dong-nhanh-dan-te-co-the-tang-3-5-trong-nam-2014.jpg

Tóm tắt

Những biến động gần đây của đồng tiền Trung Quốc là điển hình cho những điều tốt đẹp nhất và tồi tệ nhất của một thế giới toàn cầu hóa mà ở đó những phát triển ở một nơi ngay lập tức có thể làm thay đổi những tính toán chính trị và tài chính của các chính phủ ở những nơi khác. Trong phần lớn lịch sử loài người, các cộng đồng, các nền văn hóa và các nền kinh tế trên thế giới tồn tại độc lập với nhau, tách biệt nhau bởi những khoảng cách rộng lớn và địa hình khó khăn. Chẳng hạn, sẽ phải mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm để các tin tức từ Trung Quốc đến được châu Âu qua các tuyến đường thương mại lớn Con đường tơ lụa trong thời kỳ hoàng kim của nó khoảng 1.000 năm trước đây. Thậm chí sau đó, các cộng đồng dọc theo tuyến đường đó khó có thể được coi là hoàn toàn cố kết.

Nhưng rõ ràng là không còn trường hợp như vậy. Và hiện nay, khi Trung Quốc tiếp tục điều chỉnh đồng nhân dân tệ, các thị trường trên khắp thế giới sẽ phản ứng theo, ngay cả khi họ phản ứng một cách khác nhau.

Phân tích

Có một vài lý do đằng sau quyết định của Trung Quốc, nhưng nó vẫn khiến nhiều người ngạc nhiên. Trong công cuộc tìm kiếm sự ổn định, Trung Quốc đã gắn đồng tiền của mình với đồng USD kể từ năm 1994, thường ở một giá trị tương đối thấp so với đồng USD. Trong những năm 2000, sự kết nối đã giúp Trung Quốc giữ cho các mặt hàng xuất khẩu của mình có tính cạnh tranh với thế giới phát triển tiêu thụ sản phẩm đầu ra của nước này. Sự sụp đổ kinh tế của phương Tây vào năm 2008 đồng nghĩa với mô hình này không còn có thể hoạt động đúng chức năng, và Trung Quốc bắt đầu tìm cách tăng mức tiêu thụ để người tiêu dùng trong nước có thể lấp đầy lỗ hổng do thị trường quốc tế mất dần đi bỏ lại.

Trung Quốc đang thay đổi

Chuyển từ một mô hình kinh tế do xuất khẩu dẫn dắt sang mô hình do tiêu thụ dẫn dắt có thể được mô tả là thay đổi từ giống như Đức sang giống như Mỹ, và Trung Quốc đã tìm cách sao chép một số lợi thế mà Mỹ đã tạo ra cho chính mình trong cùng một vai trò. Một trong những lợi thế đó là vị trí thống trị của đồng USD trong thương mại thế giới, điều đồng nghĩa với người tiêu dùng Mỹ có thể lún sâu vào nợ nần và nhu cầu toàn cầu đối với đồng USD sẽ trì hoãn thời điểm mà điều này dẫn đến một cuộc khủng hoảng khi các khoản nợ đó bị đòi về một cách thê thảm. Do đó, Trung Quốc tìm cách phát triển việc sử dụng đồng nhân dân tệ trên phạm vi quốc tế, có tiến bộ trong những nỗ lực của mình để thực hiện điều đó. Bước tiếp theo sẽ là để đồng nhân dân tệ được chấp nhận đưa vào giỏ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Quyền rút vốn đặc biệt. Tuy nhiên, IMF đã nói rằng Trung Quốc sẽ cần phải tự do hóa đồng tiền của mình trước khi một bước tiến như vậy có thể xảy ra. IMF đưa ra quyết định 5 năm một lần, ban đầu được định ra là vào tháng 11 năm nay, mặc dù thể chế này gần đây đã thông báo rằng sẽ không thực thi bất kỳ thay đổi nào cho đến tháng 10/2016.

Trong khi đó, việc neo giá vào đồng USD đã hỗ trợ cho chiến lược của Trung Quốc khi đồng USD mạnh lên trong hai năm qua tạo điều kiện cho đồng nhân dân tệ mạnh lên cùng với nó so với các đồng tiền trôi nổi khác trên thế giới, nâng cao vị thế của người tiêu dùng Trung Quốc và giúp chuyển đổi từ một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu sang dựa vào tiêu thụ. Nhưng nhu cầu toàn cầu thấp đã không tạo ra một môi trường tốt cho sự thay đổi đó, và tăng trưởng đã không ổn định trong thời gian này, tuột đến 7% trong năm nay. Việc chuyển từ một nền kinh tế do xuất khẩu định hướng sang tiêu thụ định hướng là đầy nguy hiểm, và xuất khẩu cần phải chống đỡ đủ lâu để người tiêu dùng Trung Quốc phát triển - và xây dựng các nền tảng như đồng tiền dự trữ. Khi lượng xuất khẩu tháng 7 cho thấy một sự sụt giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tất cả những dấu hiệu này dường như chỉ hướng tới việc nới lỏng kiểm soát, điều vừa làm hài lòng IMF vừa giúp đẩy mạnh xuất khẩu nếu đồng tiền của Trung Quốc tiếp tục suy yếu như nhiều người trên thị trường trông đợi.

Những tác động

Trong thế giới toàn cầu hóa, nơi mà mọi nền kinh tế đểu được kết nối với tất cả các nền kinh tế khác, những tác động của một sự thay đổi giống như của Trung Quốc có thể được cảm nhận ở khắp mọi nơi. Các nền kinh tế lớn nhất thế giới có xu hướng phối hợp với nhau trong suốt lịch sử tài chính hiện đại, với các ngân hàng trung ương lựa chọn thắt chặt hay nới lỏng lãi suất, thường là liên tiếp nhau nhanh chóng. Nhưng những hành động trong hai năm qua đã chệch khỏi quy tắc này. Trong khi một nhóm hiện đang xem xét tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2008, thì một nhóm khác vẫn đang theo đuổi chương trình nới lỏng định lượng, một phần được thiết kế để làm giảm giá trị các đồng tiền và kích thích tăng trưởng. Việc Trung Quốc rời khỏi đồng USD, đặc biệt nếu đồng nhân dân tệ giảm giá trị hơn nữa so với đồng USD, đưa nước này từ nhóm đầu tiên hướng tới nhóm thứ hai, với những hậu quả rõ ràng:

Mỹ và Anh

Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, Mỹ và Anh được cho là những nước đầu tiên áp dụng chính sách tiền tệ quyết đoán để kích thích nền kinh tế của họ. Chương trình nới lỏng định lượng đã được theo đuổi ở cả hai bờ Đại Tây Dương, và có thể kết quả là hai nền kinh tế này đã dẫn đầu công cuộc hồi phục trong vài năm qua. Do đó, trong 12 tháng qua thế giới tài chính đã tập trung vào một câu hỏi chủ chốt: Khi nào Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2008? Ngân hàng Anh đang phải vật lộn với một tình thế khó xử tương tự. Việc tăng lãi suất sẽ được coi như là bước đầu tiên hướng tới “trạng thái bình thường” sau giai đoạn giá cực thấp kéo dài, và vốn đã chảy từ các thị trường mới nổi sang Mỹ để đề phòng.

Chỉ riêng sự tăng trưởng không đều đặn và mức năng suất thấp, cùng với số liệu lạm phát thấp dai dẳng ở cả hai nước, đã khiến các ngân hàng trung ương của họ trì hoãn việc tăng lãi suất, nhưng những con số tạo công ăn việc làm mạnh mẽ gần đây khiến nhiều người trên thị trường hy vọng Mỹ sẽ có thay đổi vào tháng 9/2015 (và Anh vào đầu đến giữa năm 2016). Nền kinh tế Mỹ không đặc biệt dựa vào xuất khẩu, không bị ảnh hưởng bởi một số hạn chế của sức mạnh tiền tệ, điều thường gây tổn hại cho xuất khẩu. Nhưng động thái mới nhất của Trung Quốc tạo ra một loại tiền tệ khác mà so với nó đồng USD có thể cao giá hơn. Hiện giờ, tăng lãi suất có thể sẽ khiến đồng USD mạnh hơn bao giờ hết, đến mức mà nó có thể trở thành một vấn đề đối với nền kinh tế Mỹ. Khi đó, cải tổ của Trung Quốc có thể đã làm thay đổi câu trả lời cho câu hỏi tài chính lớn nhất trong năm; những kỳ vọng của thị trường đối với việc tăng lãi suất đã lùi lại đến tháng 12 và thậm chí có thể rời sang năm 2016

Các thị trường mới nổi

Các thị trường mới nổi đã trải qua một vài năm quá nóng. Xuất khẩu hàng hóa ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh có được một giai đoạn bùng nổ từ năm 2000 đến năm 2008, khi Trung Quốc tiêu thụ nguyên liệu của họ như là một phần trong bộ máy sản xuất và đầu tư của Trung Quốc đã duy trì giá cả trong một vài năm sau đó. Nhưng giá cả hàng hóa toàn cầu đã giảm kể từ năm 2011, với các nền kinh tế của Brazil, Nigeria, Nga và một số vùng của châu Á phải hứng chịu nhiều nhất, bằng chứng là các đồng tiền của họ đều đặn mất giá. Sự mất giá của đồng nhân dân tệ làm giảm sức tiêu thụ của Trung Quốc, và không có gì ngạc nhiên đồng tiền của các thị trường mới nổi tiếp tục giảm giá. Mỗi khi đồng nhân dân tệ yếu đi, nó tạo ra thêm vấn đề cho những nước này, bởi nhiều người đã chào đón vốn của phương Tây trong những thời kỳ tốt đẹp và giờ đây có các khoản vay bằng đồng USD khá lớn trong bảng cân đối kế toán tư nhân mà việc trả lại chúng đang ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Nhật Bản và khu vực châu Âu

Trong khi đó, đồng nhân dân tệ mất giá đã làm cho Nhật Bản và các đồng tiền của Khu vực đồng euro nổi lên. Diễn biến này có vấn đề bởi vì cả hai đã thực hiện chính sách nới lỏng định lượng, một phần để làm giảm giá trị đồng tiền của họ. Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 12/2012, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã theo đuổi một chiến lược ba mũi nhọn được thiết kế để đưa Nhật Bản ra khỏi tình trạng vô vọng về kinh tế trong hai thập kỷ qua. Mũi tên thứ nhất liên quan đến nới lỏng tiền tệ, một phần để giảm giá trị của đồng yên và kích thích tăng trưởng do xuất khẩu dẫn dắt và lạm phát. Kế hoạch này đã không phát huy tác dụng. Lạm phát vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% của nước này, xuất khẩu trong tháng 7 đã giảm so với năm trước, và tăng trưởng rất không đáng tin cậy, với GDP quý II thu hẹp ở tỷ lệ hàng năm là 1,6%. Ngay cả trước khi Trung Quốc tái tổ chức tiền tệ, cuộc thảo luận đã bắt đầu rằng tốc độ nới lỏng định lượng, vốn tăng gấp đôi trong năm 2014, sẽ cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Các đồng tiền châu Á đang sụt giá có liên quan đến Nhật Bản sẽ chỉ làm gia tăng những lời kêu gọi này, nhưng có những rắc rối đối với việc tăng cường nới lỏng định lượng.

Cái gọi là Abenomics đã đánh mất sự ủng hộ của công chúng. Ngay cả bên trong chính quyền, Abe và người đứng đầu Ngân hàng Nhật Bản Haruhiko Kuroda cũng đã bị chia rẽ về cách thức tốt nhất để tiến hành. Ông Abe đã thúc đẩy việc nới lỏng hơn nữa. Ông Kuroda, có lẽ ý thức hơn về những rắc rối từ việc Ngân hàng Nhật Bản đã sở hữu một phần đáng kể thị trường sẵn có về trái phiếu chính phủ Nhật Bản, thúc đẩy củng cố tài chính. Sự khác biệt quan điểm này đối với những quyết định của Abe, chẳng hạn như để trì hoãn việc tăng thuế tiêu dùng theo kế hoạch, và các chính sách khác liên quan đến quân đội của Nhật Bản, đã khiến chính quyền có mức độ được lòng dân thấp nhất kể từ khi lên nắm quyền (38% vào tháng 7, giảm từ 46% trong tháng 6). Cuộc thử nghiệm lớn của Abe đang bên bờ vực thất bại, hạn chế khả năng của thủ tướng gia tăng nỗ lực của mình cả về chính trị lẫn kinh tế. Có lẽ sắp đến lúc ngừng Abenomics lại. Trong trường hợp như vậy, thật khó để tưởng tượng Abe sẽ vẫn tại vị.

Tại châu Âu, chương trình nới lỏng định lượng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã làm đồng euro yếu đi, cải thiện các nền kinh tế Khu vực đồng euro. Cuộc thảo luận về việc ECB gia hạn chương trình nới lỏng định lượng qua thời điểm kết thúc theo kế hoạch của nó vào tháng 9/2016 đã bắt đầu. Quyết định này về mặt kỹ thuật sẽ không có vấn đề như ở Nhật Bản, do chương trình nới lỏng định lượng của châu Âu không diễn ra lâu như vậy và ECB có thể vượt qua bất kỳ tình trạng thiếu trái phiếu có sẵn nào bằng cách mở rộng giới hạn tự áp đặt của mình để mua thêm trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, nếu châu Âu xem xét kéo dài chương trình của mình, có thể có những khó khăn trong việc thuyết phục Đức về ưu điểm của nới lỏng định lượng, có khả năng tạo ra các vấn đề chính trị không đáng có vào một thời điểm khi lục địa này đã bị chia rẽ sâu sắc./.

Theo “Stratfor

Viết Tuấn (gt)