ASEAN(1).jpg

 

ASEAN, một thời được ca ngợi là tổ chức đa phương kiểu mẫu và là tổ chức chuyên đề xuất những cải cách tích cực cho khu vực, giờ đây đang vấp phải sự xáo trộn. Ngày 12/7 vừa qua, Tòa Trọng tài đã ra phán quyết về Biển Đông, được xem là chiến thắng của Philippines, một nước thành viên ASEAN, trước Trung Quốc. Chỉ trong thời gian ngắn, người ta đã nhận ra rằng đây chỉ là một chiến thắng vô nghĩa. Tại cuộc họp diễn ra từ ngày 21-26/7 giữa ASEAN và các nước đối tác tại Lào, những rạn nứt trong ASEAN trong vấn đề Biển Đông đã được thể hiện rõ.

Điều gì lý giải cho sự mất đoàn kết này? Đơn giản đó chính là lợi ích của Trung Quốc trong một ASEAN đang chia rẽ. Trung Quốc nổi lên từ thời Chiến tranh Lạnh như một thế lực chi phối bán đảo Đông Dương, đặc biệt có ảnh hưởng lớn ở Campuchia. Trong các cuộc thảo luận nội bộ của ASEAN về lựa chọn câu chữ cho tuyên bố chung, Campuchia đã bác bỏ việc nêu tên Trung Quốc trong đoạn về Biển Đông. Thất bại trong việc đưa ra một tuyên bố chung đã lộ rõ. Nếu ASEAN không thể thể hiện một tiếng nói chung mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông, thì đến khi nào tổ chức này mới có thể lên tiếng?

Một nhà ngoại giao ASEAN giấu tên nói: “Thật không thể tin nổi Campuchia. Họ cản trở việc đưa nội dung liên quan đến Tòa Trọng tài (ở La Hay) và về hoạt động quân sự hóa (của Trung Quốc) trên Biển Đông vào tuyên bố chung”. Một nhà ngoại giao khác từ Indonesia nói rõ rằng: “Ngôi nhà chung của chúng ta đang rất hỗn loạn. Chúng tôi không muốn ASEAN giống như Liên minh châu Âu. Chúng tôi muốn cứu ASEAN và làm cho tổ chức này có sự đoàn kết trở lại”.

Tình hình hiện nay gây nguy hại hơn nữa cho ASEAN. Tổng thống Philippines mới đắc cử Rodrigo Duterte đã quyết định tiến hành đối thoại trực tiếp với Trung Quốc, cho dù các nước đối tác ASEAN đang bị Trung Quốc lên án. Cuối tháng 8/2016, một quan chức Trung Quốc cấp cao đã xác nhận rằng các cuộc liên lạc “quan trọng trong hậu trường” nhằm thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-Philippines đang được tiến hành. Sau đó, cuối tháng 9/2016, Manila tuyên bố rằng ông Duterte sẽ tới thăm Bắc Kinh vào tháng 10/2016.

Cho dù điều gì nổi lên từ “mớ hỗn độn” này đi chăng nữa, chúng ta cũng không thể hy vọng về sự thay đổi trong chính sách của Trung Quốc vốn từ lâu tìm cách chia rẽ ASEAN. Cuối những năm 1990, ASEAN đã mở rộng kết nạp thêm các thành viên Việt Nam, Myanmar, Lào, và cuối cùng là Campuchia. Điều trớ trêu rằng, một lý do cho việc mở rộng khi đó được các nhà ngoại giao ASEAN nêu ra đó là sự cần thiết để ngăn chặn các nước này rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc, từ đó gây chia rẽ Đông Nam Á.

Logic đó đã không đúng với thực tế. Kể từ sau đợt mở rộng, đã có nhiều lần ASEAN không đạt được sự đồng thuận tại các cuộc họp. Sau các cuộc thảo luận nội bộ ASEAN về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, một số nước thành viên được cho là đã “kể lại” với Bắc Kinh về quan điểm của các nước ASEAN khác đối với Trung Quốc. Có thể dễ dàng đoán được các nước đó chính là Campuchia, Lào và Myanmar. Các quốc gia này đang muốn Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của họ và không muốn có quan hệ an ninh đặc biệt thân thiết với các cường quốc khác nằm ngoài khu vực. Nhu cầu hợp tác với Bắc Kinh lớn hơn sự hợp tác “mơ hồ” trong ASEAN.

Mỹ và các đối tác của họ trong khu vực không thể ngồi yên nhìn Trung Quốc “thành công” trong việc chia rẽ ASEAN. Với một ASEAN bị chia rẽ, khu vực này hiện trở nên bất ổn hơn. Nếu Mỹ không thể phản đối Trung Quốc bằng cả lời nói và hành động, ASEAN vẫn sẽ phải tiếp tục hứng chịu tổn thất từ chính sách thực dụng của Trung Quốc.

Tác giả Nicholas Khoo là Giảng viên Cao cấp tại Khoa Chính trị, Đại học Otago, New Zealand. Bài viết đăng trên “CSIS”.

Mỹ Anh (gt)