1. Mở đầu

Hợp tác năng lượng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN kể từ khi khởi động vào cuối những năm 1970 được coi là một phần quan trọng của mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN. Khi Trung Quốc mở rộng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của mình cho Đông Nam Á sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, hợp tác trong lĩnh vực này đã phát triển lên một mức độ mới, mở rộng từ thương mại năng lượng đến thăm dò tài nguyên năng lượng và xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan.

Dựa trên sự phát triển gần đây này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lập luận rằng Bắc Kinh sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế thậm chí còn lớn hơn để củng cố an ninh năng lượng. Nhiều học giả quốc tế cũng cho rằng hợp tác trong các vấn đề năng lượng có thể làm sâu sắc hơn sự hội nhập khu vực và củng cố quan hệ Trung Quốc-ASEAN. Chẳng hạn, chuyên gia Saleem H. Ali tuyên bố rằng do tính cố định của cơ sở hạ tầng của họ, như các đường ống dẫn dầu lửa và khí đốt, các dự án năng lượng chung có thể có một tác động lâu dài và đem lại những động lực lớn hơn cho hợp tác bền vững.

Tuy nhiên, vài năm qua đã cho thấy rằng trong khi một số động lực nào đó tồn tại theo hướng tiếp tục hợp tác, và hợp tác năng lượng đã mở rộng phần lớn quan hệ song phương Trung Quốc-ASEAN, một số nhân tố đang thúc đẩy khu vực tiến tới cạnh tranh và thậm chí là xung đột. Nhu cầu tài nguyên năng lượng gia tăng đã làm nổi lên “chủ nghĩa bảo hộ năng lượng” hay “chủ nghĩa dân tộc tài nguyên”, đưa Trung Quốc và Đông Nam Á vào một cuộc cạnh tranh chính thức để đảm bảo các nguồn cung năng lượng và bảo vệ các lợi ích quốc gia. Khi Trung Quốc tiếp tục cuộc săn lùng tài nguyên của mình ở Đông Nam Á, nhiều nhà quan sát bên ngoài lo ngại rằng Trung Quốc cũng sẽ bắt chước kiểu chiến lược “trọng thương mới” mà Nhật Bản đã áp dụng trong giai đoạn tăng trưởng cao của mình, một khả năng được củng cố bởi sự nổi lên của “chủ nghĩa tư bản nhà nước” ở một số cường quốc đang lên. Đầu tư của Trung Quốc vào Đông Nam Á chắc chắn ràng buộc các đối tác lại gần nhau hơn, nhưng cũng nhắc nhở cho các chính trị gia về “chủ nghĩa thực dân mới”. Sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc tài nguyên khiến dễ có khả năng xảy ra va chạm hơn. Những kêu gọi của công chúng đòi các chính phủ thực thi quyền chủ quyền và kiểm soát các tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn khiến các quan chức nhà nước ngày càng khó hành động tiến đến một thỏa hiệp chấp nhận được cho các bên với các công ty Trung Quốc. Như chuyên gia Paul Stevens lập luận, “các đường ống xuyên biên giới và các dự án liên quan có thể gây ra xung đột và sự oán giận ở địa phương, khi các bên với những lợi ích và động lực khác nhau đều dính líu, và việc sử dụng đất đai không thể được đền bù một cách hợp lý”.

Quả thực, trong những năm gần đây, đường hướng năng lượng-an ninh tập trung vào nhà nước của Trung Quốc đã đưa nước này đến chỗ có được các nguồn cung năng lượng bằng cách giành quyền kiểm soát trực tiếp các mỏ dầu lửa và khí đốt và các tuyến đường cung cấp. Với thực tế đầu tư ra nước ngoài (OFDI) của Trung Quốc vào các nước Đông Nam Á đã gia tăng mạnh và phần lớn được chào đón, đường hướng về các vấn đề năng lượng này tạo ra những cảm giác lẫn lộn về sự hiện diện ngày càng tăng không thể tránh được của Trung Quốc. Một mặt, đường hướng mới có thể mang đến cơ hội để đẩy mạnh hợp tác song phương, nhưng mặt khác, cả các nước đang phát triển lẫn phát triển đều đã bày tỏ lo ngại rằng điều đó có thể phá hủy trật tự thị trường, làm xói mòn niềm tin vào quyền tiếp cận công bằng các nguồn cung tương lai, và làm trầm trọng thêm sự ngờ vực chiến lược. Họ cũng lập luận rằng mặc dù các khoản cho vay của Trung Quốc cho các nước đang phát triển không đến với nhiều điều kiện chính trị, vẫn chưa rõ liệu chúng có thể được sử dụng như đòn bẩy để thay đổi chính sách của các nước nhận tiền theo hướng có lợi cho Trung Quốc trong tương lai, có khả năng phá vỡ nguyên trạng trong khu vực. Ở Đông Nam Á, vài năm qua đã chứng kiến chiến lược săn lùng tài nguyên của Trung Quốc đã góp phần vào sự ngờ vực và những nỗi lo ngại ngày càng tăng ở các cộng đồng địa phương (như ở Myanmar và Indonesia), dù mức độ can thiệp trực tiếp của nhà nước tương đối khác nhau. Chẳng hạn, một chuyên gia thuộc Đại học Bắc Kinh đã công nhận rằng Bắc Kinh tập trung quá mức vào việc xây dựng quan hệ với Chính phủ Myanmar và phớt lờ cảm giác và lợi ích của người dân địa phương. Chẳng hạn, chuyên gia Cổ Khánh Quốc thuộc Đại học Bắc Kinh cũng lập luận rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế không thể đảm bảo cho quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và các nước nhỏ nếu các nước nhỏ liên quan không chắc chắn về những ý định chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Do đó, các câu hỏi cần nghiên cứu là như sau: Hợp tác tài nguyên năng lượng Trung Quốc-ASEAN đang đi theo hướng nào? Nó sẽ có tác động gì lên các cộng đồng địa phương ở Đông Nam Á? Và tương lai của mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

2. Ngoại giao tài nguyên của Trung Quốc ở Đông Nam Á

Vấn đề năng lượng đã không trở thành một nhân tố trong chính sách ngoại vi của Trung Quốc cho tới giữa những năm 1990 khi sự thiếu hụt năng lượng ngày càng tăng bắt đầu cản trở những nỗ lực của nước này duy trì tăng trưởng kinh tế. Biến số liên quan mới này kể từ đó đã giúp Bắc Kinh thông qua viện trợ phát triển chính thức (ODA) hoặc ngoại giao tài nguyên để phát triển các mối quan hệ hợp tác với một số nước láng giềng của mình, đáng chú ý là một số nước ở Trung Á và Đông Nam Á. Xác định phạm vi mà ngoại giao Trung Quốc được định hình bởi cuộc săn lùng trên toàn cầu dầu lửa và nguyên liệu thô của nước này không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng do chức năng chính của nguồn cung năng lượng không ngắt quãng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế liên tục, và cách điều đó giúp đảm bảo tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tầm quan trọng của ngoại giao dầu khí không thể bị đánh giá thấp, đặc biệt ở nơi có liên quan đến các nước láng giềng gần nhất. ODA ngày càng tăng, các khoản cho vay lãi suất thấp cho cơ sở hạ tầng liên quan đến năng lượng, và nhiều chuyến thăm trong những năm gần đây của các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đến các nước láng giềng và các khu vực khác của thế giới để tìm kiếm nguyên liệu thô và thị trường nhấn mạnh tầm quan trọng này.

Chương trình ODA của Trung Quốc bắt nguồn từ những năm 1950, nhưng ODA ban đầu của nước này chủ yếu tập trung vào châu Phi và Mỹ Latinh để hỗ trợ các quốc gia mới “chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân và bá quyền”. Giữa những năm 1990, với tình hình kinh tế thay đổi to lớn, Trung Quốc đã bắt đầu một loạt cải cách trong chương trình viện trợ của mình, công khai gắn viện trợ nước ngoài với hợp tác kinh tế và thương mại. Trung Quốc khi đó phải đối mặt với tình hình tương tự như của Nhật Bản trong những năm 1970 – một nền kinh tế công nghiệp bùng nổ lắm tiền nhiều của nhờ mở rộng xuất khẩu, nhưng ngày càng phụ thuộc vào dầu nhập khẩu và các tài nguyên chiến lược khác. Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu ròng dầu lửa vào năm 1996 và vượt qua Nhật Bản làm nước tiêu thụ dầu lửa lớn thứ hai sau Mỹ vào năm 2003, trở thành nước nhập khẩu dầu lửa lớn thứ ba sau Mỹ và Nhật Bản năm 2004. Năm 2010, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, chiếm 22% tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Trong những thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ không chỉ củng cố vị trí của mình là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới mà còn tiếp tục là nước nhập khẩu dầu lửa lớn nhất.

Giống Nhật Bản trong những năm 1970, Trung Quốc sớm bắt đầu dùng số tiền ngày càng nhiều nhờ mở rộng xuất khẩu của mình làm đòn bẩy để đảm bảo quyền tiếp cận các tài nguyên năng lượng chiến lược. Tương tự như chương trình viện trợ trước đây của Nhật Bản, các khoản cho vay được trợ cấp của Trung Quốc thường là một phần của một gói đầu tư lớn hơn nhằm đảm bảo quyền tiếp cận các tài nguyên chiến lược ở các nước đang phát triển. Chẳng hạn, Trung Quốc đã cung cấp khoản cho vay được trợ cấp đầu tiên của mình cho Sudan năm 1996 để tài trợ cho thăm dò dầu lửa thông qua một liên doanh với Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC). Từ năm 2000 đến 2005, FDI của Trung Quốc cho châu Phi và Mỹ Latinh đã tăng lần lượt 37% và 45%, với những sự gia tăng lớn về khai mỏ, đặc biệt là khu vực dầu lửa.

Trung Quốc đã khởi động ngoại giao tài nguyên ASEAN của mình muộn hơn Nhật Bản nhiều vì nước này không bình thường hóa quan hệ chính trị với các nước ASEAN cho tới đầu những năm 1990. Đó là một mốc lịch sử khi sự chuyển đổi nhận thức của ASEAN từ “Trung Quốc là một mối đe dọa” sang “Trung Quốc là một cơ hội” diễn ra trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Trong cuộc khủng hoảng này, Trung Quốc kiên quyết cam kết không hạ giá đồng tiền của mình và cung cấp viện trợ kịp thời và rộng rãi cho các nước ASEAN. Nước này tích cực điều chỉnh các chính sách ASEAN của mình. Trong số các nước lớn trong khu vực, Trung Quốc là nước đầu tiên ký kết Hiệp ước thân thiện và hợp tác với ASEAN; nước đầu tiên đề xuất và ký kết một thỏa thuận để thiết lập một Khu vực thương mại tự do (FTA) với ASEAN; nước đầu tiên tạo dựng Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng với ASEAN; nước đầu tiên hứa hẹn tham gia nghị định thư về Hiệp ước khu vực phi vũ khí hạt nhân Đông Nam Á; và là nước đầu tiên ký kết một “quan hệ đối tác chiến lược” với ASEAN vào tháng 10/2003 tại Hội nghị thượng đỉnh Bali.

Năm 2008, Trung Quốc đã công bố thành lập Quỹ hợp tác đầu tư Trung Quốc-ASEAN và cung cấp các khoản vay cho các nước ASEAN lên đến 15 tỷ USD. Tại cuộc họp APEC ở Bali vào tháng 10/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc dẫn dắt để tài trợ và đi đầu phát triển cơ sở hạ tầng và tăng trưởng kinh tế khu vực. Trung Quốc cũng đã tận dụng khuôn khổ Chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong, được Ngân hàng phát triển châu Á tạo điều kiện, để cải thiện liên kết tự nhiên giữa khu vực Mekong và Tỉnh Vân Nam và Khu tự trị người Choang Quảng Tây. Ngoại giao của Trung Quốc với ASEAN hóa ra là câu chuyện thành công nhất về chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh.

Chính trong bối cảnh này mà Trung Quốc đã có thể bắt kịp hoặc thậm chí vượt qua Nhật Bản trong quan hệ kinh tế của mình với ASEAN, và viện trợ của nước này cho các nước ASEAN đã gia tăng liên tục, với phần lớn trong số đó dành cho các khu vực cơ sở hạ tầng liên quan đến tài nguyên. Theo Sách Trắng Trung Quốc năm 2014 về viện trợ nước ngoài, từ năm 2010 đến 2012, Trung Quốc đã cung cấp 14,4 tỷ USD cho 3 loại viện trợ nước ngoài: viện trợ không hoàn lại, cho vay không lãi suất và cho vay ưu đãi, với châu Phi và châu Á là những nơi thụ hưởng chính và chiếm lần lượt 52% và 31% viện trợ nước ngoài của Trung Quốc, trong khi cơ sở hạ tầng liên quan đến tài nguyên năng lượng và kinh tế chiếm 45% tổng viện trợ nước ngoài của Trung Quốc. Mặc dù Sách Trắng này không cung cấp dữ liệu theo từng nước, nhưng rõ ràng lượng thương mại, đầu tư và ODA dành cho Đông Nam Á – cụ thể là thông qua tài trợ cho cơ sở hạ tầng – đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, và nói chung, Trung Quốc là một trong những nguồn viện trợ kinh tế lớn nhất cho Đông Nam Á.

3. FDI và hợp tác tài nguyên năng lượng của Trung Quốc với ASEAN

Đầu những năm 1990 khi Trung Quốc bắt đầu mở rộng OFDI của mình, các nước thành viên ASEAN chỉ nhận được khoảng 3% tổng OFDI của Trung Quốc. Khi phần của các nước đang phát triển tăng lên theo thời gian, phần của ASEAN cũng đã tăng đáng kể. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, từ năm 2003 đến 2012, ASEAN đã chứng kiến một sự gia tăng trong đầu tư vào của Trung Quốc từ 0,12 tỷ USD lên 6,1 tỷ USD, và phần của ASEAN trong tổng OFDI của Trung Quốc đã tăng từ 4% lên 8%. Phần của Trung Quốc trong tổng dòng FDI vào của ASEAN đã tăng từ 1,9% năm 2004 lên 5,3% năm 2011, có phần thấp hơn của Nhật Bản (13,2%), nhưng cao hơn của Mỹ (5,1%) và Úc (1,2%). Mặc dù FDI của Trung Quốc vào Đông Nam Á rất đa dạng, tăng trưởng nhanh của nó thực sự phản ánh nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc về tài nguyên năng lượng (than cơ bản và khí tự nhiên hóa lỏng) và nguyên liệu thô. Trên thực tế, từ năm 2008 đến 2012, tỷ lệ OFDI của Trung Quốc trong khu vực khai mỏ ở Đông Nam Á đã tăng từ 9,7% lên 28% tổng OFDI của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Đây gần như tương tự với tổng đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi. Năm 2012, khu vực khai mỏ đã chiếm 30,6% tổng OFDI của Trung Quốc vào châu Phi (2,52 tỷ USD). Xét đến rằng tổng lượng FDI của Trung Quốc vào ASEAN đã nhanh chóng trở nên lớn hơn nhiều so với vào châu Phi, chúng ta có thể giả định rằng khu vực khai mỏ đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với đầu tư của Trung Quốc.

Trong 10 nước ASEAN, một số nước thành viên giàu tài nguyên rõ ràng đã chứng kiến sự mở rộng nhanh chóng dòng OFDI của Trung Quốc. Chẳng hạn, từ năm 2003 đến 2012, lượng OFDI của Trung Quốc vào Myanmar đã tăng từ 4,1 triệu USD (năm 2004) lên 749 triệu USD; ở Indonesia nó đã tăng từ 26 triệu USD lên 592 triệu USD; ở Lào nó đã tăng từ 0,8 triệu USD lên 809 triệu USD; ở Việt Nam từ 12,8 triệu USD lên 349 triệu USD; và ở Malaysia từ 1,97 triệu USD lên 199 triệu USD. Khu vực tư nhân ở các nước giàu tài nguyên này đã thu hút phần lớn đầu tư Trung Quốc. Chẳng hạn, ở Malaysia, số mỏ quặng sắt đang khai thác đã tăng hơn 7 lần kể từ năm 2007, chủ yếu từ đầu tư của Trung Quốc. Ở Myanmar, 3 công ty dầu lửa thuộc sở hữu nhà nước lớn nhất – Công ty dầu lửa quốc gia Trung Quốc (CNPC), SINOPEC và CNOOC – tất cả đã bắt đầu các dự án thăm dò tại đó. Tháng 11/2008, CNPC và Bộ Năng lượng Myanmar đã ký kết một thỏa thuận để xây dựng một đường ống dẫn dầu thô trị giá 2,3 tỷ USD và đường ống dẫn khí tự nhiên trị giá 2 tỷ USD. Một khi các đường ống dẫn dầu khí Myanmar-Trung Quốc đi vào hoạt động, dự đoán sẽ có 22 triệu tấn dầu thô sẽ được vận chuyển hàng năm, chiếm xấp xỉ 10% tổng nhập khẩu dầu lửa của Trung Quốc trong năm 2010. Và Myanmar được cho là cung cấp 10 tỷ m3 khí đốt cho Trung Quốc mỗi năm, chiếm khoảng 6% tổng tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc năm 2013 (167,6 tỷ m3).

Indonesia cũng là một trong các nước cung cấp năng lượng và nguyên liệu thô hàng đầu của Trung Quốc như khí tự nhiên hóa lỏng, than đá, quặng niken, bôxít và quặng sắt. Đây là nước xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới – tới năm 2010, nước này có dự trữ đã được chứng minh là 5.529 triệu tấn than đá. Sản lượng than đá của nước này là 188,1 triệu tấn dầu tương đương, và tiêu thụ của nước này là 39,4 triệu tấn dầu tương đương. Hơn nữa, vào năm 2010, Indonesia có dự trữ khí đốt đã chứng minh là 3.100 tỷ m3, với sản lượng đạt 82 tỷ m3, và tiêu thụ 40,3 tỷ m3. Indonesia hiện là nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng lớn thứ 3 thế giới sau Qatar và Malaysia, và cung cấp 12% khí tự nhiên hóa lỏng của thế giới từ hai trung tâm sản xuất – ở Arun thuộc Aceh và Bontang thuộc Đông Kalimantan, và là nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng lớn thứ ba sang Trung Quốc. Năm 2012, 34% tổng lượng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Trung Quốc tới từ Qatar, 24% từ Úc, 16% từ Indonesia và 13% từ Malaysia. Khi Trung Quốc lên kế hoạch gia tăng tỷ lệ khí đốt trong tổng hợp năng lượng của mình từ 5,2% năm 2012 lên 12% năm 2030, CNPC và SINOPEC dự đoán rằng nhu cầu khí đốt của Trung Quốc sẽ tăng lên với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 8%/năm từ năm 2012 đến 2030.

Mặc dù Trung Quốc đang nỗ lực đa dạng hóa cấu trúc năng lượng của mình, hơn 70% tổng lượng tiêu thụ năng lượng của nước này vẫn dựa vào than đá. Do đó, khi Trung Quốc trở thành một nước nhập khẩu ròng than đá vào năm 2007, nhà cung cấp nước ngoài chủ yếu của nước này là Indonesia. Than đá từ Indonesia trở nên ngày càng hấp dẫn đối với các khu vực ven biển thịnh vượng của Trung Quốc, có tiềm năng thay thế sản xuất trong nước của Trung Quốc vốn phải được vận chuyển bằng đường sắt và đường biển trên những khoảng cách lớn từ Sơn Tây và Mông Cổ. Tháng 7/2010, Shenhua – nhà sản xuất than đá lớn nhất Trung Quốc – đã công bố một dự án than đá trị giá 331 triệu USD ở Sumatra, và vào tháng 10 cùng năm, quỹ đầu tư quốc gia đã bơm 1,9 tỷ USD vào Bumi Resources – nhà sản xuất than đá lớn nhất Indonesia. Indonesia cũng là nước cung cấp hàng đầu các nguyên liệu thô khác cho Trung Quốc, như quặng niken, bôxít và quặng sắt. Cuối năm 2012, hơn 1.000 công ty Trung Quốc đã đầu tư vào nước này, với tổng đầu tư tích lũy của Trung Quốc lên đến 31 tỷ USD, tăng lên từ 122 triệu USD năm 2004.

4. Từ hợp tác đến cạnh tranh?

Hợp tác năng lượng song phương giữa Trung Quốc và các nước ASEAN không mới. Tháng 7/1978, Trung Quốc và Philippines đã ký kết một Thỏa thuận Thương mại Dầu mỏ dài hạn, là thỏa thuận thương mại năng lượng đầu tiên giữa Trung Quốc và một nước ASEAN. Kể từ năm 2000, Trung Quốc đã trở thành nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ 8 của Brunei, và trong năm 2003 và 2006, Trung Quốc đã ký kết các hợp đồng lớn với Indonesia và Malaysia về cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng. Ngày 30/8/2004, tại “Triển lãm Quốc gia Indonesia”, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Indonesia đã nhấn mạnh rằng Indonesia sẽ củng cố hơn nữa hợp tác năng lượng với Trung Quốc. Khi Trung Quốc mở rộng FDI của mình cho Đông Nam Á sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, hợp tác năng lượng Trung Quốc-ASEAN đã phát triển lên một mức mới, mở rộng từ thương mại năng lượng đến thăm dò tài nguyên năng lượng và xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan.

Tuy nhiên, trong khi một số động lực để tiếp tục hợp tác tồn tại, một số nhân tố khác đang đẩy khu vực đến chỗ cạnh tranh không lành mạnh hoặc thậm chí là xung đột, tác động bất lợi đến quan hệ song phương. Sự gia tăng của OFDI Trung Quốc, sự kiên cường của nước này trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và tăng trưởng nhanh chóng liên tục của nước này đã đặt ra những mối nghi ngờ về “mô hình Trung Quốc” về đầu tư nước ngoài. Mặc dù hợp tác năng lượng song phương và khu vực là cần thiết, Trung Quốc và các nước ASEAN rõ ràng coi hợp tác năng lượng là một công cụ để đảm bảo các nguồn cung năng lượng và lợi ích quốc gia của riêng họ thay vì một kiểu hợp tác dẫn đến an ninh năng lượng khu vực. Chẳng hạn, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc chủ yếu đã coi an ninh năng lượng là một phương tiện để nhanh chóng điều chỉnh sự phụ thuộc ngày càng tăng của Trung Quốc vào các thị trường toàn cầu và đa dạng hóa các nguồn năng lượng và tuyến vận tải của mình. Trung Quốc coi Đông Nam Á là góp phần vào an ninh năng lượng của mình trong việc cung cấp than đá và khí đốt, và coi Myanmar là một cảng thay thế cho dầu lửa và khí đốt nhập khẩu mà không phải đi qua các eo biển dài và hẹp của khu vực. Trong mắt một số nhà quan sát phương Tây, “mua lại cổ phần trong các mỏ dầu nước ngoài, bảo vệ về quân sự các tuyến vận tải dễ bị tổn thương, và ‘tranh giành năng lượng’ tổng lực các nguồn tài nguyên là những đặc trưng chính của đường hướng hiện tại của Trung Quốc về an ninh năng lượng”. Họ lập luận rằng điều này có những hậu quả tiêu cực cho hoạt động chính trị quốc tế ở châu Á – thông qua việc đe dọa an ninh tài nguyên của các nền kinh tế khu vực khác, làm suy yếu những nỗ lực đa phương nhằm xây dựng các thị trường tài nguyên mở và tăng cường cạnh tranh an ninh trong khu vực, đặc biệt với Nhật Bản và Mỹ.

Ở Đông Nam Á, viễn cảnh không quá khác biệt. Theo chuyên gia John Lee, “trong sự háo hức triển khai vốn và kiến thức của Trung Quốc để hoàn thành nhanh chóng các dự án khai thác tài nguyên, vận tải và sản xuất điện, các công ty thuộc sở hữu nhà nước (SOE) Trung Quốc đã được tự do hành động bất chấp các tiêu chuẩn môi trường và lợi ích của người dân địa phương bị ảnh hưởng bởi các dự án này”. Điều này được phản ánh trong lập trường của Myanmar rằng những sự can dự không thiết tha của Trung Quốc ở cấp địa phương, cùng với xử lý khủng hoảng yếu kém, đã làm gia tăng nhận thức phổ biến rằng Trung Quốc chỉ quan tâm đến an ninh của các hoạt động kinh doanh và an ninh năng lượng của chính mình, và đang phớt lờ nhu cầu và lợi ích của các dân tộc bản địa. Theo quan điểm của người dân địa phương, các dự án đầu tư của Trung Quốc, chủ yếu vào năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, đã không tạo ra được cơ hội việc làm đáng kể cho họ. Đối với Việt Nam, các dự án khai thác bôxít ở Tây Nguyên đã kích động phong trào xã hội dân sự đáng kể và tình hình này đã trở thành một bước ngoặt lớn trong hoạt động chính trị trong nước của Việt Nam, kích hoạt một phong trào đoàn kết trong các nhà khoa học, trí thức và các nhóm xã hội dân sự ở Việt Nam. Dường như sự hiện diện của Trung Quốc ở Đông Nam Á đã có nhiều tác động tiêu cực hơn là tích cực đối với các cộng đồng địa phương. Nó đã không đem lại lợi ích đáng kể mà thay vào đó củng cố nhận thức địa phương rằng quan hệ kinh tế với Trung Quốc là không bình đẳng và không cân xứng. Đặc biệt, người dân địa phương tin rằng Trung Quốc đang tước đi tài nguyên thiên nhiên của họ và không quan tâm đến những lợi ích của họ. Quả thực, đây là một trong những thế tiến thoái lưỡng nan khiến việc cân bằng giữa hợp tác song phương và lợi ích của các cộng đồng địa phương trở nên rất khó khăn.

Người ta cho rằng các nước Đông Nam Á dường như bận tâm tương tự về việc đặt lợi ích quốc gia và các mối lo ngại an ninh tài nguyên trong nước lên trên nhu cầu hợp tác song phương. Chẳng hạn, Indonesia gần đây đã có một số điều chỉnh kinh tế lớn trong nước để có lợi cho các công ty địa phương và cải thiện điều kiện làm việc. Các quy định mới, như lệnh cấm xuất khẩu đối với niken chưa được xử lý vào năm 2012 để khuyến khích phát triển tinh chế và xử lý kim loại, chắc chắn sẽ tác động đến sự hợp tác tài nguyên năng lượng Trung Quốc-Indonesia. Mục tiêu là kiểm soát các tài nguyên thiên nhiên và tối đa hóa điều dụng lợi tức cho thuê để có lợi cho sự phát triển quốc gia. Chính phủ Indonesia quyết tâm biến đổi cấu trúc kinh tế trong nước của mình từ dựa vào tài nguyên sang dựa vào chế tạo. Như thế Indonesia ngày càng được mô tả là một đất nước mà chủ nghĩa dân tộc tài nguyên đang nổi lên. Điều làm phức tạp hơn nữa các chính sách về tài nguyên thiên nhiên ở Indonesia là thực tế rằng đối tác thương mại lớn của nước này cũng được coi là một mối đe dọa chiến lược trong khu vực. Mặc dù quan hệ song phương với Trung Quốc đã cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, thái độ và chính sách của Indonesia vẫn được định hình bởi sự thiếu chắc chắn về ảnh hưởng dài hạn của sự trỗi dậy của Trung Quốc đối với khu vực Đông Á lớn hơn. Khả năng quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh và cách nó sẽ ảnh hưởng đến vai trò của nước này ở Đông Nam Á và Biển Đông là một nguyên nhân gây lo ngại thậm chí còn lớn hơn đối với Indonesia.

Indonesia đã ban hành một luật mới để cấm xuất khẩu quặng thô bắt đầu từ tháng 1/2014 (mặc dù nó đã được nới lỏng gần đây). Các quy định mới, nhằm cải cách ngành công nghiệp khai mỏ và dầu mỏ, được thúc đẩy nhân danh “lợi ích quốc gia”, khuấy động một số cuộc tranh luận nóng bỏng và những mối lo ngại. Các nhà bình luận công nghiệp, nhà báo và một số học giả điển hình vận dụng nó để chỉ trích những nỗ lực của chính phủ nhằm áp đặt quyền kiểm soát lớn hơn đối với các khu vực tài nguyên không có lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp tốt nhất, những nhà phân tích đó coi chủ nghĩa dân tộc tài nguyên là thiển cận và ra quyết định yếu kém. Trong trường hợp tồi nhất, họ coi nó là công trình của giới tinh hoa chính quyền tham nhũng, trục lợi. Không được sửa đổi, nó sẽ “chắc chắn dẫn tới sự sụt giảm sản lượng đáng kể trong các ngành công nghiệp khai thác của Indonesia, phá hoại đầu tư nước ngoài và hợp tác năng lượng khu vực”.

Trên thực tế, Jakarta phải đối mặt với một thế tiến thoái lưỡng nan về chính sách cấm xuất khẩu tài nguyên của mình. Một mặt, nước này công nhận tầm quan trọng của việc dịch chuyển từ một mô hình kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu nguyên liệu thô sang một nền kinh tế mà Indonesia tự tinh chế các kim loại, khoáng sản và quặng của chính mình, vừa cho xuất khẩu và quan trọng hơn để sử dụng trong nước cho các ngành công nghiệp chế tạo. Nhưng mặt khác, nếu không có các hệ thống vận tải đô thị và nông thôn đầy đủ, Indonesia nhận thấy mình bị dồn nén giữa nhu cầu ngày càng chậm lại của Trung Quốc về nguyên liệu thô và sự bất lực trong việc chuyển đổi sang tiêu thụ trong nước lớn hơn đối với các loại khoáng sản chính. Do đó, “lệnh cấm xuất khẩu chắc chắn sẽ dẫn tới một sự sụt giảm mạnh sản lượng trong các ngành công nghiệp khai thác Indonesia, gây thiệt hại cho đầu tư nước ngoài và tăng trưởng kinh tế, và phá vỡ các thị trường khoáng sản toàn cầu”.

Các quy định mới, đặc biệt lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu thô, chắc chắn sẽ tác động đến sự hợp tác tài nguyên năng lượng Trung Quốc-Indonesia. Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào niken, bôxít, đồng và than đá của Indonesia. Năm 2012, Indonesia đã sản xuất 16% quặng niken của thế giới, và đáp ứng 58% nhu cầu của thế giới về niken và 40% nhu cầu bôxít toàn cầu. Phần lớn xuất khẩu các kim loại này của Indonesia là sang Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 2013, Trung Quốc nhập khẩu 66% quặng nhôm (bôxít được tinh chế thành alumin trước khi chuyển thành nhôm) từ Indonesia (tăng từ 64% năm 2012) và 57% quặng bôxít (bằng mức năm 2012). Năm 2012, khoảng 6% nhập khẩu quặng đồng của Trung Quốc tới từ Indonesia.

Trường hợp Myanmar cũng cho thấy rằng lợi ích quốc gia và các mối lo ngại an ninh địa phương (an ninh xã hội và môi trường) có thể xếp trên hợp tác song phương. Ở Myanmar, phần lớn các con đập được xây dựng thông qua nhượng quyền đặc biệt cho các công ty Trung Quốc hoặc bằng các liên doanh Trung Quốc-Myanmar mà Trung Quốc cung cấp công nghệ kỹ thuật và các khoản cho vay mà không tham khảo các bên tham gia địa phương. Quan trọng hơn, các dự án đầu tư của Trung Quốc vào các khu vực thuộc sắc tộc địa phương, đặc biệt là bang Kachin, ngày càng chạm vào những câu hỏi cơ bản về quyền tự quyết chính trị và hòa giải quốc gia. Theo lập luận của các chuyên gia Elliot Brennan và Stefan Doring, “với việc nước này đang ở trong một quá trình ngừng bắn quốc gia mang tính thăm dò, việc mua đất đai đã trở thành một động lực chính cho các cuộc phản kháng, và những khu vực đập có khả năng khuấy động các cuộc xung đột ngầm hoặc làm hồi sinh những cuộc xung đột đã tạm ngưng, vì một số khu vực xây dựng thường nằm trong hoặc gần các khu vực xung đột gần đây”. Burma River Network, một liên minh các nhóm hoạt động môi trường địa phương, báo cáo rằng có đến 50 cuộc đụng độ giữa các lực lượng quân sự và các nhóm sắc tộc vũ trang đã diễn ra liên quan đến các dự án thủy điện đang tiến hành trong 3 năm qua. Trong khi điều này không thể được kiểm chứng một cách độc lập, điều rõ ràng rằng tiến trình hòa bình đang tiếp diễn cần phải giải quyết các quyền đất đai, đền bù, bảo vệ môi trường và các vấn đề khác trực tiếp gắn với việc xây dựng đập.

Sau khi tạm dừng dự án đập Myitsone vào tháng 9/2011 để đáp lại chủ nghĩa dân tộc và sức ép trong nước ngày càng tăng, Nay Pyi Taw đã chấm dứt dự án đường sắt Kyaukpyu-Côn Minh với lý do dự án này bị dân chúng coi là có “nhiều bất lợi hơn là lợi thế” và đã bị hủy bỏ để phù hợp với “mong muốn của người dân”. Nhưng lý do thực sự dường như là mong muốn giảm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Myanmar. Sun Yun, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Stimson, viết: “Người dân Myanmar hiểu những nỗ lực của Trung Quốc xây dựng các đường ống dẫn, đập và đường sắt là một sức ép lấn át của nước láng giềng hùng mạnh nhằm áp đặt một thỏa thuận có lợi cho Trung Quốc trong khi làm hại Myanmar”. Kể từ khi tạm ngưng dự án này, Trung Quốc đã không chỉ hoãn gần như tất cả các dự án đầu tư lớn của mình vào Myanmar mà còn coi Myitsone là một cái gai gây mưng mủ trong quan hệ song phương. Do đó, vì chủ nghĩa dân tộc tài nguyên ngày càng tăng trong nước, mối quan hệ đặc biệt giữa Trung Quốc và Myanmar có khả năng làm trầm trọng thêm việc coi Trung Quốc là một mối đe dọa.

Theo lập trường của Trung Quốc, trong khi các dự án của Trung Quốc ở Myanmar luôn hứng chịu sự phản đối của công chúng, một số dự án cơ sở hạ tầng mà sẽ kết nối Myanmar đến các bang Đông Bắc của Ấn Độ dường như đang có tiến triển, thậm chí trước sự phản đối tương tự của địa phương. Chẳng hạn, Dự án vận tải quá cảnh đa mô hình Kaladan, sẽ kết nối bang Mizoram của Ấn Độ với cảng nước sâu ở Sittwe, sắp được hoàn thành vào năm 2015. Dự án này sẽ mở rộng khả năng của cơ sở cảng Sittwe, đem lại cho các bang Đông Bắc Ấn Độ quyền tiếp cận bến cảng ở Vịnh Bengal và kết nối Myanmar với cảng Kolkata. Một dự án khác, hành lang cao tốc 3 nước Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan, được dự kiến hoàn thành vào năm 2016. Tháng 7/2014, các chính phủ Ấn Độ và Myanmar cũng đã hứa hẹn tiến hành việc thiết lập một tuyến đường xe buýt cao tốc mà sẽ kết nối Moreh thuộc bang Manipur của Ấn Độ với Mandalay. Đường cao tốc Moreh-Mandalay sẽ lấp đầy một khoảng trống then chốt trong mạng lưới Đường cao tốc châu Á cũng như kết nối các bang Đông Bắc Ấn Độ với Hành lang kinh tế Đông-Tây, vốn kết nối Mawlamyine ở Myanmar với cảng Đà Nẵng ở Việt Nam. Khi hoàn thành, Ấn Độ sẽ đạt được một mức độ kết nối với Đông Nam Á tương tự như Trung Quốc đã có trong nhiều thập kỷ. Sự xuất hiện hoặc nổi lên của các bên tham gia toàn cầu hơn như Nhật Bản và Ấn Độ sẽ đem lại cho Nay Pyi Taw nhiều lựa chọn hơn, tạo điều kiện cho những nỗ lực của họ nhằm nới lỏng mình khỏi sự kìm kẹp của Trung Quốc.

5. Xem xét lại các đường hướng săn lùng tài nguyên của Trung Quốc

Trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, việc đảm bảo nguồn cung tài nguyên thiên nhiên là một vấn đề cấp bách đối với nhiều nước, kể cả Trung Quốc. Với khoảng cách ngày càng tồi tệ giữa cung và cầu năng lượng, Trung Quốc nỗ lực sâu sắc để có được tài nguyên dầu khí trên khắp thế giới. Kinh tế chính trị Trung Quốc, trong đó nền kinh tế thuộc sở hữu nhà nước cao độ và tính hợp pháp chế độ phần lớn phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế cao, dựa nhiều vào các SOE để đảm bảo các nguồn cung tài nguyên dầu khí để sử dụng trong nước. Tư duy trong nước về không cho phép các cơ chế thị trường tự do chi phối những hoạt động trong “các khu vực chiến lược” rõ ràng được phản ánh trong thái độ của Bắc Kinh về chính sách an ninh năng lượng ở nước ngoài của mình. Theo quan điểm của Trung Quốc, “các khu vực chiến lược đơn thuần là quan trọng đến mức không thể đặt vào tay của chỉ riêng các lực lượng thị trường”. Do đó, đường hướng do SOE lãnh đạo và được thúc đẩy về chính trị (thay vì kinh tế) đối với chính sách an ninh năng lượng đang thắng thế, trong khi vai trò của các lực lượng thị trường trong việc xác định nguồn cung, định giá và phân phối các tài nguyên năng lượng trên khắp nền kinh tế thì bị giới hạn. Một số nhà phân tích do đó đã lập luận rằng “chiến lược tiến ra ngoài” của Trung Quốc có bản chất trọng thương, vì nó chủ yếu phụ thuộc vào sự ủng hộ tài chính của chính phủ và ngoại giao tài nguyên song phương để dàn xếp cho những đầu tư như vậy.

Mặc dù chiến lược đang phát triển của Trung Quốc đã tạo ra sự cảnh giác và những bình luận không có lợi về đầu tư tài nguyên của nước này ở Đông Nam Á, đồng thời điều quan trọng là thừa nhận rằng người Trung Quốc không coi các chính sách của họ là rất khác biệt với của Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Ở cấp quốc tế, chủ nghĩa dân tộc tài nguyên năng lượng dẫn tới các chiến lược dân tộc chủ nghĩa và trọng thương để đảm bảo các nguồn cung tài nguyên năng lượng và hàng hóa, các chiến lược sử dụng những chiến thuật từ ngoại giao quyết đoán và ủng hộ tài chính để thu lấy các nguồn dự trữ dầu khí đến bố trí và hành động quân sự để giành lấy các nguồn tài nguyên và bảo vệ các tuyến cung cấp như các con đường biển. Ở châu Á, trong thập kỷ qua, các công ty dầu lửa quốc gia do nhà nước hỗ trợ (NOC) đã trở nên ngày càng có khả năng cạnh tranh với các công ty dầu lửa quốc tế, với việc các NOC Trung Quốc đại diện cho nhóm chiến thắng lớn nhất trong cuộc đấu thầu phát triển mỏ dầu Iraq. Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ cũng đã tìm cách củng cố động lực NOC trước đây của họ ở nước ngoài.

Trên thực tế, các chiến lược an ninh tài nguyên không phải là không có tiền lệ lịch sử ở Đông Bắc Á. Chẳng hạn, trong những năm 1960 và 1970, Chính phủ Nhật Bản đã cung cấp viện trợ tài chính và ngoại giao cho các tập đoàn công nghiệp nước mình nhằm tài trợ cho sự phát triển của các công ty khai mỏ mới ở Mỹ Latinh và Đông Nam Á. Các công ty khai mỏ này được kết nối với nền kinh tế Nhật Bản thông qua các hợp đồng dài hạn và những mối quan hệ đầu tư, điều đảm bảo cho an ninh tài nguyên của Nhật Bản bằng cách chắc chắn rằng sản lượng của họ được ưu tiên cung cấp cho thị trường Nhật Bản. Công cuộc công nghiệp hóa nặng của Hàn Quốc trong những năm 1970 cũng đã chứng kiến chính phủ nước này khởi động một chương trình ngoại giao tài nguyên tương tự để củng cố các mối quan hệ liên chính phủ với các nước cung cấp năng lượng của mình.

Hơn nữa, hai nước này mới đây đã khởi động những chiến lược an ninh tài nguyên mới và đẩy nhanh đầu tư nước ngoài của họ vào các khu vực tài nguyên. Chẳng hạn, từ năm 2006 đến 2010, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của đầu tư tài nguyên nước ngoài của Hàn Quốc là 50%, và tỷ lệ đầu tư tài nguyên trong tổng OFDI của nước này tăng từ 2,5% năm 2000 lên 31,5% năm 2010. Năm 2010, các SOE chiếm 75,1% tổng đầu tư tài nguyên nước ngoài của Hàn Quốc, 61,1% trong đầu tư dầu khí nước ngoài và 13,7% tổng đầu tư vào các tài nguyên khoáng sản khác. Từ năm 2004 đến 2010, Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua và thực hiện 4 Kế hoạch lớn về phát triển tài nguyên nước ngoài, nhằm mục tiêu nâng cao tỷ lệ tự phát triển các tài nguyên khoáng sản nước ngoài và tăng cường an ninh tài nguyên năng lượng của mình. Tương tự như chương trình của Trung Quốc, các chiến lược của Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã kêu gọi các công ty quốc gia đầu tư với định hướng an ninh vào các dự án tài nguyên nước ngoài, cung cấp viện trợ chính phủ cho các công ty nhà nước để giành quyền sở hữu, và cuối cùng là kiểm soát các dự án tài nguyên ở nước ngoài.

Trong trường hợp Trung Quốc, các công ty liên quan đến chiến lược “tiến ra ngoài” của Trung Quốc có ngày càng nhiều ông chủ khác nhau, kể cả các chính quyền trung ương và địa phương cũng như một loạt đa dạng các lợi ích tư. Chính phủ Trung Quốc mở rộng một loạt sự khích lệ và phương tiện để hỗ trợ cho các công ty của mình, và dự trữ ngoại tệ ngày càng tăng nhanh của Trung Quốc cho phép các thể chế tài chính do nhà nước sở hữu tài trợ cho mở rộng đầu tư nước ngoài. Nhưng nếu so với Nhật Bản và các nước phát triển khác, chúng ta nhận thấy rằng Trung Quốc đã khởi động ngoại giao tài nguyên ASEAN của mình chậm hơn nhiều và giải ngân viện trợ nước ngoài của Trung Quốc, với vai trò tiềm tàng của chúng trong việc đảm bảo các hợp đồng tài nguyên, vẫn tương đối hạn chế về quy mô. Trong khi hầu như không có sự chú ý đến các chiến lược về các nước tiêu thụ tài nguyên khác trong khu vực, hoặc liệu đường hướng của Trung Quốc có thể có chung động cơ và ý nghĩa với Nhật Bản và Hàn Quốc hay không, chính cách hành xử tồi tệ của các công ty Trung Quốc như thiếu trách nhiệm đoàn thể xã hội và coi thường môi trường đã gây ra nỗi lo ngại của quốc tế và các nước chủ nhà.
Vậy, điều gì có thể đã gây ra hành động tồi tệ đó của các công ty OFDI Trung Quốc? Cần chỉ ra rằng phần lớn các công ty Trung Quốc này là các công ty mới đến, và hoàn toàn thiếu hiểu biết luật pháp, quy định và văn hóa địa phương. Họ vẫn phải đối mặt với một quá trình học hỏi khó khăn cho OFDI của mình. Một cuộc thăm dò vào năm 2010 cho thấy rằng hơn 80% công ty OFDI Trung Quốc đã bắt đầu đầu tư ra nước ngoài chỉ sau năm 2000, trong khi chỉ 4% trong số họ có đầu tư ngoài trước năm 1990. Quan trọng hơn, phần lớn các công ty này chỉ tuân theo luật pháp một cách lỏng lẻo trước khi họ tiến ra ngoài, và hệ thống luật pháp Trung Quốc và những đòi hỏi về đạo đức kinh doanh, đặc biệt những đòi hỏi về bảo vệ môi trường, chưa đầy đủ so với của Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước phát triển khác. Do đó phần lớn họ đơn thuần chỉ tiếp tục làm ở các thị trường nước ngoài những gì họ thường làm ở trong nước.

Vì vậy ngoài việc hiểu biết nhiều hơn về văn hóa và truyền thống địa phương, các công ty Trung Quốc rõ ràng cần phải củng cố sự minh bạch kinh doanh và tuân thủ quy định để giành được niềm tin và tạo ra nhận thức tích cực từ các cộng đồng địa phương. Bằng chứng cho thấy rằng Bắc Kinh gần đây đã cải thiện về mặt này. Chẳng hạn, Ủy ban giám sát và quản lý tài sản của Quốc vụ viện Trung Quốc do nhà nước sở hữu đã công bố “Hướng dẫn chỉ đạo về hoàn thành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp SOE (CSR)” vào cuối năm 2007 và đề nghị các SOE, kể cả các công ty khai khoáng lớn như CNPC, SINOPEC và CNOOC, công bố các báo cáo CSR để tiết lộ thông tin liên quan đến trách nhiệm xã hội của họ đối với các cổ đông và công chúng nói chung, và chịu sự giám sát của họ.

Sau khi tạm ngừng dự án đập Myitsone vào cuối năm 2011, Bắc Kinh đã đưa các chương trình trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trở thành một phần không thể thiếu của các hoạt động của SOE Trung Quốc ở Myanmar, và đã khởi động cái nước này gọi là quan hệ “nhân dân với nhân dân” với Myanmar. Nước này đã dàn xếp một số chuyến đi hữu nghị nhằm vào các đảng chính trị khác nhau ở Myanmar, gồm cả Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, các tổ chức xã hội dân sự như Hội Hòa bình và Mở cửa của sinh viên thế hệ 88, cũng như các tổ chức truyền thông địa phương, để xây dựng hiểu biết tốt hơn giữa các xã hội của hai nước. Tất cả những bước đi này là hoàn toàn chưa từng thấy trong chính sách của Trung Quốc về Myanmar. Người ta có thể đi xa hơn và xem liệu các công ty Trung Quốc đầu tư vào Đông Nam Á và các khu vực khác có đăng ký tham gia Sáng kiến minh bạch công nghiệp khai khoáng (EIIT) vốn bổ sung cho các đòi hỏi báo cáo của các SOE Trung Quốc và được nhằm để cải thiện tính minh bạch trong các hoạt động của NOC ở nước ngoài.

6. Kết luận: Hợp tác hay xung đột?

Trong khi người ta chấp nhận rằng những cuộc săn lùng tài nguyên có thể kích thích xung đột, không nên phớt lờ thực tế rằng sự cạnh tranh tài nguyên cũng có thể tạo ra cơ hội hợp tác. Khi Trung Quốc đi theo con đường tăng trưởng của mình, mối lo ngại của nước này về an ninh tài nguyên thiên nhiên đã sâu sắc hơn và Chính phủ Trung Quốc khuyến khích FDI như một phương tiện để đảm bảo các nguồn tài nguyên. Vốn của Trung Quốc sẽ chảy nhiều hơn vào thế giới đang phát triển, đặc biệt là các nước láng giềng. Điều này trên thực tế đã mở ra những cơ hội phát triển quy mô lớn trong các khu vực tài nguyên ở Đông Nam Á.

Cụ thể, chiến lược an ninh năng lượng rộng lớn hơn của Trung Quốc là theo đuổi đa dạng nguồn cung và tìm và phát triển tài nguyên dầu khí ngoài khơi ở Đông Nam Á. Theo Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC), Trung Quốc lên kế hoạch tăng hơn gấp đôi tiêu thụ khí đốt của mình từ khoảng 107,5 tỷ m3 năm 2010 lên khoảng 260 tỷ m3 vào năm 2015. Để đạt được điều này, Trung Quốc cần phải nhập khẩu 50-60 tỷ m3 khí tự nhiên trong năm 2015, tương đương với mức nhập khẩu hiện tại của Liên minh châu Âu. Trung Quốc có ý định đầu tư nhiều hơn vào các khu vực khí tự nhiên ở các nước ASEAN như Indonesia, Myanmar và Malaysia.

Đông Nam Á giàu khí tự nhiên hơn dầu lửa, và khí đốt hứa hẹn đóng một vai trò trung tâm trong tổng hợp năng lượng trong nước của các nước trong khu vực và là một mặt hàng xuất khẩu chính từ Indonesia, Malaysia, Myanmar và Brunei. Cuối năm 2012, Đông Nam Á có trữ lượng khí đốt đã chứng minh là 7.500 tỷ m3, chiếm 3,6% của toàn bộ thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển khí đốt ở Đông Nam Á cũng phải đối mặt với một số trở ngại. Nhiều khu vực sản xuất khí đốt của Đông Nam Á nằm cách xa các trung tâm nhu cầu và sẽ đòi hỏi hoặc mở rộng cơ sở hạ tầng truyền tải hoặc các dự án hóa lỏng khí tự nhiên để vận chuyển khí đốt đến các trạm tái khí hóa ở trong nước hay nước ngoài. ASEAN cần khoản đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng liên quan để tiến hành sản xuất lượng dầu lửa, khí đốt và than đá đã dự tính. Ngân hàng phát triển châu Á đã ước tính rằng các nước đang phát triển ở châu Á cần 800 tỷ USD mỗi năm để tài trợ cho cơ sở hạ tầng. Không có các khoản đầu tư mới hoặc không thăm dò các mỏ dầu mới, cung thặng dư so với cầu được dự đoán thu hẹp và thậm chí giảm xuống vào năm 2030. Theo Cơ quan năng lượng quốc tế, khu vực này đòi hỏi phải có tổng cộng 700 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng cung cấp nhiên liệu hóa thạch (bao gồm đường ống dẫn, các trạm khí tự nhiên hóa lỏng, và cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối khí đốt). Việc tài trợ cho đầu tư vào phát triển năng lượng và cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng đã luôn là một thách thức lớn đối với các nước ASEAN.

Do tầm quan trọng của vốn, công nghệ và thị trường tiêu thụ Trung Quốc, Trung Quốc sẽ vẫn là đối tác hợp tác năng lượng lớn của ASEAN. Quan trọng hơn, Trung Quốc đã duy trì quan hệ gần gũi với ASEAN không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà còn trong chính trị quốc tế, hợp tác kinh tế và giao dịch kinh doanh. Khi tầm quan trọng của ASEAN đối với các thị trường quốc tế gia tăng với những thách thức khác nhau về năng lượng đang xuất hiện trong khu vực (như việc ngày càng phụ thuộc vào dầu lửa của Trung Đông), quan hệ ngày càng sâu sắc của Trung Quốc với ASEAN sẽ có tầm quan trọng chiến lược ngày càng lớn. Tiềm năng hợp tác năng lượng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN do đó rất lớn và quan trọng.

Tuy nhiên, mặc dù mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN cho tới nay nhìn chung tỏ ra là cùng có lợi, sự băn khoăn và lo lắng của người Đông Nam Á về bản chất và tác động của mối quan hệ song phương vẫn phổ biến. Sự hợp tác tài nguyên năng lượng của Trung Quốc với các nước ASEAN như Indonesia và Myanmar sẽ phát triển tới phạm vi nào phụ thuộc vào những nỗ lực của cả hai bên. Một mặt, nó phụ thuộc vào việc liệu những cử tri trong nước ở những nước này, chủ yếu là các công đoàn, các tổ chức kinh doanh và xã hội dân sự có tổ chức, có cảm thấy rằng những lo ngại của họ về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế chính trị của họ có đang được giải quyết hay không. Các lĩnh vực lo ngại cụ thể là tác động liên tục của FDI Trung Quốc đối với công ăn việc làm và môi trường địa phương, sự xói mòn lợi thế cạnh tranh của các công ty nội địa (ở những thị trường địa phương và khu vực) do sự hiện diện ngày càng tăng của các công ty Trung Quốc, quan hệ thương mại bị bóp méo, và nhận thức rằng quan hệ thương mại mở rộng đã tạo ra một ảnh hưởng tiêu cực đối với chính sách đối ngoại của các nước này.

Mặt khác, nó cũng phụ thuộc vào việc liệu các nước chủ nhà có thể phi chính trị hóa một số giao dịch nổi bật của Trung Quốc và hợp lý hóa các tranh luận công khai của họ về rủi ro và lợi ích của đầu tư Trung Quốc. Tuy nhiên, sự sẵn sàng của Bắc Kinh đồng ý với nỗ lực của Indonesia sửa lại hồ sơ thương mại mất cân bằng giữa hai nước bằng cách hối thúc các công ty Trung Quốc mở rộng đầu tư vào các khu vực chế tạo của nước này; và lời hứa hẹn của Bắc Kinh biến các chương trình trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trở thành một thành phần không thể thiếu của hoạt động của các SOE Trung Quốc ở Myanmar cho thấy rằng Bắc Kinh đang tìm cách tăng thêm hiểu biết của mình về những điều nhạy cảm và phức tạp của hoạt động chính trị nội bộ các nước Đông Nam Á, và đang điều chỉnh các chính sách liên quan của mình cho phù hợp./.

(Viện Nghiên cứu Đông Nam Á – Số 1/2015)