Trong số các tên lửa được vận chuyển đến Syria bằng đường biển, nhiều tên lửa được vận chuyển qua biển Caspian. Đây là cách để Vladimir Putin phô trương cho các nước trong liên minh quốc tế thấy tính hiệu quả của các tên lửa đạn đạo Nga. Đặc biệt, chiến dịch không kích Syria của Nga đã thu hút sự chú ý của công luận thế giới, nhất là của các chuyên gia phân tích chính trị. Chiến dịch đó để lại hệ quả như thế nào, và mục đích thực sự của Nga là gì? Ông Alain Rodier, cựu sĩ quan tình báo cấp cao của Pháp, hiện là Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình báo của Pháp (CF2R), sẽ giúp độc giả có cái nhìn sâu hơn về chiến dịch không kích nói trên, qua phần trả lời phỏng vấn dưới đây:

Atlantico: Cuộc xung đột Syria hết sức phức tạp và khó hiểu bởi sự can thiệp của nhiều tác nhân. Họ là ai và họ muốn gì?

Alain Rodier: Cuộc xung đột đang diễn ra ở Syria là một cuộc cuộc chiến tranh ủy nhiệm được tiến hành giữa nhiều bên có những lợi ích đan xen và đôi khi đối lập nhau một cách công khai hoặc kín đáo.

Giới tình báo thường gọi đây là "cuộc chơi lớn", ám chỉ tới cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa Anh và Nga ở châu Á hồi thế kỷ 19, hay cuộc chiến chống lại "thế giới tự do" với Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Ả Rập Saudi và các đồng minh của nước này trong thế giới Arập đã chống lại, thông qua các phong trào nổi dậy Hồi giáo ở Syria, những gì mà họ nhận thấy như một ý đồ bành trướng của Iran, nước đang hết sức ủng hộ chế độ Bashar al-Assad. Những hoạt động ngầm nói trên đi kèm với sự can thiệp trực tiếp của các nước trong liên minh Ả Rập Saudi (Ai Cập, Jordan, Bahrain, Maroc, Kuwait, Qatar và Sudan) – chiến đấu chống lại các phiến quân người Houthi thuộc hệ phái Zaydi vốn thân cận với dòng Hồi giáo Shiite ở Yemen. Nói một cách chính xác, ban đầu, vào tháng 9/2014, các bộ tộc thân các lực lượng quân sự trung thành với cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh (người luôn ước mơ giành lại quyền lực) đã tiến hành một cuộc đảo chính phản đối quyền lực hợp pháp của Tổng thống Abd Rabo Mansour Hadi. Iran bị nghi ngờ mạnh mẽ đã hỗ trợ nhóm nổi dậy này. Trên chiến trường Syria và Yemen, Hoàng gia Saudi trở thành đồng minh đương nhiên của mạng lưới thánh chiến al-Qaeda do họ có chung những đối thủ. Mong muốn lớn nhất của mạng lưới thánh chiến do Osama bin Laden sáng lập là loại Hoàng gia Saudi khỏi quyền lực!

Thổ Nhĩ Kỳ đã sát cánh cùng Ả Rập Saudi và Qatar để trợ giúp quân nổi dậy Syria, nhưng bằng cách đấu tranh chống lại những gì mà họ cho là mối đe dọa chính đối với sự toàn vẹn của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ: ý định nhen nhóm muốn giành độc lập của người Kurd. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn tích cực đấu tranh chống lại đối thủ cạnh tranh lớn lâu đời: Iran. Nhưng chế độ Erdogan cũng bảo vệ các lợi ích của tổ chức Anh em Hồi giáo – đang hiện diện ít ỏi ở Syria – bằng cách ủng hộ kín đáo Chính quyền Tripoli (Libya) vốn không được cộng đồng quốc tế công nhận.

Sau khi tham gia hoạt động quân sự trong liên minh do Saudi Arabia lãnh đạo ở Yemen và nhận được sự tài trợ của nước này, Ai Cập đã mua vũ khí của Pháp và công khai chống lại tổ chức Anh em Hồi giáo.

Qatar, nước ủng hộ trung thành nhất tổ chức Anh em Hồi giáo, đặc biệt ở Libya, sau một thời gian hành động đơn lẻ, đã quyết định ủng hộ Ả Rập Saudi (nước chống lại tổ chức Anh em Hồi giáo) để tài trợ cho phiến quân nổi dậy Salafi hoạt động ở Syria và để ném bom tiêu diệt các phiến quân người Houthi ở Yemen.

Mỹ nhìn nhận tình hình hỗn loạn này như một cơ hội để thay đổi cục diện ở Trung Đông bằng cách dựa vào tổ chức Anh em Hồi giáo. Mặt khác, Hillary Clinton cũng đã nhiều lần bày tỏ quan điểm ủng hộ tổ chức này. Đây cũng là cách để cố gắng đánh bại Nga, mục tiêu mà Mỹ theo đuổi kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Chính vì mục tiêu này mà Mỹ muốn lật đổ chế độ Syria – được Mỹ coi như là con tốt của Moskva ở Trung Đông. 

Nhận thức được sự mong manh của chế độ tại vị ở Damascus, Vladimir Putin đã khiến cho tình hình thêm rối ren khi can thiệp trực tiếp vào Syria. Để thực hiện điều này, Nga đã dựa vào Iran. Hai nước này đã có những mối quan hệ lâu đời. Mục tiêu đầu tiên của Moskva và Tehran là lực lượng nổi dậy thân al-Qaeda hiện đang đe dọa trực tiếp chế độ Bashar al-Assad từ tỉnh Idlib. Cả Nga lẫn Iran đều gián tiếp phản đối những nước ủng hộ ngầm lực lượng này: Mỹ, Ả Rập Saudi, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ.

Không phải tất cả các nước Hồi giáo đều phản đối hành động quân sự của Nga. Thực vậy, Jordan và Ai Cập ủng hộ hành động này của Nga. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi hiện có những mối quan hệ rất tốt đẹp với Moskva. Nga đã cung cấp cho Ai Cập 50 trực thăng Kamov Ka-52 Alligator – có thể được dùng để trang bị cho các tàu Mistral mà Ai Cập muốn mua lại của Pháp với sự đồng ý ngầm của Nga.

Chế độ Iraq do người Shiite nắm giữ đang bị IS đe dọa nhiều nhất, vì "tổ chức thánh chiến" al-Qaeda không còn hiện diện đầy sức mạnh ở Iraq. Trong cuộc chiến này, Iraq được nhận sự giúp đỡ của Mỹ (các cuộc tấn công Syria của Mỹ hầu hết chỉ nhằm vào IS, với mục đích giảm bớt mức độ gây phiền toái của chúng ở Iraq, thông qua việc làm suy yếu các hậu cứ của chúng), của Iran và Nga.

Trái lại, người Kurd, dù ở Iraq hay Syria, có những chương trình hành động của riêng mình và có chung một kẻ thù: IS. Họ nhận được sự hỗ trợ của các nước phương Tây (dĩ nhiên ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ vì những lý do đề cập ở trên) để bảo vệ những vùng đất nơi họ chiếm đông đảo, chủ yếu ở phía Bắc Iraq hay Syria. Người Kurd ở Syria có hệ tư tưởng Mác-xít gần với hệ tư tưởng của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), do vậy, hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng họ phản đối chế độ của Bashar al-Assad. Bashar al-Assad đã cho họ đất đai mà không gây ra cuộc chiến nào ngay từ đầu năm 2011 bởi ông biết không thể nắm giữ toàn bộ lãnh thổ đất nước. Cũng cần xem xét lại khi nghĩ rằng người Kurd sẽ mạo hiểm hành động bên ngoài khu vực ảnh hưởng của họ trừ khi họ được giúp đỡ một cách đáng kể. Việc chiếm đóng Raqqa, "thủ phủ" của IS, nằm 100 km về phía Nam so với khu vực sinh sống của người Kurd có thể sẽ mang tính biểu tượng rất mạnh mẽ. Việc xây dựng một liên minh "mới" với tên gọi "Các lực lượng dân chủ Syria" (SFD) trên cơ sở Lực lượng bảo vệ người Kurd (YPG), Đơn vị bảo vệ phụ nữ (YPJ), các bộ tộc người Arập và người Syria cũng có ý nghĩa tương tự. Các lực lượng này đã hợp tác với nhau để bảo vệ Kobane, và để giành quyền kiểm soát thị trấn Tal Abyad ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ đã bắt đầu cung cấp số lượng lớn vũ khí và đạn dược cho họ, với danh nghĩa hỗ trợ lực lượng nổi dậy "ôn hòa". Tuy nhiên, các lực lượng dân chủ Syria không hề có ý định tấn công chế độ Damascus lẫn "nhánh thánh chiến" al-Qaeda nếu các phong trào khác phụ thuộc vào al-Qaeda không "động chạm" tới họ.

Thông tin cho rằng Trung Quốc đã triển khai gấp tàu sân bay Liêu Ninh duy nhất của mình ở Địa Trung Hải là sai lệch, bởi ba lý do: Thứ nhất, chính sách của Bắc Kinh đối với tình hình ở Syria vẫn rất thận trọng, các nhà chức trách Trung Quốc luôn nhắc đi nhắc lại rằng chỉ có đàm phán mới có thể đem lại một giải pháp. Mỹ sẽ cung cấp những hình ảnh của tàu sân bay này ngay khi nó đi vào Địa Trung Hải (việc phát hiện ra nó không mấy khó khăn vì nó luôn được hộ tống bởi một nhóm tàu hải quân). Cuối cùng, tàu sân bay Liêu Ninh chưa có đủ năng lực để có thể thực hiện các hoạt động tác chiến xa bờ.

Atlantico: Đằng sau việc tiến hành cuộc chiến chống lại quân nổi dậy Syria, các chiến dịch của Nga ở Syria nhằm mục đích gì?

Alain Rodier: Nga bắt đầu hiện đại hóa sân bay Latakia để có thể sử dụng nó như một căn cứ quân sự chính, và triển khai tại đây binh lính, xe tăng và đại pháo để đảm bảo an ninh. Nga cũng đặt tại đây hệ thống pháo phòng không Pantsir-S1 (SA-22) và 9K330 Tor-M1 (SA-15 Gauntlet). Ngoài các hệ thống phòng không này, Nga còn triển khai các tàu ở ngoài khơi bờ biển Syria, trong đó có tàu khu trục Moskva được trang bị 64 tên lửa S300 PMV (SA-N-6 grumble), các tàu hộ tống lớp Krivak, Ladny, Pytivy được trang bị 40 tên lửa 4K33 OSA-M (SA-N-4 Gecko) và tàu khu trục tên lửa Smetlivy lớp Kashin được trang bị 32 tên lửa S-125 (SA-N-1 Goa).

Các máy bay chiến đấu Su-30 đã được Nga điều động tới Latakia hồi giữa tháng 9/2015. Tất cả những vũ khí đã được triển khai tại đây hình thành nên hệ thống các vũ khí "chống tiếp cận/ chống xâm nhập khu vực" (A2/AD) ở phía Đông Địa Trung Hải và Tây Bắc Syria, và được sử dụng như một công cụ răn đe trước bất kỳ ý đồ can thiệp quân sự nào của bên ngoài, dù là của các lực lượng thuộc liên minh quốc tế hay Israel. Điều này đặc biệt đặt ra vấn đề về khu vực cấm bay mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn thiết lập ở phía Tây sông Euphrates, dọc theo biên giới Syria. Israel đã thiết lập một "đường dây nóng" nối căn cứ không quân Latakia với căn cứ không quân của Israel để tránh bất kỳ sự cố nào. 

Việc Nga sử dụng 4 chiến hạm thuộc Hạm đội Caspian để phóng 26 quả tên lửa hành trình 3M-14T Kalibr (SS-N-30A), vượt quãng đường hơn 1.500 km, nhằm vào 11 mục tiêu quân sự của Syria, vào đêm 7/10/2015, không phải là "hành động ngây thơ". Những vũ khí này đã được triển khai từ các tàu tên lửa có trọng tải nhỏ trước sự ngạc nhiên của phương Tây: Dagestan, một tàu hộ tống chống ngầm lớp Gepard có trọng tải 1961 tấn, tàu hộ tống lớp Buyan có trọng tải 949 tấn, tàu tên lửa Grad Sviyazhsk, Uglich và Veliky Novgorod. Về mặt chiến thuật, việc sử dụng các vũ khí tối tân như vậy để phá hủy các mục tiêu thánh chiến có phần tốn kém. Mục đích của Nga là gửi một thông điệp cho NATO thấy sức mạnh của vũ khí Nga. Điều gây sự chú ý ở đây là các tàu có trọng tải nhỏ có khả năng mang các tên lửa tầm xa (với khoảng cách 2.500 km đã được công bố). Mỹ đã lớn tiếng khẳng định 4 tên lửa của Nga đã rơi ở Iran. Trên thực tế, một tên lửa đã bị tiêu diệt trên đường bay đến mục tiêu. Nhưng năng lực hải quân này của Nga khiến người ta phải đặt câu hỏi về tính bất khả xâm phạm của các tàu sân bay của Hải quân Mỹ. Các chiến lược gia quân sự Mỹ sẽ phải điều chỉnh tất cả các kế hoạch chiến tranh hải quân của mình để đối phó với mối đe dọa mới này. Điều đáng nói là các tên lửa hành trình của Nga đã lặng lẽ bay qua Iran và Iraq mà cả hai nước này không thể hiện sự phản đối nhỏ nhất nào.

Tóm lại, Nga triển khai hoạt động quân sự của mình để tránh cho chế độ Syria sụp đổ dưới các đòn tấn công của liên minh "Đội quân chinh phục" – chịu sự chỉ đạo bí mật của "nhánh thánh chiến" al-Qaeda và nhận được sự hỗ trợ của Saudi Arabia, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, khi mà phương Tây quan tâm tới "nơi khác". Nếu như ban đầu, Mỹ không chỉ không kích tiêu diệt IS, mà còn tiêu diệt cả Mặt trận al-Nursa (lực lượng chính trong Đội quân chinh phục) và đặc biệt là đơn vị "Khorasan" – chuyên tiến hành các chiến dịch bên ngoài, thì giờ đây Mỹ chỉ thực hiện các hoạt động không kích nói trên một cách rất hiếm hoi.

Sự can thiệp của Nga là phù hợp với thông lệ quốc tế bởi Chính phủ Syria – luôn được công nhận tại Liên hợp quốc – đã chính thức đưa ra đề nghị này, nhưng Moskva chủ yếu tấn công IS. Nếu như người ta biết thời điểm bắt đầu một cuộc xung đột, thì thời điểm kết thúc nó lại không dễ dàng đoán trước (thực tế này đã được chứng minh qua những gì xảy ra ở Afghanistan, nơi Tổng thống Obama đã buộc phải kéo dài thời hạn rút quân khỏi nước này). Do vậy, rủi ro sa lầy là điều có thể xảy ra, với những hệ quả tất yếu là sự liên minh của các phong trào nổi dậy của người Hồi giáo dòng Sunni chống lại "sự xâm lăng của người Do Thái và người Cơ đốc giáo (người Nga), và người Shiite ở Syria, Iran, Iraq, Liban)" và khả năng bùng nổ các hoạt động khủng bố ở khu vực Caucasus và trên toàn bộ lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ, phương Tây sẽ buộc phải đàm phán với Nga vốn đang ở vị thế mạnh trên chính trường Syria. Đó là một sự sỉ nhục đối với Washington, mà theo viện nghiên cứu tư vấn chiến lược Mỹ, các đời chính phủ Mỹ đã liên tiếp mắc sai lầm trên các phương diện học thuyết, năng lực phân tích và tác chiến kể từ những năm 2000.

Theo Atlantico (Pháp)

Hương Lan (gt)