Ông Tập đã đi thăm Malaysia và Indonesia, tại đây ông tới Jakarta và sau đó tham dự diễn đàn Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (APEC) tại Bali. Trong khi đó, ông Lý có chặng dừng chân ở Brunei và tham dự Thượng đỉnh Đông Á 2013 trước khi thăm tới Thái Lan và Việt Nam.

Những chuyến thăm đó không phải nỗ lực tận dụng việc Tổng thống Mỹ Barack Obama vắng mặt ở Châu Á do chính phủ Mỹ đóng cửa. Mặc dù hiển nhiên các lãnh đạo Trung Quốc sẽ coi sự vắng mặt này là cơ hội ngoại giao không thể bỏ lỡ, nhưng chuyến thăm của họ chủ yếu nhằm mục đích sửa chữa sai lầm những chính sách của Bắc Kinh, đặc biệt trong tranh chấp Biển Đông, khiến quan hệ giữa Trung Quốc và các thành viên của ASEAN căng thẳng trong những năm gần đây. Nó cho thấy sự tự tin ngày càng tăng của Bắc Kinh về khả năng của mình trong việc sử dụng ảnh hưởng kinh tế để thực thi chính sách đối với ASEAN.

Bộ đôi lãnh đạo mới của Trung Quốc đã thể hiện sự khôn khéo về ngoại giao, với những hứa hẹn đầu tư tập trung vào hai lĩnh vực hết sức quan trọng đối với khu vực Đông Nam Á: thương mại và cơ sở hạ tầng. Toàn bộ thông điệp của chuyến thăm cũng là thông điệp quan trọng mà ông Tập đã nhấn mạnh tại Hội nghị các Lãnh đạo APEC: Trung Quốc và Châu Á-Thái Bình Dương đều cần nhau để phát triển thịnh vượng hơn nữa. Tại Bali, ông Tập đã đặt ra mục tiêu thúc đẩy trao đổi thương mại hàng năm giữa Trung Quốc-ASEAN từ 400 tỷ USD trong năm 2012 lên tới 1 nghìn tỷ USD vào năm 2020. Chủ tịch Trung Quốc cũng đề xuất thành lập ngân hàng phát triển hạ tầng cơ sở Châu Á, nếu điều này trở thành hiện thực, sẽ đa dạng hóa sự lựa chọn của các nước trong khu vực ngoài Ngân hàng Phát triển Châu Á chủ yếu bị chi phối bởi Mỹ và Nhật Bản. Ở Brunei, ông Tập cũng tái khẳng định cam kết cho tới năm 2015 sẽ hoàn tất quá trình đàm phán về cơ chế tự do hóa thương mại Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP), gồm ASEAN và sáu quốc gia mà ASEAN có ký kết hiệp định tự do thương mại.

Ở tất cả các nước đến thăm, ông Tập và ông Lý đều đặt ra các mục tiêu thương mại đầy tham vọng với những người đồng cấp Đông Nam Á và đổi lại vận động hành lang giúp những công ty của Trung Quốc được tham gia vào các dự án lớn xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường liên kết giữa Trung Quốc-ASEAN. Các nhà lãnh đạo khu vực rất đón nhận thông điệp này, đặc biệt trong bối cảnh những năm gần đây, chính phủ các nước Đông Nam Á luôn nỗ lực để duy trì đà tăng trưởng và thu hút thêm vốn đầu tư. Ở Indonesia, ông Tập đã chứng kiến lễ ký kết hiệp định thương mại trị giá 33 tỷ USD giữa các công ty của Trung Quốc và Indonesia.

Thời điểm Bắc Kinh tiến hành cuộc tấn công quyến rũ mới cũng khá quan trọng. Lần cuối cùng Trung Quốc đưa ra đề nghị phối hợp với ASEAN là thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính ở Châu Á năm 1997. Những đóng góp chính của Trung Quốc là quyết định không phá giá đồng nhân dân tệ, đề xuất đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) đồng thời ủng hộ Sáng kiến Chiềng Mai, một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Những hành động đó, hoàn toàn trái ngược với viên thuốc đắng mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa ra, mở đầu một thời kỳ quan hệ hữu hảo giữa Trung Quốc và ASEAN. Tuy nhiên một phần thiện chí đó đã phai nhạt trong những năm gần đây khi Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn ở Biển Đông, đặc biệt đối với Philippines và Việt Nam.

Lần này, Trung Quốc đã tới gõ cửa ngay khi các nền kinh tế lớn của ASEAN đang phải đối mặt với những vấn đề về cấu trúc có thể ngăn cản tiềm năng tăng trưởng dài hạn của các quốc gia này. Nhưng Trung Quốc không còn là một đối thủ cạnh tranh về thị trường xuất khẩu với các nước Đông Nam Á như trong những năm 1980 và 1990; Trung Quốc hiện là một thị trường mà các nước ASEAN muốn kết nối. Hơn nữa, mối quan ngại ngày càng tăng bên trong ASEAN về tình trạng bất thường đang diễn ra ở Washington và khả năng hiện diện lâu dài của Mỹ trong khu vực đã khiến một số nước trong ASEAN nhích lại gần hơn về phía Bắc Kinh.

Những sáng kiến ​​của ông Tập và ông Lý đã phản ánh thực tế này: tuyến xe lửa cao tốc nối liền Trung Quốc với Thái Lan và Lào, có khả năng kéo dài tới tận Malaysia và Singapore; cam kết mua 1 triệu tấn gạo cùng với các sản phẩm nông nghiệp khác từ Thái Lan trong 5 năm tới và một lời hứa sẽ xem lại FTA giữa Trung Quốc - ASEAN để xoa dịu quan ngại của các nước Đông Nam Á về mức thâm hụt thương mại khá lớn giữa họ với Trung Quốc.

Trung Quốc có lý do để tin rằng cuộc tấn công ngoại giao của mình sẽ thành công. ASEAN thực sự rất cần cải thiện cơ sở hạ tầng để đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn và Bắc Kinh cho thấy mình sẵn sàng giúp đỡ ASEAN trong mặt trận này. ASEAN cần khoảng 60 tỷ USD mỗi năm trong thập kỷ tới để giải quyết các vấn đề về cơ sở hạ tầng. Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN, chính thức thành lập vào năm 2012, với vốn khởi điểm chỉ có 485 triệu USD. Đề xuất của ông Lý về khả năng để Bangkok trả tiền cho các dự án đường sắt bằng những sản phẩm nông nghiệp có thể được xem như cách thức điều chỉnh cho phù hợp với sự thiếu vốn của ASEAN .

Bằng việc phớt lờ Philippines, nước đã chọc giận Trung Quốc khi đưa yêu sách biển của Bắc Kinh ra tòa trọng tài của Liên Hợp Quốc, đồng thời loại bỏ vấn đề Biển Đông khỏi các hội nghị khu vực, Bắc Kinh cho thấy nước này sẵn sàng sử dụng đồng thời cả cây gậy và củ cà rốt trong quan hệ với các nước láng giềng. Và Trung Quốc đã làm vậy mà không dùng đến những lời lẽ gay gắt hoặc hành động quá mạnh bạo, như từng xảy ra tại Diễn đàn khu vực ASEAN năm 2012 ở Phnom Penh. Không còn những tuyên bố kiểu như của cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì, người năm 2010 đã từng nói với những người đồng cấp ASEAN rằng “Trung Quốc là một nước lớn, các nước khác là nước nhỏ và điều này là một thực tế.”

Tại chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du ASEAN, ông Lý đã tuyên bố một số hiệp định về thương mại, cơ sở hạ tầng và an ninh biển đã đạt được với Việt Nam. Phải thừa nhận rằng những hiệp định này quy mô nhỏ hơn những thỏa thuận mà Trung Quốc đã ký với Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Nhưng Thủ tướng Trung Quốc đã chìa ra một cành ô liu quan trọng, tái khẳng định cam kết của Trung Quốc với thỏa thuận năm 2011 giữa Việt-Trung về quản lý căng thẳng ở Biển Đông, đồng thời chỉ ra rằng tranh chấp biển chỉ là vấn đề lịch sử, đang cản trở mối quan hệ gần gũi hơn giữa hai nước.

Những diễn biến này không nên được xem như một phần của trò chơi bên được bên mất giữa Washington và Bắc Kinh để giành vị trí độc tôn trong khu vực. Nhưng các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần hiểu rằng những thay đổi của Trung Quốc đòi hỏi Mỹ phải phản ứng khôn khéo và đề ra kế hoạch mang tính chiến lược.

Washington cần khuyến khích Bắc Kinh tìm ra các biện pháp cụ thể để thúc đẩy liên kết khu vực ở Đông Nam Á, một chính sách Mỹ cũng nên ủng hộ. Nhưng các doanh nghiệp Mỹ không nên, và không thể, vắng mặt ở các dự án lớn về cơ sở hạ tầng trong khu vực. Các công ty của Mỹ không còn cạnh tranh với các đối thủ Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc xây dựng đường giao thông và đường sắt ở khu vực Đông Nam Á. Nhưng các công ty này vẫn có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông, các dự án năng lượng, công nghệ tận thu dầu khí tiên tiến, thiết kế và xây dựng sân bay, cầu cảng. Các dự án cơ sở hạ tầng sẽ mang nhiều ý nghĩa chính trị và chiến lược trong tương lai. Ví dụ như, một tuyến đường sắt xuyên quốc gia liên kết lục địa Đông Nam Á với Trung Quốc sẽ thúc đẩy hội nhập theo một cách thức khác so với một hành lang kinh tế trong tương lai kết nối đầu này của lục địa Đông Nam Á với một đầu khác.

Trong một hoặc hai thập kỷ tới, khu vực tư nhân của Mỹ sẽ có cơ hội lớn giúp định hình và quy hoạch cơ sở hạ tầng khu vực để Đông Nam Á có thể gắn kết hơn nữa từ bên trong và với phần còn lại của thế giới. Nếu chính phủ Mỹ nghiêm túc với chính sách tái cân bằng lợi ích ở Châu Á thì việc đảm bảo khu vực tư nhân tận dụng hiệu quả cơ hội này là ưu tiên hàng đầu.

Để trấn an Châu Á rằng chính sách tái cân bằng của Mỹ ở khu vực vẫn được duy trì và thúc đẩy bất chấp sự vắng mặt bất khả kháng của Tổng thống Mỹ tại những hội nghị quan trọng năm nay, ông Obama cần có các chuyến thăm khu vực vào đầu năm tới. Nếu không thể đem theo một phái đoàn những nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, ông chủ Nhà Trắng cần thúc giục các thành viên đứng đầu nội các, trong đó có Bộ trưởng Thương mại Penny Pritzker, đưa các CEO Mỹ tới những nước ASEAN chủ chốt qua các chuyến đi nhằm đẩy mạnh hoạt động thương mại và đầu tư trong những lĩnh vực mà các công ty Mỹ có lợi thế. Mỹ cũng nên tăng dần các dự án tài trợ thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Ex-Im Bank) và nhanh chóng đưa Myanmar vào danh sách các quốc gia đủ điều kiện để nhận vốn tài trợ Xuất-Nhập.

Những diễn biến trong tuần qua ở Châu Á cho thấy các nghị trình về thương mại tiếp tục được thúc đẩy, dù có sự hiện diện của Tổng thống Mỹ hoặc không. Các cuộc đàm phán về RCEP gồm 16 thành viên đang được thực hiện, trong khi đó Trung Quốc cũng có cơ chế riêng để thúc đẩy hoạt động thương mại với các nền kinh tế lớn của ASEAN. Trong bối cảnh này, việc Mỹ và 11 bên đàm phán của hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương đi đến một thỏa thuận vào cuối năm nay và việc Washington bày tỏ mong muốn thúc đẩy thương mại, nhân tố căn bản trong cam kết của nước này với Châu Á, đã trở nên hết sức cần thiết.

Trong thập kỷ tới, người ta sẽ chứng kiến những viễn cảnh khác nhau về tương lai của hoạt động thương mại và địa chính trị ở Châu Á, với việc khu vực Đông Nam Á đóng vai trò trung tâm. Cuộc tấn công quyến rũ của Bắc Kinh là động thái mới nhất trong cuộc chơi, đòi hỏi Mỹ phải đưa ra câu trả lời chiến lược mà không được phản ứng thái quá trước những sáng kiến ​​đáng khích lệ của Trung Quốc.

Phuong Nguyen là trợ lý nghiên cứu của diễn đàn Sumitro Chair về các vấn đề Đông Nam Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, ở Washington, D.C. Bài viết này được đăng lần đầu tiên trên trang “CSIS”.

Người dịch: Tuấn Anh

Hiệu đính: Minh Ngọc