21_6_13_bien_dong.jpg

Australia, Singapore và nhiều nước khác không muốn sống dưới cái bóng của Trung Quốc, nhưng chẳng mấy ai tin rằng các nước này có thể tránh việc tạo ra một số hình thức thích nghi với tham vọng và sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. Bằng cách này hay cách khác, Trung Quốc có thể sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo lớn hơn ở châu Á. Lúc đó, các nước rất muốn Mỹ can dự sâu hơn vào khu vực này nhằm giúp cân bằng sức mạnh, thiết lập giới hạn về vai trò lãnh đạo hoặc ngăn cản tham vọng bá chủ khu vực của Trung Quốc.

Vấn đề là Mỹ nhận thấy thách thức của Trung Quốc rất khác so với các nước ở châu Á. Đối với hầu hết các quan chức ở Washington, bất kỳ sự điều tiết nghiêm túc nào đối với những tham vọng của Trung Quốc là điều không tưởng. Cơ sở duy nhất cho mối quan hệ ổn định và bền vững giữa hai quốc gia hùng mạnh nhất thế giới này phải được dựa trên một nhận thức chung về sự bình đẳng giữa họ. Mỹ phải đối xử với Trung Quốc như một cường quốc bình đẳng, cùng đảm đương trọng trách lãnh đạo khu vực.

Đối với hầu hết các nước châu Á, điều này dường như là hiển nhiên, nhưng hầu như không có nhà lãnh đạo khu vực hay chính sách đối ngoại nào lại hoan nghênh việc này, vì họ hiểu rằng các nước được hưởng lợi lớn như thế nào từ sự lãnh đạo châu Á của Mỹ kể từ những năm 1970. Đồng thời, họ nhận ra rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng khó có thể bị bỏ qua. Châu Á không thể chuyển đổi kinh tế mà không có những thay đổi lớn về chiến lược và chính trị.

Thực tế, Washington vẫn chưa thể chấp nhận điều đó, cho rằng mục tiêu duy nhất trong chính sách châu Á của Mỹ là để bảo vệ tính ưu việt của nước này trong khu vực và đó cũng là những gì chính sách "xoay trục" sang châu Á của Tổng thống Barack Obama đang làm. Logic cơ bản của chính sách này là thuyết phục Bắc Kinh từ bỏ việc thách thức sự lãnh đạo của Mỹ ở châu Á bằng cách phối hợp gia tăng áp lực ngoại giao trong khu vực hoặc bởi các mối đe dọa không rõ ràng để sử dụng vũ lực nếu áp lực đó thất bại.

Nếu các nước còn lại ở châu Á ủng hộ Mỹ trong việc yêu cầu Bắc Kinh chấp nhận trở lại ưu thế vượt trội trước đây của Washington trong khu vực, và trong trường hợp Trung Quốc không chấp nhận thì nước này sẽ phải đối mặt với một cuộc đụng độ quân sự với Mỹ, khi đó Bắc Kinh sẽ thua.

Trung Quốc có thể sẽ không quá liều lĩnh để theo đuổi một vai trò lớn hơn trong khu vực, song nước này sẽ không từ bỏ tham vọng ấy. Đây là trọng tâm trong tầm nhìn tương lai của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và có vẻ như nó nhận được sự ủng hộ của đa số người dân. Vì vậy, Mỹ và các đồng minh, đối tác, chỉ có thể ngăn chặn sự quyết đoán của Bắc Kinh bằng những hành động gây thiệt hại thực tế cho Trung Quốc, và bất kỳ hành động nào như vậy cũng khó tránh khỏi những tổn thất và rủi ro tương tự cho Mỹ và những nước ủng hộ Mỹ.

Mặc dù các nhà hoạch định chính sách và giới phân tích Mỹ vẫn cam kết duy trì vai trò lãnh đạo của nước này ở châu Á, song họ chưa sẵn sàng thảo luận một cách nghiêm túc những gì cần thiết để đạt được điều đó. Họ tiếp tục bảo đảm với bạn bè và đồng minh ở châu Á rằng họ có thể đối phó một cách hiệu quả những tham vọng của Trung Quốc mà không gây tổn hại đến quan hệ với Bắc Kinh. Điều đó không thể xảy ra. Các nước thực sự muốn Mỹ can dự sâu hơn vào châu Á, nhưng không muốn ủng hộ chính sách hiện tại với sự kết hợp của các mục tiêu quá mức và các phương tiện không phù hợp. Các nước cũng không muốn khuyến khích Mỹ gia tăng sức ép để buộc Trung Quốc phải quay trở lại chấp nhận nguyên trạng, bởi vì họ sợ rằng điều đó sẽ dẫn đến đối đầu và xung đột.

Thực tế, các nước lo lắng rằng nếu không ủng hộ cách tiếp cận hiện nay của Washington và cứ để nước này cố gắng tự giải quyết với Trung Quốc, rất có thể Mỹ sẽ rút khỏi châu Á. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, dù ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử thống thống Mỹ vào tháng 11 tới. Vì vậy, “chúng ta có nên ủng hộ chính sách thiếu sót của Mỹ mà hầu như không đem lại nhiều hy vọng cho ổn định quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai vốn được coi là nền tảng của trật tự khu vực châu Á hay không? Hoặc nếu chúng ta không ủng hộ thì việc Mỹ rút khỏi bất kỳ vai trò chiến lược quan trọng nào ở khu vực có tạo ra nguy cơ hay không? Suy cho cùng, chúng ta nên bắt đầu một cuộc thảo luận trực tiếp, thẳng thắn với Washington về những gì chúng ta nhìn thấy ở châu Á và cách tiếp cận nào chúng ta muốn Mỹ thực hiện”.

Tác giả là Giáo sư Hugh White, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, Đại học Quốc gia Australia. Bài viết đăng trên “Diễn đàn Đông Á”.

Lê Quang (gt)