Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng trở nên nhạy cảm, sự không tin cậy lẫn nhau thể hiện rõ, hai bên đều có cảm giác hoài nghi đối với khả năng và ý đồ của đối phương cũng như tập trung chú ý cao độ trước nhất cử nhất động của đối phương; hai bên đọ sức về các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, địa-chính trị và an ninh, rơi vào vòng tuần hoàn ác tính nghi ngờ và cạnh tranh lẫn nhau gay gắt và không ngừng tăng lên. Điều này khiến cho mối quan hệ hai nước lên xuống thất thường hơn nữa. Từ góc độ kết cấu trong quan hệ hai nước thay đổi, rất nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã tìm kiếm nguyên nhân của hiện tượng này. Trọng điểm của bài viết này là phân tích những thay đổi đó từ góc độ chuyển đổi mô hình của hai nước Trung Quốc và Mỹ cũng như hệ thống quốc tế, và lấy đó làm nền tảng để có những tính toán sơ lược về tính chất, đặc điểm quan hệ Trung-Mỹ trong tương lai. 

I.

Tổng hợp những nghiên cứu của giới học thuật và truyền thông của hai nước, đại thể có một số lý giải sau về nguyên nhân suy giảm tính ổn định trong mối quan hệ hai nước: một là cho rằng hiện nay Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, và đứng ở vị trí thứ nhất trong các lĩnh vực khác, quan hệ Trung-Mỹ đã hoặc sẽ rất nhanh trở thành mối quan hệ giữa “anh cả” và “anh hai”, thậm chí là giữa “hai siêu cường” với nhau. Theo luận thuyết “nước mạnh tất sẽ bá quyền” và lịch sử chèn ép “anh hai” của Mỹ, mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ tất sẽ gay gắt hơn. Hai là cho rằng cùng với việc Mỹ thực thi chiến lược “tái công nghiệp hóa” cũng như nâng cấp các sản phẩm “Made in China” (Sản xuất tại Trung Quốc) lên trung-cao cấp, phương thức dựa vào nhau giữa các sản phẩm “Made in China và sự tiêu dùng của Mỹ” rất khó được duy trì liên tục, hai nước sẽ bùng nổ cuộc cạnh tranh thương mại gay gắt; quốc tế hóa đồng nhân dân tệ sẽ dần dần đe dọa vị thế đồng tiền dự trữ quốc tế USD; “phương thức Trung Quốc” lấy “chủ nghĩa tư bản nhà nước” làm đặc trưng sẽ tạo thành mối đe dọa đối với “chủ nghĩa tư bản tự do” kiểu Mỹ; ba là cho rằng Mỹ coi châu Á-Thái Bình Dương là khu vực then chốt trong việc lãnh đạo toàn cầu của mình, thông qua nhiều phương thức để tham gia các công việc khu vực, cố gắng kéo Trung Quốc vào trật tự khu vực do Mỹ chủ đạo; còn châu Á-Thái Bình Dương là điểm tựa chiến lược để Trung Quốc trỗi dậy, Trung Quốc có ý đồ gạt bỏ Mỹ và cuối cùng xây dựng trật tự khu vực do mình chủ đạo. Mâu thuẫn trong việc tranh giành quyền lãnh đạo giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương rất khó điều hòa. Những quan điểm này tương đối phổ biến trong giới học thuật và truyền thông hai nước hiện nay. Vấn đề là liệu giữa Trung Quốc và Mỹ đã thực sự xuất hiện những thay đổi mang tính kết cấu có ý nghĩa thực chất không? Nếu thực sự có những thay đổi mang tính kết cấu nào đó, thì nó đã làm suy yếu tính ổn định của mối quan hệ Trung-Mỹ ở mức độ rất lớn. Vì vậy, chúng ta cần phải xem xét kỹ lưỡng so sánh sức mạnh, quan hệ kinh tế và cạnh tranh quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Trước tiên, xem xét từ góc độ so sánh sức mạnh giữa hai nước. Việc cân bằng sức mạnh tổng hợp của một quốc gia cần phải tính đến rất nhiều mặt như nguồn của cải tự nhiên, kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật, văn hóa, xã hội và tiềm lực phát triển, chứ không thể lấy tiêu chí quy mô kinh tế làm tiêu chuẩn mang tính quyết định. Từ đó có thể thấy sức mạnh kinh tế của Nga rõ ràng mạnh hơn so với Trung Quốc, sức ảnh hưởng chính trị của Liên minh châu Âu (EU) bền vững hơn, về “lượng”, kinh tế Nhật Bản tuy không bằng Trung Quốc, nhưng về “chất” lại cao hơn Trung Quốc. Cho dù tổng lượng kinh tế của Trung Quốc vượt qua Mỹ, sức mạnh tổng hợp của nước này vẫn còn kém xa Mỹ. Vì vậy, nói một cách chuẩn xác vị thế “anh hai” của Trung Quốc vẫn chỉ là một trong nhiều “anh hai” ngang hàng với nhau. Nói Trung Quốc và Mỹ là cuộc cạnh tranh giữa “hai siêu cường” chỉ là sự phán đoán trong tương lai chứ không phải là hiện thực. 

Thứ hai, xem xét từ mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ. Do sự khác biệt rất lớn về giai đoạn phát triển giữa hai nước, thị trường nhu cầu trong nước lớn mạnh của Trung Quốc và nhu cầu liên tục đầu tư ra nước ngoài của Mỹ khiến cho không gian hợp tác bổ trợ lẫn nhau về thương mại giữa hai nước vẫn rất rộng lớn. Xét thấy “ưu thế tại vị” của đồng USD cũng như việc tích lũy đồng nhân dân tệ vẫn cần thời gian, đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ quốc tế vẫn sẽ chiếm vị trí chủ đạo trong thời gian tương đối dài, Trung Quốc vẫn khó có thể tạo thành những thách thức thực chất đối với việc bá quyền tiền tệ của Mỹ. Sự khác biệt trong phương thức, cách xử lý giữa Trung Quốc và Mỹ với cái gọi là “chủ nghĩa tư bản nhà nước” và “chủ nghĩa tư bản tự do” cũng có sự thổi phồng. Nhà kinh tế học và lịch sử nổi tiếng Alex Ferguson nêu rõ các số liệu cho thấy Chính phủ Trung Quốc chưa phát huy vai trò lớn hơn so với chính phủ các nước phương Tây trong việc vận hành kinh tế, hơn nữa dường như tất cả bản chất của các nước hiện đại đều là “chủ nghĩa tư bản nhà nước”. Từ đó cho thấy việc quả quyết cho rằng giai điệu chính của mối quan hệ kinh tế Trung-Mỹ chuyển từ hợp tác sang cạnh tranh dường như là thiếu chứng cứ. 

Thứ ba, xem xét cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc chiếm ưu thế về sức mạnh kinh tế còn Mỹ chiếm ưu thế về lĩnh vực an ninh. Trong thời gian ngắn, vị thế của hai nước ở châu Á-Thái Bình Dương không thể có sự thay đổi, hơn nữa đại đa số các nước châu Á-Thái Bình Dương trong thời gian ngắn cũng khó có thể thay đổi được chiến lược “hai mặt” đó là an ninh dựa vào Mỹ, giành được lợi về mặt kinh tế. Vì thế, mối quan hệ tam giác “Trung-Mỹ-các nước láng giềng về cơ bản vẫn ổn định. Đồng thời, châu Á-Thái Bình Dương với tư cách là trung tâm quyền lực thế giới, sức mạnh chủ yếu trên toàn cầu đều đầu tư mạnh vào nơi đây, bất kỳ nước nào muốn chủ đạo toàn diện khu vực này đều không phải là chuyện dễ dàng. Từ sự trao đổi song phương giữa Mỹ và Trung Quốc cho thấy sau khi thử thăm dò lẫn nhau, hai nước tìm hiểu nhiều hơn ý đồ và giới hạn cuối của đối phương; để phòng ngừa tình hình xấu đi, Trung Quốc và Mỹ đã xây dựng cơ chế như đối thoại an ninh chiến lược và bàn bạc các công việc châu Á-Thái Bình Dương. Điều này cũng là một phần để giảm đi những rủi ro do phán đoán sai lầm và mất kiểm soát. Cho nên, mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là có thể điều hòa được, xung đột chỉ là một khả năng chứ không phải là lẽ tất yếu. 

Căn cứ vào những phân tích trên, bài viết cho rằng trong kết cấu của mối quan hệ Trung-Mỹ quả thực đã xuất hiện một số thay đổi nào đó, và trở thành nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến việc ổn định mối quan hệ hai nước. Nhưng những thay đổi mang tính kết cấu này đang ở giai đoạn tuần tự dần thay đổi, sẽ thay đổi nhưng chưa thay đổi. Không như đông đảo mọi người cho rằng mức độ thay đổi không phải là biến lượng duy nhất làm suy yếu tính ổn định của mối quan hệ hai nước; tính ổn định của mối quan hệ Trung-Mỹ suy giảm, về bề ngoài là do “mối quan hệ” đang thay đổi, thực tế là do môi trường thời gian và không gian của hai nước Trung Quốc và Mỹ đang thay đổi. 

Trước tiên, hệ thống quốc tế hiện nay đang trải qua sự chuyển đổi mô hình sâu sắc, qua nhiều thời đại, hệ thống này đồng thời tồn tại và đan xen nhau. Nếu như nói những năm 90 thế kỷ 20 có thể lấy “thời đại hậu Chiến tranh Lạnh” làm chuẩn, 10 năm đầu của thế kỷ này có thể lấy “thời đại hậu 11/9” làm chuẩn, vậy thì 10 năm tiếp theo dường như khó có thể lấy riêng “thời đại hậu nào đó” để định nghĩa. Về kinh tế toàn cầu, do cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu kéo dài, kinh tế Mỹ trong thời gian ngắn khó có thể xoay chuyển, các nước mới nổi phát triển trở lại với tốc độ nhanh, trong khoảng thời gian tới, kinh tế thế giới vẫn trong “thời đại hậu khủng hoảng”. Về cơ cấu quyền lực, do các nước phương Tây gặp phải khó khăn trong việc phát triển, thực lực của các nước phi phương Tây ngày càng mạnh, trọng tâm quyền lực nhanh chóng chuyển từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, sự suy yếu của các nước phương Tây và phương thức phát triển của các nước này ngày càng trở thành đề tài tranh cãi của các nước. Tuy vị thế chủ đạo của các nước phương Tây không gặp phải trở ngại trong thời gian ngắn, nhưng sự trỗi dậy của “thuyết về sự suy yếu của phương Tây” đủ để cho thấy vị thế yếu kém của các nước này. “Thời đại hậu phương Tây” tuy không thể nhanh chóng trở thành hiện thực, nhưng lại là một trong những cách nhìn nhận của mọi người khi quan sát thế giới. Về chính trị quốc tế, cùng với giai cấp trung lưu phát triển lớn mạnh, dân chúng tham gia nhiều hơn vào đời sống chính trị, quyền lực ngày càng mở rộng và dịch chuyển từ chính phủ và các giới tinh hoa sang các tổ chức phi chính phủ, phi quốc gia v.v... Quyền lực của chính phủ các nước và của những tinh hoa chính trị gặp phải thách thức mang tính lịch sử. Điều này cho thấy thế giới đang bước vào “thời đại hậu quyền lực”. Từ đó khiến cho nền chính trị của các nước và môi trường quốc tế thay đổi cũng như nội hàm có những ý nghĩa sâu xa. Qua đó cho thấy thế giới hiện nay đang ở thời kỳ chuyển đổi mô hình sâu sắc và có tính không xác định rất lớn. Chính vì thế, Kissinger cho rằng tình hình hiện nay vẫn là “cục diện biến đổi lớn” mà 400 năm chưa từng xảy ra. Còn ông Kennedy cũng cho rằng chúng ta đang ở “thời đại phân chia ranh giới” có những biến đổi lớn mà không thể tự biết. 

Thứ hai, hai nước Trung Quốc và Mỹ cũng đang đồng thời trải qua sự chuyển đổi mô hình nhà nước vô cùng khó khăn. Cho dù giai đoạn và tình hình phát triển của hai nước không giống nhau, nhưng vấn đề hai nước gặp phải lại có tính tương tự - hai nước đều cần phải dốc sức vào giải quyết một loạt vấn đề mang tính thể chế xuất hiện sau khi cải cách tự do hóa kinh tế để thực hiện phát triển bền vững. Về kinh tế, hai nước Trung Quốc và Mỹ đều đứng trước nhiệm vụ ưu hóa kết cấu kinh tế và điều chỉnh phương thức tăng trưởng, cần phải điều chỉnh lại một cách thích hợp mối quan hệ giữa chính phủ và thị trường, sản xuất và tiêu dùng. Mỹ cần phải thay đổi phương thức phát triển quá độ dựa vào tiêu dùng trong nước và kinh tế ảo để điều chỉnh sự tăng trưởng, phục hưng ngành chế tạo, thực hiện “tái công nghiệp hóa”, mở rộng xuất khẩu ra nước ngoài và thực hiện cân bằng thu chi; Trung Quốc cần thực hiện việc thay đổi phương thức phát triển từ lao động tập trung sang lao động trí óc, từ thúc đẩy xuất khẩu sang thúc đẩy nhu cầu trong nước, từ mô hình quảng canh sang mô hình thâm canh tăng năng suất, định vị lại vai trò của chính phủ trong đời sống kinh tế. Về chính trị, hai nước đều đứng trước nhiệm vụ vô cùng khó khăn đó là tăng cường nhận thức chung trong nước, nâng cao sức quy tụ và hoạt động chính trị. Mỹ cần xoay chuyển tình hình đa cực hóa cao độ nền chính trị hiện nay, sự đối đầu gay gắt giữa hai đảng phái v.v... , tìm tòi thảo luận làm thế nào để điều chỉnh một cách hoàn thiện phương thức vận hành và xây dựng cơ chế chính trị, giảm bớt những hao tổn sức người, sức của vô ích trong xã hội, nâng cao hiệu suất; Trung Quốc cần lại một lần nữa giải phóng tư tưởng, quy tụ nhận thức chung. Về mặt xã hội, hai nước đều đứng trước nhiệm vụ đẩy mạnh giai cấp trung lưu, thu hẹp khoảng cách chênh lệch quá lớn giữa giàu và nghèo, tái xây dựng cơ cấu ổn định xã hội v.v... Về ngoại giao, Trung Quốc và Mỹ cũng buộc phải đưa ra những điều chỉnh đối với chiến lược đối ngoại trong tình hình môi trường quốc tế và vị thế thực lực nhà nước thay đổi. 

Hệ thống quốc tế và tình hình phức tạp của việc hai nước chuyển đổi mô hình là chưa từng xảy ra từ khi Trung Quốc và Mỹ tiếp xúc với nhau trong những năm 70 thế kỷ 20 đến nay. Điều này đã đem đến tính không xác định chưa từng có cho xu thế quan hệ hai nước. Với tình hình Chiến tranh Lạnh, tính chất và xu thế của mối quan hệ Trung-Mỹ là xác định; sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, do ưu thế độc quyền của Mỹ và thực lực của Trung Quốc và Mỹ quá chênh lệch, xu thế cơ bản của mối quan hệ hai nước vẫn có tính xác định tương đương; sau “sự kiện 11/9”, chống khủng bố trở thành đề tài chính trị quốc tế và là mục tiêu ưu tiên chiến lược toàn cầu của Mỹ, quan hệ Trung-Mỹ triển khai trong khuôn khổ này cũng đã cho thấy rõ tính ổn định ở mức tương đương. Nhưng cùng với tình hình biến đổi, chủ đề thời đại ngày càng rộng hơn, mâu thuẫn chủ yếu càng khó xác định, hệ thống quốc tế chuyển đổi mô hình sâu sắc nhưng phương hướng không rõ ràng. Điều phức tạp hơn là trong bối cảnh đó, hai nước cũng đồng thời trải qua sự chuyển đổi mô hình nhà nước và gặp phải những trở ngại từ việc chuyển đổi đó, và như vậy liệu hai nước có thể thực hiện một cách thuận lợi việc chuyển đổi mô hình hay không? Điều này vẫn chưa thể biết. Chịu ảnh hưởng của điều đó, xu hướng của mối quan hệ Trung-Mỹ sẽ xuất hiện nhiều khả năng. Mấy năm gần đây, giới truyền thông và học giả hai nước đều quan tâm đánh giá thực lực và vị thế của hai nước; hai nước đều khó có thể nhìn nhận một cách khách quan những thay đổi mang tính kết cấu của mối quan hệ song phương này. Mỹ phê phán Trung Quốc có dã tâm bành trướng, ngày càng kiêu căng tự phụ, Trung Quốc thì lo ngại Mỹ sẽ bao vây và kiềm chế Trung Quốc. Các vụ như “va chạm tàu Cheonan”, “vụ Google”, tình hình bạo loạn ở Trung Đông-Bắc Phi cũng luôn khiến cho mối quan hệ Trung-Mỹ thể hiện rõ tính cạnh tranh, không ổn định và căng thẳng trong mấy năm gần đây. Tóm lại, trong bối cảnh “tình hình có những thay đổi lớn”, hai nước Trung Quốc và Mỹ không đủ tự tin và năng lực để đối phó với tình hình phức tạp, không xác định được khả năng và ý đồ của đối phương, sự tự tin và tin tưởng lẫn nhau giảm sút, những phán đoán và phản ứng quá khích tự nhiên khó có thể tránh khỏi. 

II. 

Bất luận là sự chuyển đổi mô hình nhà nước của Trung Quốc, của Mỹ hay là sự chuyển đổi mô hình của hệ thống quốc tế đều sẽ là một quá trình vô cùng phức tạp và dài đằng đẵng. Trong thời kỳ “tình hình biến đổi lớn” như vậy, quan hệ Trung-Mỹ tất nhiên sẽ xuất hiện một số đặc điểm mới. Ngoài sự nhạy cảm, tính cạnh tranh và không ổn định tiếp tục gia tăng nêu trên, quan hệ Trung-Mỹ sẽ có tính sáng tạo lớn. Bất luận là đối với Mỹ hay là đối với Trung Quốc, hai nước này đều muốn mối quan hệ Trung-Mỹ trong tương lai càng có lợi hơn đối với bản thân. Trung Quốc và Mỹ vừa có thể thông qua việc chuyển đổi mô hình nhà nước của bản thân để nâng cao ưu thế chiến lược của mình, vừa có thể thông qua cách thức tư duy và tiến trình chuyển đổi mô hình để ảnh hưởng tích cực đến đối phương, bảo đảm chắc chắn việc đưa ra sự lựa chọn chiến lược không có hại, thậm chí có lợi cho bản thân. Ngoài ra, hai nước còn có thể thông qua việc mở rộng hợp tác chiến lược với đối phương để đối phó với những thách thức chung trong việc chuyển đổi mô hình hệ thống quốc tế. Trong tình hình lợi ích Trung-Mỹ đan xen nhau sâu sắc và mâu thuẫn về tổng thể có thể khống chế được, khả năng giữa Trung Quốc và Mỹ xảy ra xung đột quân sự hoặc đối kháng chính trị là tương đối thấp. Đối với hai nước, việc xóa bỏ tính không xác định và cảm giác bất an do “tình hình có những biến đổi lớn” cũng như lợi dụng đầy đủ việc chủ động, sáng tạo trong xây dựng mối quan hệ Trung-Mỹ kiểu mới đều là sự lựa chọn chiến lược mang tính lý trí, và rất có thể trở thành đặc trưng chủ yếu của mối quan hệ Trung-Mỹ trong thời gian tới. Điều này nói lên quan hệ Trung-Mỹ tuy có những rủi ro do xung đột, nhưng lại không có nghĩa tất yếu phải theo hướng đọ sức chiến lược mang tính đối kháng, mà càng có thể xuất hiện cuộc đọ sức chiến lược kiểu hai mặt giữa hai nước để xóa đi tính không xác định và cảm giác bất an. Cụ thể, cuộc đọ sức này sẽ chủ yếu thể hiện ở 3 mặt sau: 

Một là, tự mình tạo dựng. Trong bối cảnh “tình hình có những biến đổi lớn”, các nhà quyết sách và giới chiến lược hai nước ngày càng nhận thức được rằng trọng tâm và nền tảng của việc bảo đảm chắc chắn an ninh và phồn vinh đất nước, nâng cao vị thế quốc tế của bản thân đều là ở trong nước. Vì thế, trong khoảng thời gian tương đương, trọng tâm của hai nước là giải quyết các vấn đề của bản thân, làm tốt các công việc trong nước, nâng cao trình độ phát triển bền vững. Về phía Mỹ, cuộc khủng hoảng tài chính tiếp tục phát triển vừa bộc lộ rõ và làm gia tăng các mâu thuẫn về kinh tế, chính trị và xã hội trong nước, vừa tạo thành những ảnh hưởng đối với vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Vì vậy, đẩy mạnh việc “tự mình tạo dựng” vừa là sự theo đuổi chung của đông đảo các nước trên thế giới, vừa là biện pháp cơ bản để đối phó với sự trỗi dậy của nước khác, bảo đảm chắc chắn vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ; lợi dụng môi trường quốc tế tương đối có lợi như chủ nghĩa khủng bố hiện nay “bị trọng thương”, đông đảo các nước khác bị tổn thương, ưu thế của Mỹ vẫn nổi bật, việc tái tạo sức cạnh tranh kinh tế, lực hướng tâm chính trị và sức sống trong xã hội đều có tính chiến lược cấp bách rõ rệt. Sau khi lên nhậm chức, Obama coi các công việc trong nước là trọng điểm của việc thực thi chính sách. Sau khi cuộc chiến tranh Irắc kết thúc, rút khỏi cuộc chiến Ápganixtan, Mỹ dốc sức cải cách các vấn đề như y tế, tiền tệ, năng lượng, thuế, giáo dục và nhập cư. “Báo cáo chiến lược an ninh quốc gia Mỹ” năm 2010 cũng nhấn mạnh nền tảng vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ là ở trong nước, và cho rằng việc tái tạo sức cạnh tranh của Mỹ là nền tảng và trọng điểm trong chiến lược toàn cầu. Từ đó cho thấy Mỹ rất coi trọng việc “tự mình tạo dựng”. Đối với Trung Quốc, cần phải thay đổi cùng lúc môi trường trong và ngoài nước, giải phóng tư tưởng, giải quyết các vấn đề, xử lý ổn thỏa các mối quan hệ giữa chính phủ và thị trường, trung ương và địa phương, thành thị và nông thôn, kinh tế và xã hội, chính phủ với các tổ chức xã hội và dân chúng cũng như mối quan hệ giữa trong nước và ngoài nước; thực hiện điều chỉnh toàn diện từ cơ chế đến chiến lược, từ phương thức đến phương hướng, tích cực chủ động làm tốt việc chuyển đổi mô hình nhà nước để giành được sự chủ động hơn trong mối quan hệ với Mỹ cũng như mối quan hệ với bên ngoài trong tương lai. Từ đó việc “tự mình tạo dựng” của hai nước Trung Quốc và Mỹ vừa là công việc nội chính, vừa là công việc ngoại giao. Mỗi công việc đều có những tính toán kép để đối phó với sức ép trong nước và thách thức từ bên ngoài, và sẽ có những ảnh hưởng sâu sắc đối với mối quan hệ hai nước. Ngoài ra, để khắc phục những trở ngại trong việc chuyển đổi mô hình, hai nước cũng sẽ thử áp dụng biện pháp cạnh tranh với đối phương, thông qua việc nhấn mạnh đến mối đe dọa của đối phương để quy tụ nhận thức chung về chính trị, hóa giải những tiếng nói phản đối, nhấn mạnh đến việc dựa vào và thúc đẩy lực lượng bên ngoài trong việc “tự mình tạo dựng”. Ví dụ, trong thông điệp liên bang, Obama đã nhiều lần đề cập đến những thành tựu của Trung Quốc và tuyên bố “Mỹ quyết không làm anh hai”. Tóm lại, giữa việc phát triển mối quan hệ Trung-Mỹ với việc chuyển đổi mô hình nhà nước của hai nước sẽ không thể tránh khỏi tình hình phức tạp đan xen nhau, ảnh hưởng lẫn nhau sâu sắc, khiến cho việc “tự mình tạo dựng” trở thành một trong những hình thức biểu hiện chủ yếu của cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ. 

Hai là tạo dựng cho nhau. Hiện thực hai bên không muốn nhìn thấy nhưng lại cần phải đối mặt đó là tính không xác định của việc chuyển đổi mô hình nhà nước của hai nước đã đem lại những rủi ro cho quan hệ hai nước. Mỹ lo ngại sự bành trướng của Trung Quốc càng mạnh lên, khó có thể dự đoán, còn Trung Quốc thì lo ngại Mỹ sẽ áp dụng chính sách đối với Trung Quốc mang tính thù địch hơn và phá hoại hơn. Sự hoài nghi về chiến lược giữa hai nước tăng lên rõ rệt đã trở thành vấn đề nổi bật ảnh hưởng đến tính ổn định trong mối quan hệ hai nước. Nhưng những nghi ngờ về chiến lược không thể chỉ thông qua phương thức giao lưu giữa các tầng lớp lãnh đạo cấp cao hai nước để xóa bỏ, mà cần đề phòng tai họa trước khi xảy ra, tăng khả năng kiểm soát, dự đoán đối với tư tưởng, hành vi và phương hướng phát triển của đối phương v.v.... Những điều này vừa làm sâu sắc thêm và phát triển chiến lược tiếp xúc truyền thống với Trung Quốc của Mỹ, vừa là nhu cầu khách quan của Trung Quốc trong việc ưu hóa hơn nữa chiến lược đối với Mỹ trong thời kỳ mới. Quan hệ Trung-Mỹ trải qua mấy chục năm hình thành cơ chế và kênh giao lưu, đem lại khả năng và nền tảng tạo dựng cho nhau giữa hai nước. Trước đây, giữa Trung Quốc và Mỹ đã có sự tạo dựng cho nhau ở mức độ nhất định, chủ yếu thể hiện ở việc Mỹ - thế lực mạnh - gây sức ép với Trung Quốc, và Trung Quốc tương đối bị động so với Mỹ. Khả năng tạo dựng của Mỹ đối với Trung Quốc cũng chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực đặc biệt như ý thức hệ và môi trường phát triển bên ngoài của Trung Quốc. Trong tương lai, Trung Quốc và Mỹ nhân việc chuyển đổi mô hình của đối phương để can dự nhiều hơn vào công việc nội bộ, gây ảnh hưởng ngầm, sâu sắc đối với quan niệm tư tưởng, đời sống chính trị và quyết sách chiến lược của đối phương. Điều đó rất có thể trở thành biện pháp quan trọng của việc tạo dựng cho nhau giữa hai nước. Thời gian tới, cùng với việc nâng cao hơn nữa khả năng và ý thức đọ sức của Trung Quốc, khả năng tạo dựng đối với Mỹ tất sẽ được tăng cường hơn nữa. Đương nhiên, hiện thực khách quan của việc tạo dựng cho nhau giữa hai nước không thể bằng việc đối phương can dự vào việc chuyển đổi mô hình của nước mình. Bên cạnh việc nỗ lực tạo dựng cho đối phương, hai nước cũng sẽ áp dụng biện pháp nhất định để phòng ngừa và khống chế đối phương, bảo đảm chắc chắn sự độc lập, tự chủ trong hành động và tư tưởng của nước mình. 

Ba là, cùng nhau tạo dựng là kết quả của “tự mình tạo dựng” và “tạo dựng cho nhau” đã nêu ở trên. Việc cùng nhau tạo dựng có thể quyết định nước nào sẽ có quyền chủ động hơn trong việc đề phòng cạnh tranh mất kiểm soát, nhưng không thể giảm đi cường độ cạnh tranh, ngược lại có thể gia tăng cạnh tranh. Với bối cảnh “tình hình có những thay đổi lớn”, nếu Trung Quốc và Mỹ dừng lại ở việc nâng cao ưu thế của nước mình mà thiếu sự hợp tác mang tính thực chất, quan hệ hai nước chỉ thực hiện được sự ổn định tiêu cực. Hơn nữa, môi trường bên ngoài của mối quan hệ Trung-Mỹ đang thay đổi, nếu như mối quan hệ này ngừng trệ tất nhiên sẽ đứng trước ngày càng nhiều bất trắc và rủi ro. Vì thế, mối quan hệ Trung-Mỹ cần phải thực hiện việc nâng cấp chuyển đổi mô hình từ “quản lý khủng hoảng” đến “giúp đỡ lẫn nhau”. Hai nước Trung Quốc và Mỹ đều là những nước được hưởng lợi từ hệ thống quốc tế hiện hành và cũng là những nước khởi xướng cải cách hệ thống quốc tế bằng phương thức tiệm tiến. Quy mô và thực lực to lớn của hai nước đã quyết định mục tiêu chiến lược của Mỹ là “kết nạp Trung Quốc vào hệ thống quốc tế” và mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là “tích cực hòa nhập vào hệ thống quốc tế” đều không thể thực hiện được trong tình hình hệ thống quốc tế giữ nguyên trạng. Tóm lại, hai nước Trung Quốc và Mỹ xác định mục tiêu cùng nhau tạo dựng hệ thống quốc tế, mục tiêu đó cần phải trở thành phương hướng trọng điểm, hơn nữa có thể trở thành giai đoạn phát triển sau của mối quan hệ hai nước. 

Trong tương lai, Trung Quốc và Mỹ có thể bắt tay vào cùng nhau tạo dựng tối thiểu 3 lĩnh vực trọng điểm: quản lý khu vực châu Á-Thái Bình Dương, quản lý các nơi công cộng trên toàn cầu và quản lý nền kinh tế toàn cầu. Việc chấn hưng nền kinh tế toàn cầu là đề tài cấp bách nhất mà hai nước Trung Quốc và Mỹ cũng như đông đảo các nước trên thế giới hiện nay vô cùng quan tâm. Nhiệm vụ khó khăn và phức tạp của hai nước sau cuộc khủng hoảng là xây dựng lại phương thức phát triển kinh tế trên toàn cầu. Trong quá trình “cùng nhau tạo dựng”, hai nước Mỹ và Trung Quốc với tư cách là nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ hai trên thế giới cũng như là nước phát triển và đang phát triển lớn nhất trên toàn cầu tuy cạnh tranh và hợp tác cùng song song tồn tại, nhưng bản chất của nó là cùng có lợi, cùng thắng lợi, và về cơ bản sẽ thúc đẩy mối quan hệ song phương từ ổn định tiêu cực sang xu thế ổn định tích cực. 

III 

Để đối phó với “tình hình có những thay đổi lớn” dẫn đến xu thế mới cho quan hệ Trung-Mỹ, Trung Quốc tối thiểu cần phải đẩy mạnh 4 khả năng và 4 nhận thức sau:

Một là đẩy mạnh khả năng kiềm chế chiến lược và ý thức tiết kiệm. Trung Quốc cần phải phân tích một cách khách quan đối với những thay đổi mang tính kết cấu của mối quan hệ Trung-Mỹ, đánh giá đầy đủ hơn đối với tính phức tạp của việc chuyển dịch quyền lực và tính lâu dài của việc chuyển đổi mô hình hệ thống quốc tế. Ngoài ra, Trung Quốc cần phải tiếp tục kiên trì con đường chiến lược phát triển hòa bình và phương châm ngoại giao giấu mình chờ thời, khiêm tốn thận trọng, tránh xảy ra sai lầm trong chiến lược đối với Mỹ v.v… Nói cách khác, Trung Quốc vừa cần phải cảnh giác đối với tính hai mặt và sức phá hoại của Mỹ, vừa cần phải đề phòng Mỹ, đưa ra những phán đoán đối với ý đồ của nước này. 

Hai là nhấn mạnh ý thức tự tin và khả năng chú trọng chiến lược. Trong bối cảnh “tình hình có những thay đổi lớn”, Trung Quốc có lý do tự tin hơn đối với con đường phát triển lâu dài của mình. Thế giới bên ngoài kỳ vọng và đòi hỏi ngày càng cao đối với Trung Quốc, Trung Quốc cần phải tìm hiểu một cách thấu đáo hơn đối với cơ chế trao đổi qua lại trong và ngoài nước, nhận thức đầy đủ vị thế quốc tế và tình hình cơ bản, mâu thuẫn chủ yếu của nước mình đang thay đổi; muốn thực hiện phục hưng dân tộc, Trung Quốc vẫn cần phải coi việc nâng cao khả năng quản lý trong nước và trình độ quản lý là nhiệm vụ cơ bản. 

Ba là nhấn mạnh ý thức rủi ro và khả năng lấy nhu trị cương. Một mặt cần phải đề phòng những rủi ro do tinh thần không kiên định. Với bối cảnh “tình hình có những thay đổi lớn”, sự can dự của Mỹ vào tiến trình chuyển đổi mô hình và tạo dựng môi trường của Trung Quốc khẳng định là chỉ tăng chứ không giảm. Sự can dự của Mỹ sẽ khiến cho việc tự mình tạo dựng của Trung Quốc càng khó khăn và phức tạp. Trung Quốc cần chuẩn bị đầy đủ tâm lý để đối phó với tính phức tạp, gay gắt và tiềm ẩn của cuộc đọ sức giữa hai nước Trung-Mỹ. Mặt khác, Trung Quốc cũng cần phải đề phòng những rủi ro do phản ứng quá khích. Trung Quốc cần nhận thức đầy đủ được rằng sự tạo dựng cho nhau và sự trao đổi qua lại giữa hai nước là xu thế lớn dưới điều kiện toàn cầu hóa, là con đường tất yếu khiến cho bản thân hòa nhập vào cộng đồng quốc tế và phát huy ảnh hưởng quốc tế. 

Bốn là nhấn mạnh ý thức cơ hội và khả năng chủ động trong hành vi. “Tình hình có những thay đổi lớn” cũng đem lại cơ hội chiến lược chưa từng có cho Trung Quốc trong việc chủ động tạo dựng môi trường bên ngoài và mối quan hệ Trung-Mỹ. Tính không xác định của việc chuyển đổi mô hình hệ thống quốc tế cũng như những kỳ vọng của Mỹ vào việc Trung Quốc phát huy vai trò lớn hơn là tin vui, có lợi cho Trung Quốc. Nếu như nói thời cơ chiến lược 20 năm qua là Trung Quốc ngồi hưởng môi trường bên ngoài ổn định, vậy thì thời cơ chiến lược mới là Trung Quốc chủ động tạo dựng môi trường bên ngoài và quan hệ đối ngoại. Đồng thời, Trung Quốc cũng cần nhận thức đầy đủ khả năng sáng tạo của Mỹ trong chiến lược đối với Trung Quốc, cố gắng tìm kiếm những điểm mạnh có thể xây dựng nghị trình và nhận thức của Mỹ về chiến lược đối với Trung Quốc, mở rộng lĩnh vực hợp tác khiến cho Trung Quốc và Mỹ hợp sức tạo dựng trật tự khu vực và hệ thống quốc tế, xây dựng “mối quan hệ nước lớn kiểu mới thế kỷ 21”. Điều này đòi hỏi Trung Quốc có những lý giải đầy đủ hơn và vận dụng thời cơ chiến lược do “tình hình có những thay đổi lớn” đem lại để tích cực có những hành động cụ thể./. 

Theo Tạp chí “Quan hệ quốc tế hiện đại” - Trung Quốc

Lê Sơn (gt)