Hội nghị ASEAN – Mỹ tại Sunnylands được coi là sự kiện quan trọng mang tính biểu tượng khi lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ kêu gọi một cuộc họp thượng đỉnh với ASEAN trên đất Mỹ. Sự kiện này chứng tỏ ASEAN đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời, đánh dấu sự thay đổi trong xu hướng truyền thống của Mỹ về việc hạ thấp tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á.

Các nước ASEAN đã và đang chấp nhận chiến lược tái cân bằng của Mỹ. Vào tháng 4/2014, Malaysia, đối tác toàn cầu quan trọng của Mỹ trong khu vực, đã nâng cấp quan hệ song phương với Mỹ lên “đối tác toàn diện”, tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hợp tác chặt chẽ trong cuộc chiến chống lại các mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo (IS). Ngoài ra, Việt Nam, Philippines và Singapore cũng có quan hệ gần gũi hơn với Mỹ, trong đó, Việt Nam cũng đã nâng cấp quan hệ với Mỹ lên “đối tác toàn diện”.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ tại Sunnylands cho thấy các cam kết của Mỹ tại Đông Nam Á là khá toàn diện. Hội nghị đã thảo luận nhiều nội dung khác nhau từ quản trị tốt, thúc đẩy sáng tạo, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu đến các vấn đề liên quan an ninh và hoà bình. Hai bên đã công bố Sáng kiến Kết nối ASEAN - Mỹ nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho các nước ASEAN như Philippines và Indonesia gia nhập TPP sau này. Mỹ cũng sẽ thành lập các trung tâm kinh tế ở Singapore, Bangkok và Jakarta nhằm cải thiện hợp tác kinh tế của Mỹ trong khu vực. Mặc dù thông cáo báo chí hội nghị không đề cập trực tiếp Trung Quốc và vấn đề Biển Đông nhưng Tổng thống Mỹ Obama và các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã khéo léo kêu gọi sự kiềm chế và tuân thủ luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp hàng hải một cách hòa bình.

Sự bất ổn nằm ở chỗ liệu rằng chính quyền hậu Obama có tiếp tục thực hiện chiến lược tái cân bằng hay không? Bên cạnh đó, nhiều người lo ngại TPP có thể gặp gặp cản trở tại Quốc hội Mỹ khi mà ngay cả một số ứng cử viên tổng thống cũng phê phán TPP và dường như cũng không có bảo đảm nào cho việc tổng thống kế nhiệm sẽ gắn kết chính sách đối ngoại của mình với ASEAN.

Tuy nhiên, còn quá sớm để lo ngại và có rất nhiều lý do để ASEAN lạc quan. Thứ nhất, rất khó để Mỹ bỏ qua hợp tác về kinh tế và an ninh trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Thực tế, Châu Á - Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đây sẽ là chỗ dựa cho TPP thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ. Ngoài ra, việc thành lập Cộng đồng Kinh tế Đông Nam Á (AEC) cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh tiềm năng cho các các tập đoàn và doanh nghiệp Mỹ. Thứ hai, với các mối đe dọa ngày càng tăng của IS trong khu vực Đông Nam Á, hợp tác với ASEAN để giải quyết vấn đề IS trong khu vực là lợi ích thiết thực của Mỹ. Tại phỏng vấn sau hội nghị Sunnylands, Tổng thống Mỹ Obama gọi Malaysia, Brunei và Indonesia là đại diện cho “các quốc gia Hồi giáo ôn hòa tốt nhất”. Thứ ba, việc đảm bảo an ninh, tự do hàng hải trên Biển Đông tiếp tục thu hút sự quan tâm của Mỹ vì đây là huyết mạch quan trọng đối với thương mại và sự phát triển kinh tế thịnh vượng của Mỹ và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - MỸ cho thấy cam kết của Mỹ đối với khu vực này không còn chỉ giới hạn đối với vấn đề an ninh truyền thống. Thông qua quyền lực mềm, Mỹ ngày càng gắn kết với ASEAN về kinh tế và an ninh phi truyền thống. Hội nghị đã tạo tiền lệ cho các Tổng thống kế nhiệm tiếp tục tổ chức các cuộc họp thượng đỉnh giữa hai bên và có thể dẫn đến thể chế hóa khuôn khổ hội nghị này. Một số nhà phân tích cho rằng chính quyền Mỹ của ông Obama đã bắt đầu đánh giá cao phương thức đa phương của ASEAN. Tuy nhiên, để duy trì sự quan tâm của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á và tạo điều kiện cho chiến lược tái cân bằng tiếp tục được thực hiện, các nước ASEAN phải tham gia tích cực với Mỹ trong việc chia sẻ các lợi ích chung, chia sẻ mục tiêu thịnh vượng chung.

David Han là nhà phân tích Chương trình Nghiên cứu Malaysia, trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Bài viết được đăng trên RSIS.

Văn Cường (gt)