Thị trường năng lượng toàn cầu gần đây đã chứng kiến sự xuất hiện của cái gọi là “cuộc cách mạng đá phiến”. Đây là sự phát triển mang tính bước ngoặt trong sản xuất thương mại dầu và khí đốt được hình thành từ đá phiến với quy mô lớn do những công nghệ được phát triển tại Mỹ đem lại. Các quan sát viên công nghiệp cũng đang xem xét và thảo luận về những tác động có thể có của nó đối với phạm vi rộng lớn các lĩnh vực kinh tế và chính trị. Đặc biệt, hy vọng về ảnh hưởng của cuộc cách mạng đá phiến đối với lĩnh vực an ninh quốc tế ngày càng tăng bởi: trước hết, cuộc cách mạng này sẽ giúp ổn định thị trường năng lượng toàn cầu thông qua việc cung cấp nguồn năng lượng dài hạn bền vững; thứ hai, việc nâng cao khả năng tự cung cấp năng lượng của các nước nhập khẩu sẽ hạn chế tình trạng các quốc gia xuất khẩu sử dụng việc xuất khẩu năng lượng để phục vụ cho các mục đích chính trị.

Việc gia tăng sản xuất dầu và khí đá phiến tại Mỹ hiện đem lại nhiều tác động đối với thị trường năng lượng toàn cầu theo nhiều cách khác nhau. Sự gia tăng ổn định giá năng lượng nhờ nguồn cung dầu và khí đá phiến, cùng một vài yếu tố khác, đã đem lại những cải thiện trong môi trường an ninh năng lượng của một số quốc gia. Tuy nhiên, điều kiện để thương mại hoá sản xuất dầu và khí đá phiến vẫn còn chưa chắc chắn và khó có thể đưa ra dự đoán chính xác liệu việc sản xuất đá phiến này tại Mỹ sẽ còn phát triển trong bao lâu, cũng như khả năng và quy mô sản xuất khả thi nguồn năng lượng này tại các quốc gia khác. Mặc dù nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này đã đưa ra những dự đoán về ý nghĩa của cuộc cách mạng đá phiến đối với môi trường an ninh quốc tế nhưng dường như các chuyên gia này có thể đã đi quá xa. Nhằm có được cái nhìn rõ ràng hơn về tác động khả dĩ của cuộc cách mạng đá phiến đối với an ninh quốc tế, chúng ta cần phải có được một bức tranh chính xác về chính sách mà các quốc gia chủ chốt triển khai đối với vấn đề này.

Tại Mỹ, các nhà chức trách đang hướng tới một sự thay đổi hoàn toàn trong chiến lược năng lượng, sang cách tiếp cận tích cực, theo đó sản xuất dầu và khí đá phiến được đẩy mạnh nhằm cải thiện khả năng tự chủ về năng lượng của đất nước. Khả năng xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) dự trữ của Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng lên. Rất nhiều lời đồn đoán về việc chính phủ Mỹ sử dụng xuất khẩu khí đốt hóa lỏng như một công cụ ngoại giao cũng đã được lan truyền.

Trở lại mối quan hệ giữa Nga và Châu Âu, trong khi hai bên được cho là sẽ duy trì mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau vốn tồn tại từ lâu như một yếu tố then chốt đối với an ninh năng lượng của cả hai, hai bên vẫn đang tìm cách thích ứng với tình hình thị trường đang thay đổi. Trong bối cảnh này, Nga dường như đang đẩy mạnh nỗ lực để nắm lấy cơ hội mà thị trường Đông Á đem lại và coi đây là trọng tâm trong chiến lược năng lượng của mình.

Đối với Trung Quốc, song song với tổng cầu năng lượng tăng cao, nước này ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và chính phủ Trung Quốc rõ ràng đang tìm cách mở rộng sản xuất dầu khí và đá phiến trong nước thông qua việc áp dụng công nghệ tiên tiến. Điều này sẽ cho phép Trung Quốc duy trì phụ thuộc vào nhập khẩu ở một mức độ phù hợp và cải thiện tình trạng an ninh năng lượng.

....

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Eiichi Katahara, giám đốc ban Nghiên cứu Khu vực, Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia Nhật Bản, NIDS. Bài phân tích thuộc Chương 9 cuốn East Asia Strategic Review, NIDS, 2014.

Người dịch: Thu Hương, Tiến Thịnh

Hiệu đính: Hà Hồng Hải