Dù là cuộc gặp của Thủ tướng N. Modi với Tổng thống Mỹ Obama tại New York hay nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg tại thung lũng Silicon, cách tiếp cận của Ấn Độ với những vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu và quản trị mạng internet có thể nổi lên là những chương trình nghị sự hàng đầu. Bên cạnh đó, những thách thức của phát triển bền vững và cải tổ lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế cũng sẽ được thảo luận đặc biệt tại Liên Hợp Quốc.

Định hình lại các mối quan hệ song phương chính, Thủ tướng N. Modi đang có cơ hội để chấm dứt tình trạng phòng thủ đã len lỏi vào chủ nghĩa đa phương của Ấn Độ trong những thập kỷ gần đây. Ấn Độ dưới thời Thủ tướng J. Nehru đã đứng trên sức nặng quốc tế của mình tại Liên Hợp Quốc trong hàng loạt các vấn đề từ nhân quyền tới kiểm soát vũ khí hạt nhân. Ấn Độ không phải là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhưng lại có những ý tưởng lớn về điều hành lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên đến những năm 1960s, chủ nghĩa đa phương của Ấn Độ đã thoái hóa theo cách nói của cựu trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Shashi Tharoor thành “những bình luận đạo đức” trong các vấn đề quốc tế. Chủ nghĩa thế giới thứ ba của Ấn Độ đạt đỉnh cao trong những năm 1970s khi chủ nghĩa đa phương của Ấn Độ ngày càng trở thành khác thường.

Khi New Delhi đặt quá nhiều mục tiêu tham vọng toàn cầu như trật tự kinh tế thế giới mới thì tiếng nói của Ấn Độ đã kém đi hiệu quả và không ngạc nhiên khi những ngôn từ của New Delhi về trật tự kinh tế thế giới mới cũng gắn liền với việc ban hành tình trạng khẩn cấp trong nước hơn 4 thập kỷ trước đây.

Tệ hại hơn, Ấn Độ thường hành động chống lại lợi ích của chính mình trên trường quốc tế. Trong những năm 1970s-1980s, New Delhi đã chống lại những công nghệ trao quyền cho người dân và tăng cường đòn bẩy quốc tế của mình, như phủ sóng vệ tinh trực tiếp và dòng chảy thông tin xuyên biên giới, đều với lý do chủ quyền lãnh thổ.

Chủ nghĩa đa phương khác thường của Ấn Độ đã đến mức gay gắt bởi sự suy thoái kinh tế và tình hình chỉ được đảo ngược trong những năm 1990s khi Ấn Độ bắt đầu chính sách cải cách kinh tế và đạt được sự tăng trưởng kinh tế cao hơn. Kỷ nguyên cải tổ của Ấn Độ diễn ra đồng thời với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh đã tạo ra những rắc rối chính trị. Sự ngạo mạn mới ở phương Tây mà lịch sử nói rằng sẽ đi đến hồi kết lại phù hợp với sức thuyết phục rằng những thể chế siêu quốc gia có thể thay thế những đơn vị chủ quyền truyền thống của hệ thống toàn cầu và giải quyết mọi vấn đề trên thế giới thông qua những can thiệp hiệu quả.

Nếu như những ngôn từ phương Tây mới đã khiến Ấn Độ lo ngại về vấn đề quốc tế hóa Kashmir, New Delhi đã luôn bị giằng xé giữa sự cần thiết phải cải tổ kinh tế do nhu cầu của kỷ nguyên toàn cầu hóa và sự ủng hộ hạn chế trong nước đối với việc thay đổi cấu trúc. Vì thế, sự điều chỉnh thích nghi là miễn cưỡng.

Chủ nghĩa thực dụng mới dẫn dắt chính sách ngoại giao của Ấn Độ sau Chiến tranh Lạnh được thừa nhận là việc củng cố quan hệ với Mỹ như một công cụ để chống lại các sức ép đa phương. New Delhi không thể chấm dứt chủ nghĩa Apathai về hạt nhân với những ngôn từ tốt đẹp về giải trừ hạt nhân và tuyên bố rằng mình có hồ sơ hoàn hảo về không phổ biến vũ khí hạt nhân. Sự thay đổi lập trường của Ấn Độ trong trật tự hạt nhân toàn cầu chỉ có thể đạt được thông qua các hiệp định chính trị với các cường quốc thống trị hệ thống quốc tế. Đó là ý nghĩa của hiệp định hạt nhân dân sự lịch sử được ký năm 2005 giữa Thủ tướng M. Singh và Tổng thống G. Bush. Nhưng sự chống đối cải tổ, tính bài ngoại trần trụi của cánh tả và cánh hữu chính trị và sự ngờ vực sâu sắc đối với phương Tây đã khiến Ấn Độ khó khăn để vượt qua cách tiếp cận phòng thủ đối với toàn cầu hóa. Chỉ trong chính sách đối ngoại, Thủ tướng N. Modi mới phát đi những tín hiệu tích cực trong chuyển đổi chủ nghĩa đa phương của Ấn Độ.

Sau khi phản đối thỏa thuận Bali về an ninh lương thực, Thủ tướng N. Modi đã làm việc với Tổng thống Obama để tìm ra thỏa thuận mà hai bên đều có thể chấp nhận. Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, Thủ tướng N. Modi đã ám chỉ sự linh hoạt lớn hơn bởi việc nhấn mạnh tính cấp thiết của giảm thiểu biến đổi khí hậu và cam kết của Ấn Độ đối với kết quả của đối thoại tại Paris cuối năm nay. Trong lĩnh vực quản trị internet, Thủ tướng N. Modi đã chuyển Ấn Độ từ cách tiếp cận lấy nhà nước làm trung tâm một cách thái quá sang chủ nghĩa đa cổ đông thừa nhận vai trò của lĩnh vực tư nhân và xã hội dân sự. Những thay đổi này phù hợp với tham vọng của Thủ tướng N. Modi biến Ấn Độ thành một cường quốc dẫn đầu trên phạm vi toàn cầu, nhưng bất cứ sự tái định hướng quan trọng nào của chủ nghĩa đa phương Ấn Độ đều phải dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản sau:

Thứ nhất, thừa nhận chủ nghĩa đa phương là vấn đề quan trọng cho tương lai tăng trưởng và an ninh quốc gia của Ấn Độ. Sự mở rộng độc lập kinh tế của Ấn Độ với thương mại chiếm gần 50% GDP đòi hỏi New Delhi phải tích cực định hình môi trường quốc tế để trở thành người đề ra luật chơi. Nếu phản đối hết mức có thể là sắc sảo về chính trị nhưng sẽ phải trả giá đắt cho việc lỡ thời cơ hiện nay.

Thứ hai, Ấn Độ không thể coi ngoại giao đa phương như là góc nhỏ của Bộ Ngoại giao mà phải là công cụ để theo đuổi lợi ích quốc gia cũng như diễn tả các ý tưởng toàn cầu của mình. Tìm kiếm sự cân bằng tốt hơn giữa hai thái cực là chìa khóa cho chủ nghĩa đa phương thành công.

Thứ ba, New Delhi không được quên rằng các cuộc đàm phán đa phương bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các hệ thống quyền lực thế giới. Trong khi phải đàm phán cứng rắn, New Delhi cũng phải linh hoạt trong các thỏa hiệp hợp lý. Không như trước đây, Ấn Độ ngày nay đã có sức nặng kinh tế và một thị trường quy mô để đàm phán hiệu quả và nêu ra những vấn đề nhạy cảm phù hợp với lợi ích quốc tế cũng như phúc lợi toàn cầu.

Thế giới có thể đã sẵn sàng xem xét những lợi ích đặc biệt của Ấn Độ trong những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và quản trị internet nếu như Thủ tướng N. Modi đưa New Delhi theo con đường của chủ nghĩa đa phương thực dụng. Nhưng với Thủ tướng N. Modi, thách thức thực sự là ở trong nước khi để hệ thống tự nó cải cách hay từ bỏ di sản phòng thủ cố hữu là một việc không hề dễ dàng.

Theo The Indian Express

Văn Cường (gt)