“Thời báo Tài chính” mới đây đưa tin “Việt Nam tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc” đã phản ánh cái nhìn ước lệ về trật tự thế giới mới, trong đó nổi lên là cuộc đối đầu giữa thế giới phương Tây phát triển và phần còn lại của thế giới đang trỗi dậy. Nhưng có một câu chuyện còn thú vị hơn: Đó là cuộc đối đầu giữa các nước thuộc thế giới đang phát triển với nhau. Cuộc tranh cãi giữa Hà Nội và Bắc Kinh là mới nhất trong một loạt tranh cãi về chủ quyền trên vùng Biển Đông giàu tài nguyên. Philíppin, Ma-lai-xi-a, Brunây và Đài Loan cũng đều có yêu sách về lãnh thổ và lãnh hải. Nhật Bản cũng đang có tranh chấp riêng với Trung Quốc về chủ quyền một số hòn đảo trên vùng biển phía đông Trung Quốc. Những cuộc tranh chấp này không mới. Điểm mới ở đây là mức độ căng thẳng gia tăng sau khi Trung Quốc tỏ thái độ quả quyết trong chính sách ngoại giao với các nước láng giềng.

Các nước khác cũng đang củng cố lại quốc phòng và hâm nóng quan hệ với Mỹ trước "cây gậy" dọa nạt của Trung Quốc. Trong các vụ tranh chấp này, có điều gì đó đáng quan tâm, không chỉ là tham vọng của Bắc Kinh. Chúng là điềm báo cho một nền địa chính trị toàn cầu, phức tạp hơn một cuộc đối đầu được biết đến lâu nay giữa phương Tây và các cường quốc mới nổi. Phác họa một bức tranh địa chính trị, trong đó quyền lợi của các quốc gia mới nổi xung đột đối xứng với quyền lợi của các nước phát triển, trật tự thế giới mới sẽ có những đặc điểm khác thường và đan xen. Một số nước trong phe đang phát triển sẽ thích làm bạn với phương Tây hơn.

Mặc dù quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là mối quan hệ quan trọng nhất trong thế kỷ này, nhưng bất ổn nhất lại là những cuộc xung đột giữa các nước mới nổi với nhau. Tất nhiên các cường quốc mới nổi chia sẻ nhiều điểm chung về tham vọng và bản chất, không chỉ trong mục tiêu chống lại sự thống trị toàn cầu của phương Tây. Trong một số trường hợp, sự thù địch giữa các cường quốc mới nổi còn sâu sắc hơn giữa họ với phương Tây.

Một cuộc đối đầu dễ thấy hơn là giữa Trung Quốc với Ấn Độ. Cuộc chiến tranh giữa hai nước đã qua đi hơn một nửa thế kỷ. Các quan chức Ấn Độ nói rằng biên giới nước này với Trung Quốc là một trong những nơi thanh bình nhất. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thương mại và đầu tư qua lại vẫn chưa loại bỏ hết những nghi ngờ.

Trung Quốc là người phản đối mạnh mẽ nhất chiến dịch của Ấn Độ chiếm một ghế Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Chiến lược quốc phòng của Niu Đêli được hình thành dựa trên một khả năng xảy ra chiến tranh với người hàng xóm khổng lồ, nhất là khi Trung Quốc có mối quan hệ quân sự gần gũi với Pakixtan. Hồi tháng 5/2010, chính phủ Pakixtan bóng gió có thể cho phép Trung Quốc đặt căn cứ hải quân ở cảng Gwadar phía tây nam nước này. Không gì có thể khiến Niu Đêli căng thẳng hơn hoặc bị đẩy gần hơn tới Mỹ, đó là những tham vọng hải quân của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương.

Những xung đột trên đây dường như là vấn đề riêng của châu Á. Chúng là tàn dư của các cuộc chiến tranh và tranh chấp lãnh thổ trong quá khứ. Nhưng sự nổi lên của một số cường quốc mới cũng tạo ra căng thẳng ở nhiều nơi khác. Thổ Nhĩ Kỳ đang bị phương Tây coi là quá nhu nhược trước thể chế hiện nay ở Iran, mặc dù hai nước này cũng có những xung đột cơ bản của hai đối thủ cạnh tranh thống trị khu vực.

Sự tương đồng về lợi ích đã kéo các cường quốc mới nổi xích lại gần nhau. Họ ít phụ thuộc vào phương Tây hơn. Các mối quan hệ Nam-Nam sẽ tiếp tục là động lực cho chu kỳ phát triển toàn cầu mới. Tuy nhiên, các nước Mỹ Latinh và châu Phi sẽ không bao giờ hài lòng mãi với vai trò là nhà cung cấp nguyên liệu thô cho các cường quốc châu Á. Braxin đã tự cho mình là người chỉ trích mạnh mẽ nhất chính sách tỷ giá của Trung Quốc.

Vấn đề chính nổi lên trong bức tranh địa chính trị toàn cầu là cạnh tranh và đối đầu, liên minh khu vực và tự phòng vệ sẽ đan xen trong các đường “biên giới ảo” giữa phương Tây và phần còn lại của thế giới. Có thể châu Âu sẽ chọn cách đứng ngoài. Vai trò của Mỹ sẽ vẫn là một sức mạnh không thể thiếu để duy trì sự cân bằng của thế giới.

  Theo FT

 Vũ Hiền (gt)