92660984416-asean-3(1).jpg

 

Tại hội nghị thượng đỉnh khu vực, 10 nhà lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ký tuyên bố thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) - một phần của Cộng đồng ASEAN nhằm mục tiêu hội nhập chính trị, an ninh, văn hóa và xã hội. Ông Najib Razak - Thủ tướng Malaysia, nước chủ nhà hội nghị - đã ca ngợi Cộng đồng ASEAN là “thành tựu bước ngoặt”, và kêu gọi các nước thành viên thúc đẩy hội nhập. Ông nói: “Khu vực này đang được khuyến khích mở rộng theo hàm số mũ”.

AEC đã trở thành hiện thực và nhiều trong số các nguyên tắc cơ bản đã được áp dụng trong khu vực, trong đó có việc loại bỏ các hàng rào thuế quan và hạn chế visa. AEC cũng dẫn tới hợp tác lớn hơn trong lĩnh vực chính trị và văn hóa. Michael G. Plummer - Giáo sư ngành kinh tế quốc tế tại Trung tâm châu Âu thuộc Đại học Johns Hopkins ở Bologna (Italy) - cho rằng AEC sẽ giúp gia tăng thu nhập và việc làm, đồng thời tạo động lực kinh tế mạnh hơn trong khu vực để đối phó với các nền kinh tế khổng lồ khác. Ông Plummer nói: “Hội nhập ASEAN sẽ giúp cân bằng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ. Nếu đứng riêng lẻ, các nước ASEAN dường như quá nhỏ bé để trở thành các nhân tố quan trọng trong ‘cuộc chơi’ kinh tế và an ninh, nhưng với vai trò một nhóm thống nhất với hơn 500 triệu dân, họ sẽ là một liên minh lớn”.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một đoạn đường dài trước khi AEC có thể hoạt động hiệu quả hoàn toàn sau khi trở thành một thực thể pháp lý chính thức vào ngày 31/12 tới. Sự đa dạng trong khu vực đôi lúc sẽ gây cản trở cho AEC. ASEAN hiện có 630 triệu dân sử dụng các ngôn ngữ khác nhau, theo các tín ngưỡng khác nhau và nằm dưới sự lãnh đạo của các hệ thống khác nhau, bao gồm: chế độ dân chủ, chế độ độc tài quân sự, chế độ bán dân sự, chế độ độc tài, chế độ quân chủ và chủ nghĩa cộng sản. Ông Plummer nói: “AEC được cho là chương trình hội nhập kinh tế tham vọng nhất trong thế giới đang phát triển. Tuy nhiên, việc thực thi AEC đang ngày càng khó khăn hơn. Hiện vẫn còn nhiều việc cần hoàn tất và khu vực vẫn đang đối mặt trước nhiều thách thức chưa được giải quyết. Việc thực thi AEC vẫn là một quá trình”.

AEC chưa giải quyết các lĩnh vực mang tính chính trị nhạy cảm hơn như mở cửa ngành nông nghiệp, sắt, sản xuất ôtô và các ngành mang tính bảo hộ khác. Các công dân ASEAN sẽ được phép làm việc ở các quốc gia khác trong khu vực, nhưng chỉ được giới hạn ở 8 ngành nghề, bao gồm kỹ sư, kế toán và du lịch. Các ngành nghề này chỉ chiếm 1,5% trong tổng số việc làm của khu vực và các nước chủ nhà vẫn có thể dựng lên các rào cản pháp lý để hạn chế thất thoát dòng nhân tài. Trong thập niên qua, trao đổi thương mại nội khối vẫn ở mức khoảng 24% tổng trao đổi thương mại toàn cầu của ASEAN, ít hơn con số 60% ở khu vực EU.

Các nước thành viên ASEAN cũng đang vật lộn để giải quyết những bất đồng về ngoại giao giữa các nước như tranh chấp biên giới giữa Campuchia và Việt Nam, hoặc sự bất lực của Indonesia trong việc dập tắt các đám cháy rừng hàng năm gây ra khói mù độc hại lan sang Malaysia, Singapore và Thái Lan trong nhiều tháng. Ông Plummer cho rằng quá trình thực thi AEC cũng bị chậm lại trong mục tiêu tự do hóa các ngành dịch vụ. Dòng đầu tư xuyên biên giới cũng bị hạn chế bởi danh sách các ngành nghề cấm đầu tư và hạn chế sở hữu nước ngoài. Theo ông Plummer, mua sắm công và kiểm soát độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước cũng là vấn đề đặc biệt nhạy cảm và chưa được đề cập. Mohamad Munir Abdul Majid - Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN - nói: “AEC không phải là một điều khoản đã hoàn tất, cũng như chưa được khẳng định chính thức. Hiện vẫn còn nhiều công việc cần hoàn tất”.

Hiện cũng tồn tại các rào cản khác, như vấn đề tham nhũng, cơ sở hạ tầng không đồng đều, và chi phí vận tải khác nhau. Hố sâu kinh tế lớn đã chia tách các nền kinh tế giàu có với thu nhập trung bình- như Malaysia, Indonesia, Singapore, Brunei, Thái Lan và Philippines, và bốn nước thành viên kém phát triển hơn - như Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia. AEC được dự tính từ năm 2002, với kế hoạch lộ trình được vạch ra từ năm 2007, để đối phó với sự cạnh tranh của Trung Quốc và Ấn Độ về thị phần và đầu tư. AEC là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN- được tuyên bố thành lập hôm 22/11. Hai trụ cột khác là chính trị- an ninh và văn hóa- xã hội.

Theo “AP

Mỹ Anh (gt)