Nền kinh tế Philippines đã tăng trưởng 6,8% trong năm 2016, thành tích không thấp đối với một quốc gia có cơ sở hạ tầng nghèo nàn và không tương xứng. Manila vẫn luôn nhận thức rằng họ không có đủ vốn hay năng lực để nâng cấp hệ thống đường sá, hải cảng và sân bay. Điều không mấy ngạc nhiên là việc nhận hỗ trợ tài chính từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn, láng giềng của Philippines, đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của Tổng thống Rodrigo Duterte. 

Tuy nhiên, trong chưa đầy một năm cầm quyền, hướng đi nối lại quan hệ hữu nghị với Trung Quốc của Tổng thống Duterte trở nên “lung lay”: nguồn vốn của Trung Quốc vẫn chưa đổ về Philippines cũng như chưa có dự án cơ sở hạ tầng lớn nào được khởi công. Trong khi đó, các tàu hải quân Trung Quốc cập cảng Mindanao vẫn chưa có hành động nào để cải thiện tình trạng an ninh tại đây. Tình hình đã xấu đi nghiêm trọng sau sự trỗi dậy của các tay súng ở miền Nam Philippines. 

Với việc các lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã trở lại để hỗ trợ binh sĩ Philippines giành lại thành phố Marawi từ nhóm tay súng Maute, liệu Philippines có âm thầm quay lại bắt tay với Mỹ để nhận trợ giúp và liệu Tổng thống Duterte giờ đây có trở lại kế hoạch chiến lược ban đầu hay không? 

Việc Tổng thống Duterte ngả về Trung Quốc và cắt đứt quan hệ với Mỹ diễn ra hồi tháng 10/2016 tại Bắc Kinh, khi ông tuyên bố (dù thật hay đùa) rằng liên minh giữa Philippines và Mỹ đã “chết” và Mỹ “đã thua cuộc”. Khi sử dụng các từ ngữ cứng rắn như vậy, ông Duterte đã hy vọng về một loạt các dự án cơ sở hạ tầng được thúc đẩy bởi nguồn vốn cho vay lãi suất thấp của Trung Quốc, đặc biệt là để tài trợ cho kế hoạch nền tảng của ông: hệ thống đường sắt dài 830 km ở Mindanao kết nối các thành phố chính trên hòn đảo này. 

Tổng thống Duterte đã củng cố quan điểm thân Trung Quốc hồi tháng 4/2017 giữa các nhà lãnh đạo ASEAN khi ông quả quyết rằng ASEAN nên thừa nhận rằng không ai có thể đánh bại Trung Quốc ở Biển Đông và rằng việc tìm cách cùng tồn tại với họ (Bắc Kinh) là điều tốt hơn hết. 

Tuy nhiên, trong lúc Philippines thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống Duterte lẽ ra nên sớm cảm nhận rằng cam kết của Trung Quốc với Philippines rất khó được thực hiện. Tháng 3/2017, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương, khi thăm thành phố Davao, đã nói với ông Duterte rằng mặc dù Trung Quốc “vẫn ủng hộ” dự án đường sắt đầy tham vọng của ông, nhưng Trung Quốc chưa chắc chắn “làm thế nào để thực hiện”. 

Tuy nhiên, chính trong chuyến thăm Nga hồi tháng 5/2017, chiến lược của ông Duterte bắt đầu phá sản. Trước tiên, ông bị chỉ trích vì phớt lờ lời khuyên từ Bộ trưởng Quốc phòng Delvin Lorenzana rằng tình hình bạo lực ở Mindanao đang sắp xảy ra. Thứ hai, ông đã đánh giá quá cao khả năng triển khai trong chiến lược của ông: bởi Nga và Trung Quốc không đề xuất sự giúp đỡ thực sự nào trong lúc các binh sĩ Philippines vật lộn để giành lại Marawi. 

Nga không có khả năng triển khai lực lượng quân sự bởi họ đang sa lầy ở Syria nhằm hậu thuẫn Tổng thống Bashar Al-Assad; và Trung Quốc không muốn bị xem là can thiệp vào Mindanao bởi họ đang tập trung vào việc mở rộng hoạt động quân sự ở Biển Đông. 

Nhưng nếu thậm chí Trung Quốc sẵn sàng cung cấp hỗ trợ quân sự cho các binh sĩ Philippines, thì các tướng lĩnh của ông Duterte cũng không đồng ý với ông. Trước tiên, giới lãnh đạo quân sự của Manila đã được Mỹ huấn luyện và mối quan hệ này có từ nhiều thập kỷ qua. Chiến dịch Tự do Vĩnh cửu, kéo dài từ năm 2002 đến năm 2015, đã chứng kiến các binh sĩ Mỹ huấn luyện quân đội Philippines trong hoạt động chống tội phạm và các nhóm Hồi giáo nổi dậy ở Mindanao. Đến năm 2014, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã có các quan chức bán quân sự cấp cao chia sẻ thông tin tình báo với các đối tác Philippines. Hợp tác hai bên là rất sâu rộng, thân mật và kéo dài. Hơn nữa, rất nhiều tướng chỉ huy của Philippines đang giám sát các hoạt động quân sự ở Mindanao từng là học giả của chương trình học bổng Fulbright hay Eisenhower, và rất nhiều người khác đã sống hoặc có gia đình định cư ở Mỹ. Bởi vậy, khi Tổng thống Duterte tuyên bố hồi tháng 10/2016 rằng “những người Philippines sống ở Mỹ không phải là người Philippines nữa, họ là người Mỹ”, ông đã làm nổi giận một số đồng minh quân đội của ông. 

Tuy nhiên, lực lượng quân đội Philippines đã tỏ ra tức giận nhất khi Tổng thống lôi kéo họ vào cuộc chiến chống ma túy, làm suy yếu khả năng chiến lược của lực lượng vũ trang. 
Rạn nứt giữa chính phủ và quân đội cuối cùng đã nổ ra hồi đầu tháng 6 này khi các tướng lĩnh quân đội quyết định tự tay giải quyết vấn đề. Họ đã kêu gọi sự trợ giúp từ Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ để giành lại Marawi từ các phần tử khủng bố. Tổng thống Duterte khẳng định ông không yêu cầu Mỹ can thiệp ở Mindanao và thừa nhận hôm 11/6 rằng “các binh sĩ của chúng ta rất thân Mỹ, điều tôi không thể phủ nhận” - một động thái cho thấy các tướng lĩnh đã không hỏi ý kiến của ông trong việc yêu cầu sự trợ giúp từ Mỹ. Sự chuyển hướng bất ngờ này cho thấy ông Duterte không phải là nhà lãnh đạo quyền lực như ông tự mô tả. 

Ông Duterte đang ở trong tình thế phải đánh giá lại các chính sách lớn sau một năm cầm quyền, bởi sự ca ngợi mà ông giành cho Trung Quốc và Nga gần như không mang lại kết quả gì. Cùng lúc đó, các dự án cơ sở hạ tầng của ông Duterte bị trì hoãn ngày một nhiều thêm, và hòa bình ở Mindanao dường như khó có thể đạt được hơn bao giờ hết bởi thành phố Marawi đã trở thành thảm họa nhân đạo. Nếu ông Duterte không muốn gây thêm sự thù hận giữa người Bangsamoro ở Mindanao và chính quyền, thì ông phải vạch ra lại các chiến lược an ninh, phát triển và cơ sở hạ tầng mới.

Theo Strait Times

Văn Cường (gt)