Đặc biệt, cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng ở khu vực này giữa các cường quốc ở Đông Bắc Á là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đang trở nên căng thẳng. Trung Quốc rõ ràng đang dẫn trước trong cuộc cạnh tranh này, với ảnh hưởng tích lũy vững chắc trong thập kỉ qua kể từ khi ký hiệp ước đối tác chiến lược với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2003. Trong cùng năm đó, Trung Quốc đã trở thành đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác mang tính bước ngoặt của tổ chức này, một động thái mà nhiều cường quốc bên ngoài đã tiếp bước sau đó. Hợp tác kinh tế đã và đang trở thành một nền tảng chính trong mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN. Năm 2009, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong bối cảnh Đông Nam Á tìm cách hưởng lợi từ nền kinh tế bùng nổ của Trung Quốc.

Tháng 1/2010, hai bên hoàn tất Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) sau khi đã ký Hiệp định Khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện 8 năm trước đó. Một năm sau, kim ngạch thương mại song phương đã tăng 20%, từ 232 tỷ USD vào năm 2011 lên 280,4 tỷ USD, chủ yếu là do Trung Quốc tăng nhập khẩu từ các nước ASEAN (tăng vọt hơn 28%), biến các nền kinh tế Đông Nam Á trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, cơ hội cho các cường quốc khác cũng đã mở rộng trong những năm gần đây, khi quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN xấu đi do sự quyết đoán của Bắc Kinh trong tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Chính quyền Tập Cận Bình đang tìm cách xoa dịu căng thẳng với hầu hết các nước ASEAN trong năm nay với việc cử nhiều quan chức cấp cao tới khu vực và hoan nghênh nguyên thủ các nước ASEAN tới Trung Quốc. Chẳng hạn, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chọn ASEAN làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên hồi tháng 4 và trở lại đây hồi tháng 8. Ông cũng tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm khu vực đầu tiên kể từ khi ông Tập Cận Bình nắm vị trí lãnh đạo chính trị cao nhất ở Trung Quốc.

Đặc biệt, ông Tập Cận Bình cũng có chuyến thăm cấp nhà nước tới Malaysia và Indonesia trong tuần qua trước thềm hội nghị thượng đỉnh APEC ở Bali và EAS ở Brunei. Những chuyến thăm này đã được truyền thông nhà nước Trung Quốc tập trung đăng tải đáng kể trước và trong chuyến đi. Tại Indonesia, ông Tập Cận Bình đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên phát biểu tại Quốc hội, hai bên đã ký kết các thỏa thuận thương mại và đầu tư trị giá 28,2 tỷ USD. Còn tại Malaysia, ông Tập Cận Bình tìm cách xoa dịu quan ngại về vấn đề Biển Đông bởi Malaysia cũng là một bên tranh chấp. Tuy nhiên, ông tiếp tục đặt trọng tâm vào kinh tế, khi Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Malaysia.

Về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng tới Đông Nam Á tham dự APEC và EAS trước khi trở lại Indonesia trong chuyến thăm cấp nhà nước bắt đầu từ ngày 10/10. Dù thu hút ít sự chú ý hơn những nỗ lực của Trung Quốc, song Seoul đang lặng lẽ mở rộng ảnh hưởng và tăng cường hợp tác kinh tế trong những năm gần đây. Năm ngoái, ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai sau Trung Quốc và là điểm đến đầu tư hàng đầu của Seoul. Mối quan hệ này được duy trì thông qua một loạt thể chế và hiệp định như Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc, FTA Hàn Quốc-ASEAN và Hiệp định Đối tác Chiến lược.Hành trình của Tổng thống Park cho thấy kinh tế sẽ vẫn là trọng tâm chuyến công du khu vực khi bà tham dự cả Hội nghị Các nhà lãnh đạo Kinh tế APEC và Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC. Bà cũng có bài phát biểu đề dẫn tại Hội nghị Thượng đỉnh CEO. Tại hội nghị EAS ở Brunei, bà Park sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo của 10 nước ASEAN trong Hội nghị Thượng đỉnh Hàn Quốc-ASEAN lần thứ 16. Bà cũng sẽ tham dự hội nghị ASEAN+3 trước khi trở lại Indonesia trong chuyến thăm cấp nhà nước. 

Tuy nhiên, năm 2013 lại có ý nghĩa đáng kể nhất khi đánh dấu sự trở lại khu vực của Nhật Bản. Dù trong khuôn khổ chính sách đối ngoại, Thủ tướng Shinzo Abe nổi bật với những bình luận lịch sử, tham vọng quân sự và tranh chấp với Trung Quốc liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, song sự tái khẳng định ảnh hưởng của Nhật Bản ở ASEAN có lẽ sẽ mang lại những hệ quả lâu dài nhất. Trong 7 tháng cầm quyền đầu tiên, ông Abe đã tới Đông Nam Á ba lần. Và vào cuối năm tại nhiệm đầu tiên trong nhiệm kì thứ 2, Thủ tướng Nhật Bản sẽ tới thăm khu vực này ít nhất 5 lần, thăm toàn bộ 10 quốc gia ASEAN. Giữa các chuyến thăm này, nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Abe cũng đã đến Đông Nam Á.

Sự tái quan tâm này có thể nói đang được thúc đẩy bởi tranh chấp hải đảo giữa Nhật Bản với Trung Quốc, và ông Abe chắc chắn đang tìm kiếm sự tương đồng giữa tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở cả Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tại khu vực, ông Abe hăng hái tìm cách chia rẽ quan hệ với Trung Quốc với hy vọng Đông Nam Á sẽ coi Trung Quốc như "một kẻ bắt nạt" ở Biển Hoa Đông, giống như những gì nhiều quốc gia ASEAN đang nhìn nhận Bắc Kinh ở Biển Đông. Ông Abe đặc biệt tập trung vào những quốc gia như Philippines và Myanmar, vốn cũng đang tìm lí do riêng để tách biệt với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nhật Bản cũng tìm cách làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế với các nước ASEAN. Nổi bật nhất, ông Abe đã đưa một Nhật Bản vô cùng lưỡng lự tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông cũng hối thúc các nhà đầu tư lớn trong nước, kể cả các thực thể nhà nước sở hữu, mạo hiểm đầu tư vào các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á. Có một số ý kiến cho rằng ông Abe sẽ cử nhiều giáo viên tiếng Nhật đến các nước ASEAN với nỗ lực tăng cường quan hệ văn hóa với Đông Nam Á. Không giống như những người đồng cấp Hàn Quốc và Trung Quốc, ông Abe không có chuyến thăm cấp nhà nước nào ở Đông Nam Á lần này, ngoại trừ tham dự hội nghị APEC và EAS cũng như nhiều hoạt động bên lề. Tuy nhiên, ông đã lên kế hoạch cho ít nhất một chuyến thăm khu vực tới Lào và Campuchia vào cuối năm nay. 

Theo “The Diplomat

Viết Tuấn (gt)