Sau khi xuất hiện một số sự kiện như phóng thử tên lửa đạn đạo và cái gọi là thử vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, Bắc Triều Tiên đã trở thành một trong những nhân tố nổi bật tác động đến quyết định nâng cao sức mạnh quân sự của Hàn Quốc và Nhật Bản. Đặc biệt sau sự kiện tàu Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm và hai miền Triều Tiên pháo kích lẫn nhau, Hàn Quốc và Nhật Bản càng có các động thái tăng cường sức mạnh quân sự hơn nữa. Tương quan sức mạnh quân sự trong khu vực Đông Bắc Á đang có những thay đổi. Trong khi đó, quan hệ Trung-Mỹ thời gian gần đây cũng xuất hiện những thay đổi. Hiện nay, khu vực Đông Bắc Á đang hình thành cục diện quân sự mới.


Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, do hai phe Mỹ-Liên Xô thực hiện chính sách đối kháng cân bằng hơn nửa thế kỷ trên bán đảo Triều Tiên, cục diện quân sự khu vực Đông Bắc Á cơ bản trong trạng thái ổn định. Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ-Liên Xô kết thúc đối kháng, cục diện quân sự Đông Bắc Á xuất hiện xu thế điều chỉnh lần thứ nhất. Thời kỳ đầu sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, trọng điểm triển khai sức mạnh quân sự của Nhật Bản là hướng về phía Tây Nam, lấy Trung Quốc là “kẻ thù giả định”, còn trọng điểm triển khai sức mạnh quân sự bên ngoài lãnh thổ của Mỹ là tập trung vào khu vực Trung Đông và Trung Á. Trong khi đó, Hàn Quốc thực hiện chính sách “nhân nhượng” với Bắc Triều Tiên về quân sự, Nga đặt việc đối phó với NATO lên vị trí hàng đầu, Trung Quốc tập trung phát triển kinh tế. Do vậy, cục diện quân sự khu vực Đông Bắc Á không có nhiều thay đổi. 


Hiện nay, cục diện quân sự khu vực Đông Bắc Á đang có sự điều chỉnh lần thứ hai kể từ sau Chiến tranh Lạnh, quan hệ quân sự giữa các bên có lợi ích an ninh đang có những thay đổi. Trong đó, sự thay đổi trong quan hệ quân sự giữa Nhật Bản và Hàn Quốc là nổi bật nhất. Ngày 10/1/2011, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, đồng thời quyết định tổ chức luân phiên các cuộc hội đàm cấp bộ trưởng và thứ trưởng quốc phòng thường niên. Ngoài ra, hai bên còn tiến hành thảo luận và ký “Hiệp định hỗ trợ quân nhu và trang thiết bị song phương trong các hoạt động như gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và hoạt động cứu trợ thảm họa” và “Hiệp định liên quan đến bảo vệ thông tin”. Nếu Nhật-Hàn ký hai hiệp định trên, đây sẽ là lần đầu tiên giữa hai nước đạt được hiệp định quân sự. Cho dù Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chưa hoàn toàn xây dựng quan hệ đồng minh quân sự và cũng chưa hẳn hợp tác quân sự giữa hai nước được nâng cấp, nhưng rõ ràng trong bối cảnh an ninh căng thẳng trong khu vực, Hàn Quốc và Nhật Bản đã vượt qua những ganh đua về kinh tế và di sản của thời kỳ thực dân đô hộ để thúc đẩy quan hệ giữa quân đội hai nước. Đây cũng được coi là biện pháp mà mỗi nước áp dụng nhằm cân bằng cục diện quân sự tại khu vực Đông Bắc Á.


Bên cạnh đó, quan hệ quân sự Trung-Mỹ cũng đang có sự điều chỉnh. Trong thời gian Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates thăm Trung Quốc, quan hệ quân sự Trung-Mỹ đã đạt được một số bước tiến quan trọng như tăng thêm lòng tin và giảm thiểu bất đồng. Nửa đầu năm 2011, Tổng Tham mưu trưởng PLA Trần Bỉnh Đức sẽ thăm Mỹ, hai bên sẽ tiến hành thảo luận về triển khai hợp tác trên các lĩnh vực an ninh phi truyền thống như chống khủng bố, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, bảo vệ hàng không, cứu trợ nhân đạo… Động thái này cho thấy quan hệ quân sự Mỹ-Trung đã bắt đầu trở lại thời kỳ “nồng ấm”, an ninh khu vực Đông Bắc Á sẽ là vấn đề mà hai nước quan tâm nhất.


Tuy nhiên, quan hệ quân sự giữa Nga và Mỹ, Nhật Bản lại có xu hướng ngược lại. Tháng 12/2010, khi Mỹ và Nhật Bản tổ chức cuộc diễn tập quân sự liên hợp, Nga đã điều 2 máy bay tuần tra IL-38 đến gần khu vực tập trận trên biển Hoàng Hải, khiến cuộc tập trận Mỹ-Nhật phải ngừng tạm thời trong một vài giờ; tháng 11/2010 trước khi Tổng thống Nga Putin thăm Nhật Bản, máy bay quân sự của Nga cũng đã tiến hành một loạt chuyến bay xung quanh các đảo của Nhật Bản. Những động thái trên của quân đội Nga cho thấy quan hệ quân sự giữa Nga và Mỹ, Nhật đang trong trạng thái “tế nhị”.


Đối với Bắc Triều Tiên, do xảy ra sự kiện tàu Cheonan và vụ pháo kích lẫn nhau giữa hai miền, quan hệ quân sự giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc, Nhật Bản xuất hiện tình hình căng thẳng. Sách trắng Quốc phòng 2010 của Hàn Quốc đã coi Bắc Triều Tiên là kẻ thù - hiện tượng chưa từng có trong nhiều năm qua. Trong khi đó, Nhật Bản cũng coi Bắc Triều Tiên là mục tiêu cần tấn công quân sự.


Điểm đáng quan tâm là các nước trong khu vực Đông Bắc Á đều đang đẩy nhanh các hoạt động tăng cường sức mạnh quân sự. Hiện nay, Mỹ cũng đang tăng cường sức mạnh cho các lực lượng đồn trú tại khu vực Đông Bắc Á. Theo các phương tiện truyền thông của Anh, Mỹ có kế hoạch đầu tư 12,6 tỷ USD nhằm xây dựng và mở rộng căn cứ quân sự trên đảo Guam, đây là khoản đầu tư lớn nhất để xây dựng căn cứ quân sự tại khu vực Tây Thái Bình Dương của Mỹ kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II đến nay. Theo phân tích, mục đích của Mỹ hiện nay là biến đảo Guam thành căn cứ quân sự lớn nhất khu vực Tây Thái Bình Dương. Trong khi đó, “Kế hoạch Quốc phòng Trung hạn” mới được Chính phủ Nhật Bản thông qua ngày 17/12/2010 cho thấy trong vòng 5 năm tới Nhật Bản sẽ đầu tư 276 tỷ USD nhằm xây dựng Lực lượng Phòng vệ của nước này, trong đó sẽ chú trọng cải cách biên chế quân đội và phát triển các loại kỹ thuật tiên tiến và vũ khí có độ chính xác cao. Động thái này cho thấy sức mạnh quân sự của Nhật Bản sẽ được nâng cao đáng kể trong thời gian tới. Hàn Quốc cũng đầu tư đáng kể cho sức mạnh quân sự. Ngoài việc tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn với Mỹ, quân đội Hàn Quốc còn tăng cường tổ chức các cuộc diễn tập quân sự giả định quy mô lớn. Về phần mình, Nga cũng có kế hoạch tổ chức cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn nhất trong lịch sử tại khu vực Viễn Đông vào năm 2011, tăng cường sự hiện diện sức mạnh quân sự của Nga tại khu vực Viễn Đông. Gần đây, Trung Quốc cũng không ngừng phô trương các loại vũ khí mới. Đây là một tiêu chí nhằm nâng cao sức mạnh quân sự của Trung Quốc.


Xem xét sự thay đổi trong quan hệ quân sự giữa các bên có lợi ích an ninh trong khu vực Đông Bắc Á và sự thay đổi sức mạnh của các bên, không khó để phát hiện rằng cục diện quân sự Đông Bắc Á đang có sự thay đổi từng bước.

Theo Thời báo Hoàn cầu

Văn Cường (gt)