us-china-strategic-and-economic-dialogue.jpg

Điều mà ít người nói tới trong tuần qua là tuyên bố về kế hoạch hành động 100 ngày về lĩnh vực kinh tế Mỹ-Trung. Đó là một văn bản bình thường cam kết về thương mại song phương, đầu tư, trong đó đề cập tới gia cầm, thịt bò và các biện pháp quản lý tài chính mà không phải là vấn đề chiến lược lớn hay thỏa thuận lớn. Văn bản này có thể mang lại lợi nhuận về kinh tế cho Mỹ nếu Trung Quốc có thể bị thuyết phục về việc mở cửa thị trường với những điều khoản "có đi có lại". Trung Quốc sẽ bắt đầu nhập khẩu khí đốt tự nhiên để đáp ứng nhu cầu năng lượng của họ trong phạm vi giới hạn xuất khẩu của Mỹ cho các nước không có Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Mỹ.

Về mặt chính trị, đây là một bước đi quan trọng dù vẫn có những phản đối trong nội bộ Mỹ đối với bất cứ thỏa thuận thương mại nào với Trung Quốc, cho thấy xung đột thương mại Mỹ-Trung đến giờ đã được ngăn chặn. Cùng với bản kế hoạch hành động là cam kết gửi một đoàn đại biểu Mỹ tới dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" được tổ chức tại Bắc Kinh ngày 14-15/5. Vậy tác hại của văn bản này là gì?

Người ta vẫn chỉ trích Chính quyền Trump về việc Mỹ đang mất dần ảnh hưởng tại châu Á bởi Mỹ thiếu những chính sách kinh tế khu vực ngoài sự phủ nhận những thỏa thuận thương mại đã có từ thời cựu Tổng thống Barack Obama. Kết quả là Mỹ đã thụt lùi về sự tín nhiệm ở khu vực. Đây chính là ý chính trong bài bình luận về chính sách đối ngoại gần đây của hai chuyên gia Mỹ nghiên cứu về Trung Quốc là Ely Ratner và Samir Kumar. Hai tác giả đã so sánh sự tương phản giữa các biện pháp ngẫu nhiên của Mỹ với các sáng kiến đầy toan tính của Trung Quốc về "Vành đai và Con đường".

Trung Quốc đang triển khai tầm nhìn rõ ràng để thu hút các quốc gia từ châu Á, châu Phi, Trung Đông và châu Âu. Diễn đàn này đã thu hút hơn 1.200 đại biểu từ 110 quốc gia, trong đó có 29 nguyên thủ quốc gia. Ấn Độ và Nhật Bản là hai thành viên châu Á còn giữ khoảng cách thận trọng đối với sáng kiến này. Đối với một số nhà phân tích, quyết định của Mỹ trong việc cử một đoàn đại biểu tới diễn đàn này đáng được hoan nghênh như là một tín hiệu về sự trưởng thành của Chính quyền Trump - một sự sửa chữa từ quan điểm lạnh lùng thờ ơ của ông Obama đối với Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB).

Hãy cùng phân tích kỹ hơn về điểm thứ 10 trong kế hoạch hành động này: Mỹ công nhận tầm quan trọng của sáng kiến "Vành đai và Con đường" và gửi đoàn đại biểu tới tham dự Diễn đàn trên. Điều gây ấn tượng chính là việc ngụ ý công nhận "tầm quan trọng" của sáng kiến do Trung Quốc khởi xướng. Trên Twitter, ông Ely Ratner đã so sánh những từ ngữ này với việc Ngoại trưởng Mỹ Tillerson bắt chước những lời lẽ của Trung Quốc nói về quan hệ song phương Mỹ-Trung khi ông tới thăm Bắc Kinh sau khi nhậm chức. Từ ngữ và các cụm từ có ý nghĩa đối với Trung Quốc nhiều hơn các nước khác bởi người Trung Quốc đặt nhiều hàm ý trong đó. Đồng ý về ngôn từ là thắng lợi hơn một nửa cuộc chiến đối với các quan chức Trung Quốc.

Đối với các nhà đàm phán của Chính quyền Trump, những người "mới" về lĩnh vực ngoại giao, đặc biệt đều đi lên từ lĩnh vực kinh doanh, coi khuôn khổ này có vẻ như không quan trọng so với những lợi ích về thương mại và kinh tế có được trong kế hoạch hành động này. Trung Quốc thực sự đang theo đuổi chủ nghĩa thực dụng của ông Trump với một loạt gói thỏa thuận trơ tráo, trong đó có tin cho rằng Trung Quốc yêu cầu sa thải Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, Đô Đốc Harry Harris, để đổi lấy việc nước này hợp tác trong vấn đề Triều Tiên.

Các bài phát biểu ban đầu của Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Rex Tillerson về Trung Quốc đều quá nóng nảy nhưng hiện giờ chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc có vẻ như ngược lại. Kể từ cuộc gặp thượng đỉnh tại Mar-a-Lago, bang Florida, các yếu tố chiến lược và thương mại đã mở đường cho hợp tác Mỹ-Trung. Mỹ dựa vào Trung Quốc như là một yếu tố then chốt trong chính sách "gây áp lực và can dự" có hiệu quả hơn đối với Triều Tiên.

Tại Biển Đông, sự phản đối của Mỹ đối với hành vi xâm lấn của Trung Quốc đã thất bại và cũng không có gì cho thấy một chiến lược về định hướng hoạt động của Washington ở khu vực này. Không có hoạt động tự do hàng hải (FONOP) nào của Mỹ được công khai thực hiện kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đến nay. Tàu khu trục USS Carl Vinson không còn tiếp tục đi theo định hướng "sai lầm" sau thời gian bị điều đến Bán đảo Triều Tiên hồi tháng trước. Nó cũng chuyển hướng đi xung quanh khu vực Biển Đông mặc dù đây là đoạn đường xa hơn nhiều so với lộ trình chỉ đi qua lại vô hại thông thường trên Biển Đông. Bất kể có trục trặc gì trong liên lạc về phía Bộ Quốc phòng Mỹ thì sự thiếu vắng của FONOP và việc tàu khu trục của Mỹ chuyển hướng di chuyển không phải là ngẫu nhiên đối với Bắc Kinh.

Trong khi một số đồng minh và đối tác của Mỹ "thở phào" do Washington đã chấp nhận biện pháp mang tính hòa giải hơn đối với sáng kiến "Vành đai và Con đường", một số nước khác lại tức giận với chuyển biến này. Nhật Bản rất cảnh giác với bất cứ dấu hiệu nào của cuộc gặp song phương Mỹ-Trung theo mô hình G2 mà có thể phớt lờ những lợi ích của Tokyo. Đặt những lo ngại về an ninh sang một bên, Nhật Bản chắc chắn phải rất tức giận về kế hoạch hành động Mỹ-Trung và việc tham gia sáng kiến đó của Mỹ sau khi bị đặt vào tình thế khó khăn ở Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà đối với Tokyo là một sự tiếp cận ưu tiên vào thị trường của Mỹ. Ấn Độ cũng lánh xa sáng kiến này với cùng lý do như Nhật Bản, dù Ấn Độ ít bị ảnh hưởng trực tiếp hơn bởi là một nước không liên minh thì họ vẫn rất thận trọng với sự thất thường của Mỹ.

Tại Đông Nam Á, trong khi Chính quyền Trump gần đây đã chuyển sang liên kết với các đồng minh và đối tác thông qua các diễn đàn song phương và đa phương nhưng kết quả của hội nghị Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mới đây tại Manila không mang lại nhiều hy vọng về một lập trường thống nhất trong vấn đề Biển Đông. Tất cả những điều này đều diễn biến theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.

Không có gì ngạc nhiên nếu Mỹ có thể sẽ chuyển hướng sang một chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc khi sự khác biệt trong lợi ích quốc gia tại châu Á giữa Mỹ và Trung Quốc được phơi bày sau những kỳ vọng về Triều Tiên hay những va chạm tại Biển Đông. Chính những thay đổi đột ngột trong định hướng chính sách đang làm giảm đi sự tin tưởng và đáng tin cậy của Mỹ - điều vốn đã bị suy giảm thời gian qua.

Tác giả là ông Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế thuộc Viện nghiên cứu Lowy. Bài viết đăng trên tờ “The Interpreter”.

Nhật Linh (gt)