng nghĩa với một xung đột quân sự, có thể là một cuộc chiến tranh toàn lực với Mỹ không? Dù sai lầm của họ là gì, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng không có ý tự sát. Tuy nhiên, một số chuyên gia lập luận rằng một sự thừa nhận chính sách rõ ràng là không cần thiết và quá lỗi thời. Theo luận điểm đó, Trung Quốc đã được báo cho biết bằng những lời lẽ không phải là không chắc chắn trong nhiều cuộc gặp riêng khác nhau về cam kết của Mỹ bảo vệ Đài Loan, vì vậy, theo họ lập luận, Trung Quốc đã bị ngăn chặn thực hiện hành động chống lại Đài Loan rồi. 

Có một vài sai sót trong phân tích đó. Trước hết, rất không hợp lý rằng một cam kết của Mỹ đi đến chiến tranh với Trung Quốc có thể được đưa ra sau những cánh cửa khép kín mà công chúng Mỹ không được thông báo. Thứ hai, bất kỳ cam kết nào không được công khai đều thiếu sự tín nhiệm chính xác bởi vì uy tín của Mỹ không hề mập mờ - một giới hạn đỏ bí mật là đặc biệt chóng phai mờ. Thứ ba, Trung Quốc đã thích thú quan sát những gì đã xảy ra khi, trong một khoảnh khắc tỏa sáng ngắn ngủi, sự rõ ràng chiến lược đã phá hoại chính sách của Mỹ. Sau sự cố EP-3 vào tháng 4/2001, Tổng thống George W. Bush được hỏi Mỹ sẽ làm gì để bảo vệ Đài Loan trước một cuộc tấn công của Trung Quốc, ông trả lời: "Bất cứ điều gì cần phải làm”. Tuyên bố rõ ràng đó đã gây ra làn sóng chấn động trong cộng đồng chuyên gia Trung Quốc. Các quan chức của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao đã vội vàng "làm rõ" rằng chính sách của Mỹ vẫn không thay đổi. Thứ tư, cũng nhiều như khi phàn nàn về việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng Washington đã nhượng bộ những sự nhạy cảm của họ về cả số lượng và chất lượng của các loại vũ khí được chuyển giao. Đài Loan luôn bị từ chối những hệ thống tân tiến mà nước này yêu cầu: F-16 CD, F-35, tàu ngầm chạy bằng dầu diesel. Thứ năm, Bắc Kinh có lý do để nghi ngờ ý chí và sức chịu đựng của Mỹ trong bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nghiêm trọng nào với Trung Quốc. Xét cho cùng, Trung Quốc đã có kinh nghiệm trực tiếp đối mặt với việc Mỹ tiến hành các cuộc chiến tranh giới hạn ở Hàn Quốc và Việt Nam. Trung Quốc cũng đã quan sát thiên hướng của các nhà hoạch định chiến lược Mỹ thích tìm cách xuống thang - ngay cả với các phương pháp không sử dụng vũ lực như các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là những biện pháp trừng phạt chống lại một nước chủ yếu, như trong trường hợp của Iran về chương trình hạt nhân của nước này hoặc Nga về Ukraine. Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc cũng có thể tính toán được rằng, ngay cả khi đây là một phản ứng ban đầu của Mỹ trước một động thái của Trung Quốc và Bắc Kinh đã cho thấy sự sẵn sàng leo thang cuộc khủng hoảng về lợi ích cốt lõi của mình, Washington sẽ là bên nhắm mắt làm ngơ đầu tiên. 

Câu hỏi này sẽ trở nên ít mang tính lý thuyết hơn khi cuộc bầu cử năm 2016 của Đài Loan đang tới gần. Nếu ứng cử viên của đảng Dân Tiến dường như có một triển vọng chiến thắng hợp lý, chưa nói đến việc ông ta hoặc bà ta được ủng hộ, Bắc Kinh có thể nhìn thấy cơ hội cuối cùng của mình trong việc thống nhất hòa bình sẽ lùi xa ngoài tầm với. Vào thời điểm đó, như các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ Mao Trạch Đông trở đi đã nêu rõ, Bắc Kinh sẽ không ngần ngại viện đến sử dụng vũ lực. Mối đe dọa đó đã được soạn thành luật lệ trong Luật Chống ly khai (ASL) năm 2005 của Trung Quốc, đe dọa gây ra chiến tranh nếu Đài Loan tuyên bố nền độc lập chính thức hoặc hành động hướng tới mục tiêu đó. Nhưng ASL đã không chỉ cảnh báo Đài Loan không được thực hiện hành động kiên quyết ủng hộ độc lập; ASL cũng đe dọa Đài Loan vì không hành động phù hợp với mong muốn của Trung Quốc. ASL tuyên bố: "Trong trường hợp các khả năng cho một sự thống nhất hòa bình hoàn toàn cạn kiệt, nhà nước sẽ phải sử dụng các biện pháp phi hòa bình và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”. Nói cách khác, cả nền độc lập về pháp lý và độc lập trên thực tế (nguyên trạng hiện nay của Đài Loan) đều không thể chấp nhận được đối với Bắc Kinh và sẽ biện minh cho việc đi đến chiến tranh. 

Tuy nhiên, ASL đã cung cấp sự bảo đảm như sau cho người dân Đài Loan: 

Trong trường hợp sử dụng và thực hiện các biện pháp phi hòa bình và các biện pháp cần thiết khác, nhà nước sẽ phát huy hết sức mình để bảo vệ tính mạng, tài sản, các quyền và quyền lợi hợp pháp khác của người dân Đài Loan và công dân nước ngoài tại Đài Loan, và để giảm thiểu thiệt hại. 

Vấn đề về an ninh cuối cùng đối mặt với các nhà hoạch định chiến lược ở Đài Bắc và Washington là khi Bắc Kinh có thể quyết định rằng khả năng cho sự thống nhất hòa bình đã hoàn toàn cạn kiệt và rằng đã đến lúc phải dựa vào việc sử dụng vũ lực. Tập Cận Bình gần đây đã nói rằng vấn đề Đài Loan không thể hoãn lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Không phải điều bí mật rằng Trung Quốc thích chính phủ Quốc Dân đảng Đài Loan hơn nhiều so với một phe đối lập chính trị kiên quyết theo các lập trường ủng hộ độc lập. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, Đảng Dân Tiến hiện nay dường như có ít nhất một cơ hội ngang bằng để được quay lại nắm quyền. Nếu việc đó xảy ra, liệu lúc đó Bắc Kinh có quyết định rằng nó không thể chấp nhận tiếp tục việc trì hoãn sự thống nhất hòa bình ít nhất thêm bốn năm nữa và rằng Đài Loan đã có đủ thời gian để chấp nhận sự quản của Đảng Cộng sản Trung Quốc hay không? Câu trả lời cho câu hỏi đó sẽ có những tác động nghiêm trọng đối với nền hòa bình và ổn định của khu vực.

Theo The Diplomat

Trần Quang (gt)