Tình hình quốc tế năm 2015 không ngừng biến động, Trung Đông càng là khu vực bất ổn hơn cả. Chiến tranh Yemen, Nga đánh bom IS, Pháp sau khi bị khủng bố quay lại không kích IS… các sự kiện diễn ra dồn dập. Tuy nhiên, đa phần những xáo động này là được thúc đẩy bởi khủng hoảng Ukraine năm 2014.

Nga và Mỹ vốn cạnh tranh ở địa bàn Ukraine, Mỹ ủng hộ một chính trị gia thân phương Tây lên nắm quyền, Nga vội vàng hỗ trợ một chính trị gia thân Nga lên nắm quyền. Mỹ tồn tại nền chính trị 2 đảng, Ukraine tồn tại nền chính trị “hai nước”. Nhưng đầu năm 2014, Mỹ bắt đầu “phạm quy”, hỗ trợ phe đối lập gây rối loạn đường phố để lật đổ tổng thống thân Nga Yanukovych. Ý thức dân tộc của Nga nổi lên, cho rằng Mỹ đã “phạm quy”, thì cũng đừng nên trách Nga chơi không đúng luật, ngay sau đó thúc giục Crimea trưng cầu dân ý sáp nhập Nga. Nhìn từ góc độ người Nga, Crimea vốn là của Nga, khi đó Khrushchev vì đấu tranh quyền lợi đã trao quyền quản lý cho Ukraine. Hầu hết cư dân Crimea đều là người tộc Nga, có thể trở về tổ quốc với mức sống cao, mọi người đều rất hài lòng. Người Nga thấy đây là lẽ đương nhiên đôi bên đều tình nguyện, nhưng điều này bỗng nhiên trở thành “tổ ong vò vẽ” đối với Nga.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cho dù là chiến tranh nóng hay chiến tranh lạnh, không chiếm đoạt lãnh thổ là quy tắc mà tất cả các nước cơ bản phải tuân thủ. Crimea sáp nhập Nga tuy là có tình có lý, nhưng lại phạm vào điều cấm kỵ. Đặc biệt là các nước láng giềng phương Tây của Nga đều nghĩ đến “kết quả thống kê” của Brzezinski: Từ thời kỳ Ivan Bạo chúa cho đến khi Liên Xô tan rã, Nga mở rộng với tốc độ mỗi năm bằng 2 lần diện tích Ba Lan. Không chỉ có các nước Liên Xô trước đây, ngay cả Phần Lan và Na Uy cũng đều sợ hãi. Nga đã khiến các nước phẫn nộ, Mỹ nhân cơ hội này lôi kéo EU tuyên bố trừng phạt Nga, chủ yếu là trừng phạt về tài chính. Chỉ những điều này thì Nga không e sợ, bởi vì đã có sự giúp đỡ của “đồng chí” Trung Quốc – nước có lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới.

Nhưng lần này Mỹ đã dùng tuyệt chiêu cuối cùng – đánh vào giá dầu mỏ. Chiêu bài này Mỹ từng lôi kéo Ả Rập Saudi tham gia trong những năm 80 của thế kỷ trước. Mặc dù tại thời đó diễn ra chiến tranh Iran-Iraq, nhưng Mỹ đã lôi kéo Ả Rập Saudi hạ giá dầu từ hơn 30 USD/thùng xuống còn mười mấy USD/thùng. Tài chính của Liên Xô khi đó vốn đã là nền tài chính năng lượng, chi phí cho quân sự lại quá lớn, giá dầu sụt giảm kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tài chính của Liên Xô. Lật lại lịch sử, từ xưa đến nay, trừ phi lực lượng quá chênh lệch, nếu không sự sụp đổ của các đế quốc đều bắt đầu từ khủng hoảng tài chính. Khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ giá dầu khiến Liên Xô xem xét lại thể chế chính trị và kinh tế kế hoạch quá cứng nhắc để tiến hành cải cách, nhưng do Mỹ kiên quyết giữ giá dầu, Liên Xô có thay đổi thì vẫn không thể dẹp bỏ cuộc khủng hoảng, và rốt cuộc là sụp đổ. Lần này Mỹ lặp lại kịch bản cũ, hy vọng Chính quyền Putin vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu năng lượng nhanh chóng dẫm vào vết xe đổ của Liên Xô.

Đồng ruble giảm giá cùng với giá dầu thô, và cuộc khủng hoảng tài chính của Nga đã bắt đầu, dường như màn kịch Liên Xô lại tái hiện. Người dân Nga tuy đã từng trải qua cuộc khủng hoảng tương tự, sức chịu đựng về tâm lý mạnh, nhưng thời gian kéo dài cũng sẽ buông lời than trách. Dân chúng không phải là quỹ đầu tư mạo hiểm, nói một cách thực tế nhất, là cơm ăn chưa no thì không thể nói chuyện tình cảm. Putin tính cách mạnh mẽ, nếu để dân chúng đói khổ kéo dài, rập khuôn như cũ sẽ bị lật đổ. Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy, người Nga đã từng chịu khổ một lần, không thể không có cách đối phó, huống hồ “đồng chí” Trung Quốc – hiện đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không thể bàng quan đứng nhìn. Trung Quốc tuy hào phóng, nhưng tiền cũng không thể cho không, hoặc dùng để đổi lấy năng lượng, mà năng lượng càng rớt giá, Nga càng khó hạch toán. Nhưng Nga là một dân tộc chiến đấu, quen với việc dùng chiến đấu để giải quyết các cuộc khủng hoảng.

Mỹ dường như quên rằng, trụ cột kinh tế của Nga ngoài năng lượng còn có ngành công nghiệp quân sự. Sở trường của người Nga không phải là kinh doanh, mà là đánh trận. Giá dầu thô phụ thuộc vào quan hệ cung cầu, hiện tại kinh tế thế giới ảm đạm, nhu cầu không nhiều, giá dầu thô không tăng nổi. Nhưng nếu việc cung ứng trở nên căng thẳng thì sao? Giá dầu thô sẽ ngừng rớt giá, nếu việc cung ứng càng trở nên căng thẳng, chưa biết chừng giá dầu còn tăng trở lại. Vậy làm thế nào để gây căng thẳng cho việc cung ứng? Tất nhiên là chiến tranh.

Giá dầu thô giảm mạnh lần này, chịu thiệt hại vẫn là các nước như Iran. Iran không những là một quốc gia, mà còn là quê hương tâm linh của những người Hồi giáo dòng Shiite trên toàn thế giới. Đa phần các nước Hồi giáo đều là người Sunni chiếm ưu thế, người Shiite hầu hết là ở tầng lớp dưới chịu thiệt thòi áp bức. Ở đâu có áp bức ở đó sẽ có đấu tranh, quê hương Iran của những người Hồi giáo Shiite này ra sức ủng hộ anh em Hồi giáo dòng Shiite trên khắp Trung Đông. Nếu các phiến quân Shiite có thể nổi dậy ở các nước xuất khẩu dầu chủ yếu, chắc chắn sẽ vô cùng có lợi đối với giá dầu thô. Ả Rập Saudi là nước chủ chốt, nhưng có Mỹ che chở, ngoài ra địa vị quá đặc thù, ngay cả Nga cũng không dám trực tiếp hành động. Song cũng không quá nghiêm trọng, khi các mâu thuẫn chính không thể trực tiếp giải quyết, giải quyết mâu thuẫn thứ yếu sẽ giúp cho việc giải quyết mâu thuẫn chính. Yemen ở ngay sát Ả Rập Saudi, chính là mâu thuẫn thứ yếu gần với mâu thuẫn chính nhất. Yemen cũng có một lực lượng vũ trang phái Shiite mạnh mẽ, lấy tên thủ lĩnh đã hy sinh là Hussein Badr al-Din al-Houthi. Phiến quân Houthi được hỗ trợ bởi Iran, lâu nay đã chống lại Chính phủ Yemen và lực lượng IS.

Cuộc nổi dậy của phiến quân Houthi bắt đầu vào tháng 9 khi giá dầu giảm mạnh, bắt đầu đánh chiếm thủ đô Yemen, mới đầu cũng chưa động vào chính quyền lúc đó. Nhưng cùng với việc giá dầu tiếp tục giảm mạnh, tháng 1/2015, phiến quân Houthi bắt đầu tấn công dinh tổng thống, bắt giam lỏng Tổng thống Hadi và ép Thủ tướng Bahah tuyên bố từ chức. Ngày 21/2, Hadi chạy trốn khỏi Sana’a, tới thành trì Eden ở phía Nam và khôi phục lại quyền tổng thống tại Eden. Ngày 24/3, phiến quân Houthi mở đợt tấn công lớn tại miền Bắc Yemen nhằm vào quân chính phủ và lực lượng ủng hộ Hadi, thắng lợi hoàn toàn, bộ trưởng quốc phòng của chính quyền Hadi bị bắt làm tù binh. Ngày 25/3, Chính phủ Yemen kêu gọi các nước Arập thực hiện can dự quân sự khẩn cấp đối với Yemen. Vài giờ sau đó, Ả Rập Saudi dẫn đầu phát động cuộc tấn công đối với lực lượng Houthi trong biên giới Yemen.

Ả Rập Saudi là nước giám hộ cho thánh địa Hồi giáo Mecca, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới luôn tự cho mình là thủ lĩnh của phái Sunni. Điều này không chỉ là hư danh, mà là lợi ích quốc gia. Lãnh thổ Ả Rập Saudi tuy không nhỏ nhưng đa phần là sa mạc, nhân khẩu chỉ có 28,38 triệu người. Thậm chí trong số 28,38 triệu dân này công dân Ả Rập Saudi thực sự chỉ có 19,41 triệu người, và trong toàn bộ 28,38 triệu người có 10% là người Hồi giáo dòng Shiite, trong các quốc gia Arập chỉ đứng sau Iraq và Yemen. Khoảng 73% trong số họ sống ở các quận phía Đông giàu dầu mỏ, và đa phần trong số đó tập trung đông đúc ở các thị trấn và làng mạc quanh các ốc đảo tại Qatif và Al-Hasa. Hiện nay phái Shiite đã giành được chính quyền ở Iraq, tuy chỉ kiểm soát thực sự khoảng 1/3 khu vực, nhưng cũng đủ để cùng với Iran và Syria hình thành nên vành đai rộng lớn do phái Shiite kiểm soát. Tuy những nước mà phái Shiite khống chế không nhiều, nhưng là những khu vực tập trung đông đúc dân cư ở Trung Đông. Không chỉ ở phía Đông Ả Rập Saudi, phía Tây Nam bị phiến quân Houthi chiếm đóng cũng có, thậm chí ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng không ít. Một khi để người Shiite khống chế hoàn toàn Iraq và Syria, không chỉ các nước vùng Vịnh như Ả Rập Saudi và Bahrain, mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ lâm vào bất ổn. Đây có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân khiến Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt tích cực can thiệp vào Syria và Iraq.

Mặt khác, Iran luôn tích cực khuyếc trương thế lực phái Shiite, tích cực hỗ trợ phiến quân Houthi. Sau khi Ả Rập Saudi can thiệp vũ trang vào Yemen, lượng lớn “nguồn cung cấp nhân đạo” được chuyển đến phiến quân Houthi. Ả Rập Saudi tuyên bố những thứ này đều là vũ khí đạn dược và phái tàu chiến đánh chặn, nhưng không những hiệu quả thấp, còn bị phiến quân Houthi dùng tên lửa bắn chìm nhiều chiến hạm. Mỹ thấy tình hình không khả quan, ngày 22/1 trực tiếp đưa tàu sân bay đến ngăn chặn các tàu viện trợ cho phiến quân Houthi của Iran. Nhưng đầu tháng 4 lại lộ ra chuyện máy bay Nga vận chuyển vũ khí cho phiến quân Houthi. Phiến quân Houthi tuy là lực lượng vũ trang bộ tộc, nhưng trang bị vũ khí cực kỳ tốt, không chỉ có quân phục, còn có rất nhiều loại vũ khí công nghệ cao. Phiến quân Houthi không những đánh chìm nhiều tàu chiến của Ả Rập Saudi, còn tuyên bố phá hủy hơn 200 xe tăng bọc thép do Mỹ sản xuất của Ả Rập Saudi, và nhiều lần sử dụng tên lửa bắn trúng bộ chỉ huy và kho vũ khí của quân đội Ả Rập Saudi. Điều này dường như chứng tỏ rằng Nga không những viện trợ vũ khí, còn cung cấp thông tin tình báo. Ả Rập Saudi ngay sau đó đề xuất đầu tư 10 tỷ USD cho Nga. Nhưng Nga đã không chấp nhận, vì Ả Rập Saudi liên kết với Mỹ phá vỡ giá dầu khiến Nga thiệt hại hàng trăm tỷ USD. Ngày 14/12/2015, phiến quân Houthi phóng tên lửa trúng trụ sở chỉ huy của Liên quân Ả Rập Saudi ở Tây Nam Yemen, chỉ huy quân sự tối cao của liên quân Ả Rập Saudi tại Yemen chuẩn tướng Abdullah al-Sahyan đã tử trận. Đáng suy nghĩ là, cùng tử trận với vị tướng quân Ả Rập Saudi này còn có 42 lính đánh thuê của công ty an ninh Blackwater (Mỹ). Tàu sân bay của Mỹ ở ngay gần Yemen, nếu thực sự muốn giúp Ả Rập Saudi thì cơ bản không cần đến sự xuất hiện của lính đánh thuê, trực tiếp ném bom là được. Tuy rằng nếu Mỹ ra tay, phiến quân Houthi chưa chắc bị tiêu diệt, nhưng cũng chỉ có thể phân tán tỏa ra, lẩn trốn vào sa mạc.

Tuy chiến sự của Yemen không thay đổi xu hướng đi xuống của giá dầu, nhưng Nga đã nhìn thấy Mỹ ứng phó yếu đuối. Nga phán đoán do ngân sách của Mỹ gặp khó khăn, đồng thời sẽ chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực xung quanh Trung Quốc, dồn sức để kiềm chế Trung Quốc, không còn can thiệp với quy mô lớn vào Trung Đông được. Nhận lời Syria, ngày 30/9/2015, Nga không kích IS, Mỹ không thể làm gì được. Nga dường như cho rằng IS thông qua buôn lậu dầu mỏ với giá thấp cho Thổ Nhĩ Kỳ là một nguyên nhân quan trọng khiến giá dầu thấp, cho nên trọng điểm không kích là xe chở dầu và cơ sở lọc dầu. 

Nhưng IS lúc này lại không an phận, những kẻ ủng hộ IS đã gây ra vụ khủng bố tại Paris làm kinh động cả thế giới. Do Pháp nhất định phải trả thù, họ đã lập tức điều động tàu sân bay đến oanh tạc IS. Nga nhân cơ hội lôi kéo Pháp, mở rộng không kích đối với phe đối lập ở Syria. Mỹ không còn gì để nói, nhưng đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ của họ lại bắn rơi máy bay ném bom của Nga. Sau khi IS trỗi dậy, có tin đồn tổ chức này có quan hệ nồng ấm với các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi, Qatar... Có tờ báo cho rằng dầu thô của IS cơ bản thông qua Thổ Nhĩ Kỳ để bán ra ngoài, có tin con trai của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Bilal Erdogan đã kiếm được nhiều tiền từ việc giữ vai trò chủ đạo vụ làm ăn này, còn có rất nhiều nhân vật quan trọng trong giới quân sự và chính trị cũng bị cuốn vào. Về việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga, có rất nhiều nhận định như Mỹ ngầm chỉ đạo, quan chức Thổ Nhĩ Kỳ trả thù Nga tấn công vào tuyến đường buôn lậu dầu mỏ... Còn có một nhận định khá bí hiểm, đó là sau khi lên nắm quyền, Tayyip Erdogan đã tìm cách thanh trừng phe quân đội, phe quân đội cố ý gây chuyện để làm khó cho ông. Tuy nhiên, xem xét Tayyip Erdogan từng ngông cuồng tự so sánh mình với Đế quốc Osman I thì dường như không phải là người khác bẫy ông ta. 

Nga là nước nổi tiếng sẵn sàng trả thù, nhưng lần này lại không trực tiếp khai chiến với Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ không phải là nước nhỏ, sức mạnh của Nga hiện nay có hạn, không thể đánh trận mà họ không chắc thắng. Lực lượng quân đội của Nga tại Syria cũng rất mỏng yếu, nhân cơ hội này quét sạch thế lực của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria thì càng có lợi ích thực tế, tình hình căng thẳng của Trung Đông trong thời gian dài phù hợp hơn với lợi ích của Nga. Quân đội Nga đã bỏ qua không đánh Thổ Nhĩ Kỳ, mà nhiều lần tiêu diệt một trong những “tay chân” của Thổ Nhĩ Kỳ - “lữ đoàn Turkmen" thuộc phe đối lập Syria được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ. 

Thái độ của Mỹ lúc này là có ý đồ sâu xa, họ không có sự ủng hộ mạnh mẽ như mong đợi của Thổ Nhĩ Kỳ, ngược lại ngay từ đầu đã nói quân đội Mỹ không dính líu. Sau đó, tuy Obama lại đưa ra vài câu nói thay cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng lại rút 12 chiếc máy bay chiến đấu F-15 khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ không sợ lý lẽ của Nga, họ làm như vậy ngoài lý do ngân sách khó khăn không muốn bị cuốn vào xung đột với nước lớn như Nga, e rằng họ còn mong cho chiến tranh hỗn loạn tiếp diễn ở Trung Đông. Thái độ của Mỹ đối với cuộc chiến Yemen cũng như vậy – khoanh tay đứng nhìn! Tàu sân bay đỗ gần Yemen, nhưng lại không hành động, ngồi nhìn Ả Rập Saudi hao quân mất đất. Thậm chí, Iran bắt giữ hai tàu tuần tra và binh lính của Mỹ, bức ảnh binh lính Mỹ ôm đầu quỳ trên boong tàu được đăng đầy trên báo chí thế giới, đối mặt với sự việc mất thể diện như vậy, Mỹ chỉ có thể âm thầm nhận lỗi để xin nhận lại người, nguyên nhân trong đó đáng để suy ngẫm.

Ngoài việc quan tâm đến chiến sự ở Trung Đông, trong thời gian này giới năng lượng và nhà quan sát trên toàn thế giới còn quan tâm đến tranh luận của Quốc hội Mỹ về việc xóa bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô. Ngày 19/12/2015, Obama chính thức ký lệnh xóa bỏ việc cấm xuất khẩu dầu thô của Mỹ đã kéo dài trong 40 năm qua. Nước lớn số một nhập khẩu dầu thô đã từ Mỹ chuyển sang Trung Quốc, trong khi Mỹ hiện tại bắt đầu xuất khẩu dầu thô, bên mua lớn nhất chính là Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc - doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc. Ở Trung Quốc có quan điểm lưu truyền rất rộng: Trung Quốc mua cái gì, cái đó tăng giá, bán cái gì, cái đó giảm giá; Mỹ mua cái gì, cái đó mất giá, bán cái gì, cái đó tăng giá. Tuy quan điểm này có phần phóng đại, nhưng nhiều thời điểm lại là thực tế. Sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Mỹ vốn vẫn thường là thành phẩm từ dầu mỏ, rất nhiều dầu thô nhập khẩu của họ là nguyên liệu của các nhà máy lọc dầu, hiện tại họ bắt đầu xuất khẩu dầu thô, rất có thể nhanh chóng trở thành nước chỉ xuất khẩu năng lượng. Như vậy, giá dầu thấp không phù hợp với lợi ích của công ty dầu mỏ Mỹ. Tập đoàn công nghiệp quân sự dầu mỏ là một thế lực lớn, có sức nặng trên chính trường Mỹ, cha con tổng thống Mỹ W.H.Bush lên làm tổng thống nhờ sự ủng hộ của họ. Giá dầu thô đương nhiên do quan hệ cung cầu quyết định, nhân tố lớn nhất ảnh hưởng đến nhu cầu là nhu cầu của Trung Quốc gần đây không thể tăng trưởng mạnh, nên phải tác động từ bên cung, mà chiến tranh liên tục diễn ra ở Trung Đông chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp dầu thô, tạo ra giải pháp nhiều hơn. 

Phố Wall, một thế lực lớn khác ảnh hưởng đến chính trường Mỹ đã có thái độ rõ ràng, Công ty Goldman Sachs tự coi là “chính phủ Mỹ đích thực” đã bắt đầu nói nhiều về giá dầu thô, Công ty Morgan Stanley đầy quyền lực ở Phố Wall cũng cho rằng thị trường dầu thô năm 2016 có thể xuất hiện bước ngoặt. CEO của Tập đoàn Carlyle, “câu lạc bộ cựu chính khách” của Mỹ Rubenstein vào cuối năm đã tuyên bố cơ hội lớn nhất trong lịch sử đầu tư vào lĩnh vực năng lượng còn đang ở phía trước, ngay cả một ông lớn có lương tâm như Warren Buffet cũng bắt đầu mua cổ phiếu năng lượng với giá thấp. Như vậy, thái độ của Mỹ đối với giá năng lượng đã rất rõ ràng, thái độ của Mỹ đối với chiến sự Trung Đông đã quá rõ. Còn các nước lớn về xuất khẩu dầu mỏ như Nga, Iran... đã sớm tích cực can dự vào cuộc chiến, ngay cả Ả Rập Saudi trước kia luôn chèn ép giá dầu do giá năng lượng giảm và chiến tranh, cũng đã xuất hiện khủng hoảng tài chính, càng không thể thỏa hiệp khi đối mặt với lực lượng phiến quân Houthi. 

Xem xét thời điểm hiện tại, có thể thấy cuộc khủng hoảng giáo phái trong nước của Ả Rập Saudi đã sắp bùng nổ. Trong khi phe Hồi giáo dòng Shiite tập trung ở phía Nam ngầm ngả sang phiến quân Houthi, thì Ả Rập Saudi lại tử hình giáo sĩ Nimr al-Nimr có ảnh hưởng lớn trong phe Hồi giáo dòng Shiite, hành động này càng công khai thách thức đối với toàn bộ phe Hồi giáo dòng Shiite. Iran lập tức phản đối và xuất hiện hành động đốt phá Đại sứ quán Ả Rập Saudi ở Iran, các nước theo phe Hồi giáo Sunni như Ả Rập Saudi đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, hai bên trực tiếp ra mặt đối địch nhau, Ả Rập Saudi không hề có ý muốn dừng lại. Xem ra, trong số các thế lực lớn về chính trị ở bên ngoài có ảnh hưởng đến Trung Đông dường như chỉ còn Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) mong muốn hòa bình ở Trung Đông, nhưng hiện tại những lực lượng hòa bình này dường như bất lực trong việc ngăn chặn chiến sự ở Trung Đông. Chiến sự Trung Đông chỉ tạo ra phản ứng đối với giá dầu trong thời gian ngắn, không thể đảo ngược xu hướng đi xuống của giá dầu thô. Đối với một số thế lực mong muốn giá dầu thô đổi hướng, chắc chắn sẽ mong cho chiến sự leo thang, việc tấn công đối với cơ sở sản xuất và phương tiện vận chuyển dầu thô sẽ tăng mạnh. Sự tấn công này có thể mở rộng từ lục địa ra biển hay không? Iran trên thực tế đã từng tấn công tàu chở dầu ở Vịnh Persian trong thời gian diễn ra cuộc chiến Iran-Iraq, dù lần này không thể dùng tên lửa và thủy lôi, nhưng vẫn có khả năng dùng tàu chiến để chặn đường kiểm tra và gây khó khăn. 

Nhìn lại thị trường, năm 2016 chiến sự Trung Đông không những sẽ tiếp diễn mà thậm chí còn leo thang, giá dầu thô có thể lên trở lại, thì chính phủ và doanh nghiệp lớn phải dồn toàn lực nhập khẩu, doanh nghiệp và nhà đầu tư nhỏ thì lại phải từng bước tranh thủ đầu tư, đợi cơ hội thoát đáy đi lên. Giá dầu là cột mốc để định giá các loại hàng nguyên liệu lớn, nếu giá dầu tăng, thì phần lớn giá các hàng nguyên liệu khác cũng có thể tăng, cổ phiếu tương ứng trên thị trường chứng khoán cũng có thể tăng theo. Giá dầu thô tăng cũng có nghĩa là giá của đa số hàng nguyên liệu sẽ có thể tăng theo, chi phí vận chuyển trong giá thực phẩm đều chiếm khoảng 30%, có thể chịu ảnh hưởng lớn nhất. Tuy người tiêu dùng nói chung có thể chỉ thích giá giảm, nhưng đối với toàn bộ nền kinh tế đi xuống, giá tăng lên chắc chắn là một tin tức tốt, kinh tế năm 2016 có thể lạc quan hơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế.

Theo Nhà quan sát (Trung Quốc)

Hoàng Lan (gt)