Một số người đang xem xét nghiêm túc những cảnh báo của các nước Baltic và đây là điều dễ hiểu. Trong khi đó, những ý kiến khác lại cho rằng các cảnh báo này là hoang tưởng và không thể biện minh. Những cảnh báo của các nước Baltic từng được đưa ra vào năm 2010 khi Pháp lần đầu tiên nhất trí bán một số tàu đổ bộ Mistral cho Nga, bất chấp các mối quan ngại và phản đối ban đầu của một số quốc gia thành viên NATO, trong đó có các nước Baltic. Liệu thái độ của các quốc gia vùng Baltic đối với vụ mua bán vũ khí này thể hiện sự thận trọng hay chỉ mang tính hoang tưởng? Thời gian đã chứng minh lập trường của họ là thận trọng chứ không hề mang tính hoang tưởng. Các nước Baltic một lần nữa bày tỏ sự quan ngại nghiêm túc về Nga cũng như cuộc tập trận Zapad-2017. Lần này, NATO đang lắng nghe họ.

Cuộc tập trận Zapad-2017 và phản ứng của NATO

Zapad, có nghĩa là "phía Tây" trong tiếng Nga, đồng thời biểu thị đường hướng chiến lược về phía Tây, là một loạt cuộc tập trận được tổ chức 4 năm một lần. Zapad-2017 là cuộc tập trận Zapad đầu tiên kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào đầu năm 2014. Là cuộc tập trận chung giữa Nga và Belarus, Zapad sẽ diễn ra trên khắp vùng lãnh thổ rộng lớn trải dài từ Belarus đến bán đảo Kola ở vùng Viễn Bắc. Chỉ riêng ở Belarus sẽ có tới 7 cuộc tập trận trong khuôn khổ Zapad. Nga và Belarus đều tuyên bố số lượng binh sĩ tham gia sẽ không vượt quá mức tối đa là 13.000 như đã được quy định trong Văn kiện Vienna năm 2011. Trong số này, Belarus khẳng định 3.000 quân nhân sẽ đại diện cho phía Nga, cùng với khoảng 280 xe cộ, phương tiện cùng với 25 máy bay phản lực và trực thăng; phần còn lại sẽ là của phía Belarus. Sự hiện diện của Nga sẽ bao gồm các đơn vị thuộc Quân đoàn xe tăng cận vệ số 1, đặc biệt là Sư đoàn bọc thép tinh nhuệ Tamanskaia. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã đảm bảo với phương Tây rằng sự minh bạch mang tính bắt buộc theo hiệp ước sẽ được duy trì, đồng thời giấy mời tham gia sẽ được gửi cho các nhà quan sát 50 ngày trước khi diễn ra cuộc tập trận; tuy nhiên, Nga đã có một số phản đối trước những cam kết của ông Lukashenko. Về mặt hình thức, Zapad-2017 là cuộc tập trận có khái niệm mang tính phòng thủ. Do những đặc điểm nổi bật này, Nga đã mô tả các quốc gia thuộc vùng Baltic, nhất là Litva, là những nước gieo rắc sự hoang mang. Người ta cho rằng một số nhà phân tích Nga thậm chí còn nhận định Zapad-2017 được duy trì trên quy mô nhỏ là nhằm làm dịu bớt những quan ngại của NATO.

Các nhà quan sát phương Tây, đặc biệt là những người gần với Nga nhất và cũng dễ bị tổn thương nhất, ở các nước Baltic và Ba Lan, đã vẽ nên một bức tranh rất khác về Zapad-2017. Những điểm khác biệt này bắt đầu với việc Nga gia tăng số lượng đặt các toa xe lửa hàng năm tại Belarus tới con số đáng kinh ngạc. Các nhà phân tích ở khu vực Baltic tin rằng so với quy định là chỉ có 13.000 binh sĩ tham gia, Zapad-2017 thực tế sẽ có sự tham dự của hơn 100.000 quân, đòi hỏi phía Nga phải sử dụng khoảng 4.000 toa xe lửa để di chuyển quân và đảm bảo công tác hậu cần. Số lượng toa xe lửa được Moskva đặt được Chính phủ Nga công khai ước tính có thể vận chuyển tới 8.000 quân, một con số mâu thuẫn với số lượng chính thức mà Belarus đã công bố về quy mô tham gia của Nga trong cuộc tập trận. Những tính toán độc lập của phương Tây cho thấy số toa xe lửa này sẽ đủ khả năng vận chuyển 2 sư đoàn cơ giới và thiết giáp của Nga - khoảng 30.000 binh sĩ và đội ngũ nhân viên hỗ trợ. Do những cuộc phô diễn các tàu đổ bộ của Nga gần đây ở Biển Đen, người ta tin rằng, mặc dù chưa được xác nhận, Zapad-2017 chắc chắn sẽ mô phỏng hoạt động đổ bộ, một nhiệm vụ quân sự phù hợp nhất cho một trong những vùng biển của Nga: Biển Baltic. Có tin nói toàn bộ Hạm đội Baltic của Nga cũng sẽ tham gia Zapad-2017. Nga cũng đã và đang chuẩn bị cho Zapad-2017 với nhiều cuộc diễn tập khác kéo dài trong suốt năm 2017, trong đó có cuộc tấn công trên không và chiến tranh điện tử. Theo tất cả các nguồn tin, Zapad-2017 sẽ là một sự kiện có quy mô rất lớn, không chỉ về mặt địa lý, mà còn về năng lực tập trận quân sự.

Mặc dù các quốc gia vùng Baltic tuyên bố đã sẵn sàng để đối phó với cuộc tập trận này, nhưng dường như khái niệm về sự sẵn sàng của họ khác với của các quốc gia xa hơn về phía Tây. Litva, bị kẹp giữa Kaliningrad và Belarus, đặc biệt lo ngại, và cơ quan tình báo của nước này đã cảnh báo về khả năng xảy ra các hành động khiêu khích hoặc những sự cố được dự liệu trước dọc biên giới nước này trong quá trình diễn ra cuộc tập trận. Họ cũng lưu ý sự sẵn sàng nói chung của các binh sĩ Nga đã tăng lên, đồng thời ước tính Nga có khả năng tổ chức và tiến hành xâm lược các quốc gia Baltic trong vòng từ 24-48 giờ. Cuối cùng, các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan hiện cũng lo ngại về khả năng binh sĩ Nga đơn giản là sẽ ở lại Belarus sau khi kết thúc cuộc tập trận, do đó sẽ mở rộng sự hiện diện lâu dài của binh sĩ Nga dọc biên giới với các nước Baltic và gia tăng áp lực ngầm lên các quốc gia Baltic cũng như Ba Lan. Các nhà quan sát Litva nhận định chủ đề của cuộc tập trận Zapad-2017 có liên quan đến cuộc xung đột vũ trang với NATO.

Phương Tây đã có phản ứng trước những lo ngại của các nước Baltic về cuộc tập trận Zapad-2017. Các nhóm chiến đấu đa quốc gia theo như cam kết tại hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Vacsava vào tháng 7/2016 cuối cùng đã bắt đầu được triển khai một cách trùng hợp đến các quốc gia Baltic và Ba Lan. Quân đội Mỹ, châu Âu cũng cam kết sẽ tăng cường sự hiện diện của họ tại các nước Baltic trong thời gian diễn ra cuộc tập trận Zapad-2017, với 600 lính dù từ 3 đơn vị được triển khai đến 3 nước Baltic. Sự hiện diện của NATO, đặc biệt là Mỹ, cũng đã gia tăng thông qua một loạt cuộc tập trận quân sự liên tiếp có quy mô nhỏ. Đặc biệt, tháng 6/2017 là một tháng đầy bận rộn. Các cuộc tập trận của NATO ở Baltic bao gồm cuộc tập trận Saber Knight 2017 với sự tham gia của 800 binh sĩ thuộc 3 quốc gia Baltic cùng với Đan Mạch nhằm huấn luyện cho các đơn vị cấp lữ đoàn; Saber Strike 2017, một cuộc tập trận trên bộ và trên không kết hợp ở Latvia với hơn 2.000 binh sĩ từ 8 quốc gia NATO; và BALTOPS 2017, một cuộc tập trận trên biển nhằm cải thiện khả năng tương tác giữa NATO và các đối tác khu vực, có sự tham gia của 4.000 quân, 50 tàu chiến và tàu ngầm, hơn 50 máy bay từ 14 nước NATO và các quốc gia đối tác. Đây là những cuộc tập trận chung nhằm nâng cao khả năng chiến đấu. Hơn nữa Saber Strike là cuộc tập trận hàng năm của NATO kể từ năm 2010, cũng như cuộc tập trận BALTOPS kể từ năm 1972. Quan trọng nhất là cuộc tập trận Iron Wolt do Litva và Ba Lan chủ trì cũng trong tháng 6 với sự tham gia của hơn 5.000 binh sĩ thuộc 10 quốc gia NATO. Cuộc tập trận này của NATO là cuộc tập trận đầu tiên phác thảo một kịch bản rõ ràng liên quan đến việc bảo vệ các quốc gia Baltic – bảo vệ khoảng trống Suwalki (thị trấn ở Ba Lan) trước nỗ lực của Nga nhằm chia cắt các quốc gia Baltic khỏi phần còn lại của NATO.

Ý nghĩa chiến lược của Zapad-2017

Zapad-2017 đã mang lại cả các lợi ích lẫn mối lo ngại mang tính chiến lược cho các quốc gia vùng Baltic. Mặc dù mối lo ngại quan trọng hơn các lợi ích, nhưng các lợi ích không phải là không đáng kể. Dĩ nhiên, các mối quan ngại này liên quan đến những toan tính của Nga cũng như quy mô đồ sộ theo dự đoán - chứ không phải được tuyên bố chính thức – của cuộc tập trận. Dù Nga và Belarus đã tuyên bố quy mô của cuộc tập trận nằm trong các giới hạn bắt buộc, song điều này có thể sai. Nga lâu nay có truyền thống luôn tìm cách đánh lừa phương Tây về quy mô các cuộc tập trận của họ. Đôi khi Nga đánh lừa bằng cách ước tính thấp một cách có chủ đích số binh sĩ tham gia các cuộc tập trận. Cũng có lúc Nga sắp đặt các cuộc tập trận được chính thức chia thành nhiều cuộc diễn tập, chủ yếu diễn ra đồng thời, đặt dưới một bộ chỉ huy chung để không vi phạm các ngưỡng theo quy định mà bên ngoài yêu cầu. Hơn nữa, Nga gần đây cũng có truyền thống sử dụng các cuộc tập trận để làm điểm khởi đầu cho các cuộc chiến hoặc làm vỏ bọc che đậy cho các hành động can thiệp. Vào nửa cuối tháng 7/2008, Quân đoàn số 58 của Nga đã tiến hành các cuộc tập trận Kavkaz định kỳ ở vùng Caucasus để tập trung quân về phía bắc Gruzia đúng thời điểm cho một cuộc chiến vào đầu tháng 8 năm đó. Vào năm 2013, Nga đã tái áp dụng một khái niệm huấn luyện cũ, đó là thực hiện một cuộc tập trận chớp nhoáng. Trong vòng một năm, một cuộc tập trận chớp nhoáng đã được tổ chức mà đã dẫn đến việc triển khai quân tới Crimea và các vùng lân cận, và kết quả là cuộc chinh phục bán đảo này.

Liệu Nga sẽ tiếp tục theo đuổi mô hình này với Zapad-2017 hay không? Nếu vậy, thì để chống lại ai? Các quốc gia Baltic không phải là những mục tiêu tiềm tàng duy nhất cho trò lá mặt lá trái và hành động can thiệp như thế, mặc dù các nước này là những ứng cử viên duy nhất trong NATO. Zapad-2017 sẽ đưa hàng chục nghìn binh sĩ Nga đến gần Kiev hơn so với trước đây kể từ khi Liên Xô sụp đổ, và điều này có thể khiến Chính phủ Ukraine lo ngại. Bản thân Belarus cũng có thể là đối tượng phải hứng chịu sức ép quân sự ngầm của Nga, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang nỗ lực để trở nên độc lập hơn về chiến lược kể từ khi cuộc sáp nhập Crimea diễn ra vào năm 2014 mà Belarus đã công khai phản đối. Vì thế, các quốc gia vùng Baltic không phải là mục tiêu đương nhiên cho bất kỳ cuộc xâm lược tiềm tàng nào của Nga trong hoặc ngay sau cuộc tập trận Zapad-2017, nhưng về mặt địa chính trị, họ có thể là những mục tiêu quan trọng nhất do tư cách thành viên NATO của họ. Liệu Nga có thực sự tiến hành xâm chiếm các quốc gia vùng Baltic hay không là một vấn đề khác, điều mà các nhà phân tích phương Tây không thể trả lời. Tư cách thành viên NATO có tác dụng răn đe và điều này ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn khi NATO tiếp tục chứng tỏ cam kết của mình với các quốc gia vùng Baltic, bất chấp các bước đi sai lầm và sự tự mâu thuẫn của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan tới liên minh này.

Những lợi ích của Zapad-2017 đối với các quốc gia vùng Baltic có liên quan đến nỗ lực của NATO nhằm trấn an những thành viên dễ bị tổn thương nhất trong liên minh. Cho dù là thông qua các cuộc tập trận hoặc thông qua việc triển khai tạm thời các binh sĩ, NATO đã có sự hiện diện rõ nét hơn ở các quốc gia Baltic để trấn an người dân ở khu vực này và nhằm ngăn chặn người Nga. Cuộc tập trận Iron Wolt thậm chí có lẽ là bước đầu tiên trong một quá trình dài hơn nhằm chuyển từ tư thế răn đe thành tư thế phòng thủ vững chắc hơn và lâu dài hơn. Tuy nhiên, một quá trình như vậy sẽ luôn trở thành con tin của các xu hướng chính trị tại các nước thành viên NATO, điều vốn rất khó hoặc không thể dự đoán. Tuy vậy, Zapad-2017 dường như sẽ khuyến khích một xu hướng vốn đã bắt đầu trong NATO, tuy muộn, nhằm phản ứng sự bành trướng của Nga. Xu hướng này sẽ tiếp tục được tăng cường do các hành động của Nga, mặc dù Nga đã phản đối những tiến triển như thế. Làn gió Nga đang tự khép lại cơ hội quân sự trên lý thuyết ở Baltic do chính sức ép của nó. Người ta chỉ có thể hy vọng rằng Nga sẽ không tận dụng cơ hội đó trong khi nó vẫn đang tồn tại như là cái cớ để Moskva chuẩn bị cho trường hợp bất trắc. Ngay cả khi không có điều gì bất lợi xảy ra giữa Nga và các quốc gia vùng Baltic hay các nước láng giềng khác trong thời gian diễn ra cuộc tập trận Zapad-2017, công việc của NATO vẫn sẽ chưa hoàn thành. Do Nga có khả năng thử nghiệm các khái niệm chiến thuật hoặc tác chiến mới trong cuộc tập trận Zapad-2017, các nhà phân tích quân sự sẽ có nhiều cơ hội để phân tích những gì họ có thể nhìn thấy và xác định liệu những khái niệm mới này có đem lại bất kỳ mối đe dọa nào cho các quốc gia NATO, trong đó các quốc gia vùng Baltic, hay không.

Trong 2 luồng ý kiến mô tả thái độ của các nước Baltic đối với Nga - thận trọng hay hoang tưởng - nhìn chung sẽ an toàn hơn khi cho rằng thái độ của các nước Baltic là thận trọng. Nếu đánh giá thái độ của các nước Baltic đối với Nga là mang tính hoang tưởng, điều này sẽ tiết kiệm tiền bạc, thời gian và sức lực trong trường hợp tốt nhất cũng như trong ngắn hạn. Nhưng trong kịch bản xấu nhất, nó cũng có nghĩa NATO đang là bên yếu hơn. Nếu nhận định thái độ của các nước Baltic là thận trọng, điều này sẽ tiêu tốn tiền bạc, thời gian và sức lực. Đây là điều có vẻ không cần thiết trong trường hợp tốt nhất nhưng lại có nghĩa là NATO đang chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất. Những tình huống địa chính trị thuận lợi được coi là vô giá. Đối với tất cả mọi người, NATO hiện đang có chính sách phòng thủ mạnh mẽ.

Lukas Milevski là Nghiên cứu viên Biển Baltic thuộc Chương trình Eurasia. Bài viết được đăng trên Foreign Policy Research Institute.

Văn Cường (gt)