Do lo ngại về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định tiến hành cuộc can thiệp quân sự vào Syria. Tuy nhiên, thay vì làm lắng dịu mối đe dọa này, hành động của ông Putin dường như lại khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.

Tổng thống Putin đã "đặt cược" vào cuộc nội chiến Syria. Nếu nhìn thoáng qua, dường như ông Putin đã thắng lớn: Với việc liều lĩnh triển khai các vũ khí tối tân nhất trong kho vũ khí của Nga để cứu giúp chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, ông Putin đã phát đi được một thông điệp: nước Nga đã trở lại là cường quốc lớn, và giải pháp cho cuộc chiến đẫm máu tuyệt vọng ở Syria là phải thông qua Moskva.

Sau một tháng đánh bom nhằm vào phe nổi dậy Sunni (lực lượng chống ông Assad), Tổng thống Putin đã mời Tổng thống Assad tới một hội nghị bất ngờ tại Điện Kremlin, làm dấy lên những tin đồn mới rằng công thức do Nga đề ra để kết thúc cuộc chiến ở Syria bắt đầu phát huy tác dụng. Và chỉ sau duy nhất một cuộc họp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đồng ý mời Iran - đồng minh của Nga - tham dự vòng đàm phán hòa bình mới nhất về Syria diễn ra hôm 30/10 ở Vienna.

Tuy nhiên, có một câu hỏi đang được đặt ra: Liệu ông Putin có thể thành công ở nơi mà những người khác đã thất bại? Câu trả lời là ông ta có thể, còn không ai dám khẳng định chắc chắn. Có ý kiến cho rằng Tổng thống Nga đã chọc vào tổ ong ở Syria và mọi người, trong đó có ông Putin, giờ đang bị “ong đốt”.

Nếu quan sát kỹ hơn "canh bạc" của ông Putin có thể thấy "ván cược" của ông ở Syria cuối cùng sẽ thua đậm bởi có một thực tế quan trọng nhưng lại bị nhà lãnh đạo Nga bỏ qua là hơn 20 triệu trong số 144 triệu người Nga là người Hồi giáo Sunni, những người về cơ bản đồng cảm với những người Hồi giáo Sunni đang bị đánh bom và giết hại bởi người Nga ở Syria. Do đó, bất kỳ tính toán sai lầm nào của Nga ở Syria đều có thể sẽ hủy hoại nền tảng quyền lực chính trị của ông Putin ở trong nước.

Ông Putin không chỉ ra lệnh đánh bom phe nổi dậy Sunni ở Syria mà ông còn thiết lập một liên minh các cường quốc Shi’ite mới do Nga dẫn dầu - gồm Iran, Iraq và Syria - có khả năng chia sẻ thông tin tình báo và tấn công các kẻ thù Sunni. Theo cách này, dù chủ ý hay không, ông Putin đã tạo ra cuộc chiến trên thực tế chống lại người Arập Sunni dẫn đầu bởi Saudi Arabia và liên minh với Mỹ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nhiều lần nhấn mạnh rằng ông không muốn để xảy ra một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Nga, dù đây chính xác là những gì sẽ xảy ra. Khu vực đầy rẫy bất ổn triền miên này - với chiến tranh, hận thù và chia rẽ tôn giáo - giờ trở nên bất ổn hơn và bị kích động bởi sự hình thành hai liên minh đối lập nhau: liên minh Shi’ite do Nga lãnh đạo và liên minh Sunni được Mỹ hậu thuẫn.

Mới đây, Tổng thống Nga đã nói với người dẫn chương trình Charlie Rose của kênh CBS rằng lý do “quan trọng nhất” mà Nga tham chiến ở Syria là “mối đe dọa về sự trở lại của người Hồi giáo cực đoan”. Ông Putin lo ngại rằng một khi được huấn luyện về các chiến thuật của chủ nghĩa khủng bố hiện đại, những thanh niên Hồi giáo sẽ trở lại Nga và cho nổ tung các máy bay, tàu hỏa, nhà hát và trường học, như họ từng làm trước đây. Và đây thực sự là cơn ác mộng đối với ông. Tổng thống Putin giải thích: “Tốt hơn hết là chúng ta nên giúp đỡ ông Assad chống lại chúng ở lãnh thổ Syria”.

Ông Putin dường như đặc biệt lo ngại về viễn cảnh này. Tháng 10/2015, ông đã điều động 100.000 binh sĩ Nga tới Trung Á. Ông cảnh báo rằng có tới 7.000 người Hồi giáo từ phía Bắc Caucasus và Trung Á đang chiến đấu cùng IS, đưa chủ nghĩa khủng bố tràn sang các vùng lân cận thông qua Afghanistan, và có thể là qua Syria và Iraq.

Giống như những người tiền nhiệm, ông Putin cũng đặc biệt lo sợ về chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Ông coi đây là mối đe dọa ngày một lớn đối với sự ổn định của nước Nga. Theo quan điểm của ông, chúng phải bị đánh bại và tiêu diệt, cho dù ở Syria hay ở Nga. Tuy nhiên, bài học lịch sử cho thấy ông Putin sẽ thất bại ở cả hai chiến trường, và chịu nhiều hậu quả chính trị và ngoại giao.

Không ai có thể che đậy sự thật rằng Nga - nước dẫn đầu “liên minh thần thánh” với các lực lượng Shi’ite ở Iran, Iraq và Syria - đang trong cuộc chiến với người Sunni ở Syria. Người Hồi giáo Sunni ở Nga đang lo lắng và hoảng sợ bởi những gì họ chứng kiến.Cho dù Nga không can thiệp vào cuộc chiến ở Syria thì một vụ nổi dậy kiểu Chechnya cũng vẫn là mối đe dọa bao trùm, và hiện khả năng một cuộc nổi dậy của những người Hồi giáo bất bình thậm chí sắp thành hiện thực. Trên thực tế, đây chỉ là vấn đề về thời gian. Và đó là lý do tại sao "canh bạc" của ông Putin lại mang tính rủi ro. 

Theo Foreign Policy

Văn Cường (gt)