20170124001295343668-original.jpg

 

Trong tuần đầu tiên làm việc tại Nhà Trắng, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhanh chóng thực hiện chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” thông qua một loạt sắc lệnh hành pháp. Thương mại và nhập cư là hai trọng tâm trong chính sách đối ngoại của ông Trump. Chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” có một số hàm ý cho việc hoạch định chính sách đối ngoại, theo đó những ý tưởng thúc đẩy chính sách đối ngoại hiện nay sẽ cần phải đáp ứng những lợi ích cụ thể của nước Mỹ. Do đó, những người phản đối ông Trump phần lớn không được xem xét vào các vị trí trong chính quyền mới.

Chính sách thương mại của Mỹ hiện nay dường như thiên về song phương hóa, và điều này có thể sẽ đẩy các đồng minh của Mỹ vào tình thế khó khăn. Việc quá nghiêng về chủ nghĩa song phương ít nhất có thể khiến cho vai trò của Mỹ tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) giảm sút. Chính sách châu Á của Mỹ có thể nhanh chóng biến thành chính trị hóa, và các đồng minh của nước này có thể gặp khó khăn hơn trong đánh giá chiến lược về giá trị của họ trong khu vực.

Tuy nhiên, giống như những người tiền nhiệm, Tổng thống Trump đã và sẽ vấp phải khó khăn trong Quốc hội. Chính sách châu Á luôn phản ánh sự giằng co giữa Nhà Trắng và Quốc hội. Các nhà lập pháp Mỹ luôn có một mối quan tâm đặc biệt về quan hệ của Mỹ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc (PRC). Kể từ khi chính quyền Nixon theo đuổi bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh trong những năm 1970 của thế kỷ trước, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc luôn gây tranh cãi gay gắt trong Quốc hội.

Đã có những dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ thúc đẩy can dự sâu vào châu Á để làm đối trọng với Trung Quốc. Khi đắc cử Tổng thống, ông Trump đã nhiều lần viết trên trang mạng cá nhân Twitter về việc sẵn sàng xem xét lại chính sách “một Trung Quốc”. Ông còn có cuộc điện đàm với Tổng thống Đài Loan là bà Thái Anh Văn. Một số nhân vật thân cận với ông Trump cũng đã viết trên Twitter về sự cần thiết phải cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh, đồng thời tăng cường sức mạnh hải quân trong khu vực để ngăn chặn sự bành trướng lãnh hải của Trung Quốc .

Trong khi đó, một số cố vấn của ông Trump cho rằng Mỹ cần thực hiện tiếp cận “hòa bình thông qua sức mạnh”. Một số đồng minh châu Á của Mỹ đã lên tiếng ủng hộ biện pháp này. Tuy nhiên, việc leo thang căng thẳng với Trung Quốc - đặc biệt là trong vấn đề Đài Loan vốn rất nhạy cảm - có thể làm cho mối quan hệ quân sự vốn đã khó khăn, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington trở nên khó đoán định.

Ngược lại với chính sách “tái cân bằng” sang châu Á của Mỹ dưới thời chính quyền Barack Obama, chính quyền mới của Mỹ có thể sẽ không có chính sách châu Á nào nổi trội. Thay vào đó, chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” sẽ là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, nếu “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump gạt các đồng minh ra bên ngoài thì nó có thể kích động và tạo ra một làn sóng chống Mỹ ở khu vực này.

Về lâu dài, câu hỏi đặt ra sẽ là châu Á phản ứng với chính quyền Trump như thế nào? Liệu các nước đã ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có tiếp tục thúc đẩy hiệp định này mà không có Mỹ hay không? Hay họ sẽ ủng hộ thỏa thuận song phương với Mỹ, đảm bảo tiếp cận thị trường? Trong khi nhiều nước ở châu Á tìm kiếm sự hợp tác chiến lược và kinh tế chặt chẽ với Mỹ, các nhà lãnh đạo châu Á có thể thấy rằng người dân của họ ít có khuynh hướng thỏa hiệp với Washington nếu chính quyền Trump quá coi trọng chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết”.

Tác giả Sheila A. Smith là học giả cao cấp thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) của Nhật Bản. Bài viết đăng trên “Diễn đàn Đông Á”.

Lê Quang (gt)