Tân Tổng thống Mỹ Obama khi đó cũng đã phải đối mặt với dư luận trong nước, mệt mỏi với một thập kỷ của “cuộc chiến tranh sợ hãi” và “cuộc chiến tranh dài hạn”. Trong bối cảnh bầu cử hiện nay, rất nhiều người, trong đó có các nhà báo và nhà phân tích, đã chỉ trích cách đề cập vấn đề của Tổng thống Obama và họ cũng bày tỏ lo ngại làm thế nào để đưa nước Mỹ thích nghi với những tiến triển và củng cố vị trí địa chính trị của mình. Những chỉ trích mạnh mẽ nhất liên quan tới học thuyết của Tổng thống Obama: khi thì bị cáo buộc không có tính học thuyết; khi thì bị cáo buộc làm suy yếu sức mạnh của Mỹ trước Trung Quốc, Iran hay Nga; khi thì bị chỉ trích bởi đã bị lôi kéo can thiệp vào Libi hay đã để các nước châu Âu chèo lái vụ này. Chúng ta cũng nên điểm lại chính sách ngoại giao dưới thời Tổng thống Obama để hiểu rõ học thuyết này. 

Chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ Tổng thống Obama: Những đường hướng lớn 

Thật dễ nắm bắt những đường hướng lớn từ các hành động của Tổng thống Mỹ Obama trong chính sách đối ngoại để hiểu rõ cách thức quyết định của ông. Quyết định điển hình là chấm dứt mọi thứ tồn tại từ thời người tiền nhiệm: đó là biến Irắc thành một cuộc chiến tranh “lựa chọn” để thay vào đó bằng cuộc chiến tranh Ápganixtan (một cuộc chiến tranh cần thiết); cố gắng xây dựng niềm tin vào Mỹ từ thế giới Arập Hồi giáo; từ chối chủ nghĩa can dự có hệ thống; đối thoại với Iran, Nga và Trung Quốc; khuyến khích lựa chọn “số không” trong kho vũ khí hạt nhân. Cũng theo cách đó, phong cách tập thể của ông là nhằm tìm kiếm sự đồng thuận xung quanh mọi lựa chọn tối ưu trong quá trình ra quyết định, song đã không đạt được một thành công trọn vẹn nào (chính sách điều chỉnh chiến lược tại Ápganixtan năm 2009). Cách thức chỉ đạo các chiến dịch tại Ápganixtan hay chiến đấu chống Al Qaeda đã hoàn toàn khác với thời của Tổng thống Georges W. Bush: đó là sử dụng máy bay không người lái, các chiến dịch do các lực lượng đặc biệt thực hiện, “cách răn đe mới” trong lĩnh vực tin học và chiến tranh mạng, các cuộc chiến “ủy quyền” tại Xômali… Nói một cách hoa mỹ, phong cách trên được chứng minh bởi việc chính quyền áp dụng một chương trình cải cách trong nước đầy tham vọng. Đó là Chương trình chăm sóc sức khỏe hay tham vọng ngăn chặn những hậu quả xã hội gây ra đối với cuộc khủng hoảng tài chính. Ý tưởng “xây dựng quốc gia” cũng đã từng bước được thực hiện như một trong những chủ đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ 2 của ông. Cuối cùng, quyết tâm chấm dứt chủ nghĩa đơn phương của ông được coi là có tầm vóc: đó không phải là một suy nghĩ hướng tới chủ nghĩa đa cực (mặc dù Tổng thống Barack Obama dường như tìm kiếm sự hỗ trợ từ Liên hợp quốc như một điều kiện cần thiết cho một số hoạt động), mà trước hết là một “chủ nghĩa giảm thiểu trách nhiệm”, tức là tăng cường các mối quan hệ song phương với một số nước đồng minh để san sẻ một phần “gánh nặng an ninh”. 

Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama lại được cấu thành từ di sản của chính quyền tiền nhiệm: quản lý việc rút quân khỏi Irắc, sau đó đến Ápganixtan (sau một giai đoạn lơ là ban đầu để bù lại những thiếu hụt trong chiến lược của Tổng thống Bush); tiến hành các cuộc đàm phán khó khăn với các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Pakixtan; tiếp tục cuộc chiến chống Al Qaeda (với cái chết của Bin Laden như một dấu dãn nhịp) và tăng cường các biện pháp nhằm ngăn ngừa mọi hoạt động khủng bố trên đất Mỹ (với mối lo ngại gia tăng liên quan tới những kẻ khủng bố trong nước). Về kế hoạch khu vực, chiến lược ngăn ngừa sự bành trướng giả định của Trung Quốc, việc quân sự hóa chính sách đối ngoại của Mỹ tại châu Phi, tính hai mặt trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, cũng đánh dấu sự tiếp nối giai đoạn của người tiền nhiệm. Đối với các vấn đề Iran hay Ixraen-Palextin, các cách thức có thể thay đổi song mục tiêu thì vẫn giống nhau. Đối với Iran , mục tiêu là tránh việc nước này tiếp tục chương trình hạt nhân, hay nói cách khác là hoãn lại trong khi làm mọi cách ngăn chặn một hành động tấn công phòng ngừa từ phía Ixraen do có khả năng gây mất ổn định khu vực. Đối với vấn đề Ixraen-Palextin, mục tiêu được xác định bởi Tổng thống Bush tại Hội nghị Annapolis vẫn còn nguyên đó: đạt được một cách giải quyết tổng thể và xây dựng một Nhà nước Palextin. Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối đối với chương trình thực dân của Ixraen tại Bờ Tây, Tổng thống Barack Obama lại coi trọng liên minh với Ixraen. 

Liệu có một “Học thuyết Obama”? 

Câu hỏi này khuấy động các tầng lớp chính trị và truyền thông Mỹ, có ý nghĩa quan trọng bởi nó vượt ra ngoài một cuộc đối thoại chính trị đơn giản giữa các đảng phái hay trường phái đối lập, bình thường và dân chủ. Thực tế, câu hỏi được quan tâm liên quan tới “chiến lược lớn”. Đối với một Nhà nước, điều quan trọng là tuyên bố những dự định, mục tiêu, lợi ích trước các yếu tố khác trong quan hệ quốc tế. Trong lúc một số người tỏ ra lo ngại thì những tuyên bố như trên từ phía Mỹ, nổi tiếng là cường quốc hùng mạnh, sẽ rất quan trọng: Mỹ trấn an, nghe ngóng, tham gia ổn định khu vực. Hơn nữa, Mỹ cũng cần tạo cho các đối tác trong nước (dù có quan liêu hay không) những thông tin về chính sách mà chính phủ theo đuổi. Một “chiến lược lớn” sẽ xác định những đường hướng tổng thể trong chính sách đối ngoại. Dĩ nhiên, một văn bản như vậy không đơn giản tỏ rõ “tính minh bạch”. Văn bản ấy cần phải nói lời hay ý đẹp cho Mỹ. Điều đó cũng không có nghĩa là một chiến lược “hiệu quả” đang được triển khai. Đối với một tác nhân như Mỹ, những nhầm lẫn chiến lược gây ra hậu quả thảm hại trong quá khứ đã không đặt ra một suy nghĩ đáng kể nào về quỹ đạo mà nước này đang đi theo. Tuy nhiên, việc công bố một “chiến lược lớn” trong bối cảnh hiện nay rất quan trọng khi cường quốc Mỹ bị tác động bởi tình hình quốc tế. Việc công bố sẽ cho phép hiểu tại sao chính quyền đã thường xuyên không ý thức được sự cần thiết trong khi lại cố gắng thay đổi điều không muốn và lại thích những cái không thể thay đổi được. Nói cách khác, quá trình hiện nay đang dẫn đến việc phải soạn thảo và công bố một chiến lược như trên. Đó là một bản báo cáo thực sự, thích ứng với những thách thức và lợi ích của Mỹ. 

Tổng thống Obama đã vượt qua bước này khi công bố “lộ trình” chiến lược của ông vào tháng 1/2012 vừa qua. Vì vậy, người ta đang thấy ở đó những đường hướng lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm duy trì “vị trí thủ lĩnh toàn cầu”. Văn bản liên quan tới các vấn đề về quốc phòng (không có gì đề cập đến năng lượng, môi trường hay “lãnh đạo”) song lại mở ra một ý tưởng về những dự định của chính quyền. Điểm chính của văn bản trên là thiện chí hướng tới châu Á với những lợi ích và nỗ lực của bộ máy quốc phòng Mỹ. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố cần phải tính đến trong quá trình thay đổi chiến lược, thật khó biết văn bản trên phản ánh những ưu tiên đến phạm vi nào và lộ trình này có phản ánh “học thuyết” của Tổng thống Obama hay không. Do đó cần phải quay lại lịch sử các hành động, lới nói của tổng thống để cố gắng giải mã học thuyết đó. Cũng vậy, cần phải đánh giá lại xem giai đoạn đầu trong nhiệm kỳ tổng thống có thích ứng được với hoàn cảnh mới không. Theo Ngoại trưởng Hillary Clinton, cần tạo ra một thế giới đa cực gồm các đối tác khác nhau. Qua đó chúng ta cũng hiểu rằng Mỹ không thể “một mình giải quyết các vấn đề của thế giới, song các vấn đề này không thể được giải quyết nếu không có Mỹ”. Thật bất hạnh, học thuyết này đã thiếu đường hướng chiến lược, nhất là do sự lẫn lộn giữa từ ngữ và hành động. Mặt khác, phản ứng chờ đợi từ phía các “đối tác” (nhất là từ các đối thủ như Trung Quốc và Nga) đã cho thấy sự ngây thơ trong cách tiếp cận này. Nó cũng chứng minh cách tiếp cận của Mỹ sẽ phải trả giá bằng những lợi ích của nước này chứ không phải của các nước khác. Cũng vậy, Chính phủ Mỹ đã lựa chọn hình thức năng động hơn, nhất là khẳng định sẵn sàng dùng tới vũ lực chứ không chỉ các công cụ ngoại giao. Chúng ta đã chứng kiến điều này tại Libi, song bên cạnh đó là những lời lẽ cứng rắn cùng các lệnh trừng phạt chống Iran . Khái niệm “Quyền lực thông minh” mà Chính phủ Mỹ thông qua không chỉ nằm ở việc phân biệt giữa “sức mạnh cứng” và “sức mạnh mềm” theo phương tiện quân sự hay phi quân sự mà còn theo mục đích (cưỡng ép hay gây ảnh hưởng). 

Bảng tổng kết: một “học thuyết” thực dụng dựa trên chủ nghĩa thực dụng 

Thực tế, học thuyết của Tổng thống Obama chỉ có thể hiểu được nếu chúng ta chú ý đến mặt thích nghi và cơ sở tri thức thực tế. Vì vậy, học thuyết nhấn mạnh việc sử dụng các chiến lược dựa trên “sức mạnh mềm”, dường như không chứng minh cho thấy tính nối tiếp (đó là những sự khác biệt giữa Libi và Xyri). Hơn nữa, học thuyết cũng bị một số người theo chính sách chờ thời chỉ trích, nhất là trong việc quản lý một số cuộc khủng hoảng (như cuộc khủng hoảng Libi). Chúng ta cũng có thể đề cập đến học thuyết Obama như một vai trò thủ lĩnh “núp sau lưng” khi để các đồng minh phát động các chiến dịch hay dựa trên các phương tiện gián tiếp. Cũng không được quên việc phân biệt phải dựa trên quan niệm lợi ích giữa Tổng thống Obama với Chính quyền của ông. Nếu số này nhận thấy lợi ích có tính sống còn đối với nước Mỹ, họ sẽ dẫn đầu các chiến dịch và sẽ có xu hướng chấp thuận việc sử dụng vũ lực trực tiếp hay gián tiếp. Ngược lại, nếu quan niệm các thách thức mang tính ngoài lề, họ sẽ có xu hướng để các đồng minh, các đối tác hay các tổ chức liên chính phủ thực hiện. Cũng theo cách này, chủ nghĩa hiện thực trên được thực hiện theo ý chí coi chính phủ của các nước đối thủ hay đối thủ tiềm tàng như những tác nhân hợp lý mà Mỹ có thể đàm phán. Cuối cùng, thái độ trên cũng nhận thấy Chính phủ Mỹ đang chống lại những sức ép chính trị ủng hộ một cuộc can thiệp quân sự vào Xyri, điều mà Tổng thống Obama chắc chắn không coi là có tính sống còn. Về cơ bản, “học thuyết Obama”, theo đó người ta khoác cho nó tính chất tinh thần hay chính trị, thì cũng rất gần với câu nói: “Khi một vị vua chuẩn bị chiến tranh với một vị vua khác, ông sẽ ngồi lại tính xem với 10 nghìn quân của mình có thể chiến thắng 20 nghìn quân của đối phương không. Nếu không thể, ông sẽ cử một phái đoàn sang giảng hòa trong khi chờ tiếp viện”. 

Bài gốc: Stratégie et politique étrangère américaine: la « doctrine » Obama

 Theo Alliancegeostrategique (ngày 29/2)

Viết Tuấn (gt)