Những diễn biến gần đây đã làm hồi sinh cái gọi là “vấn đề Đài Loan” trong an ninh khu vực và toàn cầu. Những diễn biến này có thể báo trước một cuộc khủng hoảng sắp tới đối với Đài Loan (Trung Quốc) và sẽ là một thách thức an ninh nghiêm trọng đối với Mỹ và các đồng minh, bao gồm cả Úc. Trong khi sự chú ý đang đổ dồn vào bán đảo Triều Tiên nơi Bình Nhưỡng mới đây đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng bắn tới đất Mỹ và Úc thì cuộc khủng hoảng Đài Loan đang bắt đầu xuất hiện ở một mức độ nghiêm trọng mới. Trên thực tế, Mỹ và Trung Quốc có khả năng xung đột trực diện liên quan đến vấn đề Đài Loan cao hơn so với vấn đề Triều Tiên.

Đối với Trung Quốc, Đài Loan là một “công việc dở dang” từ cuộc nội chiến để lại. Vấn đề chủ nghĩa dân tộc mang tính cảm xúc nặng nề hơn so với những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, quần đảo Senkaku hay Biển Đông. Đối với một cường quốc đang lên, ngày càng tự tin, quyết đoán và chủ nghĩa dân tộc, việc thống nhất Đài Loan là mục tiêu ưu tiên quốc gia hàng đầu không thể thương lượng.

Chiến thắng sâu rộng của Đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) ủng hộ độc lập trong cuộc bầu cử tháng Giêng năm 2016 tại Đài Loan, cả về hành pháp và lập pháp, là một “cái gai” đối với chính quyền Bắc Kinh vốn ngày càng mất kiên nhẫn cho sự thống nhất đất nước. Kết quả này rõ ràng gây sốc đối với Trung Quốc, đây rõ ràng là sự thất bại trong chiến lược giành sự ủng hộ của người dân Đài Loan thông qua hội nhập kinh tế; một chính sách Bắc Kinh theo đuổi hợp tác với chính phủ Quốc Dân Đảng (KMT) trước đó. Với việc lựa chọn DPP, cử tri Đài Loan đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ phản đối sự thống nhất của Trung Quốc.

Hội nhập kinh tế ngày càng tăng với Trung Quốc là kết quả của Hiệp định khung về hợp tác kinh tế trong năm 2010 và thậm chí triển vọng hội nhập sâu rộng hơn thông qua việc ký một loạt thỏa thuận tiếp theo về các dịch vụ đã báo động nhiều người Đài Loan vốn lo sợ trước khả năng bị chi phối kinh tế bởi Trung Quốc.

Tiếp xúc nhiều hơn với Trung Quốc đại lục trong những năm gần đây đã nhấn mạnh những bản sắc khác nhau ở cả hai bờ eo biển Đài Loan. Đài Loan là một xã hội dân sự, lịch sự, ân cần đã bị sốc trước thái độ bất lịch sự của người Trung Quốc. Người Đài Loan cũng đã theo dõi sự thất bại của mô hình “một quốc gia, hai hệ thống” ở Hồng Kông, nơi cảm giác xa lánh từ Trung Quốc đã dẫn đến “Phong trào Chiếm trung tâm” vào năm 2014 và sự xuất hiện của một phong trào độc lập non trẻ.

Chính phủ DPP dưới sự điều hành của bà Thái Anh Văn đã báo hiệu sẽ không thúc đẩy độc lập. Nhưng chính phủ của bà Thái đang tiến hành nhiều sáng kiến khác nhau tăng cường sự độc lập trên thực tế của Đài Loan: đa dạng hóa nền kinh tế nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, tăng chi tiêu quân sự và phát triển các hệ thống vũ khí của riêng mình, chẳng hạn như tàu ngầm.

Trong bối cảnh chiến lược cạnh tranh Mỹ - Trung gia tăng do sự trỗi dậy của Trung Quốc và thách thức của nước này đối với quyền bá chủ của Mỹ ở khu vực Đông Á, Đài Loan ngày càng nhận ra tầm quan trọng chiến lược lớn hơn của Mỹ. Mặc dù tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ban đầu cố gắng ve vãn Trung Quốc với hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ giúp Mỹ giải quyết vấn đề Triều Tiên, nhưng những diễn biến gần đây nhất cho thấy rằng chính quyền Trump cuối cùng sẽ phải có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.

Hồi tháng 6/2017, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu cho phép các tàu chiến Mỹ đến thăm Đài Loan và thông qua gói bán vũ khí trị giá 1,4 tỷ USD cho Đài Loan. Trước tình cảm chống Trung Quốc mạnh mẽ tại Quốc hội Mỹ, Mỹ có thể sẽ sử dụng vũ lực chống Trung Quốc để bảo vệ Đài Loan. Washington cũng nhận thức được rằng việc Trung Quốc tiếp quản Đài Loan sẽ làm thay đổi đáng kể hiện trạng khu vực, với những hậu quả to lớn đối với an ninh khu vực và toàn cầu.

Không giống như các cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan trước đó trong những năm 1950 và năm 1995-96, một cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan ngày hôm nay sẽ đem lại những rủi ro lớn hơn nhiều. Sự bất đối xứng lớn về lực lượng quân sự là một lợi thế không nhỏ để Trung Quốc lựa chọn sử dụng vũ lực mà nước này trước đây không có. Chiến lược đối phó Trung Quốc của Mỹ, được gọi là “Tác chiến Không-Biển”, sau đó được đổi tên thành Can dự vùng quốc tế toàn cầu và liên hợp cơ động (JAM-GC), thực hiện các cuộc tấn công trực tiếp vào Trung Quốc đại lục, nhắm mục tiêu vào các trung tâm chỉ huy và cơ sở quân sự trọng yếu - chắc chắn đây là một công thức cho sự leo thang nhanh chóng thành một cuộc chiến tranh hạt nhân. Bất kỳ động thái nào của Trung Quốc trong tương lai đều có thể dẫn đến một loạt kết quả không chắc chắn và không mong muốn.

Một cuộc xung đột với Đài Loan cũng sẽ đặt ra những thách thức to lớn đối với các đồng minh của Mỹ hiện phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về kinh tế, trong đó có Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Người ta hy vọng rằng nhân vật chính ở đây - cụ thể là Trung Quốc - cuối cùng sẽ phát triển sự tự tin để giảm bớt chủ nghĩa dân tộc của mình, thông qua sự kiềm chế, tuân thủ các biện pháp hòa bình và các chuẩn mức trong khu vực để theo đuổi lợi ích quốc gia, thì mới có thể giành được chiến thắng pháp lý cho vai trò của mình như một cường quốc và nhân tố cho sự ổn định khu vực.

Tác giả là Phó Giáo sư Andrew Tan, Khoa nghiên cứu an ninh và tội phạm học thuộc Đại học Macquarie. Bài viết đăng trên trang “Diễn đàn Đông Á”.

Vũ Hiền (gt)