Bất chấp việc các nền kinh tế Đông Nam Á đang dựa vào lao động nhập cư là thành tố chính của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), tiến triển trong quá trình tự do hóa lao động là đáng thất vọng. Thực tế cho thấy vấn đề này đang vấp phải rào cản luật pháp và quy định sở tại do những lo ngại khác biệt ở cả những nước xuất khẩu và nhập khẩu lao động. Các nhà lãnh đạo Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã cam kết "đẩy nhanh việc thành lập AEC vào năm 2015 và biến ASEAN thành khu vực có hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động tay nghề cao dịch chuyển tự do cũng như dòng chảy vốn tự do hơn". Lao động nhập cư là yếu tố quan trọng thúc đẩy các nền kinh tế Đông Nam Á và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước về kinh tế là đáng kể. Hiện Singapore có tỷ lệ lao động nước ngoài cao nhất tính trên tổng dân số. Khoảng 25% lực lượng lao động Malaysia là người nhập cư trong lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp. Còn tại Philippines, kiều hối từ nước ngoài chiếm khoảng 10% GDP mỗi năm.

Bất chấp tầm quan trọng này, quá trình tự do hóa dòng lao động trong ASEAN diễn ra rất chậm và bị hạn chế. Dù đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong một số lĩnh vực như dòng chảy tự do lao động tay nghề cao, vẫn cần phải lưu ý rằng đến nay mới chỉ có 8 Hiệp định công nhận lẫn nhau (MRA) được ký kết. Điều này có nghĩa chỉ có kỹ sư, y tá, kiến trúc sư, kế toán viên, y sĩ, nha sĩ, và nhân viên du lịch có thể làm việc ở nước ngoài. Dòng chảy nhân lực này hiện chiếm chưa đầy 2% tổng lao động của ASEAN.

Trong ngắn hạn, về vấn đề lao động nhập cư, ASEAN dường như sẽ chỉ can dự vào "quá trình" thay vì tạo tiến triển. Bên cạnh đó, việc thực thi MRA cũng đối mặt với nhiều trở ngại phần lớn là do các quy định và luật lao động đang trực tiếp hoặc gián tiếp hạn chế sự dịch chuyển dòng lao động. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng AEC chỉ hoan nghênh lao động tay nghề cao trong khi "im lặng" đối với việc tự do hóa dịch chuyển qua biên giới dòng lao động phổ thông dù đang có cầu cao trong nhiều ngành nghề. Một nghiên cứu chung của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố hồi tháng 8/2014 dự đoán: hội nhập ASEAN sẽ giúp GDP khu vực tăng 7% và tạo ra 14 triệu việc làm mới vào năm 2025. Nếu không có nỗ lực bổ sung để thúc đẩy hơn nữa quá trình tự do hóa dòng lao động, triển vọng tuyển dụng nhân sự phù hợp dường như ảm đạm.

Có nhiều lý do về việc tại sao các nước ASEAN lại miễn cưỡng tự do hóa dòng lao động nhập cư. Trong khi các nước xuất khẩu lao động lo ngại về tình cảnh khó khăn của công dân làm việc ở nước ngoài bị lạm dụng và đối xử bất công, thì lo ngại của các nước nhập khẩu lao động có xu hướng tập trung vào tác động của lao động nhập cư đối với vấn đề việc làm và an ninh quốc gia. Lao động nhập cư lương thấp có lợi thế cạnh tranh và có thể chiếm việc làm của người dân bản xứ với mức lương cao hơn là suy nghĩ phổ biến. Điều này có thể khiến người dân sở tại bất bình, và gây áp lực buộc nhà chức trách phải hạn chế nhập khẩu lao động. Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu lao động đôi lúc cũng coi lao động nhập cư cũng là một "vấn đề an ninh".

Chính vì vậy, vấn đề lao động nhập cư đòi hỏi phải kết hợp nhiều chính sách để giải quyết các mối quan ngại khác nhau. Trước tiên, để đối phó với nguy cơ người lao động nhập cư bị lạm dụng và bị đối xử tồi tệ, các chính phủ sở tại cần phối hợp với các tổ chức phi chính phủ (NGOs) trong nước và quốc tế để có thêm thông tin về những vụ việc này. Thứ hai, các nước nhập khẩu lao động cần giải quyết sự ngộ nhận rằng 'lao động nhập cư là mối đe dọa đối với nền kinh tế sở tại' bằng cách giải thích với người dân rằng chỉ tiền công thấp không phải lúc nào cũng là lợi thế. Trong thế giới mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị xuyên quốc gia, các doanh nghiệp không quá ngây thơ để chỉ tìm kiếm lao động nhập cư giá rẻ. Thay vào đó, họ tìm kiếm nguồn lao động một cách thiết thực để có "hiệu quả chi phí" tương đương với hiệu quả chất lượng trong công việc. Nói cách khác, chủ lao động sẽ tìm kiếm lao động có hiệu quả chi phí hiệu quả (không nhất thiết phải là rẻ nhất) để bổ sung vào những bộ phận đặc thù trong dây chuyền sản xuất. Như vậy, dù lao động nhập cư được tự do hóa hơn, mức độ người lao động nước ngoài lương thấp "lấy cắp" việc làm của người bản xứ có thể không nghiêm trọng như họ vẫn tưởng.

Về vấn đề an ninh quốc gia, các nước nhập khẩu lao động có thể hệ thống hóa việc thống kê người lao động nước ngoài ở nước mình. Dù là một thách thức để có được hồ sơ toàn diện về lao động nhập cư, hệ thống hóa sẽ mang lại nhiều lợi ích, có thể ngăn ngừa các đối tượng dễ phạm pháp, bằng cách đăng ký lao động nước ngoài và đưa vào hệ thống, tạo thuận lợi cho quá trình điều tra của cảnh sát mỗi khi xảy ra các vụ vi phạm pháp luật. Ngoài ra, các nước xuất khẩu lao động cũng có thể giúp cung cấp những thông tin cần thiết.

Nói tóm lại, ASEAN có thể hưởng lợi đáng kể từ việc tiếp tục tự do hóa dòng lao động nhập cư. Tuy nhiên, những vấn đề nảy sinh thường khiến các nước miễn cưỡng đi theo con đường này, dẫn đến tiến độ chậm trễ. Bằng cách áp dụng các chính sách trên, một số nhận thức sai lầm nhất định về tác động của lao động nhập cư với nền kinh tế sở tại có thể được khắc phục và giảm bớt lo ngại. Những cân nhắc chính sách này cũng có thể giúp mở đường cho tương lai tươi sáng hơn cho vấn đề lao động nhập cư trong ASEAN.

Tác giả là Phó Giáo sư Kaewkamol Pitakdumrongkit thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Nanyang, Singapore. Bài viết đăng trên trang “RSIS” (ngày 18/3).

Vũ Hiền (gt)