Từ năm 2011, trong khi Washington chỉ trích ý đồ của Bắc Kinh ở Biển Đông và hoạt động của "gián điệp mạng" Trung Quốc, làn gió cáo buộc đã chuyển hướng 180 độ. Tại Trung Quốc nở rộ các bài viết phê phán mạnh mẽ tính ích kỷ của Washington vì "đáng lẽ phải đảm nhận trách nhiệm đối với toàn cầu, song Mỹ lợi dụng vị thế siêu cường của mình để tìm cách tạo ra một đế chế riêng cho mình bằng cách áp đặt trật tự thế giới, kích động căng thẳng trong các khu vực và tranh chấp lãnh thổ, phát động chiến tranh dưới chiêu bài nói dối, đồng thời đẩy rủi ro tài chính sang người khác" (Tân Hoa Xã). Lối nói này của Tân Hoa Xã là không gì rõ ràng và trực diện hơn, đồng thời đánh dấu một sự tiến triển ít nhất cũng là trong cách hành văn so với trước đây. Khi đó Trung Quốc chỉ phê phán Mỹ bằng lời bóng gió, chẳng hạn như "thế giới vẫn luôn tìm cách hồi phục sau thảm họa kinh tế do giới tinh hoa Phố Wall gây ra, trong lúc các cuộc không kích và các vụ giết chóc trở thành chuyện thường ngày ở Iraq sau khi Washington huênh hoang đã giải phóng người Iraq khỏi ách độc tài". 

Cũng như ở châu Âu, những lời phê phán được tung ra từ các nước Đông Nam Á trong vụ bê bối nghe trộm của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA), tuy nhiên với phương thức nhẹ nhàng hơn và ít thống nhất hơn vì Campuchia, Thái Lan và Myanmar tìm cách giảm nhẹ vụ việc. Trái lại, Bắc Kinh và Jakarta yêu cầu Canberra và Washington giải thích về hệ thống nghe trộm đặt trong các Đại sứ quán Mỹ ở Phnom Penh, Bắc Kinh, Kuala Lumpur, Naypidaw và Bangkok như tờ "Sydney Morning Herald" tiết lộ. Ngày 1/11, các Đại sứ Mỹ và Australia tại Kuala Lumpur được Bộ Ngoại giao nước chủ nhà triệu lên. Hành vi đó cũng là một trong những yếu tố cho thấy Trung Quốc phản công chính sách "xoay trục" của Mỹ sang châu Á. 

Nếu có khu vực nào trên thế giới nơi sự kình địch Mỹ-Trung diễn ra quyết liệt thì đó là Đông Nam Á vì trên thực tế, các mối quan hệ quốc tế trong khu vực dựa trên những điều trái ngược nhau mặc dù ở đây vẫn có sự khác biệt lớn. Có thể và ít nhất vào lúc này, những điều trái ngược nhau đó không "bổ sung cho nhau" mà hoàn toàn đối nghịch nhau. Washington và Bắc Kinh đều giương cờ của mình để tiến lên ở vùng đất rất chiến lược đối với cả hai này. 

Đối với Washington , ngọn cờ an ninh và ổn định được tô điểm thêm bằng nhân quyền vốn là lý tưởng không thể phủ nhận nhưng thường bị chính Mỹ xâm phạm. Đối với Bắc Kinh, ngọn cờ lịch sử, văn hóa, thương mại và quyền lực tập trung và không thể chia cắt mang hương vị hệ thống chính trị của mình dựa trên nền tảng Lêninít nhưng được bổ sung chủ nghĩa tư bản nhà nước đậm màu thương mại. Cả hai đều ngấm ngầm nuôi dưỡng ý đồ đế quốc và giàu hy vọng trước kho dầu mỏ ở khu vực này. Từ đó mới nổ ra tranh cãi ở Biển Đông và nỗ lực của cả hai người khổng lồ này để chinh phục các nước trong khu vực vốn không thống nhất với nhau. 

Sau khi Washington hồi đầu năm 2012 tuyên bố xoay trục sang châu Á, đồng thời tổ chức tập trận và tăng thêm quân ở Australia và Singapore, với các dự án thương mại quy mô lớn trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng không để Trung Quốc tham gia, giờ là lúc của Trung Quốc khi thời của Mỹ dường như đã lùi xa, cộng với việc Bắc Kinh kêu gọi "phi Mỹ hóa" thế giới. Trong một loạt lời bình luận về "hồi kết của đồng USD" trong bối cảnh mối lo ngại đồng tiền Mỹ mất giá nghiêm trọng trong khi lượng dự trữ ngoại hối được Trung Quốc đầu tư vào trái phiếu liên bang Mỹ đến cuối tháng 9/2013 đã lên tới 1.268 tỷ USD trong tổng số 3.660 tỷ USD tổng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc (34,6%). 

Ngày 3/10, Chủ tịch Tập Cận Bình là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên được mời phát biểu trước Nghị viện Indonesia tại Jakarta . Thông điệp của ông rất rõ ràng và có hai dụng ý: trong lúc Trung Quốc chuẩn bị thúc đẩy với nhịp độ chưa từng thấy trao đổi thương mại với các nước ASEAN - với mục tiêu 1.000 tỷ USD vào năm 2020, không nên để các vấn đề về chủ quyền ở Biển Đông gây trở ngại. Tập Cận Bình cũng ký một hiệp định hợp tác trị giá 30 tỷ USD và đưa ra cam kết của Trung Quốc về khai thác khoáng sản và dự án hạ tầng. 

Tại Malaysia , ý định của Bắc Kinh cũng rất rõ ràng: khẳng định ảnh hưởng văn hóa và kinh tế của Trung Quốc. Trong cuộc gặp nguyên thủ nhà nước Malaysia, Abdul Halim Mu'adzam, và Thủ tướng Nijib Razak ngày 4/10, Tập Cận Bình nói đến các chuyến thăm của Đô đốc Trịnh Hòa vào thế kỷ 15, với 5 lần đến Malacca. Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh đến ảnh hưởng lịch sử của Trung Quốc trong khu vực và tầm quan trọng đối với Bắc Kinh của các tuyến đường biển đi sang phía Tây, đến châu Phi và Trung Đông. Trao đổi thương mại song phương sẽ được nâng từ 95 tỷ USD vào năm 2013 lên 160 tỷ bắt đầu từ năm 2017. Điều này được Tập Cận Bình khẳng định trước 1.000 doanh nhân trong cuộc gặp gỡ với ông. Đồng thời, một kế hoạch 5 năm được xúc tiến để mở rộng hợp tác song phương về công nghệ, tài chính và dịch vụ. Việc thắt chặt mối quan hệ diễn ra trong khuôn khổ có từ trước của khu thương mại tự do giữa 6 nước ASEAN và Trung Quốc, được thành lập ngày 1/1/2010. Cách thức cởi mở và không mấy bắt buộc của hình thức hợp tác này khác hẳn với điều kiện rất chi li trong TPP của Mỹ, cộng với những đòi hỏi phải minh bạch và trong đó không có Trung Quốc. 

Ngày 7/10, Tập Cận Bình có mặt ở Bali và đọc một bài phát biểu dài tại hội nghị thường niên các nước ven Thái Bình Dương (APEC) - bao gồm 21 nước và vùng lãnh thổ trong đó có Nga, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Papua New Guinea, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, 7 nước ASEAN (Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Singapore, Malaysia, Indonesia, Brunei), Hong Kong, Đài Loan - với 40% dân số thế giới, 55% tổng sản phẩm quốc nội và 44% trao đổi thương mại của thế giới. Chủ tịch Trung Quốc không hề nói bóng gió đến sự vắng mặt của người đồng nhiệm Mỹ -người được thay thế bằng Ngoại trưởng John Kerry - mà tập trung nhận xét về các cuộc cải cách đang diễn ra trong nền kinh tế Trung Quốc và sự cần thiết đối với nước này phải tăng cường mối quan hệ với các nước ven Thái Bình Dương. Trong lúc tình hình kinh tế của nhiều nước trong khu vực còn mong manh, phần lớn trong số đó hướng về Trung Quốc để có thể có được vốn và hợp tác mọi mặt như nước này đề xuất. Trái lại, sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ khiến việc thúc đẩy TPP bị trục trặc. 

Lúc này, ngoài Singapore và Brunei là những nước thành viên sáng lập năm 2005, không một nước châu Á nào tham gia hiệp định của Mỹ. Việt Nam tiến hành thương lượng từ năm 2006, Malaysia từ năm 2010, Đài Loan và Nhật Bản từ năm 2013. Tại Bali, Hàn Quốc và Malaysia trả lời còn chờ xem. Không có một thông tin nào về ý định của Thái Lan cũng như Philippines . Indonesia nghiêng hẳn về phía Trung Quốc và chưa bao giờ tỏ ý quan tâm đến TPP. Có thể sự vắng mặt của Tổng thống Obama được cảm nhận nhiều nhất tại Jakarta trước cỗ xe lu tài chính Trung Quốc. Trong bầu không khí ảm đạm ít có lợi cho Mỹ đó, niềm an ủi đến từ người đồng minh cũ Singapore thông qua tiếng nói của Lý Hiển Long. Vị thủ tướng này, cũng giống như cha mình, thích thú khi nhắc lại rằng "không một nước nào có thể thay thế được cam kết của Mỹ ở châu Á, kể cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản". 

Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Brunei, Thủ tướng Lý Khắc Cường là người đại diện cho Trung Quốc, trong khi John Kerry phát biểu thay mặt cho Washington. Một lần nữa, sự kình địch Mỹ-Trung lại thể hiện rất rõ. Cả hai nước quả thực đều đưa ra lập luận về phát triển và hợp tác theo chuẩn mực của mình. Trung Quốc rõ ràng bỏ xa Mỹ trong việc thiết lập một khu vực thương mại tự do. Trái lại, về vấn đề cũ liên quan đến yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông, căng thẳng là rất rõ ràng, đến mức 10 nước định tìm cách cân bằng mối quan hệ giữa hai người khổng lồ và tiến hành hai cuộc họp riêng, một với Trung Quốc và một với Mỹ. 

Khi Washington định tìm cách thúc đẩy thống nhất hành động trong khu vực đối với Trung Quốc, Bắc Kinh cáo buộc Mỹ can thiệp và nhắc lại yêu cầu của mình chỉ thương lượng song phương với các nước có tranh chấp. Lần này, Trung Quốc đi trước một bước. Từ giữa tháng 9/2013 tại Tô Châu, Bộ Ngoại giao bắt đầu thương lượng với ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông. Việc này đã được chuẩn bị trong hai chuyến đi của Ngoại trưởng Vương Nghị, một đến Thái Lan, Indonesia, Singapore và Brunei vào mùa Xuân và một trong tháng 8/2012 đến Malaysia, Lào, Campuchia và Việt Nam. Các cuộc thương lượng tiến triển rất chậm trên cơ sở "tuyên bố ứng xử" được ký tại Phnom Penh ngày 4/11/2002, khích lệ các bên kiềm chế, hiểu biết lẫn nhau và loại trừ khiêu khích và sử dụng vũ lực. Tuyên bố ứng xử xác định 5 lĩnh vực hợp tác (bảo vệ môi trường, nghiên cứu biển, an ninh các tuyến đường giao thông và quyền tự do hàng hải, cứu nạn trên biển, đấu tranh chống tội phạm có tổ chức, cướp biển và buôn lậu các loại). Cho đến nay mới chỉ thành lập được 4 nhóm công tác, nhưng không một dự án nào được thực hiện. 

Tại Bangkok, tình hữu nghị Trung Quốc-Thái Lan được khẳng định trong khi ở Hà Nội, căng thẳng suy giảm nhưng vẫn còn hoài nghi. Là nhà kiến tạo thực sự một kế hoạch quốc tế đã được ông trình bày tại Nam Ninh tháng 9/2013 và kế hoạch này được coi là xương sống của chiến dịch tấn công chớp nhoáng của Trung Quốc ở Đông Nam Á, Thủ tướng Lý Khắc Cường đến Bangkok và Hà Nội. Tháng 5/2013, ông đi thăm Ấn Độ để tháo ngòi nổ tình hình căng thẳng ở biên giới và cũng vào tháng 9/2013, ông gặp Tổng thống Myanmar, Thein Sein, trong một cuộc gặp kéo dài. 

Tại Thái Lan, Lý Khắc Cường ký 6 thỏa thuận với Thủ tướng nước chủ nhà Yingluck Shinawatra trong nhiều lĩnh vực: thương mại, hạ tầng, năng lượng và khai thác biển. Ngày 11/10, khi phát biểu trước nghị viện Thái Lan, ông hứa hẹn Trung Quốc sẽ mua thêm cao su và giúp nước này phát triển hệ thống tàu cao tốc hai làn đường để biến Thái Lan thành một trung tâm giao thông đường bộ khu vực kết nối với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc qua Lào. Để thực hiện kế hoạch này, Thái Lan vay của Trung Quốc 70 tỷ USD. Thủ tướng Yingluck Shinawatra đề nghị sẽ trả từng phần bằng số gạo dư thừa của nông dân Thái Lan được Bangkok trợ giá cao hơn giá thị trường. Mọi thứ cho thấy Bắc Kinh sẽ chấp nhận đề nghị này. Trong chuyến thăm này, Lý Khắc Cường cùng Hoàng hậu Sirikit chủ trì lễ khai trương triển lãm về công nghệ tàu cao tốc Trung Quốc. 

Cuộc chạy đua ngoại giao đường trường trên mọi phương diện của Lý Khắc Cường kết thúc ở Việt Nam vào ngày 16/10. Bối cảnh của chặng dừng chân này, với dấu ấn là một loạt cuộc tranh cãi lãnh thổ làm tổn hại mối quan hệ giữa hai bên từ giữa những năm 1970, chắc chắn ít dễ chịu hơn đối với Thủ tướng Trung Quốc. Nhưng thiện chí của cả hai bên muốn làm dịu căng thẳng tích tụ từ năm 2011 là rất rõ ràng. Chiến lược của Trung Quốc thể hiện trong các tuyên bố của mình là không thay đổi: gạt sang một bên các yêu sách về lãnh thổ cần giải quyết về dài hạn và trên phương diện song phương, đồng thời nỗ lực trong hợp tác kinh tế. Mọi việc đã được chuẩn bị trước trong các chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 6/2013 của Chủ tịch Việt Nam, Trương Tấn Sang, và Nam Ninh của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. 

Lý Khắc Cường và người đồng nhiệm Việt Nam thông báo hai nước đã thành lập một nhóm công tác để cải thiện cơ sở hạ tầng, phối hợp về tài chính và hợp tác trên lĩnh vực biển trong Vịnh Bắc Bộ, xoay quanh các thỏa thuận song phương được kín đáo ký kết trong chuyến thăm năm 2011 của Tập Cận Bình lúc đó còn là Phó Chủ tịch. Nhưng không phải không có ý nghĩa khi nói rằng Lý Khắc Cường đến Hà Nội vào lúc diễn ra lễ quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Giáp là người theo chủ nghĩa dân tộc Việt Nam và có cuộc đời khiến người khác nhớ lại những biến động lớn của đất nước, mối quan hệ đôi khi vấp váp với Trung Quốc, nơi ông từng sống lưu vong trong thời kỳ thực dân Pháp. Gần đây, Tướng Giáp lưu ý các chính trị gia Việt Nam về sự bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Tại Myanmar, Bắc Kinh chủ trương thực hiện chính sách thực tiễn, còn Philippines bị trừng phạt. Chiến dịch quy mô mà Trung Quốc tiến hành tại các nước Đông Nam Á - vốn là sân sau từ lâu của nước này - có thể sẽ không trọn vẹn nếu không có cuộc gặp giữa Lý Khắc Cường và Tổng thống Myanmar, Thein Sein, ngày 2/9 tại Nam Ninh. Cuộc hội kiến diễn ra trong bối cảnh tại vùng đất có tính chiến lược đối với Trung Quốc này - với đường ống dẫn dầu nối tỉnh Vân Nam với vịnh Bengal, bỏ qua Eo biển Malacca và tránh được con đường vòng qua Biển Đông - ảnh hưởng của Trung Quốc đang mất dần từ khi Myanmar phát đi tín hiệu mở cửa, từ đó cho phép phương Tây, cụ thể là Mỹ, dần lấy lại ảnh hưởng của mình. 

Trong bối cảnh đảo lộn đó, đầu tư của Trung Quốc vào Myanmar giảm mạnh do ít nhiều bị tác động bởi sự thay đổi chính trị và làn sóng phản kháng của xã hội dân sự đối với các dự án thủy điện quy mô lớn hay khai khoáng, như mỏ đồng tại Letpadaung ngừng hoạt động từ một năm nay và đập chắn nước Myitsone, nơi Trung Quốc đã đầu tư 3,6 tỷ USD và việc xây dựng bị dừng lại từ năm 2011. Thêm vào đó là tình hình không chắc chắn dọc theo 2.210 km đường biên giới chung, trở nên phức tạp hơn do các vấn đề sắc tộc và ký ức về thời kỳ hỗn loạn với các đội quân vũ trang tư nhân, trong đó một phần trước đây được Trung Quốc tài trợ. Cách đây không lâu, các đội quân này là nỗi ám ảnh của giới quân sự cầm quyền và bị đàn áp không thương tiếc. Tình hình càng nhạy cảm hơn đối với Bắc Kinh khi các vùng biên giới ở phía Đông Mandalay có rất đông người Trung Quốc sinh sống, vốn là thương nhân mới di cư sang, và người Myanmar gốc Trung Quốc, con cháu của người di cư sau khi nhà Minh sụp đổ (thế kỷ 17). Trước tình hình rối rắm đó, nhưng ý thức được sự được mất về phương diện chiến lược nảy sinh từ Myanmar, Bắc Kinh quyết tâm lấy lại ảnh hưởng đã bị sứt mẻ của mình. Bộ chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc chấp nhận chạy đua với phương Tây và thay đổi chính sách như một "cơ hội" và sẽ nỗ lực giảm thiểu hệ quả xấu do việc kiểm soát đất nước quá chặt chẽ, năng lực yếu kém của các nhà ngoại giao được cử đến Myanmar, và điều chỉnh các nhà đầu tư của mình nếu cần thiết. 

Cần tin rằng hành động của Trung Quốc, được tiến hành trong dài hạn và xoay quanh lợi ích và ván cá cược cốt yếu của mình, sẽ không đi trệch hướng đã định. Chắc chắn phương pháp này sẽ mang lại kết quả vì đã từng khiến phương Tây nhiều phen phải lao đao, được minh chứng qua các phân tích với nhãn quan một chiều theo đó mối quan hệ quốc tế trong khu vực là một cuộc chơi được mất ngang nhau. Trong khi chỉ cách đây không lâu, Trung Quốc cáo buộc xã hội dân sự và phe đối lập vào hùa với nhóm quân sự cầm quyền, nhưng bây giờ nói sẵn sàng đối thoại với tất cả các bên, kể cả Liên đoàn dân chủ quốc gia. Khi đến thăm Nghị viện châu Âu ngày 23/10 để nhận giải thưởng Sakharov được các nghị sĩ trao cho bà năm 1990, Aung San Suu Kyi phân tích một cách rất thực tiễn mối quan hệ giữa Myanmar và Trung Quốc, cẩn thận tránh phê phán chế độ Bắc Kinh, đồng thời khích lệ các nghị sĩ tiếp tục gây áp lực với các nhà lãnh đạo nước mình. 

Thái độ lạc quan của Trung Quốc thể hiện qua cuộc tấn công ngoại giao dường như có vẻ là một cuộc phản công chống lại việc Mỹ vào năm 2012 quyết định xoay trục sang châu Á. Nhưng thái độ lạc quan của Trung Quốc không được trọn vẹn do bất đồng sâu sắc với Philippines . Trong câu chuyện này, chắc chắn Mỹ ủng hộ người đồng minh Philippines, nước đầu tiên trong lịch sử tiến hành kiện Trung Quốc lên Tòa án quốc tế về luật biển, vì nhiều lý do, trong đó có tình hình căng thẳng liên quan đến bãi cạn Scarborough. Trong cả thời kỳ sôi động dân chủ bắt đầu từ khi êkíp mới lên nắm quyền vào tháng 3/2013 và vừa kết thúc bằng việc hai nhân vật hàng đầu trong Thường vụ Bộ chính trị chỉ trong chưa đầy hai tuần lễ đã tham dự hai hội nghị thượng đỉnh quốc tế và đi thăm 4 nước Đông Nam Á, Bắc Kinh cố tình bỏ qua Manila. Bộ chính trị và phe dân tộc chủ nghĩa trong dư luận nhanh chóng huy động lực lượng về các vấn đề chủ quyền ở Biển Đông và nhận thấy sáng kiến của Philippines là một tội "phạm thượng". Tháng 9/2013, Bắc Kinh cho Tổng thống Benigno Aquino biết rằng ông sẽ không được hoan nghênh tại Hội chợ thương mại hàng năm của các nước Đông Nam Á tại Nam Ninh, sau khi ông từ chối rút đơn kiện. Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị, thận trọng tránh đến Manila trong chuyến công du của ông vào mùa Xuân và mùa Thu năm 2013. 

Theo ông Paul Reichler, thuộc Cabinet Foley Hoag và là người được Philippines thuê để đại diện cho mình tại Tòa án quốc tế, do Trung Quốc quyết định không tham gia vụ kiện nên việc xét xử có thể sẽ diễn ra vào khoảng từ tháng 4 đến háng 10/2014. Theo vị luật sư người Mỹ này, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Spratley (Trường Sa của Việt Nam) và bãi cạn Scarborough là không có cơ sở - vì đây không phải là các hòn đảo nhỏ - và Manila có thể sẽ thắng kiện. Trả lời câu hỏi của tờ "Wall Street Journal", Reichler cho rằng Trung Quốc do cố bám lấy hình ảnh cường quốc chống đế quốc nhưng thân thiện của mình nên có thể sẽ tuân thủ phán quyết, như những gì từng xảy ra trong 95% các vụ kiện được Tòa án quốc tế thụ lý. Tuy nhiên, điều đáng nhớ là Đảng Cộng sản Trung Quốc không dễ chấp nhận để cho hình ảnh của mình bị sứt mẻ ở trong nước.

Theo Question Chine

Hương Lan (gt)