Tóm tắt: Thách thức đặt ra với Mỹ về một Nhật Bản đang trỗi dậy vào những năm 1970 và 1980 được coi là dạng thách thức nào, và thách thức này có điểm gì khác biệt so với thách thức mà Trung Quốc đặt ra cho vị thế của Mỹ ở Đông Á từ đầu những năm 2000? Bài viết này so sánh phản ứng của Mỹ đối với hai sự dịch chuyển sức mạnh tương đối liên quan đến Nhật Bản và Trung Quốc, với mục tiêu giải thích cách thức nắm bắt và đối phó với những thay đổi báo trước cho sự chuyển dịch quyền lực và cách các cường quốc quản lý trật tự an ninh vào thời điểm trật tự này có nguy cơ sụp đổ. Với chủ đề này, bài viết hi vọng có thể đóng góp thêm cho những hiểu biết theo kinh nghiệm cho lý do tại sao một vài trường hợp về chuyển dịch quyền lực không dẫn đến xung đột nếu các cường quốc có sẵn các công cụ để quản lý quan hệ vào các thời điểm căng thẳng.

Từ khóa: Chuyển dịch quyền lực; các chiến lược quản lý cường quốc; Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ

1.        Giới thiệu

Trong 3-4 thập kỷ qua đã diễn hai thách thức lớn đối với vị trí của Mỹ ở Đông Á. Thách thức thứ nhất đến từ Nhật Bản vào những năm 1970 và 1980, tuy nhiên cường độ cạnh tranh giữa Nhật và Mỹ đã giảm sau khi hai bên tiến hành xem xét một cách chiến lược về mối quan hệ song phương vào giữa những năm 1990. Thách thức tiếp theo đến từ Trung Quốc, đặc biệt từ đầu những năm 2000 sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001 và đẩy nhanh quá trình trỗi dậy thành cường quốc.

Bài viết này so sánh và phân biệt phản ứng của Mỹ đối với hai sự dịch chuyển sức mạnh tương đối liên quan đến Nhật Bản và Trung Quốc, với mục tiêu giải thích cách thức nắm bắt và đối phó với những thay đổi báo trước cho sự chuyển dịch quyền lực và cách các cường quốc quản lý trật tự an ninh vào thời điểm trật tự này có nguy cơ sụp đổ. Với chủ đề này, bài viết hi vọng có thể đóng góp thêm cho những hiểu biết theo kinh nghiệm cho lý do tại sao một vài trường hợp về chuyển dịch quyền lực không dẫn đến xung đột nếu các cường quốc có sẵn các công cụ để quản lý quan hệ vào các thời điểm căng thẳng. Do đó, bài viết tiếp tục chứng minh phản biện về lý thuyết chuyển dịch quyền lực (PTT), đặc biệt, lý thuyết này đã được Steve Chan (2008) và  Lebow và Valentino (2009) áp dụng vào quan hệ Mỹ - Trung, và có thể tham khảo thêm bài viết của G. John Ikenberry (và có thể xem thêm bài viết của Foot). Bài viết cũng áp dụng thêm “Trường phái Anh quốc” về các chiến lược quản lý cường quốc để có thể chỉ ra những trường hợp tương tự về chuyển dịch quyền lực đã và đang được quản lý ra sao (Buzan, 2004; Dune, 1998).

2.    Lý thuyết chuyển dịch quyền lực và quản lý cường quốc

Theo công thức truyền thống, lý thuyết PTT lập luận rằng sự chuyển dịch quyền lực thường có xu hướng dẫn đến chiến tranh, do sự chuyển dịch này bắt nguồn từ sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của một quốc gia trong tương quan với cường quốc bá chủ tại vị. Khả năng xảy ra chiến tranh cao nhất vào thời điểm cường quốc tại vị sắp bị cường quốc đang trỗi dậy và bất mãn với vị thế hiện tại lật đổ. Chiến tranh cũng có thể xảy ra trong trường hợp cường quốc đang suy giảm sức mạnh tương đối khởi động chiến tranh phòng ngừa để ngăn chặn việc bị cường quốc đang trỗi dậy bắt kịp, hay cường quốc đang lên khởi động chiến tranh để phân chia các lợi ích theo hệ thống quốc tế phản ánh được vị thế mới được thiết lập của mình (Giplin, 1981; Organski & Kugler, 1980). Sự bất mãn và chuyển dịch sức mạnh tương đối trở nên thiết yếu đối với việc phân tích và định hình các giả thuyết nghiên cứu.

Trái ngược với dự đoán này, quan niệm về quản lý cường quốc của Trường phái Anh Quốc xem xét việc triển khai các công cụ được sử dụng để “tránh chiến tranh, kiểm soát căng thẳng và duy trì cân bằng quyền lực” (Cui & Buzan, 2016; Khong, 2014, tr. 148). Quản lý thành công đòi hỏi hợp tác cùng tồn tại liên quan đến, hoặc chấp nhận những khác biệt để lấy các lợi ích chung làm nền tảng của hành động, hoặc chấp thuận các nguyên tắc đoàn kết mà trụ cột là các mức độ tương đồng về ý thức hệ (Cui & Buzan, 2016), hoặc trung hòa giữa hai quan điểm này. Trong các phần tiếp theo, bài viết sẽ đánh giá mối quan hệ Mỹ - Nhật và Mỹ - Trung thông qua hai lăng kính chuyển dịch quyền lực và quản lý cường quốc.

3.    Thách thức Nhật bản từ những năm 1970 đến đầu những năm 1990

Khoảng 30 – 40 năm trước, Nhật gần như đã che mờ sự dẫn đầu của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, mặc dù các chỉ số của thách thức từ Nhật Bản đã không còn rõ ràng nữa, nhưng bản chất của thách thức này và cách chính sách của Mỹ và các học giả phản ứng lại cũng cho thấy một vài điểm tương đồng căn bản với phản ứng sau đó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Xuất bản năm 1987, cuốn sách Sự trỗi dậy và sụp đổ của các cường quốc của Paul Kennedy đã thể hiện hình ảnh một người Nhật đang thay thế “Chú Sam” trên đỉnh cao quyền lực, giống như Mỹ đã từng đẩy Anh khỏi vị trí thống trị. Khoảng 4 trong số 8 bài báo trong số đầu tiên của của Tạp chí The Pacific Review xuất bản năm 1988 có tựa đề liên quan đến Nhật Bản, năm mà thặng dư thương mại toàn cầu của Nhật đã gần như đạt mức cao nhất. Một năm sau đó, tác giả James Fallows trong bài báo nổi tiếng (hay đầy thị phi) trên Atlantic Monthly đã dành tiêu đề và nội dung để nói về “Ngăn chặn Nhật Bản” mặc dù theo đánh giá của Fallows (1989) Nhật vẫn giữ vị trí “đối tác quan trọng duy nhất” của Mỹ.

Sự trỗi dậy sức mạnh của Nhật sau giai đoạn 1945 đến từ sự chuyển đổi kinh tế cực kỳ ấn tượng. Kinh tế Nhật đạt mức tăng trưởng 10.5% một năm trong giai đoạn năm 1950 - 1973 và Nhật trở thành quốc gia sản xuất hàng đầu trong nhiều lĩnh vực từ máy chụp ảnh, xe ô tô, xe máy, các nhạc cụ âm nhạc và tàu thuyền (Kennedy, 1987, tr. 417-418). Sản xuất của Nhật cũng chuyển từ các sản phẩm công nghệ thấp sang công nghệ cao. Trong khi đó vào năm 1952, tổng sản phẩn quốc dân (GNP) của Nhật Bản chiếm 1/3 của Anh hay Pháp, và đến những năm 1970, GNP của Nhật bằng tổng GNP của Anh và Pháp cộng lại và bằng một nửa GNP của Mỹ, và các công nhân Nhật được hưởng thu nhập tương đối cao hơn công nhân Mỹ (Vogel, 1979, tr. 10). Theo Ezra Vogel, không bao lâu nữa Nhật sẽ trở thành “số 1” (1979). Nhật vốn đã vươn lên thành chủ nợ và đối tác đầu tư hàng đầu thế giới, đặc biệt là đầu tư vào trái phiếu chính phủ của Mỹ. Như Kennedy đã nhấn mạnh (1987, tr. 466), các trái phiếu chính là đòn bẩy cho Tokyo trong quan hệ với Washington.

Trước thời điểm thất bại hoàn toàn trong Chiến tranh Thế giới II, nền tảng công nghiệp của Nhật đã tương đối mạnh và Nhật có trình độ giáo dục cao. Tuy nhiên, chính hành động của Mỹ ở thời kỳ đầu của Chiến tranh lạnh đã làm suy giảm sự hội nhập của Nhật vào nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và sự phục hồi nhanh chóng của nước này sau những tàn phá của chiến tranh. Mỹ mở cửa thị trường cho hàng hóa của Nhật, tạo điều kiện cho thương mại của Nhật với các nước Châu Á không thuộc khối xã hội chủ nghĩa, và thúc đẩy việc Nhật gia nhập tổ chức Hiệp định Chung về Thương mại và Thuế quan (GATT) vào cuối những năm 1950. Xuất khẩu của Nhật tăng vọt, và điều này xảy ra trùng với thời điểm của suy thoái và lạm phát trong nền kinh tế Mỹ vào những năm 1970 và đầu những năm 1980, thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật bắt đầu trở nên nghiêm trọng hơn so với thời kỳ trước đó. Thực ra, thâm hụt thương mại gia tăng sáu lần từ năm 1974 và vào năm 1980, thâm hụt thương mại Mỹ - Nhật đã tăng từ 1,7 lên 10,4 tỷ đô la Mỹ. Vào năm 1985, con số này đã tăng vọt lên 50 tỷ đô la Mỹ (Lafeber, 1997, tr. 363-370).

Chiến lược đầu tư của Nhật cũng là một trong các nhân tố khiến ngày càng có nhiều người Mỹ tin rằng sẽ Nhật sẽ vượt Mỹ về kinh tế trong tương lai gần. Gần một nửa đầu tư của Nhật (khoảng 650 tỷ đô la Mỹ) trong giai đoạn 1985 và 1990 đều đổ vào Mỹ đã dẫn đến việc mua bán những bất động sản giá cao như Trung tâm Rockefeller ở New York và các trường quay chính ở Hollywood. Ở phía tây nước Mỹ, Nhật đầu tư vào ngư nghiệp và lâm nghiệp và quan trọng nhất, đầu tư của Nhật còn đổ vào các công ty điện tử ở Thung lũng Silicon.

Mỹ đã từng nắm giữ vị thế kinh tế quan trọng ở Đông Á nhưng qua thập kỷ 1970, đầu tư của Nhật bắt đầu cũng vượt Mỹ ở khu vực (Lafeber, 1997, tr. 366). Cạnh tranh kinh tế nhanh chóng lan đến thị trường Trung Quốc với việc Nhật vươn lên thành đối tác kinh tế lớn nhất của Trung Quốc vào năm 1985. Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là James Baker đã tập hợp bộ trưởng tài chính của những nền kinh tế hàng đầu thế giới để thống nhất về các chính sách nhằm hạ giá trị của đồng đô la Mỹ và tăng giá của những đồng tiền khác – đặc biệt là đồng Yên phải tăng 51% trong giai đoạn 1985 và 1987 – và tác động quan trọng hơn là làm suy giảm tương đối sự hiện diện của Mỹ ở các nền kinh tế Đông và Bắc Á. Phản ứng lại Hiệp ước Plaza vào năm 1985, các công ty của Nhật nhanh chóng bồi thường sự tăng giá của đồng Yên bằng cách chuyển sản xuất của họ sang các nơi khác trong khu vực, vẫn cố gắng duy trì những chuỗi sản xuất đặc trưng của Nhật.

Phản ứng trong trung và ngắn hạn của Mỹ đối với thách thức kinh tế ngày càng gia tăng này thể hiện qua ba hướng: nỗ lực trong ngắn hạn và rất hạn chế để cắt giảm sự cạnh tranh của Nhật; chấp nhận các cơ chế pháp lý mang tính cưỡng chế; và tấn công rộng hơn vào các mô hình của Nhật bao gồm cả việc Nhật được hưởng lợi trong lĩnh vực an ninh. Một trong những hình thức tấn công kinh tế xuất hiện khi Tổng thống Jimmy Carter thúc đẩy kế hoạch ba năm để cứu ngành công nghiệp ô tô của Detroit và bảo vệ ngành này khỏi sự cạnh tranh gay gắt từ phía Nhật Bản. Khi thách thức từ Nhật Bản ngày càng gia tăng, Mỹ đã theo đuổi Hiệp ước Plaza 1985 với Sáng kiến Ngăn cản Cấu trúc năm 1988 được lập ra để mở cửa nền kinh tế Nhật cho thương mại và đầu tư từ Mỹ. Cùng năm đó, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật gồm nhiều mục về Cạnh tranh và thương mại nước ngoài, bao gồm điều khoản Super 301 hướng đến việc tạo cho Tổng thống quyền lực trả đũa chống lại các quốc gia thương mại có thặng dư thường xuyên trong quan hệ thương mại với Mỹ.

Tuy nhiên, chính bình luận về hai mô hình kinh tế đối nghịch nhau của Mỹ và Nhật Bản đã gây ra sự bất hòa sâu sắc hơn giữa hai đồng minh này. Trình bày về mô hình kinh tế của Mỹ cùng các mô hình thay thế khác, các học giả như Ezra Vogel (1979), Chalmers Johnson (1982) và Karel van Wolferen (1989) mỗi người một cách đã đặt nghi vấn về mô hình tư bản chủ nghĩa mà Mỹ đã theo đuổi lâu nay hay chỉ ra bản chất khác biệt trong hệ thống kinh tế Nhật Bản. Tác giả Vogel chủ yếu bàn về tính cạnh tranh vượt trội của Nhật Bản, sự không sẵn sàng của Mỹ trong việc xem xét sự vươn lên của Nhật đã diễn ra như thế nào, và sự ngần ngại trong việc tìm ra các bài học tích cực có thể rút ra được (1979, tr. 225). Những tác giả khác coi Tokyo là theo đuổi mô hình tư bản chủ nghĩa không thể chấp nhận được: Nhật là một quốc gia tư bản phát triển nhưng lại áp dụng vai trò chỉ đạo của nhà nước trong nền kinh tế. Fallows đã mô tả mô hình kinh tế của Nhật bao gồm cả việc kiềm chế tiêu thụ trong nước, điều phối tiết kiệm cá nhân cho phát triển công nghiệp, giới hạn xuất khẩu những mặt hàng giá trị cao, và bảo vệ các ngành công nghiệp quan trọng mà Nhật còn lạc hậu (1989, tr. 41-47). Vogel tóm tắt đặc điểm chính trong các thảo luận tại Mỹ như sau: chính phủ Nhật đã bao cấp và bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước một cách không công bằng, sao chép công nghệ của phương Tây hơn là đầu tư vào nghiên cứu sáng tạo, và thường vi phạm các quy định về bản quyền và thuế quan (1979, tr. 225).

Về bản chất, Nhật dường như đã giành được lợi thế của trật tự kinh tế tự do và không cung cấp các lợi ích có đi có lại cho đồng minh quan trọng nhất và các đối tác kinh tế hàng đầu khác. Mặc cho quan hệ kinh tế và an ninh có vẻ thân thiết với Mỹ, điều này không ngăn việc Nhật bị coi là khác biệt trong trật tự, là một chủ thể dạng khác với các hệ thống giá trị riêng. Như Tạp chí Time đã bình luận vào năm 1971: “Nếu Nhật không theo đuổi các quy định quân tử trong thương mại, điều này không phải đơn thuần do lòng tham mà vì Nhật không theo đuổi các nguyên tắc của phương Tây trong hầu hết các vấn đề (trích từ Lefeber, 1997, tr. 359).

Những nhận định về Nhật Bản còn được liệt vào lĩnh vực thể chế. Nhật bị chỉ trích vì không thể gánh vác các trách nhiệm quốc tế tương xứng với vị thế kinh tế ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, khi Tokyo thể hiện rằng mình không hài lòng với vị thế trong cộng đồng quốc tế, các nỗ lực của Nhật để điều chỉnh điều này đều bị bác bỏ – ví dụ, Nhật không thành công trong việc tìm kiếm vai trò lớn hơn trong quản lý kinh tế toàn cầu, bao gồm cả việc giới thiệu các ý tưởng mới cho các tổ chức của hệ thống Bretton Woods về phát triển và quản lý khủng hoảng tài chính (Solis, 2014, tr. 146). Sự bác bỏ việc Nhật tìm kiếm vai trò lớn hơn vẫn tiếp tục mặc dù tiền hỗ trợ của Nhật cho Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã tăng và dù Nhật thành cổ đông lớn thứ hai ở cả hai tổ chức này nhưng Nhật không được hưởng sự gia tăng trong tỷ lệ bỏ phiếu một cách tương xứng.

Đây chỉ là một trong số những phản biện của Mỹ với những người cố gắng minh chứng lý do đằng sau cho mối quan hệ đồng minh an ninh sau chiến tranh lạnh và phương thức vận hành của mối quan hệ này. Các tranh luận khác biệt và có phần đối lập nhau này được đặt ra. Đầu tiên, và thuyết phục nhất trong số ba ý tưởng đã được trích dẫn về việc Nhật được đặt dưới “ô bảo hộ an ninh của Mỹ”: Nhật không chỉ vươn lên thành nguy cơ kinh tế hàng đầu với Mỹ, Nhật còn không chịu chia sẻ gánh nặng trong lĩnh vực an ninh hay cung cấp các mức độ hỗ trợ cần thiết và phù hợp cho đồng minh của Mỹ trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Cộng sản. Lập luận thứ hai chứng minh mối quan hệ phức tạp giữa kinh tế và an ninh và là một sự khác biệt hoàn toàn với tư tưởng truyền thống rằng an ninh quân sự được coi là tài sản công hơn là an ninh kinh tế; khoảng 68% người Mỹ vào năm 1990 tin rằng nguy cơ kinh tế từ Nhật lớn hơn nguy cơ an ninh từ Xô Viết (Lafeber, 1997, tr. 381; Mastanduno, 1991, tr. 74).

Tuy nhiên, lập luận thứ ba bao gồm cả một vài điểm không chắc chắn trong giả định về “ô bảo hộ an ninh”. Ví dụ, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra ý tưởng rằng một Nhật Bản phụ thuộc một cách chiến lược có thể đe dọa vị thế của Mỹ là một hệ quả tất yếu từ sự gia tăng sức mạnh kinh tế của Nhật (Layne, 1993, tr. 6) Học giả tân hiện thực Christopher Layne đã mô tả lập luận này một cách đầy đủ hơn; sự gia tăng trong sức mạnh tương đối của Nhật và của Đức có thể dẫn đến việc Tokyo “đạt được đầy đủ các tiêu chuẩn cần thiết cho sức mạnh của cường quốc.” Kết cục là mối quan hệ với Mỹ “trở nên ngày càng cạnh tranh, cạnh tranh an ninh giữa các cường quốc và ngay cả chiến tranh cũng có khả năng xảy ra, và hợp tác theo đó sẽ trở nên khó khăn hơn.”(1993, tr. 42).

....

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Rosemary Foot là nhà nghiên cứu cấp cao Khoa Chính trị và Quan hệ Quốc tế, Đại học Oxford, Anh, chuyên viên nghiên cứu danh dự Trường St Atony, Oxford. Bà cũng là chuyên viên nghiên cứu tại Học viện Anh quốc, Anh.

Bài viết được đăng trên The Pacific Review, Vol. 30, 2017.

Thùy Anh (dịch)

Văn Cường (hiệu đính)

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.