Sự rì rầm của quốc tế xung quanh cuộc bầu cử tổng thống của Rodrigo “Rody” Duterte (71 tuổi), thị trưởng lâu đời của thành phố Davao ở miền Nam Philippines, tập trung vào lối nói chuyện cứng rắn của ông về việc diệt trừ tội phạm và khôi phục mức án tử hình. Nhưng phần lớn tin tức của giới truyền thông về Duterte bỏ qua bức tranh lớn hơn. Duterte là một người thực dụng. Những sự bổ nhiệm ban đầu của ông cho thấy rằng ông ưa thích những người trung thành và những người đứng đầu năng động, những người sẽ nhận nhiệm vụ của mình.

Người dân Philippines đã bầu cho Duterte để thúc đẩy cải cách. Ông hy vọng sẽ làm giảm tình trạng tham nhũng, tội phạm và đói nghèo. Đó là một nhiệm vụ nặng nề – nhưng là một nhiệm vụ được người dân kỳ vọng kể từ Cách mạng quyền lực nhân dân vào năm 1986.

Cuộc cách mạng này đã diễn ra trong thời kỳ cai trị tàn bạo của Tổng thống Ferdinand Marcos (1965-1986) và do mối quan hệ mật thiết của ông này với Chính quyền Reagan mà Philippines đã được biết tới là “con bệnh của châu Á”. Chính quyền hiện nay (và sắp mãn nhiệm) của Tổng thống Benigno Aquino III đã góp phần vào sự hồi phục kinh tế của nước này, nhưng cuối cùng đã không thể đem lại sự tăng trưởng toàn diện. Trên mặt trận chính sách đối ngoại, Tổng thống Aquino đã thúc đẩy liên minh an ninh song phương với Washington, nhưng không thể làm sâu sắc quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của nước này.

Duterte mong muốn sẽ vượt qua cả hai sự thất bại này.

Từ cân bằng cho đến phòng ngừa

Kể từ thời hậu chiến, Manila đã trở thành đồng minh lớn không thuộc khối NATO của Washington ở khu vực. Quan hệ Mỹ-Philippines dựa trên Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) năm 1951, Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) năm 1999 và Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) năm 2014, thỏa thuận cho phép Hải quân Mỹ quay trở lại Vịnh Subic và cũng đồng thời cho phép Washington đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình ở Philippines. Các biện pháp này của Tổng thống Aquino và Ngoại trưởng Albert del Rosario của ông đã bổ sung cho chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Mỹ, trong đó có kế hoạch di chuyển phần lớn tàu chiến của Mỹ tới châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2020.

Mặt khác, Duterte dường như sẵn lòng tham gia các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc về Biển Đông. Ông ủng hộ hợp tác kinh tế mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh và chỉ trích liên minh Mỹ-Philippines. Hợp tác kinh tế – đầu tư vốn và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc thông qua Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) – có thể đẩy nhanh sự phát triển ở đất nước này.

Nỗ lực của Duterte nhằm duy trì những sự đảm bảo an ninh của Mỹ trong khi thúc đẩy hợp tác kinh tế với Trung Quốc được phản ánh trong phỏng đoán về việc Gilbert Teodoro sẽ là Bộ trưởng Quốc phòng kế tiếp. Đến lượt mình, Perfecto Yasay, cựu Chủ tịch Ủy ban chứng khoán và giao dịch, sẽ đóng vai trò là quyền Bộ trưởng Ngoại giao trong vòng một năm, cho đến khi vị trí này được chuyển giao cho nhân vật cùng tranh cử với Duterte, Thượng nghị sỹ Alan Peter Cayetano. Về tranh chấp Biển Đông, Yasay đã phát biểu rằng chính phủ mới sẽ chờ đợi phán quyết của Tòa án trọng tài ở La Hay. Trong khi Yasay biết rằng khả năng của Manila trong việc buộc thực thi bất kỳ phán quyết tích cực nào là hạn chế, Chính quyền Duterte có thể cho rằng một kết luận như vậy sẽ tăng cường ảnh hưởng của họ trong các cuộc đàm phán trong tương lai. Ý tưởng là “sử dụng mọi đường hướng thương lượng có thể có để giải quyết vấn đề này một cách hòa bình bởi chúng ta không ở thế tiến hành chiến tranh với bất kỳ ai hay tiến hành xung đột với bất kỳ ai”.

Khi Tổng thống Obama gọi điện thoại cho Duterte để chúc mừng ông về thắng lợi bầu cử, ông đã nêu bật “các cam kết chung về dân chủ, nhân quyền, pháp trị và tăng trưởng kinh tế toàn diện”. Đến lượt mình, Duterte đã hứa hẹn sẽ xây đắp các lợi ích chung, nhưng cũng nói thêm rằng “nếu không có gì thay đổi, tôi có thể quyết định tiến tới giải quyết song phương” các vấn đề ở Biển Đông.

Theo quan điểm của Duterte, hợp tác một phía với Mỹ có thể dẫn đến bất đồng không chỉ với Trung Quốc, mà còn cả với các phần tử cực đoan Hồi giáo ở trong nước. Xem xét các sự kiện trước đây, ông vẫn tỏ ra quan ngại về các hoạt động ngầm của Mỹ ở Philippines để gây bất ổn khu vực miền Nam nước này nhằm thúc đẩy một sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ ở khu vực.

Duterte ủng hộ sự phân quyền và quyền tự trị lớn hơn cho miền Nam. Đối với ông, chế độ liên bang là liều thuốc giải cho chế độ tập quyền quan liêu – một di sản của các chính quyền thực dân kiểu cũ và các triều đại chính trị cầm quyền nuôi dưỡng tham nhũng và bảo trợ. Duterte cũng sẽ phát động một cuộc tấn công quân sự lớn để tiêu diệt các phần tử cực đoan Abu Sayyaf ở hòn đảo Jolo miền Nam nước này.

Những kế hoạch cho sự tăng trưởng toàn diện hơn

Trước thắng lợi bầu cử của Duterte, thị trường chứng khoán Philippines đã lao dốc và đồng peso bị sụt giá. Tuy nhiên, tình trạng bất ổn của thị trường và sự bấp bênh về mặt kinh tế đã dịu đi khi Carlos G.Dominguez thuộc đội ngũ chuyển giao bật mí về chương trình nghị sự của Duterte.

Dominguez là bạn thời thơ ấu của Duterte và cũng là bộ trưởng tài chính tương lai của ông. Ông này là một doanh nhân rất được nể trọng của thành phố Davao với một bản thành tích dài trong các khu vực tư nhân và công cộng và ông cũng nôn nóng về kết quả giống như Duterte.

Trong khi chương trình nghị sự kinh tế của Duterte dường như phản ánh các chính sách trước đây, nó cũng báo hiệu sự thay đổi. Dựa vào chính sách kinh tế vĩ mô hiện nay, ông theo đuổi cải cách để đạt được một hệ thống thuế tiến bộ hơn. Dưới thời Aquino, đầu tư công vẫn ở mức quá thấp. Duterte sẽ đẩy mạnh chi tiêu cho cơ sở hạ tầng tới 5% GDP thông qua nhiều dự án Đối tác công-tư.

Khả năng tăng trưởng của nền kinh tế Philippines vào khoảng 6,5%/năm, trong đó phần lớn đến từ các lĩnh vực dịch vụ, xây dựng và chế tạo. Tương lai của các dịch vụ công nghệ thông tin cũng đầy hứa hẹn. Trong khi Duterte sẽ nỗ lực đẩy nhanh tốc độ của các động cơ tăng trưởng hiện nay, ông cũng sẽ thúc đẩy sản lượng nông nghiệp và tìm cách nới lỏng các điều khoản kinh tế của hiến pháp để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một nhiệm vụ mà Chính quyền Aquino đã thất bại trước đó.

Duterte có thể sẽ bổ nhiệm Leoncio Evasco Jr. làm tham mưu trưởng của mình. Từng là một vị linh mục và cũng là đối thủ phe cộng sản của Marcos, Evasco đã giữ chức thị trưởng và phụng sự trong một số chính quyền. Bất chấp giọng điệu thể hiện lòng tự tôn nam nhi của mình, Duterte có tiếng về những chính sách ủng hộ phụ nữ và các kế hoạch bổ nhiệm nhiều phụ nữ hơn vào các vị trí cấp cao của chính phủ. Thượng nghị sỹ Pia Cayetano, chị gái ứng cử viên cho chức phó tổng thống của ông đã được chỉ định xem xét bổ sung thêm nhiều nữ lãnh đạo tham gia chính phủ.

Ngoài việc tăng cường hệ thống giáo dục, Duterte lên kế hoạch tăng cường nguồn nhân lực bằng việc mở rộng chương trình chuyển giao tiền mặt có điều kiện (CCT) – phỏng theo mô hình thành công của cựu Tổng thống Brazil Luiz Lula da Silva. Việc này sẽ có tính chất quan trọng sống còn trong việc làm giảm sự phân cực thu nhập ở Philippines.

Căng thẳng và hy vọng trước lễ nhậm chức

Trong khi Duterte hy vọng sẽ thống nhất đất nước, ông không có đủ sự ủng hộ đối với các mục tiêu của mình. Trong khi vị lãnh đạo đã có tuổi của phe cộng sản, Jose Maria Sison, người bạn cũ của Duterte, hy vọng sẽ được trở về quê hương sau ba thập kỷ sống lưu vong, một hành động như vậy sẽ bị các nhân vật cấp cao của quân đội phản đối mạnh mẽ. Thượng nghị sỹ Antonio Trillanes IV, một cựu sỹ quan hải quân nằm trong số các nhà lãnh đạo của cuộc đảo chính bất thành vào năm 2003, cũng đã cảnh báo rằng những sự nhượng bộ đối với quân nổi dậy sẽ ngăn không cho Duterte tuyên thệ nhậm chức vào ngày 30/6.

Không giống các đối thủ bầu cử chủ chốt của mình – Phó Tổng thống Jejomar “Jojo” Binay, cựu Bộ trưởng Nội vụ Manuel “Mar” Roxas và Thượng nghị sỹ Grace Poe – Duterte lôi cuốn người dân Philippines như là một chính trị gia thực dụng đủ cứng rắn để dựa vào và vượt qua các chính sách của Aquino.

Ở trong nước, Duterte cần sự ổn định để ra hiệu cho giới tinh hoa rằng ông mong muốn thay đổi, chứ không phải là lật đổ. Trên bình diện quốc tế, môi trường kinh tế và chiến lược đòi hỏi phải có một hành động cân bằng tạm thời giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, thành công sẽ đảm bảo cho sự tăng trưởng toàn diện hơn ở trong nước và tình trạng căng thẳng ít leo thang hơn ở Biển Đông. Một cửa sổ cơ hội phi thường cho hòa bình, thịnh vượng và phát triển đang mở ra ở Philippines. Câu hỏi đặt ra là: Liệu tất cả các bên chủ chốt – Manila, Washington và Bắc Kinh – có nắm lấy cơ hội này hay không?.

Tiến sĩ Steinbock là nhà sáng lập ra nhóm Difference Group, đồng thời ông cũng là giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ, tại Mỹ. Ông còn là khách mời nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, Trung Quốc và Trung tâm Nghiên cứu EU, Singapore. Bài viết được đăng trên Georgetown Journal.

Văn Cường (gt)